Thứ Tư, 29 tháng 9, 2021

HAI CON DẾ - Nguyễn Ảnh Cung

 


Từ ngày xa rời mẹ tôi đến nay, hình như chỉ có hai ngày thì phải, mà tôi đã thấy nhớ mẹ tôi vô tả. Càng nghĩ tôi càng hối hận và thương mẹ tôi hơn. Hôm đó, "người ta" đã chia lìa mẹ con tôi, hôm đó...

Buổi trưa, nóng ơi là nóng, nằm trên cái giường cạnh kho cỏ trữ, mẹ tôi vẫn dịu dàng vỗ về cho anh em tôi ngủ trong khi chúng tôi vẫn lăn trở vì cái nóng hầm của buổi trưa. Tôi nói khẽ với mẹ tôi:

- Te! Te! Te... Mẹ ơi! Mẹ cho con ra ngoài cửa chơi đi mẹ, con không ngủ đâu.

Nghe tôi nói, dế than, em tôi cũng biểu đồng tình:

- Nhé mẹ!

Nhưng mẹ tôi chắc lưỡi đáp:

- Trịch! Trịch... Thôi các con! Ở đây chơi đi Mun, Than. Ra đó nguy hiểm lắm...

Buồn quá, tôi nhắm mắt cố ngủ, nhưng hình ảnh cỏ cây, sinh hoạt, nhảy múa trước mắt tôi. Nào là lùm cỏ xanh tươi, chú chim con hót líu lo, bác cào cào nhảy cành cạch đùa chơi, nhởn nhơ vài cô bướm cỏ xanh, vàng, đỏ... những cảnh đó đã ru hồn tôi, làm tôi say mê vô cùng.

Một chốc, nhìn sang mẹ tôi đã ngủ say tự lúc nào, còn dế Than cũng như tôi, hai mắt mở to nhìn lên trần nhà. Tôi mỉm cười khều nhẹ nó, trỏ ra cửa, mắt nó sáng lên, rồi chẳng chần chờ, hai anh em tôi rón rén tụt xuống giường, lòng mừng vui khấp khởi.

Qua mấy cái cầu thang và các khúc quanh anh em tôi đã tới cửa hang, tôi nắm chặt tay dế Than, chạy ào ra ngoài. Hai chúng tôi cười nói ca hát vang trời vì đây là lần đầu chúng tôi được tự do đi chơi xa.

- Te! Te! Te...

Tiếng ca của chúng tôi cất cao theo gió hòa tan vào không khí làm cho bác Cào Cào đang ngủ dưới lùm cỏ giật mình tỉnh ngủ. Tức quá, bác ta hét:

- Hai con dế kia, con cái nhà ai mà ngổ ngáo thế, phá cả giấc ngủ của người ta, có cút đi không?

Vừa nói, bác vừa nhe "nanh", múa hai cái chân to lớn. Hoảng vía, tôi lôi dế Than chạy thật xa. Thích thú quá, anh em tôi lế la hết chỗ này đến chỗ khác, hết phá bác Cào Cào, đến chọc tổ kiến.. Khi đã thỏa thuê, anh em tôi ngồi nghỉ chân nhâm nhi vài đọt cỏ non và toan trở về nhà thì bỗng có tiếng thình thịch, thình thịch. Tôi chưa có phản ứng thì đã có tiếng la:

- Úy! Có hai con dế đây nè! Bắt nó tụi bây ơi!

Liền theo, tôi bỗng có cảm giác bị bóp chặt, tôi òa lên khóc, nước mắt ràn rụa khi nghĩ đến mẹ tôi, đến dế Than. Trong mơ màng, tôi thoảng nghe tiếng dế Than khóc lóc, tiếng reo vui của lũ trẻ "người ta".

Đang miên man suy tưởng, tôi bỗng giật mình khi có tiếng lũ trẻ lại gần chiếc tù giam tôi. Thôi thế là sắp tới lúc phải đánh nhau rồi. Đã nhiều lần chúng bắt tôi phải đánh nhau với các con dế khác mà dù không muốn cũng phải đánh nhau cho chúng vừa lòng. Tôi buồn ghê lắm mà không có ai để tâm sự vì từ ngày bị bắt đến nay, chúng nhốt tôi một mình, xa hẳn em dế Than của tôi.

Quả nhiên, chiếc tù giam tôi rung động rồi chúng mang tôi ra khỏi tù đặt vào "võ đường", cái tên ngồ ngộ mà tôi thường nghe chúng gọi. Rồi chúng lại thả vào một con dế khác, màu đen cũng như tôi, tôi trố mắt nhìn hắn và hắn cũng nhìn tôi. Chúng tôi xáp tới, ôm lấy nhau mừng mừng tủi tủi vì hắn chính là dế Than.

Lũ trẻ tưởng chúng tôi sắp đánh nhau nên reo hò lên. Nhưng mãi vẫn chưa thấy chúng tôi đánh nhau, chúng đâm tức, lấy một cái que đẩy đẩy chúng tôi lại gần nhau nhưng vô ích. Chúng lại lôi chúng tôi lên, nắm râu quay vòng vòng cho điên tiết lên nhưng khi chúng thả ra, tôi lại ôm lấy em tôi, kể lể.

Tức bực, chúng định vất chúng tôi cho gà ăn, nhưng có một cô bé trong bọn nhỏ nhẹ nói:

- Anh Minh đừng vất chúng, cho em đi.

Thằng bé tên Minh ngần ngừ một tý rồi vơ lấy chúng tôi bỏ vào tay cô bé. Cô bé mừng rỡ cầm chúng tôi chạy ra sau nhà. Cô bé còn thì thầm với chúng tôi:

- Hai "em" nhớ nhà lắm hả. Để "chị" đưa về nhà cho. Lần sau chớ có để cho anh Minh bắt được nữa nhé. Anh ấy ác lắm!

Vừa nói, cô bé vừa chạy ra đồng, đến tới chỗ chúng tôi bị bắt hôm nọ, cô bé đặt chúng tôi xuống và nói:

- Chạy về nhà đi "em"!

Tôi mừng quá, nắm tay em tôi chạy về hang, trong lòng thầm cảm ơn cô bé.

Vừa tới cửa hang, tôi đã thấy mẹ tôi ngồi sụt sùi khóc. Tôi kêu to:

- Mẹ!

Rồi nhào tới ôm mẹ tôi. Lòng tôi lúc ấy vui sướng lạ, và tôi nguyện chẳng bao giờ dám cãi lời mẹ nữa...


NGUYỄN ẢNH CUNG     

(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 184, ra ngày 1-9-1972)



Không có nhận xét nào: