Thứ Năm, 27 tháng 5, 2021

CON VE SẦU

 

ẤP Ủ TRONG LÒNG ĐẤT TỪ 13 ĐẾN 17 NĂM RÒNG RÃ
MỚI TRỞ THÀNH VE SẦU

NHƯNG CHỈ CA HÁT VỎN VẸN TRONG 3 THÁNG RỒI CHẾT!

Cứ mỗi năm, khi hoa phượng bắt đầu khoe sắc đỏ thắm dưới ánh nắng gay gắt như thiêu như đốt, ve sầu trên những cành cây cao, rậm rạp lại kêu vang triền miên bất tận làm tăng thêm vẻ oi ả nóng nực khó chịu ngày hè.

Tuy cùng thuộc loại "côn trùng nghệ sĩ", nhưng nếu dế còn biết nghỉ ngơi, tĩnh dưỡng và chỉ gáy từ chập tối cho tới sáng, thì ve sầu, bất luận ngày, đêm, lúc nào cũng rả rích một điệu buồn tẻ tựa hồ than van cho số kiếp ngắn ngủi của mình.

Dài khoảng ba tới ngót sáu phân tùy loại, đầu lại nhỏ với hai sợi râu ngắn, ve sầu rất tinh nên khó bắt nhờ ở hai mắt tổng hợp lớn quan sát được mọi phía, ấy là chưa kể tới ba mắt đơn tí xíu, xếp theo hình tam giác ngay giữa đỉnh đầu. Toàn lưng mang mầu xám, đen, nâu hoặc xanh tuyền kèm những vệt vàng hay trắng, ve có thể dễ dàng bay từ cành này sang cành khác nhờ hai cánh dài bên trên và hai cánh nhỏ bên dưới, trong suốt với những đường gân chạy dọc vòng vèo. Khi đậu, các cánh ve không xếp chồng lên nhau như loài dế mà trái lại, gập xuống, ép sát vào chân nghiêng nghiêng tựa mái nhà. Dưới mình nó mầu vàng nhạt gồm một vòi cử động theo chiều ngang, đủ cứng để chọc thủng lớp vỏ cây hầu hút chất nhựa bên trong hay hút sương đọng trên lá cành. Kế tiếp là những vòng bụng. Riêng con cái còn có thêm ngòi ở phần chót. Ngòi này hơi dài, cũng khá cứng giúp nó đào những hốc nhỏ trong thân cây rồi đẻ từ bốn tới mười hai trứng. Sau đó, trứng sẽ rơi xuống đất và chìm sâu khoảng bẩy, tám tấc hầu tránh giá lạnh hai mùa thu đông. Chờ một thời gian, trứng nở thành ấu trùng. Những ấu trùng này sống nhờ chất ngọt trong rễ cây mãi cho đến khi hóa thành kén, lại tiếp tục đợi thêm một số ngày nào đó mới chui lên khỏi mặt đất rồi bám vào thân cây đoạn lột xác để chính thức là ve sầu.

Theo lý thuyết thì chu kỳ biến hóa này có vẻ nhanh chóng và đơn giản, nhưng thực ra cuộc đời loài ve rất ngắn ngủi, trái hẳn với lúc còn ở dưới đất. Chắc các bạn không ngờ con ve hiện thấy hôm nay không phải mới sinh từ năm ngoái, năm kia đâu. Nó đã được ấp ủ trong lòng đất từ mười ba tới mười bẩy năm trời đằng đẳng, để chỉ rong chơi, ca hát cả ngày suốt ba tháng rồi chết sau khi gieo giống. Thường thì vào quãng đầu thu, người ta ít còn thấy bóng dáng chúng nữa.

Chẳng khác gì loài dế, ve sầu cái ngoài nhiệm vụ sinh sản, không thể "kêu" hay "ca hát", vì thân hình nó nhỏ nhắn, tròn trịa chứ đâu có to nhưng dẹt như con đực chứa đựng những cơ quan phát âm mà tạo hóa dành riêng cho nó. Nếu để ý, bạn sẽ thấy dọc theo hai bên sườn con đực là hai miếng sụn nhỏ, mỏng nhưng cứng: đó là cái mỏ. Mỏ này chia ra hai phần được coi như hộp âm vang và lưỡi gà với nhiệm vụ thu nhận những chấn động do lớp màng bụng rung lên giữa khoảng chân không vì bị các bắp thịt bên trong co thắt gây nên. Những chấn động đó đập vào mặt bên trong mỏ qua phần lưỡi gà cho chúng ta âm thanh. Tùy theo sự co giãn của các bắp thịt tiếng kêu sẽ nhanh hay chậm, trầm hoặc bổng. Như vậy, dù cũng có môi trên, môi dưới nhưng quá bé lại kết thành vòi nhỏ thì làm sao ve có thể ca hát được?

Tiếng kêu loài ve hơi chát chúa vậy mà trẻ em thảng hoặc cả người lớn rất thích chơi ve bằng cách dùng gậy nhỏ, dài, một đầu có bôi nhựa mít hay cao su. Các em rình con ve nào vô ý là tìm cách ấn phần dính vào chính giữa hai cánh là con vật khốn nạn chỉ còn biết kêu "ọ... ọ" để phản đối trước khi bị nhốt vào lồng. Ngoài ra, các em cũng đi lùng bắt ve, ngay khi chúng mới từ dưới đất nhoi lên trước khi lột xác, đem về thả vào hộp xây lưới kín rồi treo lên dây "để chúng ăn sương mới "kêu" được". Dù săn sóc cẩn thận đến mấy, ve chỉ sống vài ngày là cùng nên rất khó nuôi. Mỗi lần mang ve ra khoe, các em lại dặn nhau "Hễ lớp phấn trắng bao phủ trên mỏ nó nhạt dần là ve sắp chết đấy".

Ngoài tiếng kêu não ruột, ve sầu là loại côn trùng vô thưởng, vô phạt. Đối với đông y, xác ve sầu là một loại thuốc chữa bệnh rất tốt.

Người ta chia ve sầu ra làm nhiều thứ, nhưng chỉ có hai loại chính thường gặp sau đây:

- Loại nhỏ bé màu xanh biết, dài chừng hai, ba phân với tiếng kêu rất trong, cao vút gọi là ve sầu kim. Loại này có hai mỏ hình tròn nằm ôm lên nhau hay sống ở miền quê.

- Loại lớn màu xám hoặc đen hay nâu dài tới năm phân rưỡi. Tiếng kêu của nó ở mức độ trung bình. Trái với ve sầu kim, bụng của nó mang hai mỏ không tròn mà lại dài dài, thon thon dọc theo sườn. Loại này năng gặp nhất và đông hơn cả.


ĐẶNG HOÀNG (sưu tầm)     

(Trích  tuần báo Thiếu Nhi số 35, ra ngày 23-4-1972)



Không có nhận xét nào: