Câu
chuyện chị kể cho các em nghe hôm nay chắc không có gì mới lạ, chỉ là
chuyện chúng ta thường gặp hàng ngày. Nhưng kể lại ở đây, chị muốn các
em coi xong rồi thì sẽ suy nghĩ và nếu em nào lỡ mắc phải cái tật khoe
khoang hợm hĩnh thì sẽ soi gương để mà nhận bóng, nhận cái bóng không
duyên dáng chút nào để mà ngậm ngùi.
Chính mắt chị đã thấy một bà sang trọng, tay đeo đầy kim cương chỉ vào đống thịt bò mà bảo:
- Bán cho tôi hai ký thịt cho chó này đi!
Chị
sửng sốt nhìn vào cái đống thịt mà bà bảo là "thịt cho chó ăn". Thì ra
đó là những miếng thịt bạc nhạc, cắt vụn, mà nhiều gia đình bà con chúng
ta ngày nay không thể mua nổi vì ngân quỹ chỉ cho phép ăn rau với
tương, cà.
Liền sau đó, chị thấy một bà khác cũng chỉ vào đống thịt đó mà nói rành rẽ:
- Ông vui lòng bán cho tôi hai trăm grammes thịt này để gia đình tôi ăn.
Các
em thân mến, sự khoe khoang hợm hĩnh của bà khách sang trọng tới trước
không hề làm cho ai kính phục, mà chỉ khiến cho bà trở nên lố bịch trước
mặt mọi người, chắc các em đã thấy rồi chứ.
Đi chợ, chị thường gặp những câu chuyện đại khái:
- Bao nhiêu tiền bó "rau heo" này?
- Mớ "cá mèo" này bao nhiêu?
Những
lời nói đó chỉ để ngụ ý rằng mình là người sang trọng, không thèm ăn
những đồ tầm thường, mà chỉ mua để cho heo, cho mèo ăn. Đó là điều sai
lầm hết sức. Ngoại trừ đồ ăn dành riêng cho heo như bèo, như cám v.v...
không bao giờ chúng ta được chỉ vào những món mà người thường ăn để mà
mệnh danh là "rau heo", "cá mèo" v.v... dù cho rau đó, cá đó ta mua về
cho heo, cho mèo ăn thật.
Một hôm chị đứng mua đồ tạp hóa, thấy cô bé con bà chủ từ trong nhà ngúng nguẩy chạy ra trách mẹ:
- Má sao ưa cá quá vậy? Bữa nào cũng cá! Thấy ghê! Ăn gì nổi!
Ánh
mắt bà mẹ chợt tối lại. Chị hiểu bà muốn nói gì. Bà mẹ đó đã quá thương
con, nên không nỡ nói thẳng cho cô rõ sự thiếu hiểu biết của cô trước
nỗi khó khăn chung của gia đình. Bà mua cá hoài không phải vì bà ưa. Chỉ
là do vấn đề tài chính, thịt giá trên một ngàn đồng một ký trong khi cá
chỉ có mấy trăm bạc một ký mà thôi. Thời buổi thắt lưng buộc bụng còn
có cá mà ăn là quí quá rồi!
Tuổi trẻ bồng bột nhiều khi gây nên tội lỗi mà không hề biết. Cô bé kể trên không hiểu rằng đã làm cho mẹ cô buồn biết bao!
Các
em thân mến, trong cuốn "Xã giao hằng ngày", tác giả Nguyễn Cung Vũ đã
khuyên chúng ta không nên nói những câu sống sượng như:
- Không thèm! Không chịu! Đâu có! Kệ! Chi? Khỏi! v.v...
Tác giả dặn dò rất đúng. Hơn thế nữa, chúng ta nên tránh những câu có ý khinh thị người khác, hoặc tự đề cao mình như:
- Phở ở tiệm đó tôi ăn không nổi!
Có người ăn được sao mình lại ăn không nổi? Chỉ là tiệm đó nấu phở không ngon thôi chứ.
Hoặc:
- Thứ gạo này nuốt không vô!
Điều
đó rất sai lầm. Gạo nào nấu lên chúng ta cũng nuốt được, chỉ không được
ngon như gạo khác chẳng hạn mà thôi. Ấy là chưa kể nếu gặp lúc đói kém,
gạo gì cũng không có, thì có củ chuối mà nuốt cho đỡ đói cũng tốt.
Có một bà kia muốn tỏ cho ông tài xế tắc xi biết nhà bà sang trọng, có xe hơi tốt, đi êm ru, mới than thở:
- Tôi quen dùng xe nhà, bữa nay đi taxi chóng mặt quá.
Ông tài xế bực mình hỏi lại:
- Vậy chứ xe nhà của bà là xe thổ mộ hay sao mà đi xe hơi bà lại chóng mặt?
Ấy
đó! Sự khoe khoang hợm hĩnh không gây được cảm tình nơi người đối thoại
mà chỉ làm cho người ta khó chịu với cái sự trưởng giả học làm sang
kệch cỡm của mình mà thôi, phải không các em?
Chị ĐỖ PHƯƠNG KHANH
(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 130, ra ngày 1-10-1974)
Không có nhận xét nào:
Không cho phép có nhận xét mới.