Trần tướng công sắp chết. Món ám khí mà Lâm Hổ – tên cướp rừng khét tiếng –
dùng thật là lợi hại: nó đã xuyên thủng Hộ kính tâm, đâm thẳng vào
cuống tim Ngài ; những chỗ món ám khi xuyên qua, thịt, da, xương rã ra
như bột, mầu xám như tro. Thật là một thứ khí giới ghê gớm, lạ lùng,
đáng sợ, một thứ khí giới mà không ai hiểu hắn đã chế biến cách nào, với
vật liệu gì.
Vậy
mà Ngài chẳng hề tỏ vẻ bận tâm về tính mệnh Ngài. Điều Ngài canh cánh
bên lòng là: Ngài chết đi thì quân của Lâm Hổ càng được dịp khinh thường
quân sĩ triều đình. Nằm lặng trên giường bệnh, Ngài suy nghĩ cách nào
để giấu kín cái chết của mình mà Ngài biết rằng sắp đến. Vả chăng, Ngài
còn tiên đoán rằng nếu quân sĩ hay tin dữ này, chắc chắn họ sẽ ngã lòng
hơn.
Vị
phó tướng họ Lê, và người vệ sĩ đồng tính với Trần tướng quân đều một
lòng nài nỉ xin được gấp băng rừng về kinh đô rước quan Ngự Y của Hoàng
Đế đến để tìm phương cứu cấp cho Ngài, song Trần tướng quân lắc đầu, một
mực từ chối, mà rằng:
-
Vô ích, ta biết mệnh ta. Ta không còn sống lâu đâu. Không khéo, trong
lúc hai ngươi chưa đến kinh thành thì ta đã tắt thở rồi, việc quân vắng
hai người lại càng thêm rối. Hãy nghe ta!
Trần
tướng quân là một người dũng lược, nhiều nghị lực và can đảm. Song vì
phải đóng quân ở một nơi hiểm trở lâu ngày, lại có tuổi mà còn bị thương
nặng trong cuộc giao tranh, nên bệnh tình thập phần nguy hiểm. Tuy
nhiên, trước sự lo lắng của thuộc hạ, người vẫn tỏ ra điềm tĩnh. Ngài
nói tiếp sau khi ngừng lại để thở, bằng một giọng khó khăn và mệt nhọc:
-
Sau khi ta tắt thở rồi, các ngươi phải hết sức kín đáo, đừng cho tin
này lộ ra ngoài. Chờ đêm khuya, mang xác ta ra vùi ở ven rừng – chớ mang tận thung lũng –
và nhất là đừng bày nghi lễ rườm rà mà binh sĩ và quân thù biết được.
Sau đó, Phó tướng hãy dùng lời lẽ ôn tồn, phủ dụ tên tướng giặc ta bắt
được hôm kia, rồi thả nó về...
Vệ sĩ họ Trần gầm lên, đôi mày dựng ngược:
-
Bẩm, tướng quân tha tội chết, con không thể nào... chính mắt con trông
thấy tên khốn phóng ám khí, giết trộm tướng công. Phải chi hắn đường
đường chính chính ra mặt giao tranh với tướng công... Không! Tha làm sao
được...
- Phải nghe ta, đó là một lệnh! Nếu ngươi giết hắn mà ta sống được thì ta chẳng ngăn cản làm gì, đằng này...
Vệ sĩ họ Trần cúi đầu. Lê Phó tướng nói:
- Tôi xin tuân lệnh Ngài, có điều tôi không hiểu tại sao Ngài lại có ý muốn tha tên giặc lợi hại ấy?
-
Bọn chúng là hạng người đa sát, nhưng không phải hoàn toàn vô lương.
Nếu ta dùng đức mà cảm hóa chúng, chắc chúng hồi tâm. Ta ngần này tuổi,
đã nhiều lần vào sinh ra tử, ta chán cảnh chém giết dã man quá rồi. Tiếc
thay! Ta không còn sống được để... Nhưng thôi, ta tin ở tài của Phó
tường, hãy thay ta trong việc cầm quân và nếu có thể, tránh đổ máu... Ta
đã xông pha trong rừng gươm biển giáo quá nửa đời người, ta biết chắc
chắn một điều này: chinh chiến là tàn khốc, là phi nhân, là bi thảm.
Người ta phải giết cho kỳ được đối thủ, bằng bất cứ phương tiện gì. Vậy
hai người chớ căm phẫn làm chi.
Giọng
Ngài thấp xuống rồi im bặt. Trần tướng quân cố chống cự với cơn đau.
Nét mặt Ngài biểu lộ một cố gắng ghê gớm, làm cho hai người thân tín
phải đau xót quay đầu không dám nhìn cảnh ấy.
Vài phút sau, hai người quay lại, Trần tướng quân đưa mắt ra hiệu cho hai người cúi đầu gần mình đoạn thì thào:
- Hãy nhớ, cố tránh... Thôi! Vĩnh biệt các người. Hãy nhớ làm y lời ta, thế là thương, kính ta đó, nhé?
Trong
nháy mắt, Ngài tắt thở. Toàn thân thâm tím rất mau. Hai người thân tín
nhất của Ngài vừa kinh hoàng, vừa đau xót đến lặng người đi. Nhưng họ
đều không dám khóc, bởi họ còn nhiều việc phải làm giữa lúc này. "Điều
thứ nhất là lặng lẽ, âm thầm, lén lút mai táng Trần tướng công, đúng
theo lời trăn trối cuối cùng của Ngài. Còn mọi việc thì hẵng gác lại,
ngày mai sẽ tính". Lê Phó tướng thì thầm với người bên cạnh bằng một
giọng điềm tĩnh khác thường.
*
Trời
nắng to. Ai nấy mồ hôi nhễ nhại. Nhưng tất cả đều phải cố gắng chỉnh tề
từ hàng ngũ cho đến quân dụng, quân trang, y như họ sắp dự một cuộc
diễn binh trong ngày quốc lễ, hay là có quốc khách đến thăm. Từ góc sân
cho đến xó bếp, từ chỗ ngủ cho đến nơi ăn, nhất nhất đều phải gọn gàng
sạch sẽ. Các mũi giáo, thanh gươm được chùi bóng lộn. Riêng chỗ tiếp
khách ở Đại sảnh lại càng đặc biệt.
Đỉnh
trầm cũng như các món binh khí cặm thẳng hàng san sát ở hai chiếc giá
gỗ bên hai góc tường đều sáng quắc, sáng đến cái độ hai anh binh sĩ tre
trẻ vốn ưa làm dáng được cắt hầu hạ trong Đại sảnh thích quá, cứ dừng
lại ngắm bóng mình trong đó, cười khung khúc với nhau hoài.
Mấy
bức rèm bằng nhiễu cũ mèm, đầy bụi bám cũng được thay vào bằng một loạt
nhung xanh thẫm, thứ mầu xanh cám dỗ của Đại dương, làm cho hai anh lại
tiêng tiếc khi nhìn ngắm, vì chợt nhớ lại mẹ mình đã cản ngăn, không
cho được vào Thủy quân như lòng hằng ao ước.
Tận
trong cùng, Quân kỳ bằng nhung vàng, viền lụa tím, chính giữa thêu một
hình chim Đại bàng đang soãi cánh. Phía phải lồng trong khung kính trong
suốt không một gợn bụi, tấm lụa bạch nổi bật bốn chữ đen "TẬN TRUNG BÁO
QUỐC" do chính Hoàng Đế tặng Trần tướng công trong dịp Ngài đại thắng
quân Chiêm.
Nhưng
đáng để ý nhất là một bức tranh treo bên trái, một bức tranh với nét
bút trẻ trung, tươi mát làm ấm, dịu cả lòng người khi nhìn ngắm. Trên
nền vóc ngà, một chú gà sống nom như thật đang vươn cổ và một góc tùng
xanh biếc đang tắm trong mưa. Bên dưới một hàng chữ nhỏ, nét rắn
rỏi, đại ý: "Mùa đông rét buốt, tùng bách vẫn xanh. Mưa gió tối tăm, gà
sống vẫn gáy".
Vừa thu dọn, tên lính trẻ vừa gợi chuyện:
- Tớ không ngờ Trần tướng quân lại văn võ kiêm toàn thế. Anh trông, nét vẽ thua gì những họa sĩ tài danh?
- Ừ, nhỉ!
- Nghe đâu người còn vẽ nhiều bức lắm cơ, vẽ tranh là thú giải trí duy nhất của người lúc rỗi rãi đấy...
- Thế à? Hay nhỉ!
-
Mà người rất thẳng tính, không phải giống như những quan lại ở kinh
đâu. Vào chầu, có gì trái tai, chướng mắt là người phản đối liền.
- Ghê nhỉ!
- Tội nghiệp! Mấy hôm nay người mệt nặng, chắc tại vết thương nó hành...
- Thế à?
-
Chỉ tại thằng giặc khốn kiếp nó bắn trộm người, ấy thế mà người lại
không cho giết phăng nó đi, lại cứ tỏ ý khoan hồng muốn tha kia, kia
chứ.
- Thế ư?
-
Ơ hay, cái nhà anh này, nói chuyện với anh chán bỏ xừ đi. Anh không có
được một câu, một lời cho ra hồn. Này, tớ hỏi thật: Anh không biết nói
gì khác hơn mấy tiếng: "Ghê nhỉ" "Thế ư?" với lại "Hay nhỉ?" "Ừ nhỉ" hay
sao?
Người lính trẻ cau mày hỏi bạn, bạn anh ôn tồn:
- Sao lại không? Nhưng từ nãy giờ anh có cho tôi nói đâu? Anh nói, anh nói, anh nói mãi kia mà... Anh có cho tôi góp ý đâu?
- Ừ nhỉ, tớ quên khuấy đi chứ. Nào, bây giờ đến lượt anh. Anh trình bày ý kiến đi! Nói chuyện đi! Tôi nghe đây!
- Tôi biết trình bày thế nào, cái gì bây giờ?
Người lính trẻ khoa tay và đưa mắt ra chung quanh một lượt:
-
Thiếu gì chuyện nói, chẳng hạn chuyện cái ông phó tướng kỳ quặc nhà
mình đây này: trong lúc chủ tướng đang ốm, nằm liệt mà ông ta hành chúng
mình thu dọn trang trí như thể sắp đón Hoàng thượng đến đây không bằng.
Chả lẽ ông ta sung sướng thấy Trần tướng quân ốm nặng ư? Lại chấp chới
hi vọng được thay chắc? Còn lâu...
- Chớ nói nhảm, chúng ta thì biết gì những chuyện quân cơ?
-
Nhưng tôi thấy tất cả những trang trí, sắp đặt suốt hai hôm nay, không
kỳ quặc bằng chuyện ông ta bắt hai đứa mình ra bờ suối nhặt sỏi...
- Nhặt sỏi? Để làm gì thế?
- Nào bố ai biết được, mà lại còn dặn chúng ta nhặt xong phải kỳ cọ, rửa ráy cho sạch sẽ nữa kia.
- Lẩn thẩn nhỉ?
- Thế mới ngộ, mà chưa hết đâu, rửa xong lại cho vào cái dĩa đựng hoa quả bằng bạc kia kìa.
- Úi trời ơi! Tôi hết tin anh. Anh là chúa vẽ sự...
-
Vẽ sự! (anh lính trẻ cáu sườn lên, gắt bạn) rồi anh hãy cứ giương đôi
mắt ốc nhồi của anh ra mà trông, hãy cứ làm y như tôi rồi khắc biết tôi
có vẽ sự hay không.
*
Tên
tướng giặc được mở trói và điệu đến trước mặt Lê Phó tướng ở Đại sảnh.
Hắn nhìn lên, chiếc ghế giữa dành cho Trần tướng quân vẫn bỏ trống. Lê
phó tướng dáng trầm ngâm, ngồi ở chiếc ghế nhỏ, đặt chếch bên tay phải.
Giữa hai người, khoảng cách là một tấm da hổ lót trên nền nhà. Trên
chiếc bàn (bằng thứ gỗ quí có khảm xà cừ ở rìa bàn và bốn chân) đặt một
bộ ấm tách mầu đất nung và hai chiếc dĩa bạc có chân, thứ dĩa người ta
vẫn dùng đựng hoa quả đặt trên bàn thờ gia tiên trong các đại gia, một
chiếc đựng đầy quả rừng và chiếc nữa đựng toàn là sỏi (đá cuội).
Một
dĩa bạc khác, nhỏ phân nửa hai chiếc dĩa đựng hoa quả và đá cuội, đựng
mươi miếng trầu đã têm xong, và cũng đâu ngần ấy miếng cau tươi bổ sẵn,
vỏ xanh ngăn ngắt và ruột đỏ như gạch tôm, trông ngon cả mắt. Nghiên son
đặc gật và đỏ chói khiêm tốn trong cùng bên cạnh ống gỗ tiện đựng hai
chiếc bút lông, mỗi chiếc một mầu mực và cuốn niên lịch đang mở ngỏ, sát
bên tay Phó tướng họ Lê. Chừng như người vừa buông sách xuống vì sự có
mặt của tên tướng giặc khét tiếng miền rừng?
Họ
Lê vẫn giữ nét ung dung hòa nhã trong khi tên tướng giặc trái lại: hết
sức nóng nảy và hung hãn. Hắn nhổ một bãi nước bọt ngay trên tấm thảm da
hổ dưới chân, hằn học nói:
- Tên kia, mi muốn gì ta?
-
Chào Lâm Hổ Tướng! Ta ao ước được nói chuyện với nhau một cách đứng đắn
và ôn hòa. Đây không phải chiến trường và chúng ta không phải là trẻ
con...
Ý chừng họ Lê muốn ám chỉ đến thái độ bất nhã của tên tướng giặc? Lâm Hổ hơi ngượng, và vì ngượng hắn càng hung hãn hơn:
- Ta không quen nói chuyện ôn hòa.
Lâm Hổ này chỉ quen chiến đấu trên lưng ngựa. Nay mi bắt được ta thì
hãy giết phăng đi, ta chán ghét cái trò giả dối ôn hòa của người Kinh
đô, của dân thành phố... Ta thà chết, không chịu nhục đâu, đừng mong
lung lạc... đừng mong dùng mồi danh lợi cám dỗ được ta.
Đôi
lông mày dựng ngược, bộ râu quai nón đen cậy, đen kịt, chia chỉa ra
trước như những chiếc lông của một con nhím lúc đánh hơi thấy kẻ thù ;
đôi mắt ốc nhồi ngầu đỏ, lồ lộ, môi mím chặt, hai cánh tay gân guốc
tưởng chừng như có thể bóp nát cả những thứ binh khí cặm trên giá gỗ ;
nom Lâm Hổ thật xứng với hỗn danh mà người miền rừng xưng tụng.
Tuy nhiên, Lê phó tướng không chút phật ý, vẫn một vẻ ung dung, vẫn một phong thái của con người đầy tự tin, người cất giọng:
- Không, Lâm Hổ tướng lầm rồi. Ta vâng lệnh Trần Đại tướng phóng thích người chứ không phải là dụ hàng. Hãy ngồi xuống...
- Phóng thích? Hơ?
Giọng Lâm Hổ lạc đi vì kinh ngạc. Hắn vừa nói vừa gieo mình xuống ghế. Vẫn tự nhiên, Lê phó tướng tiếp:
- Phải, ta không chối cãi với người rằng người Kinh giả dối, mưu mô, lật lọng, nhưng ta và Trần tướng công –
nhất là Trần tướng công của ta thì... không có thói ấy. Người hãy tin
ta, ta xin lấy danh dự một võ tướng mà thề rằng: người có thể yên tâm
trở về an toàn, không có chuyện...
Một
chuỗi cười lanh lảnh vang dội tận bên ngoài, đến nỗi mấy tên lính gác
giật mình, tiếng cười của một kẻ quen ngang dọc tung hoành và coi thường
luật pháp làm cho Lê phó tướng cau mày, song trong một thoáng người đã
lấy lại phong thái cũ. Lê nghĩ thầm: với hạng người này khó nói chuyện
lễ, trung, tín, nghĩa... nhưng không sao, ta quyết không phụ lòng tin
của Trần tướng công. Ta sẽ thắng hắn, không bằng gươm giáo mà bằng cách
khác. Ta sẽ thắng hắn, rồi xem!
- Pha trà, bay!
Giọng Lê phó tướng dõng dạc, tự nhiên như chưa từng chịu điều khó chịu, chưa từng phật ý tự nãy giờ. Thái độ đó làm Lâm Hổ hơi chùn, hắn liếc quanh một cái, lẩm bẩm "quân khốn định giở trò gì đây kia chứ? Hừ, hãy cứ giở, Lâm Hổ này đâu có ngán ai".
Hai tách trà vừa được chuyên ra, hương thơm ngát. Lê ân cần:
- Mời Lâm Hổ tướng dùng tạm với ta một chén trà, rồi hãy bàn chuyện, chẳng muộn gì.
Lâm
nghi ngờ, do dự... Lê Phó tướng chừng hiểu ý, vội vàng đổi cốc trà phần
mình cho hắn và phần hắn cho mình, giọng dịu và trầm hơn:
- Ta biết, ta biết, người từng bị lừa gạt nhiều phen. Nhưng ta không bao giờ dối gạt người. Hãy cho phép ta chứng tỏ điều ấy.
Và
trước con mắt nửa ngạc nhiên nửa sợ hãi, của Lâm Hổ, Lê nâng chén trà
tận môi uống một hơi dài. Lâm Hổ như bị cái đức độ của họ Lê cảm hóa
cũng nâng chén trà uống cạn.
Lê phó tướng ôn tồn nói:
-
Rất tiếc Trần tướng công mệt nhiều nên không thể trò chuyện với người
lúc chia tay. Tôi vâng lệnh trên trả lại tự do cho Lâm Hổ tướng. Không
một điều kiện nào hết, tướng công tôi chỉ ao ước rằng khi gặp lại người,
đôi bên có thể trở thành đôi bạn vong niên, chứ không phải trên lưng
ngựa và binh khí trên tay nữa... Chỉ thế thôi.
Lâm
Hổ bàng hoàng đổi sắc, không hiểu vì cảm động hay mừng rỡ, có lẽ cả
hai, tuy hắn cố giấu nhưng một chút thay đổi cỏn con trên bộ mặt chai lỳ
sương nắng kia không thể nào lọt qua khỏi đôi mắt tinh anh của họ Lê.
Song
rồi Lâm Hổ lầm lì trở lại ngay làm Lê phó tướng cảm thấy chuyện khắc
phục được hắn không dễ dàng như mình nghĩ. Đôi bên đều lặng lẽ quan sát
nhau một cách thầm kín...
-
Thế nào? Người vẫn không tin? Kể ra, người không đáng trách. Nhưng
thôi, hãy để thời gian chứng tỏ mọi điều. Bây giờ, mời người hãy dùng
chút trái cây.
Dứt
lời, Lê phó tướng đưa mắt cho tên quân hầu, lập tức tên này bước đến,
cung kính trao con dao nhọn cho họ Lê bằng cả hai tay. Lê đón lấy và ung
dung đưa sang cho Lâm Hổ.
Tên
cướp rừng khét tiếng tưởng như mình nằm mơ, đã mở trói rồi lại đưa dao
cho hắn? Hắn đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, chẳng còn đủ tinh
quái sáng suốt để xét đoán hành động của người đối diện. Hắn không biết
làm gì khác hơn là đón lấy con dao.
Im
lặng trôi qua. Hắn vẫn nhìn chằm chằm vào mặt họ Lê. Lê thư thả cho tay
vào dĩa sỏi trên bàn, nhón một viên bỏ vào miệng, nhai nghe rau ráu
giữa đôi mắt kinh hoàng tột độ của Lâm Hổ.
Hắn
sững sờ, thảng thốt, hai tay bưng lấy trán, môi mím chặt thêm, đôi mày
rậm nhíu lại, giao nhau như không còn khoảng cách ở đầu mày nữa. Quả
nhiên, lần này hắn hoàn toàn khiếp phục con người võ tướng mà đầy vẻ thư
sinh trước mặt mình. Họ Lê thấy rõ phản ứng đó mà vẫn vờ như không để
ý, nhã nhặn nói:
- Mong Lâm Hổ tướng tha lỗi cho, tôi không dám mời người dùng cuội mà chỉ dám mời trái cây là vì... (lại cười khiêm tốn ra tuồng không tiện nói) là vì...
- Vì ông cho là răng tôi không chắc bằng răng ông chứ gì? Sao không nói thẳng đi?
Đây là lần thứ nhất trong đời, tên tướng giặc rừng khét tiếng gọi người khác bằng ông. Lê cười mỉm, đón lời:
- Ấy chết, tôi đâu dám... thế? Chẳng qua là vì tôi nghĩ thứ cuội xoàng nhặt ở bờ suối, dù đã rửa sạch, đâu phải là thứ mời khách quí của Trần tướng công tôi? Thú thật với người, tôi hay buồn miệng, mà nhai trầu mãi đắng quánh cả lưỡi đi, nên...
-
Ông tài thật, nhưng tôi đây cũng là kẻ chưa từng biết thua ai, nếu ông
đã có thể nhai nuốt được đá cuội, tôi cũng xin nếm thử xem sao, chẳng lẽ
người rừng lưỡi quen nếm vỏ cây thay muối, răng thường nhai xương dã
thú thay cơm mà lại thua người Kinh vốn quen dùng thịt hầm, quả chín hay
sao?
-
Ấy chết, tôi đâu dám ngăn người, chỉ sợ mời như thế thì tỏ ra khiếm nhã
đó thôi, chứ tôi nào dám nghĩ rằng răng người không chắc và không...
Dứt
lời, Lê phó tướng một tay nâng dĩa cuội đầy vun có ngọn, tay kia nhón
ngay một viên cuội nhẵn bóng trao cho Lâm Hổ. Bằng tay trái còn lại (vì
tay phải đang vướng con dao) Lâm Hổ đón lấy viên cuội cho vào mồm, ấn
mạnh hai hàm răng bén, chắc, nhọn của mình vào viên cuội, khá mạnh.
Một tiếng "Á" rồi tiếp theo một tiếng gầm "Hự" phát ra, Lâm nghe chối cả quai hàm, ê tận các chân răng –
bộ răng mà hắn từng tự phụ là nhá vụn cả thịt lẫn xương thú rừng săn
được, chỉ đốt qua loa trên lửa ngọn, chín có mỗi lớp da ngoài. Cáu giận
đột ngột, quên cả giữ gìn ý tứ, Lâm Hổ phồng mồm phun mạnh một cái, viên
cuội tròn nhẵn phụt ra, lăn xuống mấy bậc thềm nghe cong cóc, cong cóc,
một âm thanh ròn rã, vui vui.
Khi viên cuội ngừng lăn, Lâm Hổ cũng vừa nhận thấy sự giận dữ vô cớ vô lý và thái độ bất nhả của mình.
Hắn nhìn quanh: những tên quân hầu đã biến mất không còn một bóng nào, ngay cả các tên gác ngày đêm túc trực bên ngoài.
Như
vâng theo một sai khiến huyền bí ngoài ý muốn, Lâm Hổ cúi đầu trước Lê
phó tướng, (ngay trên bãi nước bọt hắn nhổ xuống lúc mới vào để tỏ sự
khinh bỉ họ Lê) giọng lễ phép bất ngờ:
- Kẻ hèn này kính mong được Ngài tha cho tội xúc phạm. Quả là kẻ hèn ngu này không có mắt để nhìn rõ Ngài sớm hơn, Lâm Hổ xin thề tuân theo ý muốn của Ngài cho đến hơi thở cuối...
-
Không, tôi đâu dám đòi hỏi chi khó ở người. Chỉ ao ước từ nay người
đừng bao giờ gây hấn, làm khổ quan quân ở triều đình và dân chúng mà
thôi.
Lê phó tướng dịu giọng nói và cúi đỡ Lâm Hổ đứng lên.
Lâm Hổ trở về rừng ba hôm thì Lê phó tướng cũng thu thập binh sĩ về kinh.
Không ai hiểu nguyên cớ nào Lâm Hổ lại thần phục họ Lê một cách dễ dàng và chóng vánh đến như vậy.
Phó
tướng rất hài lòng, song người không khỏi bùi ngùi khi ghìm cương ngựa
ngang cụm rừng thưa được san bằng như một bãi tập. Ngay triền dốc, một
khóm trúc được lệnh Phó tướng: không chặt quang như những loài cây khác,
cành lá xanh tươi rập rờn trước nắng. Khi có kẻ tò mò hỏi nhau, câu hỏi
lọt đến tai người, người kêu lại giải thích rằng "Trúc là loài cây quân
tử, chỉ kém cây Tùng, nên ta giữ lại để vừa ý Trần tướng công" Trần
tướng công đâu? Binh sĩ bây giờ nhao nhao lên vì sự vắng mặt này, thì ra
mải say sưa với chuyện Lâm Hổ bị khắc phục, rút quân sau khi được tha
nên họ quên phắt Trần chủ súy.
Lần này thấy không cần giấu nữa, Lê phó tướng chỉ tay lên khóm trúc nói với ba quân:
- Trần tướng công đã vĩnh viễn yên nghỉ nơi đây. Ta tuân lệnh người giữ kín điều ấy. Nhưng đến nay thì...
Nhiều tiếng kêu tiếc thương nổi lên một loạt. Và mọi người có ý phàn nàn về cái chết không có nấm mồ của người võ tướng mà họ một lòng quí trọng. Lê ôn tồn cất giọng:
-
Ta hết sức cảm kích tấm lòng của các ngươi đối với Trần chủ soái, nhưng
Trần chủ soái thường bảo ta rằng "lúc sống phải sống cho ra người hữu
ích, còn khi chết đi thì thân xác vùi nông, sâu, nghi lễ rườm ra hay đơn
giản đối với người đều không quan trọng". Nhất là sau khi người bị
trọng thương, tuy ta bắt được tướng giặc nhưng quân ta bị vây hãm giữa
rừng sâu, binh sĩ thì xa gia đình và cực nhọc quá lâu, người xót thương
lắm, không muốn đày đọa anh em vào vòng máu lửa mãi ; tính mệnh người
lại bị đe dọa, cho nên người ra lệnh cho ta phải tìm cách chấm dứt
chuyện binh đao. Ta cúi vâng người mà lòng bời rối. Ngay khi người tắt
thở, chuyện đầu tiên ta làm theo lời trăn trối là bí mật an táng người,
lặng lẽ, im lìm không được cho ba quân hay biết. Thứ đến là tìm cách
thuyết phục Lâm Hổ... Ta đã suy nghĩ nhiều ngày, nhiều đêm mà không có
cách gì... vì ta biết Lâm Hổ là người đa sát, hiếu chiến nên đã có lúc
muốn trái lời Trần tướng công giết quách hắn đi, nhưng rồi ta lại không
làm thế. Vì ta biết giết một Lâm Hổ sẽ còn nhiều Lâm Hổ khác, chưa kể
bọn thuộc hạ đang vây ta, biết Lâm Hổ chết, chúng sẽ đâm liều... cho nên
sau cùng... ta dùng một mẹo nhỏ, không ngờ lại thành công.
- Ui chao! – tên cận vệ cười rúc rích –
Cái lúc mà hắn cúi đầu trước mặt Lê phó tướng trông mới nhũn nhặn làm
sao, chúng tôi được lệnh phải lánh mặt, nhưng vẫn nấp nhìn...
- Cũng chưa bằng lúc hắn nhá viên cuội, buồn cười hết sức...
-
Mà làm sao phó tướng tài thế nhỉ? Cuội mà nhai côm cốp, côm cốp nghe cứ
y như là cơm cháy trong chảo của anh Hỏa đầu quân mà chúng tôi thường
xin, mỗi lần xuống bếp ấy thôi! Tôi thì tôi cho là Lâm Hổ có mọc mười
cái đầu cũng phải khiếp phục ấy chứ...
- Thì đã hẳn...
- Ta cũng tiết lộ bí mật đó ra luôn...
Có tiếng thì thào: "Nữa, sao nhiều bí mật thế? Cái ông tướng nho sinh này".
Lê phó tướng cười bao dung trước những lời xầm xì đó, giọng vui vẻ, cởi mở:
-
Có gì đâu, trong lúc các ngươi sắp cuội lên dĩa cho ta, chờ các ngươi
ra ngoài, ta trộn lẫn vào đó vài viên đường phèn, và khi thấy không thể
dùng lời ôn hòa lề độ mà thuyết phục được hắn, ta phải lòe hắn bằng cách
nhai cuội giả đấy thôi, tài cán chi đâu.
Một
tràng tiếng reo tở mở nổi lên, cả đoàn quân chỉnh tề hàng lối bỗng lao
xao, nhấp nha, nhấp nhổm y như những lượn sóng vì vừa biết được một điều
kỳ thú.
Tên lính trẻ lấc cấc nói to:
- Dù là phó tướng đã dùng mưu đi nữa, vẫn dáng phục như thường vì dễ gì nghĩ ra được một mưu thần tình như vậy, phải không?
Mọi người đều đồng ý. Tiếng reo lại vang dội khu rừng, lan rộng khắp các vòm cây.
- Thôi, ta lên đường kẻo muộn.
Tiếng
dạ ran nổi lên và đoàn binh sĩ nối chân nhau len lỏi băng rừng tuôn
xuống thung lũng xanh rờn, đi về hướng mặt trời đang ngả bóng.
Quân kỳ phần phật tung bay, vàng sẫm thêm dưới ánh nắng rực rỡ của một ngày trọng hạ. Khúc quân hành trổi lên, nhịp nhàng và hùng tráng, vươn cao, tỏa rộng cả một vùng. Khúc quân hành có nhiều tiếng đôi: Thanh Bình
được lặp đi lặp lại trong câu hát. Trên những nét mặt chai sạm vì phong
sương, dạn dày vì chiến đấu, Lê phó tướng bắt gặp được vẻ hy vọng lóe
sáng trong những đôi mắt và những nụ cười như đọng mãi ở vành môi.
Bất giác, người tướng trẻ lẩm bẩm những điều hằng ôm ấp và chưa từng nói ra thành tiếng:
- Mong rằng ta sẽ mãi mãi được chứng kiến cảnh đẹp hôm nay.
MINH QUÂN
(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa số 89, ra ngày 15-4-1968)
Không có nhận xét nào:
Không cho phép có nhận xét mới.