Ti-Hu
là một chú chim, một chú chim trong mộng tưởng. Trên bộ lông óng ả của
chú, điểm một chút màu vàng của mặt trăng, một chút màu hồng của hừng
đông, và còn lại là màu xanh da trời. Chú rất nhỏ. Chú nhỏ đến nỗi người
ta tưởng chừng như chú là một cậu bướm, và chú có thể biến mất trong
lòng của một bông hoa.
Chú tên là Ti-Hu, chắc chắn rằng do tiếng kêu rất dễ thương của chú : Ti-Hu, Ti-Hu... lúc chú chuyền từ nơi nầy qua nơi nọ.
Chú
sống trong một miền huyền diệu và xa xôi. Ở đó, những ngôi đền cổ kính
mà người ta gọi là chùa, được trang hoàng bằng những bức tượng đồng đen
và vàng ròng. Rừng núi miền nầy rất rậm rạp. Cây cối cổ thụ và bát ngát,
chằng chịt lấy nhau, khiến người ta không thể nào bén mảng tới đây
được. Đó chính là giang sơn của những thú dữ.
Ti-Hu không tiến vào sâu nữa, vì trong đó rất âm u. Ti-Hu lại thích ánh sáng quang đãng.
Giữa
khu rừng rậm và ngôi chùa, có một khoảng không gian tuyệt diệu, trải
dài bằng những hồ nước linh thiêng, mọc đầy sen. Chính trong khung cảnh
thần tiên nầy, Ti-Hu vô tư bay chuyền nhởn nhơ... Chiều đến, muốn ngủ,
chú lại bay về đậu trên một cành cây ven rừng.
Nhưng
bé có thể tưởng tượng được rằng chú Ti-Hu dễ thương kia lại có một kẻ
thù? Phải, đó là Lu, một con rắn tinh quái, đang ghen tức vì vẻ đẹp của
chú, một vẻ đẹp mê hồn có sức hấp dẫn cả đến những cặp mắt khó tính nhất
và phải đem lòng mến thương. Trong khi đó, lão rắn độc kia lại bị mọi
người khinh bỉ, nên luôn phải lẻn núp mình dưới những viên đá.
- Ta sẽ ăn sống nuốt tươi mi! – lão Lu rít lên dữ tợn, khi lão nhận ra Ti-Hu.
Chú Ti-Hu vẫn thản nhiên, không chút lo sợ. Chú đã có đôi cánh mà!
Nhưng
chiều nọ, chú đậu trên một cành cây cao. Chú chưa ngủ. Chú bỗng thấy
lão rắn quỉ quyệt đang cuốn mình quanh cành cây và từ từ tiến về phía
chú. Ti-Hu vội tung mình lên và bay, bay thật nhanh, không thèm nhìn lại
con vật ác độc. Bé nên biết rằng: Khi một con rắn chú mục thôi miên một
con chim, chắc chắn thế nào con vật hiền từ bé bỏng nầy cũng bị hại.
Con chim sẽ không thể nh1uc nhích. Nó sẽ yếu ớt lung lay đôi cánh, khẽ
kêu lên một tiếng ai oán, và, mặc dầu lo sợ, nó cảm thấy như bị thu hút
về phía con rắn với đôi mắt đầy quyền lực ma thuật đang nhìn chằm chọc,
không rời nó một giây. Con vật đáng thương, đang đầy sinh lực, sẽ bỗng
biến mất trong chiếc mõm con rắn.
Ti-Hu cũng biết điều đó. Chú lo lắng và không trở lại đậu trên cành cây nữa.
- Thằng lỏi nó ngủ đâu kìa? –
lão Lu tự hỏi mỗi khi chiều đến... Phải rồi. Nó ở tuốt trên kia, trên
một trong những tháp nhỏ của ngôi đền. Thế là lão Lu lại có một trò giải
trí, là được uốn mình trườn lướt từ viên đá nầy qua viên đá nọ, tiến về
phía cái tháp nhỏ kia. Lão sắp sửa chộp được Ti-Hu thì một chú thằn lằn
bò qua, rất lẹ. Chú chim Ti-Hu nhà ta, đang say sưa trong một giấc ngủ
nhẹ nhàng, bỗng thức giấc và thật lẹ làng, chú bay biến đi mất.
Nhưng
rồi mỗi khi chiều đến, chú Ti-Hu đáng thương không biết phải đi đâu...
Cuối cùng, chú nảy ra một ý nghĩ: Ở bên bờ hồ thiêng kia, có một tượng
Đức Phật rất lớn, bằng đá, luôn nở một nụ cười đầy vẻ nhân hậu, từ bi.
Ti-Hu bay lên đậu ở trên tay bức tượng. Chả hiểu rồi chú có thể qua một
đêm yên lành không?
Không.
Phải rồi. Không, vì Lu đã thấy chú. Người ta không hiểu làm sao lão ta
lại có thể cuốn quanh bức tượng to lớn thế kia để chuyền ra tới cánh
tay, và nhô chiếc đầu dẹt của lão ra, ngay trên Ti-Hu. Ti-Hu, thoáng
chút kinh ngạc, ngửng cổ lên, và đôi mắt chú bắt gặp ngay đôi mắt lão
rắn ác độc và tinh quái.
Chú
Ti-Hu đáng thương, tim đập mạnh. Chú biết chú sắp bị nuốt tới nơi rồi.
Lão rắn vẫn gắn chặt đôi mắt vào chú. Chú Ti-Hu, như một người bị tê
liệt, thấy rõ cái miệng đang há rộng trước chú, chiếc lưỡi chẻ đôi lè
ra, những cái răng, những chiếc móc nhọn chứa đầy chất độc... Phải, chú
thấy tất cả chứ chả phải không thấy, nhưng chú không thể chạy trốn được
nữa. lão Lu rướn cái đầu dẹt tới từ từ, mắt vẫn nhìn chăm chăm, không
chịu rời con vật đáng thương đang run rẩy. Cái miệng tiến gần... tiến
gần hơn nữa... và bỗng chốc, không thấy con chim đâu nữa. Lão rắn quái
ác tức đến tím gan, vẫn để nguyên cái miệng há rộng trước bàn tay trống
không của tượng Đức Phật.
Cho
đến bây giờ, người ta vẫn chưa hiểu được sự việc lúc đó xảy ra như thế
nào. Họ kể lại rằng Đức Phật đã khẽ nâng ngón tay có chú chim đậu lên,
để chú đánh đu trên đó. Có kẻ lại nói rằng chính một ngọn gió đã đưa chú
chim nhỏ bé lên, rất nhẹ, và đem chú tới đặt ở một chỗ khác...
Nhưng
sự thực thì Ti-Hu, vào cái giây phút mà chú sắp bị vồ, đã rơi xuống
trên lòng một bông sen, lúc đó đang mở ra như một cái chén, ở trên mặt
hồ. Và, vì đó là giờ mà đóa sen kia khép lại để ngủ, nên nó đã giữ Ti-Hu
lại. Nó xếp những cánh hoa lại, khỏa lấp trên mình Ti-Hu, giấu kín chú
trong cái nôi êm ái và xinh đẹp kia một chủng loại mới.
Người ta cũng nói rằng, chính kể từ đó mà loài rắn đã biết bơi, vì muốn tìm lại Ti-Hu đang an giấc trong lòng đóa sen trắng.
(TH.)
(cổ tích Trung Hoa)
(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 190, ra ngày 1-12-1972)
Không có nhận xét nào:
Không cho phép có nhận xét mới.