Thứ Năm, 20 tháng 5, 2021

NIỀM VUI TUỔI NHỎ - Trần thị Phương Lan

 

Lên ba tuổi, tôi đã phải xuống Châu Đốc ở với gia đình bác trai. Lúc đó tuy còn rất nhỏ, nhưng hình như tôi đã sớm biết thân phận "ăn nhờ ở đậu" của mình, nên tôi đã chẳng dám hó hé gì: buồn riêng mình biết, vui chẳng ai hay, mặc dù gia đình bác cũng chẳng có ai cay nghiệt gì với tôi. Lẽ ra tôi chẳng nên có cái mặc cảm đó, nếu tôi biết , như khi đã lớn lên, rằng gia đình bác và gia đình tôi đã nhờ vả, trao đổi con cho nhau, vì mấy chị lớn con bác gái trước đều lên Sài Gòn ở trọ trong gia đình tôi. Vậy là huề!

Ngoài giờ đi học ở trường và học thêm ở nhà, tôi tương đối được tự do chơi đùa trong xóm. Tôi dùng chữ "tương đối" ở đây vì muốn nhấn mạnh ý nghĩa "được tự do trong khuôn khổ". Vì có lần tôi và chị Tâm lén bác trai chạy qua đường để tới công viên ngang chùa Bồ Đề chơi và bị bác trai bắt gặp, hai đứa tụi tôi đã bị rầy một trận và phải chịu phạt, mặc dù hình phạt là gì thì tôi lại không nhớ. May là đường xá dưới Châu Đốc lúc đó cứ gọi là vắng tanh như chùa bà Đanh, chớ nếu đông đúc như Hòn Ngọc Viễn Đông thì chẳng biết hình phạt sẽ tới đâu.

Là con gái, lại thêm cái tính tình nhút nhát, ít nói, không giống như chị Tâm, tôi chẳng bao giờ là người khởi xướng bất kỳ một trò chơi nào. Ai dẫn đâu tôi đi đó. Chiều tối cơm nước xong, chị San thường dắt chị Tâm và tôi tới nhà chị Lệ bạn thân của chị. Cả bốn người sẽ ghé uống rau má hoặc sinh tố mãng cầu, trước khi ra cầu tàu ngoài bờ sông hóng gió. Chị San trước khi yên vị để nhỏ to tâm sự với chị Lệ, bao giờ cũng căn dặn tụi tôi phải cẩn thận kẻo té xuống sông. Nói thật chớ khỏi cần phải nhắc nhở thì tôi cũng biết là không nên lại gần mép nước, vì sợ "ma da" kéo giò, nên chỉ cần nhìn xuống  nước sông đen thui dưới cầu tàu, hai chân của tôi cũng đã cảm thấy bủn rủn rồi. Tôi cứ ngồi đó, nhìn về bên kia sông là Tân Châu, với những ánh đèn vàng phản chiếu lung linh trên mặt nước mênh mông, tận hưởng những làn gió lồng lộng mát rượi như ướp nước đá. Chẳng hiểu lúc ngồi hóng mát ở đó, trong đầu tôi đã suy nghĩ  về điều gì, vì tôi sớm biết mình là đứa đa sầu đa cảm, lại hay mít ướt. Nhưng lúc ấy có lẽ tôi chẳng cả nghĩ như khi lớn lên, đơn giản chỉ vì còn nhỏ quá. Nhưng mỗi khi hoài niệm về tuổi thơ ở Châu Đốc, tôi thường nhớ đến hình ảnh mình ngồi đón gió ở cầu tàu tối đen bên bờ sông.

Cũng có hôm chị Tâm và tôi lôi ở đâu ra được cuốn nhạc đóng bìa da của chị San, và cứ thay phiên nhau nghêu ngao hết bài này tới bài khác, mặc dù chẳng quen thuộc bài nào, nghĩa là hát phịa! Nhưng chỉ được một lát, chị San khám phá ra được tội của tụi tôi đã lục đồ chị, nên chị la mắng chúng tôi rằng từ rầy về sau không được hát nhạc "người lớn" nữa, mặc dù vì lúc đó còn rất nhỏ, nên chúng tôi nào đã hiểu ý nghĩa mấy bài hát đó đâu. Nhưng tôi vẫn còn nhớ mài mại tên vài bài, như bài Yêu của Trần Thiện Thanh, bài Ảo Ảnh của Y Vân, bài Hai Phương Trời Cách Biệt của Hoàng Trọng... Đúng là toàn nhạc dành cho người lớn thiệt!

Trong xóm chúng tôi, trẻ em trai rất nhiều, và chúng thường rủ nhau chơi đủ thứ trò, nhưng vì toàn là trò dành riêng cho con trai, nên tôi chẳng bao giờ được tham gia, nên đành làm khán giả vậy.  Tối tối nhất là về mùa hè, nếu ở trong nhà thì không có ngay cả quạt máy, nên người ta thường ra hàng ba hay sân trước nhà  ngồi hóng mát, nói chuyện vãn, ăn quà vặt, và trẻ em thì chạy nhảy chơi đùa quanh người lớn. Nhiều trò cho tới bây giờ tôi cũng không biết chơi, như chơi u, chơi tạt lon, chơi bắn bi, chơi đá cầu, đá dế... May ra thì tới bây giờ, tôi có thể thành thạo một trò, đó là quay bông vụ, nhưng không phải thứ bông vụ hồi xưa lơ xưa lắc làm bằng gỗ nặng trịch, và trẻ em trai dùng một sợi dây gai quấn suốt thân bông vụ để điều khiển, mà là cái bông vụ làm bằng mủ đủ màu sắc và nhẹ bưng. Thằng cháu tôi chỉ cần "dạy" tôi  chưa đầy hai giây đồng hồ là tôi có thể khiến cái bông vụ xoay tít, trông y như đĩa bay trong phim khoa học giả tưởng. Chẳng hiểu là do nó khéo bày, hay do tôi sáng dạ bất ngờ!

Lũ con trai còn có một trò chơi mà tôi rất thích, mặc dù chưa bao giờ dám thử lấy một lần. Hơn nữa, sau này trò chơi đó đã hoàn toàn bị thất truyền, đó là trò bắn pháo dây bằng súng. Thuốc pháo được chứa trong những khoanh tròn, nằm cộm lên trên một sợi dây bằng giấy  hồng điều, bề ngang bằng một cọng hẹ. Nhét nó vào súng rồi bóp cò, pháo  sẽ nổ và phát ra tia lửa  tuy nhỏ nhưng cũng vui tai vui mắt. Lúc ấy, ta sẽ kéo sợi dây pháo tới đúng vị trí pháo chưa nổ, và tiếp tục chơi cho đến cuối dây pháo.

Trung thu, lũ con gái tụi tôi thường lấy đèn cầy dùng để đốt đèn ra chơi trò Đổ Bánh Khọt. Nghiêng cây đèn cầy đang cháy trên một ca nước để tạo ra những cái "bánh khọt" bằng nến tròn tròn xinh xinh đủ màu nổi bập bềnh trên mặt nước, trông như những chiếc đèn hoa đăng lung linh được thả trên bến Hàn Giang.

Thỉnh thoảng khi thức dậy vào ban sáng, bác gái đôi lúc trao cho tôi những món quà và bảo rằng đó là của má tôi gởi xuống cho. Khi tôi hỏi thế má tôi đâu thì bác lại nói rằng "người ta"  mang giùm. Bao giờ quà cũng gồm hai món, cho tôi và cả chị Tâm nữa, vì hai đứa bằng tuổi nhau, chắc bà sợ nếu chỉ mua cho tôi thì chị Tâm vì không vui sẽ ganh tị chăng Cầm quà trong tay, nước mắt của tôi bao giờ cũng tuôn như suối, vì còn nhỏ đã phải xa nhà, xa mẹ. Bao giờ tôi cũng được lựa trước, khi là bộ quần áo hàng hiệu, (có thêu một khóm bông đàng trước. Tôi thường chọn bông tím, vì má tôi thích màu tím!), khi thì là một ve dầu thơm hiệu Reina của Khiêm Tín Hãng, có lúc lại là một cái làn đồ chơi làm bằng mủ. Tôi cứ căn vặn bác gái mãi, rằng người mang quà đến hồi nào, sao tôi không thấy họ, và má tôi có nhắn gì không... Rồi suốt ngày hôm đó, và cả nhiều hôm sau nữa, đừng hòng thấy tôi rời khỏi món quà đó, dù chỉ một giây. 

Thỉnh thoảng tôi cũng thấy bác gái bọc hàng trăm trái mãng cầu dai vào những mảnh giấy nhựt trình, xếp cẩn thận chúng vào những cái làn bằng mây cho tới khi đầy hụ, và lại giao cho nhà xe mang lên Sài Gòn biếu gia đình tôi. Thì ra từ hồi xửa hồi xưa, nhà xe cũng đã có dịch vụ vận chuyển,  giao hàng rồi.

Anh Chính anh họ của tôi rất đẹp trai, nhưng hơi mập. Anh đã chơi đủ thứ môn thể thao, uống nước chanh... để bớt mập. Đôi khi anh Chính sai chị Tâm và tôi cứ "đi bộ" lên lên xuống xuống từ chân lên tới vai anh,  chắc để anh giãn gân giãn cốt, sau giờ tập thể dục hay chơi thể thao. Thế là hai đứa chúng tôi cứ hết lên lại xuống dẵm lên khắp người anh, rất êm vì nhiều thịt! Tôi thích nhất lúc đứng trên hai mông của anh Chính, và cứ bị tuột xuống vì trơn, khiến chị Tâm và tôi cứ phá lên cười khúc khích. 

Thi thoảng anh Chính sẽ tham gia vào trò chơi  của chúng tôi, với vai trò cố vấn, cũng dễ hiểu thôi, vì anh vừa lớn tuổi nhất  lại vừa to xác nên nếu chơi cùng tụi tôi sẽ không thích hợp chút nào, nhưng hễ anh cố vấn cho ai thì bảo đảm đứa đó chẳng bao giờ thua! Có lần chơi năm mười, anh Chính bế tôi lên giấu sau cửa sổ, ngồi trên chiếc ghế bố đã xếp lại ngoài hàng ba, và tôi đã trở thành người chiến thắng, vì không một đứa nào đã có thể nghĩ ra chỗ nấp tuy hở nhưng kín như vậy.

Anh Chính rất sợ bác trai, điều này tôi chỉ biết khi lớn lên. Lúc đến nhà tôi trên Sài Gòn chơi, anh Chính nói chuyện rất to, tới nỗi khách bộ hành ngang qua nhà tôi đều phải ngoái đầu nhìn vô nhà! Nhưng khi ở nhà mình, anh Chính lại nói nhỏ xíu, vì sợ bác trai la rầy! Thầy tướng nói rằng đàn ông ăn nói oang oang thường làm lớn, hèn chi anh Chính mới  hăm ba tuổi đã làm Trưởng Ty. Nhưng những lúc đi chợ, tôi lại thường hay tự hỏi mấy anh chàng rao hàng ồn ào cả chợ  sao cứ mãi là những người bán hàng rong quèn!

Ông Tụng lục sự, láng giềng của chúng tôi ở Châu Đốc, là một người rất vui tính. Tối tối sau khi cơm nước xong, lũ trẻ chúng tôi, và cả người lớn nữa, thường hay tụ tập ở hàng ba nhà ông Tụng để nói chuyện phiếm. Ông Tụng hay kể chuyện vui, hoặc pha trò bằng những câu nói vui có cùng một vần, hay những bài nhạc chế, khiến lũ trẻ chúng tôi cứ gọi là cười như nắc nẻ, như, Đêm đông đại đội đốt đèn đi đâu đó? Đêm đông đại đội đốt đèn đi đ.. đây! Hoặc, Bụng cô to như cái thùng nấu phở, rốn cô lồi như cái quả cà chua!...

Đôi khi, vô tình, tôi cũng là người mang lại những tiếng cười vui ấy, dù chỉ họa hoằn.  Có lần ngủ thiếp đi bất thường, lúc tỉnh dậy thì trời đã tối, và nhìn quanh trong nhà chẳng thấy ai, tôi đã chạy sang nhà ông Tụng để tìm. Thấy tôi ông Tụng bèn hỏi, bé Lan ngủ có ngon không? Tôi xí xọn nói, ăn mới ngon chớ ngủ sao mà ngon được!  Hoặc ông Tụng nói, nước Việt mình chia làm ba phần gọi là Bắc kì, Trung kì, và Nam kì, thì tôi lại  một cách vô cùng ngây thơ cắc cớ hỏi, sao không có Huế kì?

Những niềm vui thuở nhỏ, những câu nói đùa vô bổ như thế, nhưng lại sống rất dai, và luôn luôn làm cho lòng tôi ngậm ngùi, se thắt, mỗi khi nhớ về những năm tháng yên ả tôi được sống nơi tỉnh lỵ êm đềm nên thơ đó. Những ngày xưa thân ái, tôi trả lại cho ai!

Trần Thị Phương Lan   
(Bút nhóm Hoa Nắng)


Không có nhận xét nào: