Tiếng ồn ào như chợ vỡ chợt lắng đi, nhưng
tiếng khóc lè nhè ở một vài chỗ thì vẫn còn. Lần này tiếng bà Hiệu
trưởng trở nên gay gắt hơn:
– Chết đòn bây giờ. Đứa nào có em sao không dỗ cho nó nín đi.
Rồi dường như cảm thấy sự đòi hỏi cả lớp phải im lặng đến đó là mức tối đa, bà đổi giọng:
– Hôm nay các em có cô giáo mới. Cô giáo
cũ bận công chuyện, không tiếp tục được. Vậy phải ngoan mà học, cô giáo
đây hiền lắm, nhưng chỉ hiền với đứa ngoan. Đứa nào hư sẽ chết đòn. Nghe
rõ không?
Hơn năm chục cái miệng cùng la lên:
– Nghe!
Bà Hiệu trưởng gật đầu hài lòng, rồi bà
đảo mắt một lần để quan sát toàn thể lớp học. Bỗng ngón tay của bà chỉ
về phía góc trong cùng và nói lớn:
– Ai cho tụi bay ngồi lộn xộn thế kia!
Thằng On lớp Ba ngồi ở đâu? Thằng Tư, thằng Thịnh lớp Tư ngồi ở đâu? Con
Sương học Mẫu giáo sao mày leo tới đó mà ngồi! Cha! Tụi bay hết đường
rồi đó!…
Lớp học lại nháo lên như ong vỡ tổ. Những
đứa ngồi lộn xộn vội vã di chuyển để về chỗ của mình. Vài đứa leo qua
mặt bàn. Vài đứa khác đi chênh vênh trên ghế. Có đứa đã chen lại phải bế
một thằng nhỏ hầu như chỉ mới vừa cai sữa, làm nó quai mồm khóc ré lên.
Ở góc này có hai đứa giằng nhau tấm giẻ lau bảng. Ở góc kia mấy đứa
khác đang chơi trò búng dây thung trên mặt bàn. Ngay sát vách tường ba
bốn đứa tay vẫn còn ôm khư khư cái cặp ở nách chưa thèm giở ra, vì trên
tay chúng nó còn nguyên khúc bánh mì hay nắm xôi, mồm miệng nhai nhồm
nhoàm.
Thì ra đây là một trường học! Ngôi trường
nằm ngay giữa một xóm lao động đông đúc, nghèo nàn. Cả trường chỉ vỏn
vẹn có một căn buồng dài rộng mỗi bề hơn bốn thước, nền đất, vách ván
thùng, mái lợp tôn thấp lụp sụp.
“Trường” có ba dẫy bàn, qui tụ một lúc đủ
các trình độ, đủ các loại tuổi: vài đứa Mẫu giáo, vài đứa lớp Năm, non
chục đứa lớp Tư, chục đứa lớp Ba, kèm thêm dăm bẩy đứa chưa đến tuổi đi
học, nhưng cũng được gửi đại vô ngồi lê la chửng giỡn, bởi như thế còn
hơn là khóa cửa nhốt nó một mình ở nhà trong thời gian bố mẹ đi làm suốt
buổi.
Trường ở ngay bên lề một lối đi hẹp, trên
mặt đường đi la liệt những hàng quà buổi sáng: mẹt xôi, gánh bún, thúng
bánh mì, có cả quầy kính quay xổ số ăn những túi đựng khô bò hay đậu
phụng chiên nữa. Đây là nơi tập trung của các hàng quà bánh, vì thế buổi
sáng rất ồn ào. Còn ồn ào hơn cả lớp học cách nhau chỉ bằng một cái
vách đóng bằng ván thùng. Trong khi đám người lớn ở bên ngoài cũng trò
chuyện, cười đùa, chửi bới, khích bác nhau, hò hét như họp chợ thì Cô
giáo dù tận tâm đến mấy cũng không có cách gì cai quản lớp học cho xuể.
Cho bài lớp Ba làm thì lớp Tư ngồi nghịch. Gò được bọn lớp Tư vào kỷ
luật chép tập trên bảng thì lớp Năm, lớp Mẫu giáo còn đó, làm sao bắt
chúng ngồi được yên. Thế cho nên người dạy ở đây phải lì, có thể ngồi
đan đôi vớ trong khi chúng nó hò hét, hoặc khảo bài cho một đứa mà bất
cần những đứa khác đang làm gì.
Cô giáo cũ vì có bệnh đau tim nên không thể kham nổi quá một tháng rưỡi.
Bây giờ là Thúy thay thế. Thúy nhận lời thay thế là do sự giới thiệu của chú Phong!
*
Bà Hiệu Trưởng hò hét một lát rồi rút lui,
sau khi hất hàm ra hiệu cho Thúy bắt đầu làm nhiệm vụ. Thúy nhìn theo
bà ta với cảm giác như mình vừa bị tuyên án khổ sai và sắp sửa bắt đầu
phải thọ hình. Mới chỉ vô đây không đầy năm phút mà lưng áo của bà ta đã
ướt đẫm mồ hôi, thì không biết giam hãm ở đây một ngày hai buổi, Thúy
sẽ có thể chịu đựng được bao nhiêu ngày. Mơ hồ, Thúy như thấy bao nhiêu
mộng đẹp do mình xây đắp hồi đêm trước đang thi nhau sụp đổ. Khi nghe
chú Phong nói sẽ giới thiệu cho mình một chân làm cô giáo, Thúy đã mường
tượng đến ngay một ngôi trường xinh xắn có nhà gạch, mái đỏ, bốn bề có
sân rộng, có tàn lá che rợp sân, đầy bóng mát, lớp học khang trang, có
cửa kính, cửa chớp, nhìn qua bên kia bờ tường là những giàn hoa leo rực
rỡ. Đó là quang cảnh ngôi trường mà Thúy đã in sâu vào tâm trí từ hồi
nhỏ còn đi học, phải học thuộc lòng bài “Trường tôi”.
Ngôi trường xinh đẹp đã không đến với Thúy
như Thúy đã ấp ủ từ bao nhiêu năm. Bây giờ nó là đây, một căn phòng tồi
tàn, chật chội, một lũ học trò nghèo khó, rách rưới, bẩn thỉu và nghịch
như giặc. Nó không phải trường, cũng chẳng ra lớp học, nó là một tập
thể hổ lốn, tạp nhạp, và tất nhiên chẳng còn cái ý nghĩa gì của danh từ
giáo dục.
Nghĩ đến chú Phong, Thúy cảm thấy vừa tức
lại vừa tủi. Chú nói chú quí mình, mà thật ra chú coi thường mình hết
sức. Nếu chú chịu khó hơn một chút, có thể chú sẽ thừa sức tìm cho mình
một chỗ dạy khá hơn, ít ra thì cũng là một lớp học đúng nghĩa. Ít ra thì
cũng có thể biết mình phải dạy chương trình nào, soạn bài nào, giảng
bài nào, và bọn học trò có dốt lắm cũng chẳng đến nỗi chênh lệch quá
đáng như ở đây. Vào đến đây, trong lớp học giữa đám con nít hỗn loạn
này, Thúy có cảm tưởng như mình bị ném vào một cơn lốc khủng khiếp, tối
tăm mặt mày và không biết đằng nào mà định hướng hết cả. Thúy muốn cất
tiếng nói, nhưng cảm thấy ngay giọng của mình quá yếu ớt so với tiếng
cãi cọ của người lớn bên ngoài và tiếng ồn ào ở bên trong. Ở góc này,
mấy thằng nhóc vẫn búng dây thung trên mặt bàn, ở góc kia thêm một đứa
nữa khóc còn to hơn vì bị một đứa nào đó lấy mất cây bút chì hay bút mực
gì đó, còn ở sát vách thì đứa ngồi xổm ăn bánh mì, đứa ngồi xổm ăn xôi
vẫn tiếp tục nhai, chiếc cặp sách còn y nguyên ở trong lòng, chưa được
mở ra. Tự nhiên Thúy muốn bật lên tiếng khóc, muốn gào tên chú Phong
thật to, muốn có chú ở ngay trước mặt để hét vào tai chú “Cháu ghét chú! Cháu ghét chú!”.
Nhưng rồi Thúy cố nén được lòng mình để
đàn áp cơn xúc động. Những giọt nước mắt ngưng lại trên bờ mi, chỉ vừa
đủ để Thúy cảm thấy hơi cay cay ở mắt. Thúy nén lồng ngực để thở một hơi
dài. Rồi Thúy tiến lại cái bàn ọp ẹp kê sát vào vách tường là bàn dành
riêng cho cô giáo. Lúc ngồi yên vị, Thúy ngẩng mặt lên nhìn. Mái tôn
không cách đầu Thúy bao xa. Hơi nóng hầm hập bắt đầu phà xuống. Thúy cảm
thấy mồ hôi đang rịn ra từ khắp các chân tóc. Thúy mở thử chiếc ngăn
kéo ra xem. Bên trong có vài hòn phấn, dăm ba cái quản bút gẫy, một đống
vỏ đậu phọng luộc, và một hòn đá xanh, nhẵn bóng. Thúy cau mày moi óc
để suy nghĩ về công dụng của hòn đá ở trong chiếc ngăn kéo xộc xệch này.
Và Thúy mỉm cười tìm thấy lời giải đáp không khó khăn gì. Thúy lôi nó
ra, đem gõ lên mặt bàn. Tiếng động chát chúa làm tiếng ồn ào hỗn loạn
bỗng vơi hẳn đi. Nắm được giây phút lợi thế đó, Thúy mới bắt đầu cất
tiếng nói:
– Bây giờ tất cả các em yên lặng nghe cô hỏi nhé. Các em có biết hát không?
Nghe thấy vấn đề hát hỏng thú vị, cả bọn có vẻ chú ý hơn. Một vài đứa nhao nhao:
– Hát bài gì cô?
– Cô hát trước, tụi em hát sau.
– Phải đấy, cô hát trước!…
– Cô hát trước !…
Thúy như thấy lòng nhẹ đi một phần nào nỗi ưu tư, bực dọc. Nụ cười hồn nhiên làm khuôn mặt của Thúy rạng rỡ hơn. Thúy nói:
– Được rồi! Cô hát trước! Nhưng tất cả phải im lặng. Hoàn toàn im lặng!..
Lớp học bỗng chìm hẳn đi. Mấy đứa đang nói
vội ngừng lại. Mấy đứa đang cựa quậy vội ngồi ngay ngắn lại. Bọn ăn
sáng ở sát vách tường cũng ngừng nhai. Chúng giương cặp mắt thật to lên
nhìn Thúy. Thúy chợt thoáng thấy một cảm giác hồi hộp như mình đang sắp
sửa ra trình diễn trước khán giả, mặc dầu đây chỉ là một lớp khán giả tí
hon, chưa đứa nào vượt quá tuổi lên mười. Thúy nhìn một lượt khắp lớp
học một lần nữa rồi cất tiếng hát:
– Kìa đàn vịt bơi dưới ao hồ, thằng bờm xờm vác que đuổi đánh…
Bài hát quen thuộc với lũ trẻ làm cả bọn không ai bảo ai cất tiếng hát theo:
– A… a… a… nó kêu quác quạc, quác quạc. Chạy xơ xác tan đàn…
Bài hát ngắn ngủi chấm dứt bằng một tiếng reo hò. Thoảng qua tai, Thúy nghe thấy một vài đứa la “Quê! Bài hát cũ rích à ơi!…”. Quả nhiên khi tiếng hò chấm dứt, một đứa nói to:
– Cô phải hát bài khác. Bài nào tụi em chưa biết hát thì tụi em mới chịu.
Thúy chăm chú nhìn nó. Nó trạc lên bẩy.
Đầu trọc, trán dô, mắt xếch, vẻ mặt ngỗ ngược, nước da đen đúa, thân
hình còm cõi. Nó mang đầy vẻ một con nhà bị thả rông, ít được chăm sóc.
Thúy chỉ về phía nó và hỏi:
– Em tên là gì?
Thằng nhỏ rụt rè đứng dậy, trả lời một cách ngượng nghịu:
– Dạ tên Tư!
– Gì Tư?
– Dạ, Tư là Tư, không có gì Tư hết.
– Ồ, phải có họ chứ. Nguyễn Văn Tư, Trần Văn Tư hay Lê Văn Tư chẳng hạn.
Một đứa khác nhanh nhẩu đáp theo:
– Thưa cô, nó là Huỳnh Văn Tư!
Thúy nhắc lại:
– Huỳnh văn Tư phải không?
Thằng bé gật đầu. Thúy hỏi tiếp :
– Em muốn cô hát bài gì? Bài Làng Tôi nhé.
Thằng bé có vẻ cảm động. Nó không ngờ lời
yêu sách của nó lại được đáp ứng một cách dễ dàng như vậy. Nó lại gật
đầu một cách bẽn lẽn. Trong khi ấy Thúy đã cất tiếng hát:
– Làng tôi có cây đa cao ngất từng xanh, có sông sâu lờ lững vờn quanh…
Tiếng hát của Thúy vừa bay bổng lên cao
thì một đám thanh niên ở phía ngoài đã chồm lên vách ván vừa đập thình
thịch lên mặt gỗ vừa la:
– Hay! Hay!…
– Ca sĩ hay ác!…
Mặt Thúy đỏ bừng, Thúy nhìn ra phía ngoài.
Trước mặt Thúy là cả chục con mắt nhìn Thúy hau háu như muốn ăn sống
nuốt tươi. Thúy vừa mắc cỡ, vừa tức ứ lên tận cổ, chỉ thiếu chút nữa thì
nước mắt lại trào ra. Lần này Thúy có cảm giác như vừa bị dội vào một
bức tường đá mà Thúy thấy khó có thể vượt qua, nhất là đối với đám thanh
niên du đãng, ít học ở khu xóm hỗn độn này.
Thúy lại nghĩ đến chú Phong và cơn oán
giận chú lại nổi lên dữ dội. Tai sao chú lại đẩy Thúy đến cái chốn cơ
cực này. Chú phải biết Thúy đâu có chết đói. Thúy cũng chẳng tha thiết
gì đến đồng lương ít ỏi mà bà Hiệu trưởng đã so kè, bắt Thúy phải dạy đủ
ba tháng tập sự mới trả cho bằng cô giáo cũ. Thúy tự nhủ hôm nay đã
chót vô đây rồi ta sẽ ở lại cho đến hết giờ. Nhưng ngày mai đừng hòng
cho ta quay trở lại. Ta khinh bỉ những nhân vật ở đây, thù ghét bầu
không khí xa lạ này. Ta sẽ chỉ coi như vừa sống qua một cơn ác mộng. Tìm
được giải pháp đào nhiệm ấy rồi, Thúy thấy lòng thanh thản hơn. Thúy
ngưng hát và quay về phía bọn trẻ con và nói:
– Thôi để ngày mai hát tiếp. Bây giờ chúng ta tiếp tục học đi nhé.
Lệnh của Thúy vừa ban ra, thì ba bốn đứa
đã xô ghế, thi nhau ùa đến chỗ bàn Thúy ngồi. Chỉ trong một chốc, chúng
đã bu đen kín lấy Thúy, làm Thúy không thấy gì hơn là những mái đầu bẩn
thỉu, chốc lở đưa thoảng qua mũi Thúy một mùi tanh tưởi chen lẫn mùi mồ
hôi chua nồng. Thúy lại phải đập hòn đá lên mặt bàn lia lịa để trấn áp
làn sóng hỗn độn cứ mỗi lúc mỗi lúc một gia tăng. Lại phải một thời gian
lâu, Thúy mới bắt được chúng nó trở về yên vị. Lần này Thúy bảo những
đứa cùng một lớp phải giơ tay lên cho Thúy kiểm soát và phân biệt được
đâu là ranh giới của lớp Ba, đâu là ranh giới của lớp Tư cũng như lớp
Năm và lớp Mẫu giáo. Tuy vậy sự phân chia này cũng chỉ là tương đối. Bởi
vì có những đứa nhỏ nhất định không rời anh hay chị của nó. Cho nên có
nhiều bàn thằng lớp Tư ngồi cạnh con em học Mẫu giáo. Đứa lớp Ba ngồi
chung với đứa lớp Năm. Thúy cảm thấy mình điên cái đầu và không hiểu cô
giáo cũ đã dùng phương pháp nào để có thể cai trị được cái đám hỗn độn
này đến hơn một tháng. Cuối cùng Thúy lấy phấn chia bảng ra làm bốn ô.
Cái bảng thật nhỏ, bằng một tấm carton nhầu nát được sơn đen lên bằng
những nét chổi cẩu thả. Ở ô thứ nhất, Thúy cho bọn học lớp Ba tập viết
câu “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”.
Một đứa hỏi:
– Ăn quả gì hở cô?
Vài đứa khác trả lời thay:
– Xoài!
– Dừa xiêm!…
– Im đi! Tụi bay tầm bậy, tầm bạ. Nói giỡn hoài cô đánh cho bây giờ.
Thúy nghe thấy hết, nhưng lờ đi. Ở ô thứ
nhì, Thúy cho bọn lớp Tư làm hai bài tính cộng. Còn hai ô dưới Thúy vẽ
hình cái nhà bằng những nét thẳng và nét gẫy rồi bắt bọn lớp Năm cũng
như lớp Mẫu giáo phải vẽ theo y hệt như vậy.
– Vẽ cho đúng, cho sạch rồi cô sẽ chấm điểm. Đứa vẽ đẹp nhất được 10 điểm nghe không.
Lớp học nhờ thế bớt hỗn loạn đi. Nhưng
Thúy thấy mình rõ ràng là vừa sử dụng một phương pháp dối trá và trốn
trách nhiệm. Thúy tự hiểu rằng dạy đến nơi đến chốn thì không thể nào
làm như thế. Đây chỉ là một cách giết thì giờ cho qua buổi và chế ngự
một phần nào sự hỗn loạn của đám trẻ gồm đủ mọi thành phần. Niềm kiêu
hãnh, tự tin của một cô giáo mà Thúy nuôi dưỡng từ bao lâu bây giờ hoàn
toàn sụp đổ. Thúy thấy rõ lúc này mình chỉ là một vú em có bổn phận
trông nom đám con nít này trong khi bố mẹ chúng nó vắng nhà. Làm gì cũng
được, miễn là cho qua thì giờ. Dạy thêm được vài ba chữ càng hay, mà
không thì cũng chẳng có ai trách móc, la rầy. Có lẽ cô giáo lúc trước
cũng đã nhìn ra được vấn đề như vậy, và chắc bí quyết của cô khi phụ
trách lớp học này là phải bịt mắt để khỏi nhìn cái cảnh nháo nhào, cũng
bịt luôn cả tai để không cần nghe bất cứ một lời ồn ào của lũ trẻ con
trong này, cũng như người lớn ngoài kia.
Nhưng
đối với Thúy thì sự việc không có giản dị như vậy. Thúy nhìn thấy trước
mắt Thúy là cả một đám mầm non. Thúy cảm thấy như các mầm non này đang
trông cậy vào bàn tay vun tưới của Thúy. Vầng trán cao này, cặp mắt sáng
long lanh kia, khuôn mặt bụ bẫm, ngây thơ, hồn nhiên đó, tất cả đều
được giao phó cho Thúy ở những bước đầu chập chững trên đường học vấn.
Thúy không thể tàn phá tương lai chúng nó bằng phương pháp giảng dạy là
chỉ đi tìm mọi cách để hoãn binh sự nghịch ngợm nô đùa của lũ trẻ. Đứa
bé cắp sách đến đây từ lúc tám giờ, cặp sách vẫn còn y nguyên đó chưa
được mở ra, nó vẫn ngồi xổm ở bên cạnh vách và miệng vẫn nhồm nhoàm gậm
nhấm từng hạt đậu phụng lẫn giữa đám xôi óng ả và thơm phức mùi hành mỡ.
Thế mà nó đã đi học. Ngày này qua ngày khác, tháng này qua tháng khác
và cả năm này qua năm khác. Thúy không muốn nhận lãnh trách nhiệm đã
giam hãm sự học hành của nó vào cai khung cảnh hỗn độn này. Thúy cảm
thấy vô cùng mệt mỏi. Thúy muốn chạy bay về nhà úp đầu vào tường mà khóc
lên rưng rức. Thực tế đối với Thúy đã quá phũ phàng. Chú Phong đối với
Thúy đã quá tàn tệ. Cháu oán chú. Càng lúc cháu càng oán chú. Chú nói
thì rất hay, nhưng chú làm thì thật là dở ẹt. Việc làm mà chú giới thiệu
cho cháu đây là một minh chứng hùng hồn và cụ thể.
Thúy như nhược thêm người ra. Phải cố gắng
lắm Thúy mới lê được lại phía bàn và ngồi phịch xuống. Mái tôn trên đầu
như đã xuống thấp hơn. Mặt trời lên cao làm cơn nóng mỗi lúc một gia
tăng dữ dội. Chiếc áo dài của Thúy đã ướt đẫm mồ hôi. Thúy nhìn đồng hồ.
Hãy còn quá sớm để rung chuông loan báo đã tan học. Ở lớp Năm đã có mấy
đứa đòi góp hình vẽ cái nhà. Thúy hoảng sợ bầu không khí ồn ào lúc
trước lại sắp sửa trở lại nên vội vàng điểm thêm vài nét nữa cho kéo dài
thêm thì giờ ra. Có nhà thì phải có sân. Đây là cái sân lát gạch đàng
hoàng. Phía trước là cổng ra vào. Phía sau là hàng rào. Chung quanh có
cây cối. Thúy vừa giảng vừa vẽ lia lịa. Mấy đứa ở lớp Tư thích quá, bỏ
luôn làm tính cộng, xé giấy soàn soạt để ngồi vẽ cái nhà. Chúng đòi nhau
gôm, đòi nhau thước, bút và cãi nhau ỏm tỏi. Thằng nhỏ này cái trán khá
thông minh, không biết sau này nó sẽ làm gì và nó làm thế nào để phát
triển được trí thông minh của nó. Con bé kia có đôi mắt thật đen, khuôn
mặt thật bầu bĩnh, dễ thương. Nó sẽ khá, nhưng Thúy không biết sẽ khá
bằng cách nào? Đột nhiên Thúy nghĩ đến những đứa em của mình. Chúng nó
đồng một lứa tuổi. Tâm hồn trong sáng và hồn nhiên như nhau. Nhưng chắc
chắn các em của Thúy không thể bị dồn vào những cái “lò sát sinh” theo
kiểu như những lớp học tương tự lớp học này. Bỗng nhiên lòng Thúy nhen
nhúm một cảm giác hổ thẹn về tính ích kỷ của mình. Giữa các em Thúy và
bọn trẻ này có điều gì khác nhau đâu. Chúng nó cũng có quyền được lớn
lên và làm người theo đúng ý nghĩa cao quý ấy. Bàn tay của Thúy nhỏ bé,
hẳn nhiên không thể che được mặt trời. Vậy ít ra Thúy cũng không thể
tiếp tay cho những tên lái buôn giáo dục như bà Hiệu trưởng mà Thúy mới
chỉ gặp mặt cách đây không quá một giờ với một loạt ý nghĩ rằng ta sẽ
nghỉ, ta sẽ tránh thật xa cái xã hội kỳ quặc này. Rồi sẽ không nhờ đến
chú Phong nữa. Ta sẽ tự lực đi tìm ra một ngôi trường lý tưởng ở trong
có một lớp học lý tưởng và một đám học trò lý tưởng cho đúng với lý
tưởng mà ta hằng mong thực hiện. Thúy lan man suy nghĩ và quên bẵng hẳn
đi tiếng ồn ào trước mặt. Hình như vài đứa ở ở góc tay mặt vẫn đang nằm
bò xoài trên mặt bàn búng dây thung. Hai đứa nhỏ ngồi mé sát vách vẫn
chưa ăn hết gói xôi và khúc bánh mì của chúng. Bây giờ Thúy mới nhận ra
rằng các chỗ ngồi trong lớp đã chật cứng. Chúng nó không còn cách nào
khác hơn là ngồi xổm, tựa lưng vào vách gỗ. Kìa con bé thật dễ thương.
Da nó trắng nhưng cổ đầy ghét bẩn. Khuôn mặt nhếch nhác mũi và rãi. Nếu
chú ý nhìn thật kỹ, Thúy thấy nó như một viên ngọc quí còn nằm vùi trong
cát sỏi. Ai sẽ làm công việc của người thợ rũa? Chính là kẻ đang ngồi
trên bàn này. Ít ra là trên lý thuyết. Còn trong thực tế thì chắc gì
viên ngọc đã được lôi ra ngoài ánh sáng. Có bao nhiêu viên ngọc tương tự
chưa được lôi ra ngoài ánh sáng.
Thúy
khẽ rùng mình khi thấy mình chợt đối diện với một tương lai đen tối
khủng khiếp, không chỉ riêng với em bé này, nhưng mà là của cả hàng
trăm, hàng ngàn những đứa trẻ khác đang lớn lên và được trao phó vào
những ngôi trường tương tự như thế này đã mọc lên đầy rẫy ở khắp các
hang cùng ngõ hẻm. Đã một lần chú Phong nói: “Xứ mình nghèo, lại
triền miên trong chiến tranh. Thế cho nên làm hết bổn phận của mình chưa
thể coi là đủ. Mỗi người nên cố gắng hơn một chút nữa, bởi chính những
nỗ lực phụ trội này sẽ mau chóng đem được quê hương đau khổ này ra khỏi
cảnh lầm than.” Ở một vài khía cạnh, Thúy thấy chú Phong tuy lý
tưởng, nhưng có lý một phần nào. Cũng như câu nói của một danh nhân đã
nhiều lần đi qua ý nghĩ của Thúy: “Các bạn trẻ, tương lai của xứ sở là ở trong tay các bạn đó”.
Tâm hồn của Thúy bỗng thoáng qua một cơn
xúc động nhẹ nhàng. Thúy có cảm giác như giữa mình với em bé hồn nhiên
này chợt nẩy ra một sự liên hệ tuy xa vời nhưng thấm thía. Có phải chăng
đây là sự liên hệ của Thúy với một thế hệ mầm non vừa bắt đầu nẩy nở.
Thúy nhìn nó một cách chăm chú hơn. Và con bé giương cặp mắt thật to lên
nhìn lại. Ánh mắt trong vắt và sâu thăm thẳm. Thúy muốn bồng nó lên,
lau thật sạch khuôn mặt nhếch nhác của nó và chắc chẳng hình ảnh nào đẹp
cho bằng những giây phút Thúy cầm bàn tay xinh xắn kia của nó để tập
tô lên trang giấy trắng ngần những nét chữ đầu tiên. Thúy bỗng quay lại
nhìn tất cả đám học trò nhốn nháo trước mặt. Thúy so sánh nhiệm vụ chăn
dắt đám trẻ thơ này với bất cứ nhiệm vụ nào khác mà Thúy ước ao. Chẳng
hình ảnh nào khác làm Thúy hãnh diện hơn khi Thúy tưởng tượng ra lúc
mình chu toàn công việc ở khung cảnh thiếu thốn chật chội này. “ Xứ mình nghèo, lại triền miên trong chiến tranh…” Vậy hãy bắt đầu từ mọi sự thiếu thốn, điều đó quả thực là đã mang một ý nghĩa sâu xa.
Thúy lan man suy nghĩ và quên bẵng hẳn đi
tiếng ồn ào ở trước mặt. Ngoài đường, lác đác đã thấy một vài người lớn
đến đón vào giờ tan học. Thúy nhìn thấy một bà cụ già với nước da sù sì,
nhăn nhúm, mái tóc bạc phơ, thân hình còm cõi, đôi vai gầy nhô lên sau
lần áo mỏng rách vá tứ tung. Chỉ còn đôi mắt của bà cụ là thấy sáng lên
một niềm vui, niềm hãnh diện có cháu đi học. Đứng cạnh bà cụ là một
người đàn bà xanh rớt, vẻ mặt đầy nét cằn cỗi, lo âu, cặp mắt lờ đờ của
sự thiếu ngủ thường xuyên. Thỉnh thoảng bà ta lại nghển đầu nhìn vào lớp
học để dò tìm đứa con yêu dấu của mình. Chắc bà ta hài lòng khi thấy nó
cũng sinh hoạt như ai trong cả tập thể này. Chắc đầu óc bà ta xây dựng
biết biết bao nhiêu mộng đẹp. Con sẽ học hành chăm chỉ. Con sẽ lớn lên
vẻ vang. Con sẽ mang má ra khỏi đời sống tối tăm khổ cực này. Nguồn hy
vọng tràn ngập làm tươi thêm đôi môi đượm chút cuộc đời héo úa, quanh
năm không thấy nhếch lên một nụ cười.
Rồi số người đến đón mỗi lúc một đông hơn.
Họ đứng xúm xít ở ngay cửa ra vào. Người nào cũng cố chen vào để được
nhìn thấy con mình, cháu mình đang thực sự hòa mình vào đời sống tập
thể. Mỗi người đều nhen nhúm lên một nguồn hy vọng vô biên. Con bé ăn
nắm xôi ở sát tường bây giờ đã ăn xong nắm xôi của nó. Cái cặp sách vẫn
chưa được mở ra. Nhưng nó nhẩy quẩng lên gọi “Má ơi, Má ơi”
bằng một giọng to nhất. Một người đàn bà xồ xề cố chen vào, giơ tay vẫy
và nhoẻn với nó một nụ cười. Ánh mắt của bà ta đầy trìu mến. Bà ngắm cái
cặp trên vai nó một cách hãnh diện. Ôi, cái cặp đã chưa được mở ra, và
cả một buổi sáng trong tuổi ấu thơ của nó đã qua đi với chỉ một nắm xôi
nhôi nhai ở trong miệng. Ai hay được điều đó, ngoại trừ Thúy. Thúy tự
hỏi trong những giờ của cô giáo cũ trước đây, đã có bao nhiêu buổi sáng
tuổi ấu thơ của nó vẫn chỉ qua đi không ngoài một gói xôi sáng, và đã có
bao nhiêu lần vẻ mặt của người đàn bà kia bừng lên một tia hy vọng sáng
ngời, vành môi héo úa kia nhoẻn lên một nụ cười trìu mến, kiêu hãnh.
Lúc
đúng giờ tan học, Thúy giơ tay cho học trò ra về. Thúy đi giữa những
tiếng động ồn ào. Bọn trẻ chúi đầu qua chân của Thúy để lẩn đi như những
con chuột. Chúng nó chạy huỳnh huỵch trên con đường đất gồ ghề, hai bên
có rãnh, cống đen sì chảy róc rách. Nếu nhắm mắt lại để khỏi trông thấy
cảnh nghèo khó chung quanh, thì tai Thúy chỉ còn nghe thấy muôn ngàn
tiếng cười của giọng trẻ hồn nhiên và thơ ngây. Những giọng trong trẻo
biểu lộ cả một thế hệ mầm non đang bắt đầu nhô lên giữa lòng cuộc đời.
Vậy chúng nó có gì khác đâu so với những đứa trẻ cùng lứa mà Thúy mường
tượng qua ý nghĩ về ngôi trường lý tưởng của mình. Dù ở đâu, trong hoàn
cảnh nào, thì chúng nó cũng chỉ là một. Một thế hệ của tổ quốc, một
tương lai của đất nước, một nguồn hy vọng của quê hương. Thúy chợt nghĩ
đến nỗi gian nan trong những công cuộc khai sơn, phá thạch của cha ông
vẫn được mô tả trong sách vở. Hãy nối gót cha ông, thầy cô giáo của
Thúy hồi mấy năm trước vẫn nhắc nhở như thế.
Vậy thì riêng với Thúy, nơi bắt tay khởi
sự “nối gót cha ông ” là ở đây rồi. Thúy sẽ vất vả, Thúy sẽ tủi cực,
nhưng chắc chắn Thúy sẽ được bao dung bằng những nụ cười hy vọng như nụ
cười của bà cụ già với mái tóc bạc phơ, ánh mắt trìu mến, hy vọng chứa
chan, hay của người đàn bà gầy còm với vành môi héo hắt, chỉ trông vào
sự lớn lên của con mình làm nguồn vui bất tận.
Dưới ánh nắng chói chang, lũ trẻ ùa đi như
đàn ong vỡ tổ. Khung cảnh của giờ tan trường không giống bất cứ một
cảnh tan trường nào đã được tả trong sách vở. Bởi quê hương mình nghèo.
Bởi đất nước mình triền miên trong ba mươi năm khói lửa. Hãy bằng lòng
với hiện tại và khởi sự từ những gì mình đang có. Chính vì lẽ đó, ta còn
đáng kiêu hãnh hơn người. Những ý nghĩ đã làm cho Thúy cảm thấy mình
như đang lớn lên. Thúy đứng lại nhìn đám đông quanh Thúy tản mác dần.
Bên tai Thúy tiếng nước róc rách chảy vang lên từ hai bên cống rãnh đen
sì. Những mái nhà tôn thấp chói lòa ánh sáng. Hình ảnh lớp học chật hẹp
hiện ra với đám học trò chen nhau hỗn loạn. Bàn tay của Thúy tuy bé nhỏ
nhưng thừa sức nắm chặt và lôi đi những bàn tay xinh xắn và bé nhỏ hơn.
Lớp học này phải tiến bộ để tránh xa hố thẳm chôn vùi những viên ngọc
quí của đất nước.
Chú Phong
Bây giờ thì cháu hiểu chú rồi. Chú có
thể xếp cho cháu một chỗ dạy học tốt đẹp hơn, nhưng cháu lại thấy không
nơi nào cần cháu bằng lớp học nghèo nàn mà cháu đã nhận từ sáng hôm nay.
Có thể nhiều người sẽ cho sự lựa chọn của cháu là kỳ quặc. Nhưng có như
thế mới đúng nghĩa là sự lựa chọn của tuổi trẻ. Và chỉ có thế cháu mới
xứng đáng là cháu của chú, phải không chú nhỉ.
NHẬT TIẾN
(1970)