1
Hôm nay, sau khi đọc kinh xong, chúng em ngồi ôn lại bài học, chợt Soeur
tổng giám thị bước vào. Theo sau, một cô gái mặc áo dài trắng thật
trắng. Chúng em đứng lên chào ma soeur nhưng mắt thì dán chặt vào cô gái
lạ. Ma soeur cất tiếng:
- Chúng con sẽ học với cô đây hỉ, soeur hy vọng chúng con sẽ ngoan như khi học với soeur Simne hỉ!
Chúng em đều dạ một lượt. À! Cô giáo mới của chúng em đây! Không ai bảo ai, chúng em nhìn chăm chú vào cô giáo mới – mà trước đây nửa phút chúng em còn coi như xa lạ –
Cô có vẻ mặt buồn lắm. Nước da cô trắng xanh xao, điều nổi bật ở nơi cô
làm chúng em mến cô ngay là đôi mắt, đôi mắt to, đen và buồn thật buồn.
Cô mặc chiếc áo dài trắng và một cái áo len đen sát cánh. Sự phục sức
của cô thật giản dị. Chúng em cảm thấy thương thương cô thế nào ấy. Từ
lúc vào, cô chưa hé môi nên chúng em không biết được răng cô đen hay
trắng. Rõ lẩm cẩm, chắc chắn răng trắng rồi chứ! Không biết cô có cười
bao giờ không nhỉ? Cô cười có đẹp không há? Bao nhiêu thắc mắc chung
quanh con người cô làm chúng em nôn nao đến quên cả ôn bài, và mặc soeur
tổng giám thị muốn nói gì thì nói ; cô và ma soeur lại quay gót ra hàng
hiên. Mái tóc cô sánh động trên vai, cô bước những bước thật nhẹ và
thật ngắn. Chúng em quay sang bảo nhau:
- Cô dễ thương há tụi bây!
- Ừ!
- Sao cô xanh dễ sợ!
- Cô yếu chứ bộ.
- Mắt cô không có vẽ bút chì há.
- Ừ, mà buồn ghê nhỉ.
- Tao thương cô ghê đi mày ạ.
Chợt:
- Ấy! Liệu liệu đó, cổ dám dữ hơn soeur Simone lắm à. Đừng có "trông mặt mà bắt hình dong".
Tiếng con Xuyến làm chúng em cụt hứng. Ừ, biết đâu, biết đâu được, cô
giáo mới sẽ nghiêm hơn soeur Simone, sẽ bắt chúng em giữ kỷ luật thật
gắt gao? Bao nhiêu thiện cảm chúng em dành cho cô đều tiêu tan hết.
Chúng em lo sợ nhìn nhau, đầu óc tưởng tượng đến soeur Simone với cặp
kính trắng trễ xuống tận sống mũi, mắt soeur trợn lên, nói văng cả nước
miếng vào chúng em, và chiếc roi mây nhỏ bé dài cả thước ve vẩy nơi tay
chỉ chờ khi chúng em không thuộc bài là phết ngay vào mông mấy ngọn
điếng người. Cô giáo mới sẽ hiền hơn soeur Simone? Dữ hơn? Hay bằng?
Chúng em thầm van vái trời cao cho cô hiền hơn soeur Simone một tí.
Vâng, một tí thôi, chúng em cũng sướng lắm rồi. Tự nhiên, chúng em lo sợ
thực sự ; ngực của đứa nào cũng đánh thình thịch nghe đồng nhịp ghê.
Soeur Tổng giám thị bước sang văn phòng, cô quay vào lốp, chúng em phập
phồng mắt theo dõi cô không chớp. Cô đi xuống cuối lớp mở tập con Vị ra
coi. Chúng em đều quay xuống. Đang xem vở con Vị, cô chợt ngẩng lên nhìn
chúng em, và giọng cô thật nghiêm:
- Tất cả quay lên!
Chúng em hoảng hồn quay lên, hai tay để lên bàn, lưng thật thẳng, mắt nhìn lên bảng – Nghiêm trang. Cô đứng lại trước bảng đen. Bây giờ cô mới cất tiếng:
- Hôm nay, tôi vào lớp các em lần đầu tiên, tôi hy vọng các em sẽ ngoan
ngoãn như lời soeur giám thị đã nói với tôi. Tôi mong rằng, tôi sẽ không
bao giờ phải áp dụng hình phạt cho bất cứ một em nào trong lớp này. Bây
giờ, các em lấy giấy ra để viết một bài chính tả.
Giọng nói của cô trong thật, chúng em thở phào, vừa lấy giấy vừa thầm tạ
ơn trời. Căn cứ vào giọng nói, chúng em biết cô sẽ hiền hơn soeur
Simone thật nhiều. Chúng em tươi mặt lên liền. Cám ơn trời! Cô con hiền,
chứ không dữ.
2
Những ngày tháng mùa xuân khói lửa đã kéo tôi ra khỏi ngưỡng cửa học
đường hoa mộng, đẩy tôi vào làn sóng của cuộc đời hỗn độn đang cuồn cuộn
trôi đi. Thật là buồn. Hôm nay, tôi bắt đầu bước chân vào cuộc đời một
cô giáo – Cái nghê mà ai cũng bảo là khổ sở và bạc bẽo nhất hiện nay –
Theo chân soeur tổng giám thị vào lớp, học trò đứng lên chào ma soeur,
nhưng mắt chúng cứ nhìn chòng chọc vào tôi. Sau mấy lời giới thiệu của
ma souer, những cặp mắt ngổ ngáo có, tinh ranh có và ngơ ngác cũng có,
mở thật lớn ra nhìn tôi như nhìn một vật lạ. Tôi ngượng chín cả người,
cố làm gan, mím môi dưới lại rồi nhìn thẳng vào bức tường trước mặt, sau
thấy kỳ kỳ, tôi đảo mắt nhìn quanh lớp, trong khi tiếng soeur giám thị
vẫn vang đều bên tai. Học trò lớn có, nhỏ có, phần đông ở dưới trại định
cư Đức An. Một phần lớn vì hoàn cảnh chiến tranh nên sự học phải ngưng
trệ, vì vậy mà 15, 16 tuổi đầu mới học lớp nhất. Mỗi bàn hai em. Tôi vốn
ưa thích những gì nhỏ bé mà những cái bàn học trò này thật dễ thương.
Soeur giám thị vẫn nói:
- Chúng con học với cô cũng phải ngoan như học với soeur Simone, phải học hành cho siêng năng để cô thương nghe không?
Những cái miệng há ra một lượt:
- Thưa ma soeur nghe.
Tuy nói thế nhưng mắt chúng vẫn không rời khỏi tôi. Một cảm giác nhột
nhạt chạy trên gan bàn tay, dọc theo hai cánh tay và chạy dài theo đường
xương sống. Soeur đưa tôi ra ngoài hành lang căn dặn những điều cần
thiết cho việc dạy học rồi bà trở về văn phòng, tôi bước vào lớp. Ngó
lên chiếc bàn dành riêng cho tôi, tôi thấy teo teo làm sao ấy. Tôi không
dám bước lên bục đâu. Tôi chỉ đứng giữa lớp ngó xuống thôi. Tôi cho
chúng viết một bài chính tả để chúng nghe quen giọng nói của tôi đã.
Đứng giữa lớp nhìn xuống lũ học trò, những khuôn mặt thật ngô nghê mà
cũng thật d6ẽ thương. Những cặp mắt của chúng mở lớn ngơ ngác trông thật
hiền. Tôi thường nghe nói đến loại "mắt nai tơ" của các ông văn nhân,
thi sĩ ; không biết có phải loại mắt này của tụi nhỏ bây giờ không? Nhìn
chúng tôi chợt buồn. Hình ảnh 5 tháng về trước hiện rõ trong tâm tư.
Tôi ngày ngày cắp sách đi học, ngồi dưới nhìn lên bàn thầy bằng đôi mắt
mở rộng. Chỉ 5 tháng trời, cuộc đời đã đem tôi từ chỗ "Ngồi dưới quay
lên" đến "Ngồi trên nhìn xuống". 5 tháng trời, cuộc đời biến tôi từ một
cô học sinh nghịch ngợm thành một cô giáo lúng túng ngượng ngập. Hình
ảnh thời cắp sách! Sao nên thơ thế nhỉ? Bây giờ, tôi tìm đâu được những
tháng ngày đó nữa? Hình ảnh bộ đồng phục trắng, chiếc cặp đen, và chiếc
áo len thật dầy mặc trong những buổi học trưa nắng thật gắt còn in đậm
nét trong hồn tôi. Bước vào đời, hành trang của tôi chỉ có một số vốn
học thức ít ỏi, ít nhiều kỷ niệm học trò, thế thôi. Bây giờ, tất cả vào
dĩ vãng. Tôi phải xếp những nhớ, những buồn, những thương lại, xếp gọn
vào góc tâm hồn để mà sống cho hiện tại: một cô giáo mới vào nghề còn sợ
sệt lúng túng. Tôi cảm thấy thương lũ học trò đang ngồi kia vô hạn.
Nhìn chúng, tôi sống lại với kỷ niệm. Các em ơi! Các em là hình ảnh của
cô năm tháng về trước đó.
3
Điều chúng em dự đoán chẳng sai! Cô chúng em thật hiền! Những giờ ra
chơi, cô thường hay hỏi chuyện chúng em. Và sau cùng bao giờ cô cũng
khuyên chúng em cố gắng học. Cô nói câu: "Các em cố gắng mà học đi, thời
buổi này học được ngày nào biết ngày đó thôi. Không nói trước được bao
giờ đâu", với một giọng thật buồn. Câu nói đó, chúng em nhớ hoài. Cô
không bao giờ đánh chúng em đâu, một đôi khi chúng em không học bài, cô
nhìn chúng em với ánh mắt thật buồn. Cô nhìn lâu lắm, ánh mắt buồn của
cô ám ảnh chúng em làm chúng em hết dám lười ngày hôm sau. Chúng em
thương cô thật nhiều! Trong lớp, có một vài trò chai lì quá cỡ, cô
khuyên răn hoài không được, chúng em đâm cáu luôn. Ra chơi chúng em cứ
thúc giục mấy trò học bài. Riết rồi các trò đó đỡ đỡ một tí chúng em mới
thấy cô cười. Nhiều khi, chúng em ngồi làm bài, cô đứng giữa lớp khoanh
tay nhìn chúng em với tia mắt thật buồn. Những lúc đó, chúng em nghe cô
khẽ thở dài. Chúng em sợ tia nhìn của cô chiếu vào chúng em mỗi khi
chúng em lười, nó làm chúng em áy náy thế nào ấy. Hôm qua, thứ tư được
nghỉ buổi chiều, cô cho chúng em hai bài toán hình học. Đến chiều, gánh
xiệc Liên Hoa ở đâu về ngay sân trụ sở ấp đánh trống lung tung beng,
quảng cáo rầm rầm. Vui ghê lắm. Chúng em rủ nhau ra xem, đoàn xiệc làm
hay thật. Chúng em mê mải xem đến tối mịt, má ra gọi mới về. Về tới nhà
ăn cơm xong chúng em buồn ngủ quá trời; lăn ra sạp kéo luôn một mách tới
sáng. Lên đến lớp cô bảo: các em đem nộp vở toán lên bàn, chúng em
hoảng sợ nhìn nhau dò hỏi. Cô thấy vậy, nhìn thẳng chúng em cất tiếng:
- Em nào chưa làm bài?
Chúng em lo sợ liếc chung quanh, một số ít làm bài thôi. Điều này thì
chết, mắt chúng em cứ đảo quanh lớp mong cho những cái tay kia bỏ xuống,
kéo thêm đồng minh lười về phía tụi em. Nhưng không có. Cô đứng khoanh
tay nhìn chúng em, cô nhìn thật lâu, chúng em bối rối tránh tia nhìn của
cô mà không được. Cô chợt thở dài, mắt cô nhìn ra thật xa ngoài cửa sổ.
Im lặng, tim chúng em đập thình thịch như hôm cô vào lớp lần đầu tiên.
Không khí ngột ngạt đó kéo dài. Mặt chúng em xanh dần đi vì sợ. Cô quay
lại nhìn chúng em. Cô lại thở dài, rồi bảo:
- Các em mở toán ra làm đi. Nhanh lên!
Chúng em thở ra nhẹ nhõm. Một lần thì chừa đến già. Cô hiền thật, chúng
em đã lợi dụng cái "hiền" của cô để lười. Tâm hồn chúng em áy náy không
yên. Chúng em thương cô nhiều, thật nhiều cô ơi.
4
Những tháng ngày sống gần bọn nhỏ, tôi cảm thấy tôi đã không lầm khi
chọn nghề dạy học. Chúng nhắc lại cho tôi những dư âm ngày tháng cũ thật
rõ rệt và sống động. Tôi nhìn chúng, cả một thời học sinh êm đềm hiện
ra: những giờ ra chơi nhiều thích thú, những buổi tan học vui vẻ. Những
hồi hộp khi chưa làm bài, lo sợ khi bài chưa thuộc. Những hình ảnh đó
thi nhau hiện ra qua những diễn viên thật tài tình làm tôi buồn vô hạn.
Sáng nay, nhìn những gương mặt lo sợ của bọn học trò vì chưa làm 2 bài
toán tôi cho ngày hôm qua, những khuôn mặt xanh lét làm tôi thương hại.
Một hình ảnh hiện về trong tôi...
Tôi bồn chồn, lo lắng vì tới giờ toán ông Hàn mà toán tôi chưa làm, chắc
thế nào cũng lãnh mắt kiếng. Tim tôi đánh lô tô. Thầy mở sổ điểm. Trán
tôi vã mồ hôi. Mắt tôi dán chặt vào cây bút thầy cầm nơi tay. Chợt, thầy
ngẩng lên, ánh mắt của thầy qua làn kính trắng soi mói nhìn chúng tôi.
Thầy lại cúi xuống sổ điểm.
- Trần thị Dung!
Trời ơi! Hú hồn, ngay phía trên tôi. Vái trời sót tên mình. Teo ơi là teo!
- Đinh thị Hằng!
Tôi tưởng như ngừng thở: Theo dõi ngòi bút của thầy lên xuống đều đều
trên quyển sổ điểm. Rồi hai giờ toán qua đi trong sợ sệt, hãi hùng...
Tôi thở phào khi nghe tiếng trống đổi giờ...
Nhìn nhửng khuôn mặt bọn nhỏ bây giờ, tôi thương ghê. Thôi! Tha cho
chúng nó 2 bài toán vậy. Hừ, tại ta sống với kỷ niệm nên tụi mi mới được
ân xá đó nghe.
5
Đêm hôm qua, thành phố bị pháo kích, sang hôm nay, đến lớp chúng em nghe
các trò học lớp nhì bảo nhau: "Một trái rớt vào Cô Nhi viện", không
biết cô có biết tin này không, chúng em nôn nao chờ cô đến để kể cho cô
nghe tin sốt dẻo này và cả nỗi sợ hãi của chúng em vừa qua nữa. Chợt,
mấy trò ở Cô Nhi viện đi học ra đến nơi, thấy chúng em các trò ấy bảo:
- Con Min ở lớp mày chết rồi.
- Hả, chết hồi nào?
- Hồi đêm, soeur tiếp máu cho nó mà nó vẫn chết.
- Nó làm sao mà chết?
- Ngu, đạn nó rớt chớ làm sao nữa.
Chúng em ùa sang Cô Nhi viện, cô đã có mặt ở đấy từ bao giờ. Một trái đạn rớt ngay chân tường phòng ngủ nhưng chẳng ai làm sao. Một miếng miểng phá vỡ cửa kiếng phòng bên cạnh rớt vào đầu Min. Chúng em nhìn cảnh tượng ấy, lòng nao nao thế nào ấy. Cô đang đứng trong phòng y tế, chúng em tiến lên theo cô. Cô đứng nhìn xác Min đặt trên chiếc bàn giữa phòng, mặt cô buồn hơn bao giờ hết. Trong lớp cô thương Min nhất. Min là con một người đàn bà Thượng đã chết hồi biến cố Mậu Thân vừa qua. Mẹ chết, Min đi bơ vơ thì gặp các soeur đem về nuôi. Min lai Mỹ nên đẹp lắm, Min học dở nhất lớp mà không hiểu sao cô thương Min nhiều lắm. Bây giờ Min nằm đó – bất động – Min không cười với cô, với chúng em như mọi lần. Môi Min hơi xám, nhìn Min chúng em tưởng Min ngủ. Cô đứng bất động nhìn Min. Cô cắn chặt môi dưới. Chúng em nghe cô thở dài. Cô quay sang bảo chúng em:
- Các em về lớp đi.
Chúng em trở về lớp, chẳng ai nói một lời, bầu không khí thật buồn. Một lát sau, cô trở về, buổi học hôm nay tẻ nhạt làm sao! Chúng em không biết làm thế nào cho không khí lớp vui lên một tí. Cô vẫn trầm ngâm, thỉnh thoảng lại thở dài. Cái chết của Min làm cô buồn lắm. Cô không kể chuyện lịch sử cho chúng em nghe, cô không hỏi chuyện chúng em như mọi ngày nữa, chúng em ghét những trái đạn, những tiếng súng lắm, mà đêm nào chúng em cũng phải nghe, không có những tiếng nổ tung trời thì lại có những tràng đạn xé gió rít lên trong đêm tối làm chúng em sợ hãi. Chúng em tự hỏi, tại sao người ta cứ bắn nhau hoài vậy, để ném hết đồ giết người đi rồi sống hòa thuận có phải là sung sướng hơn không? Chúng em còn nhỏ lắm, chúng em không biết gì về những chuyện của người lớn. Nhưng chúng em thù những tiếng nổ ghê gớm đó. Nó làm chúng em hoảng sợ. Và trong đêm qua nó đã cướp mất của chúng em một người bạn. Ngày hôm nay, nó cướp mất của lớp em bầu không khí vui vẻ vẫn có. Biết đến bao giờ những tiếng nổ đó mới chấm dứt nhỉ? Chắc là lâu lắm. Chúng em mong sao nó chấm dứt lẹ lẹ một chút đó.
6
Đám tang của Min được cử hành đơn giản. Min nằm trong cái hòm đỏ chót có hai hàng nến trắng. Tôi buồn thật buồn, Min đã vĩnh viễn xa tôi. Min đi mang theo những lời thủ thỉ, và nụ cười hồn nhiên đi theo. Min là con hai giòng máu, khá dễ thương, giàu tình cảm. Giờ ra chơi, Min thường ở lại lớp rồi thủ thỉ về cái chết của cha Min, mẹ Min rồi Min khóc. Sống trong cô nhi viện, thường hay bị hiếp đáp, Min đem kể với tôi rồi khóc. Tôi thương Min nhiều. Cuộc đời loạn ly chỉ mới đưa tôi sang một ngõ rẽ gai góc chứ chưa giết chết nguồn yêu thương của tôi như Min đã chịu. Theo sau quan tài Min, tôi nhớ đến nát mặt Min buồn buồn: "Cô ơi, cái súng nó bắn ba Min ở đây nè". Min chỉ vào đầu Min rồi tiếp: "Mẹ Min đi cấy ngoài rẫy, cái máy bay nó bắn đó cô". Khi tôi hỏi Min có nhớ làng không, nó nhăn răng cười: "Nhớ chứ cô, nhưng Min không về làng đâu, làng giết ba Min, mẹ Min rồi lỡ làng giết Min thì sao?" Min dễ khóc nhưng học thì rất dở. Bây giờ Min đi rồi, tôi thấy trống vắng lạ lùng. Chiến tranh! Tôi sợ rồi, tôi nhớ Min thật nhiều, nhớ những tiếng "cô! cô!" dễ thương phát ra từ đôi môi nhỏ bé. Tôi nhớ ánh mắt trong xanh với hàng mi cong vút của Min. Tôi nhớ nhiều đôi mắt Min long lanh những giọt nước mắt thương cha nhớ mẹ. Gia đình Min chỉ còn Min sống sót, bây giờ, những tiếng nổ tai ác đem Min đi theo cha mẹ, để lại cho tôi một nỗi buồn thật đậm. Lũ học trò của tôi, 57 đứa bây giờ còn 56. Những ngày tháng kế tiếp đây, sau Min, tôi sẽ còn mất một em nào không nhỉ? Đừng, tôi van xin đừng đem đi một em nào nữa. Đem đi một Min thôi. Tôi sống bằng ánh mắt, nụ cười bọn trẻ, bằng những tiếng ríu rít của bầy chim non trong vòm trời cao rộng. Sau giờ học tập, đàn chim tung cánh bay ra khắp bốn phương trời làm tôi cảm thấy vui vui. Biến cố vừa qua làm bầy chim nhỏ hoảng hốt trông thật tội nghiệp, tôi không sao đem lại những tiếng hót ríu rít cho bầy chim nhỏ bé. Thượng đế ơi! Đến bao giờ? Đến bao giờ ngài nhìn lại mảnh đất Việt Nam nhỏ bé này? Đến bao giờ?
(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa số 105, ra ngày 1-5-1969)
- Con Min ở lớp mày chết rồi.
- Hả, chết hồi nào?
- Hồi đêm, soeur tiếp máu cho nó mà nó vẫn chết.
- Nó làm sao mà chết?
- Ngu, đạn nó rớt chớ làm sao nữa.
Chúng em ùa sang Cô Nhi viện, cô đã có mặt ở đấy từ bao giờ. Một trái đạn rớt ngay chân tường phòng ngủ nhưng chẳng ai làm sao. Một miếng miểng phá vỡ cửa kiếng phòng bên cạnh rớt vào đầu Min. Chúng em nhìn cảnh tượng ấy, lòng nao nao thế nào ấy. Cô đang đứng trong phòng y tế, chúng em tiến lên theo cô. Cô đứng nhìn xác Min đặt trên chiếc bàn giữa phòng, mặt cô buồn hơn bao giờ hết. Trong lớp cô thương Min nhất. Min là con một người đàn bà Thượng đã chết hồi biến cố Mậu Thân vừa qua. Mẹ chết, Min đi bơ vơ thì gặp các soeur đem về nuôi. Min lai Mỹ nên đẹp lắm, Min học dở nhất lớp mà không hiểu sao cô thương Min nhiều lắm. Bây giờ Min nằm đó – bất động – Min không cười với cô, với chúng em như mọi lần. Môi Min hơi xám, nhìn Min chúng em tưởng Min ngủ. Cô đứng bất động nhìn Min. Cô cắn chặt môi dưới. Chúng em nghe cô thở dài. Cô quay sang bảo chúng em:
- Các em về lớp đi.
Chúng em trở về lớp, chẳng ai nói một lời, bầu không khí thật buồn. Một lát sau, cô trở về, buổi học hôm nay tẻ nhạt làm sao! Chúng em không biết làm thế nào cho không khí lớp vui lên một tí. Cô vẫn trầm ngâm, thỉnh thoảng lại thở dài. Cái chết của Min làm cô buồn lắm. Cô không kể chuyện lịch sử cho chúng em nghe, cô không hỏi chuyện chúng em như mọi ngày nữa, chúng em ghét những trái đạn, những tiếng súng lắm, mà đêm nào chúng em cũng phải nghe, không có những tiếng nổ tung trời thì lại có những tràng đạn xé gió rít lên trong đêm tối làm chúng em sợ hãi. Chúng em tự hỏi, tại sao người ta cứ bắn nhau hoài vậy, để ném hết đồ giết người đi rồi sống hòa thuận có phải là sung sướng hơn không? Chúng em còn nhỏ lắm, chúng em không biết gì về những chuyện của người lớn. Nhưng chúng em thù những tiếng nổ ghê gớm đó. Nó làm chúng em hoảng sợ. Và trong đêm qua nó đã cướp mất của chúng em một người bạn. Ngày hôm nay, nó cướp mất của lớp em bầu không khí vui vẻ vẫn có. Biết đến bao giờ những tiếng nổ đó mới chấm dứt nhỉ? Chắc là lâu lắm. Chúng em mong sao nó chấm dứt lẹ lẹ một chút đó.
6
Đám tang của Min được cử hành đơn giản. Min nằm trong cái hòm đỏ chót có hai hàng nến trắng. Tôi buồn thật buồn, Min đã vĩnh viễn xa tôi. Min đi mang theo những lời thủ thỉ, và nụ cười hồn nhiên đi theo. Min là con hai giòng máu, khá dễ thương, giàu tình cảm. Giờ ra chơi, Min thường ở lại lớp rồi thủ thỉ về cái chết của cha Min, mẹ Min rồi Min khóc. Sống trong cô nhi viện, thường hay bị hiếp đáp, Min đem kể với tôi rồi khóc. Tôi thương Min nhiều. Cuộc đời loạn ly chỉ mới đưa tôi sang một ngõ rẽ gai góc chứ chưa giết chết nguồn yêu thương của tôi như Min đã chịu. Theo sau quan tài Min, tôi nhớ đến nát mặt Min buồn buồn: "Cô ơi, cái súng nó bắn ba Min ở đây nè". Min chỉ vào đầu Min rồi tiếp: "Mẹ Min đi cấy ngoài rẫy, cái máy bay nó bắn đó cô". Khi tôi hỏi Min có nhớ làng không, nó nhăn răng cười: "Nhớ chứ cô, nhưng Min không về làng đâu, làng giết ba Min, mẹ Min rồi lỡ làng giết Min thì sao?" Min dễ khóc nhưng học thì rất dở. Bây giờ Min đi rồi, tôi thấy trống vắng lạ lùng. Chiến tranh! Tôi sợ rồi, tôi nhớ Min thật nhiều, nhớ những tiếng "cô! cô!" dễ thương phát ra từ đôi môi nhỏ bé. Tôi nhớ ánh mắt trong xanh với hàng mi cong vút của Min. Tôi nhớ nhiều đôi mắt Min long lanh những giọt nước mắt thương cha nhớ mẹ. Gia đình Min chỉ còn Min sống sót, bây giờ, những tiếng nổ tai ác đem Min đi theo cha mẹ, để lại cho tôi một nỗi buồn thật đậm. Lũ học trò của tôi, 57 đứa bây giờ còn 56. Những ngày tháng kế tiếp đây, sau Min, tôi sẽ còn mất một em nào không nhỉ? Đừng, tôi van xin đừng đem đi một em nào nữa. Đem đi một Min thôi. Tôi sống bằng ánh mắt, nụ cười bọn trẻ, bằng những tiếng ríu rít của bầy chim non trong vòm trời cao rộng. Sau giờ học tập, đàn chim tung cánh bay ra khắp bốn phương trời làm tôi cảm thấy vui vui. Biến cố vừa qua làm bầy chim nhỏ hoảng hốt trông thật tội nghiệp, tôi không sao đem lại những tiếng hót ríu rít cho bầy chim nhỏ bé. Thượng đế ơi! Đến bao giờ? Đến bao giờ ngài nhìn lại mảnh đất Việt Nam nhỏ bé này? Đến bao giờ?
HOA NGUYÊN THỦY
(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa số 105, ra ngày 1-5-1969)
Không có nhận xét nào:
Không cho phép có nhận xét mới.