Có bao giờ các bạn say sưa ngắm con cò – cò thật chứ không phải cò giấy của anh Hà Tĩnh đâu nhé – đứng yên một chân trên đồng ruộng để rình mồi, cá hoặc tôm tép, không?
Say
sưa thì chắc không có nhưng nhìn sơ thì tôi tin bạn cũng có nhìn. Với
đôi chân, cái cổ và mỏ dài ghê gớm nhưng... cò trông đẹp lắm đấy chứ
phải không các bạn? – tuy rằng nó có vẻ hơi buồn và hay suy tư một chút – Có bao giờ các bạn thắc mắc không hiểu vì sao cổ cò dài thế? Chân cò sao cao quá và mỏ cò sao cũng lại quá dài?
Có
bao giờ các bạn tự đặt câu hỏi: "Quái, sao cò nó không kêu ríu rít như
chim sẻ hay các loài khác mà cứ trầm tư mặc tưởng như một nhà hiền triết
thế kia?
Dù
có hoặc không thắc mắc, tôi cũng xin mời các bạn thử ngược dòng thời
gian trở về thời xa xưa, để xem vì sao loài cò lại có hình dạng lạ lùng
và vẻ mặt u sầu như thế?
Nào,
Các bạn biết không?
Ngày xưa, đã lâu lắm rồi con cò còn là một giống chim mà các bạn không bao giờ tưởng tượng nổi.
Hãy giả sử rằng đó là một con chim bói cá nhưng lớn hơn và khác mầu. Nghĩa là con cò – chúng ta hãy gọi cò là Patu cho dễ nhớ –
trước là một chú chim với cặp mỏ cứng rắn, ngắn và nhọn với cái đầu hơi
lắc lư cắm giữa bộ lông mượt như tơ, với đôi chân gấp dưới bụng ấm áp.
Và khi bác chim bói cá làm cho hàng lau bên bờ sông có vằn bởi bộ lông
mầu kim khí và xanh lơ, thì chú cò Patu làm cho lá súng trên ao có vằn
mầu xám trắng.
Patu
đã kết bạn với anh chàng chim gõ kiến Kipic sống ở khu rừng bên cạnh.
Kipic ngày xưa vẫn có hình dạng giống các con cháu chim gõ kiến ngày
nay. Đó là một con chim xanh to lớn, chân có vuốt nhọn để bấu chặt vào
thân cây. Nhưng, Kipic tỏ ra rất u buồn, luôn luôn tối tăm và lầm lì,
rất ư là trái ngược với sự vô tư của Patu.
Chú
cò anh hùng của chúng ta có một tính xấu thật nặng. Tôi chắc bạn nào
cũng biết và không ít thì nhiều đều... giống Patu: đó là tính háu ăn. Cò
ta thường tự đãi mình bằng những con cá có thịt thật mềm, thứ cá tươi
ngon hơn hết và nó nuốt cá sống sau khi đã vờn chơi vài lần trong không
khí. Những chú cá nạn nhân ấy vùng vẫy dưới ánh mặt trời trông như lưỡi
dao bạc lấp lánh. Mỗi ngày Patu hay là là trên mặt sông hay ao hồ chăm
chú nhìn đến tận đáy nước hơi đục. Cuối cùng nó khám phá ra nhiều con cá
có thể làm thỏa mãn sự kén ăn của nó.
Ngay
khi cặp mắt sáng quắc của Patu khám phá ra một bóng đen thoáng qua, nó
yên lặng rình giây phút bóng ấy đến gần mặt nước và nhả ra vài quả bóng
không khí vỡ tan... Bấy chừ, clac! Cặp mỏ nó gắp ngay con cá măng hay cá
bống như một gọng kìm cứng rắn và... Patu nuốt vào.
Một
ngày kia, lúc Patu bay tìm mồi trên mặt ao, nó chợt thấy một loại cá lạ
mà nó chưa thấy bao giờ ở mãi tận đáy ao. Nó bỗng thấy thèm được nếm
thử thịt cá ấy xem sao. Than ôi! Chúng cách xa Patu quá và dường như
chúng đang quay tròn để trêu Patu. Patu nhúng mỏ xuống nước. Chưa đến
đáy ao. Nhúng sâu hơn một tí, ướt cả lông bụng rồi. Nhưng vô ích, nó chỉ
làm cho đàn cá lạ xôn xao một chốc rồi đâu lại vào đấy, chúng lại vui
vẻ xoay tròn để trêu tức Patu.
Patu hết kiên nhẫn. Nó cảm thấy bay như thế này mệt quá. Dạ dày cồn cào vì đói, nước bọt tiết ra đầy mỏ.
- A! – cuối cùng nó kêu lên – Phải chi tôi có cặp chân khá dài để đứng yên trong nước chờ cơ hội thuận tiện.
- Ta chấp thuận ước vọng của nhà ngươi – Một giọng nói sắc lạnh vang lên cạnh Patu.
Đó
là ông tiên già bé nhỏ râu tóc dài bạc phơ coi sóc về tất cả loài vật,
đứng trên một chiếc lá súng đang nhìn Patu với một vẻ nhạo báng.
- Tôi van ông – Patu khẽ nói.
- Được!
Và... kìa! Chân Patu bỗng dài, dài ra, mảnh mai và cứng như cây sậy bên bờ sông, dài ra đến tận đáy bùn trong ao.
Kỳ quái quá, như đứng trên hai cây cà khêu. Patu lại bắt đầu bay là là như lúc nãy. Ông tiên già đứng gần nó, xem xét.
Nhưng
đàn cá luôn trêu chọc Patu, quay tới, quay lui, xoay vòng, thả nhiều
quả bóng nước và một lần nữa, Patu không còn nhẫn nại được.
- A! – nó kêu lên – Nếu cổ và mỏ dài hơn nữa để ta có thể nhúng xuống tận đáy nước!
- Chỉ có thế thôi? – Ông tiên hỏi lại Patu.
- Vâng ạ, xin ông giúp tôi lần nữa.
Vừa dứt lời, mỏ Patu bỗng dài ra trên chiếc cổ cũng đang dài ra, dài ra.
- Ô! Tôi cao quá và chân tôi xa đầu quá.
Nó
cúi đầu xuống mặt nước để đớp những con cá nghịch ngợm mà khó bắt này.
Nhưng chợt nhận ra bóng mình hiện trên mặt nước trong như gương, Patu
buột miệng kêu một tiếng ngạc nhiên lẫn đau khổ:
- Tôi đây à? Tôi như thế này à? Trời, tôi xấu quá sức tưởng tượng!
Và nó quay chiếc cổ dài đến kinh khủng sang ông tiên già:
- Thầy, thầy, tôi van thầy, hãy trả lại cho tôi hình dạng ban đầu.
- Không - thể - được – vị tiên gằn giọng đáp từng tiếng một – Tôi không thể hoàn lại những gì tôi vừa làm. Mi sẽ giữ mãi hình dạng này, chú có "bô" giai của tôi ơi!
Và ông cương quyết trượt trên mặt nước bằng chiếc lá súng nhỏ xa dần, xa dần...
Lúc
ấy Patu nghe một tràng cười lạ lùng và lanh lảnh: đó là ông bạn Kipic
đang cười diễu hắn và vừa bay quanh Patu với vẻ khinh khỉnh ra mặt.
Nhưng, đây là lần đầu tiên Kipic cười nên giọng cười của Kipic nghe thật
kỳ quái.
Từ ngày đáng ghi nhớ ấy, loài cò xuất hiện với hình dáng thật xấu xí – quá dài và quá ngốc nghếch –
và cũng từ đó về sau, ta thấy cò luôn luôn có một diện mạo u sầu trong
khi trên rừng cây luôn vọng lại giọng cười kỳ quái của chàng chim
Gõ-kiến buồn bã ngày trước.
CHÍ NHI
(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa số 35, ra ngày 25-12-1965)
Không có nhận xét nào:
Không cho phép có nhận xét mới.