Thứ Hai, 29 tháng 11, 2021

BƯỚC CHÂN CHIM NHỎ - Luyện thị Mây Ngàn

  

Bước chân xuống xe, tôi mới thấy rõ cái lớ ngớ của mình Một kẻ chân ướt chân ráo đứng giữa cái thế giới náo nhiệt tưng bừng của thành phố Sàigòn. Đây không phải là lần đầu tiên tôi mới tới, mà đã là lần thứ ba thứ tư rồi. Nhưng bây giờ, với chiếc valy trĩu nặng trên tay, với những ý nghĩ, mục đích trong lòng, tôi không phải là tôi của thời bé bỏng mấy năm về trước đến Sàigòn nữa.

Tôi thấy mình lạc lõng cô đơn hơn bao giờ và tưởng tượng lúc nào quanh đây cũng có những bẫy rập sẵn sàng chụp vào mình. Tôi không biết đón xe thế nào để về nhà dì tôi, nên cứ đành đi bộ dọc theo những con đường đã vẽ trong cuốn sổ tay. Nắng buổi trưa rực rỡ chói chang như kim cương làm đôi mắt tôi thêm mỏi mệt, thêm mờ đi. Nhưng tôi cũng phải đi hết phần đường còn lại trong bao ưu phiền vây bủa...

Sau khi thi đỗ xong tú tài hai, tôi có ý định lên Sàigòn để tiếp tục con đường vào đại học và tìm kế mưu sinh cho mình. Vì dù sao tôi cũng không còn nhỏ dại mãi nữa mà nếu có nói lớn đi thì cũng không hẳn đúng Tôi mới tròn 18 tuổi. Tôi đem chuyện này nói với ba tôi, nhưng ông chỉ thuận cho tôi học lên chứ không bằng lòng cho tôi kiếm thêm việc làm. Má tôi cũng thế, bà viện lẽ tôi ở xa gia đình lại là con gái, còn nhẹ dạ nên dễ chuốc lấy "tai họa" cho mình, nhất là sống trên mảnh đất phù phiếm xa hoa, mê hoặc lòng người. Nói thế thì tôi cũng chịu ngoài mặt mà thôi, chứ trong thâm tâm, tôi vẫn nuôi ý định đó. Chẳng phải tôi ham bước chân sớm vào đời làm gì, mà tôi biết rõ lý do trong cuộc "dấn thân" này.

Những mơ mộng của tôi ngày xưa đã bị gạt bỏ hết. Hồi đó, tôi nghĩ cái gì cũng tốt đẹp vô cùng. Nào là thi đỗ xong tú tài một lên đệ nhất lấy nốt phần hai, rồi vào đại học. Bốn, năm năm hay bảy năm sau tốt nghiệp, thế là xong. Cuộc đời trôi dài không một chút phiền toái ngăn trở. Vì mắt tôi đơn sơ nên tâm hồn tôi cũng đơn sơ. Tôi tính toán quan niệm mọi việc thật nhanh chóng, giải quyết vấn đề tương lai một cách giản dị, êm xuôi vô cùng. Phải công nhận rằng: tôi chưa biết nghĩ ngợi mấy. Chung quanh tôi, đời sống bấy giờ đã cho tôi nhiều mơ mộng, lý tưởng chỉ theo một chiều. Tôi không có gì để bất mãn, lo âu. Gia đình tôi dư ăn dư mặc, đầy đủ hạnh phúc quá. Chúng tôi muốn gì được đó. Từ những món quà nhỏ rẻ tiền đến những thứ nữ trang, quần áo đắt tiền. Ngày hai buổi đi học có người đưa rước. Chiều chiều, cả gia đình trong chiếc xe hơi bóng loáng chạy khắp những con đường lớn trong tỉnh. Ngoài ra, là những buổi picnic, sinh nhật... được tổ chức linh đình. Tất cả đều nhuộm hồng và tôi cũng thế.

Nhưng cuộc đời người vốn biển dâu. Cuối năm tôi học đệ tam, chị Lan Anh đi lấy chồng, còn anh Minh vào quân đội. Ba tôi mất đi một số tiền "chi" đáng kể. Tuy nhiên, tôi nghĩ không thấm là bao khi công việc kinh doanh của ba tôi đang vững mạnh. Vậy mà không may, hai tháng sau ba tôi gặp tai nạn trong khi đang coi một vụ thầu quan trọng. Trận bão quái ác của tháng sáu định mệnh làm sụp đổ một cơ sở lớn đang xây cất dở do ba tôi nhận lãnh. Ba tôi vội bay ra miền Trung để tính chuyện gầy dựng lại. Trong khi đi thăm những nơi bị bão tàn phá, ba tôi đã bị một cây sắt trên trần nhà đổ, rơi trúng đầu. Thương tích khá nặng nên phải đưa vào bệnh viện điều trị. Má tôi hay tin liền tức tốc đi ngay sau khi nhờ cô Thu Hương đến chăm sóc cho chúng tôi.

Những ngày đó đã dài kinh khủng và tôi biết buồn lo từ dạo ấy. Tôi nhớ ba má, nhớ chị Lan Anh, nhớ anh Minh vô cùng. Ba đứa em tôi cũng vậy. Thằng Sơn đi học về là lên ngay trên lầu, không biết nó làm gì trên đó mãi đến giờ cơm mới lần mò xuống, có hôm lại bỏ ăn đi lang thang tới nhà lũ bạn. Sơn kém tôi một tuổi nhưng tỏ ra điềm đạm từ lâu. Nay đứng trước chuyện buồn này, nó không hốt hoảng mấy như tôi. Tôi suốt ngày ra vào mong ngóng tin tức, bỏ luôn học hè để ở nhà phụ với cô Hương lo nhà cửa. Nhưng sự thực, có lo là chỉ lo tâm lo trí thôi chứ tôi chẳng phải làm gì nặng nhọc. Mọi việc đã có cô Hương, bà Vú, chị Năm và ông Hòa liệu hết. Tôi chỉ biết quanh quẩn với hai đứa em gái: Hoàng Anh và Tú Anh. Hoàng Anh đã lớn nên nó không quấy rầy ai lắm. Chứ bé Tú từ ngày mẹ tôi đi, nó cứ khóc lóc mè nheo hoài. Mỗi bữa cơm nó ăn chưa đến một bát nhỏ. Mọi người trong nhà phải dỗ dành mãi. Đến cô Thu Hương hiền như vậy mà cũng không ưa nổi cái tính nhõng nhẽo của nó. Đã mấy lần cô phải dọa nạt, quát ầm lên Tú Anh mới chịu yên. Tôi thấy thương em tôi quá. Nó quen sống cảnh yêu chiều từ khi mới lọt lòng. Ai cũng nâng niu nó hết dù nó đã năm, sáu tuổi, đi học rồi. Và nhất là bây giờ phải xa mẹ tôi.

... Vào buổi tối, căn nhà chúng tôi trở nên trống vắng buồn bã lạ. Cô Thu Hương trò chuyện với chị em tôi một lúc rồi về phòng mình. Bà Vú lo sắp xếp giường ngủ. Bốn chị em tôi quây quần bên nhau trong căn phòng khách. Sơn nằm dài trên thảm nghe nhạc. Tính nó vẫn "bụi đời" như thế. Hoàng Anh, Tú Anh ngồi sát bên tôi. Bé Tú lấy hai tay ôm vòng ngang người tôi thỏ thẻ. Câu nói đầu tiên là:

- Chị Mai ơi! Sao ba má lâu về vậy?

Hay:

- Chị Mai ơi! Em nhớ má quá. Chị dẫn em đi tìm má đi. Sao anh Minh cứ đi hoài à, rồi chị Lan nữa, hả chị Mai?

Tôi không biết trả lời thế nào cho em Tú hết buồn. Những lúc đó, tôi đều đánh trống lảng bằng cách kể truyện ngày xưa cho nó nghe đến lúc Tú thiếp đi lúc nào chẳng biết. Bà Vú đã ẵm Tú vào giường rồi. Còn tôi, tôi ngồi tiếp tục trong không khí mênh mông tẻ nhạt này. Hoàng Anh khẽ nắm tay tôi, ý hẳn nó muốn nói chuyện gì. Tôi hỏi:

- Hoàng buồn ngủ chưa? Có ăn uống nữa không? À! Em vào lấy xoài ra gọt ăn đi. Hồi sáng bác Phán có cho mấy trái lớn lắm, chị để trong tủ lạnh đó.

- Em chưa buồn ngủ, mà cũng không ăn gì đâu, chị Mai Anh ạ... Em có chuyện này muốn nói với chị, chị Mai...

- Chuyện gì mà quan trọng quá vậy? Đâu, nói cho chị nghe coi nào.

Tiếng Hoàng Anh thầm thì:

- Chị Mai biết không, hồi trưa này, em theo chị Năm đi mua nếp em nghe mấy bà hàng gạo ở đó bàn tán về nhà mình đó chị Mai!

Tôi giật mình, lấy làm lạ. Sơn đang nghe dở cuộn băng liền tắt máy, ngồi bật lên. Có lẽ nó cũng như tôi. Bình thường trong tỉnh, ai có nói xa nói gần về gia đình tôi thì cũng mặc. Nhưng trong tình cảnh này, tự nhiên tôi đâm ra chú ý. Tôi thắc mắc:

- Họ nói gì? Chắc họ nhắc đến ba má phải không em?

- Dạ, họ nói chứ: Ông bà Phú hết thời rồi, kỳ này có nước là phá sản. Họ còn nói ba má sẽ bán nhà này, bán cả xe hơi, đồ đạc nữa để thế vô mấy chỗ làm ăn gì đó. Vậy nhà mình sắp sửa nghèo rồi phải không chị Mai? Em sợ quá à.

Tôi lặng yên không đáp. Nỗi buồn đang thành hình thật rồi. Tôi nghe Sơn bảo nhỏ với Hoàng Anh "Đừng nghe họ làm gì", nhưng thoáng trong lời nói đó có chút ngập ngừng lo âu làm sao. Nếu đúng vậy, thì chúng tôi không còn chuỗi ngày vàng ngọc nữa. Tôi hiểu, thời hoàng kim của gia đình bắt đầu xuống dốc sau tai họa này.

Đêm hôm đó, nằm trên giường tôi không tài nào ngủ được. Và tôi nghe tiếng thở dài của em Hoàng Anh bên cạnh. Bây giờ, nó mới biết thở dài. Một cơn sầu não xốn xang trong lòng tôi. Tôi ứa nước mắt khi tưởng tượng ra cảnh đen tối của gia đình trong ngày mai...

Gần một tháng, ba má tôi mới trở lại nhà. Tôi được biết, má tôi đã đưa ba tôi từ miền Trung vào Sàigòn điều trị tại bệnh viện Grall vì vết thương khá lớn, chạm đến dây thần kinh. Sở dĩ chúng tôi không hay biết gì hết bởi má tôi bắt cô Thu Hương phải giấu chuyện này. Ngày về, ba tôi tiều tụy, già hẳn đi. Má tôi cũng vì lo lắng mà gầy ốm xanh xao. Riêng phần chúng tôi, đứa nào cũng mang một vẻ ảo não hết. Ba tôi trao cho mỗi đứa một món quà nhỏ. Tôi được một cuốn sách Pháp nói về tuổi thanh thiếu niên. Sơn được cây bút máy mạ vàng. Hoàng được một cuốn tự điển và bé Tú, một con búp bê tóc bạch kim xinh đẹp. Bé Tú vẫn hồn nhiên sung sướng khi cầm phần quà trên tay. Còn lại chúng tôi, đứa nào cũng ngượng ngập khi nhận lấy quà. Má tôi lo hỏi chuyện Tú nên không để ý, nhưng ba tôi thì không bỏ sót một cử chỉ nào của chúng tôi cả. Ông hơi buồn và không nói gì thêm. Chắc ba tôi đã đoán được ý nghĩ trong đầu óc non nớt của lũ con nhỏ. Tôi biết, những món quà này vì thương yêu chúng tôi cũng có mà để che lấp sự suy sụp của gia đình cũng vậy. Tôi càng thấy xót xa hơn. Thử hỏi, một tháng trời ba tôi lâm nạn, bao công việc làm ăn của ông đều ứ đọng lại, có người lại giở trò sang đoạt, giành giật để gạt ba tôi ra ngoài vòng thương mãi. Như vậy, sự nghiệp của ba cũng khó khăn nhiều.

Sáng hôm sau, vợ chồng chị Lan Anh từ Đà Lạt về thăm. Tôi không biết ba má tôi đã nói gì mà tuần sau, trước khi anh chị đi, chị ấy kéo tôi lại một góc phòng nói nhỏ. Giọng chị buồn buồn:

- Em Mai Anh! Chắc em đã hiểu được hết những gì xảy ra cho gia đình cả tháng nay rồi. Chị thấy không cần phải nói thêm gì nữa. Ba má phải bồi đắp lại chỗ cơ sở lỗ lã hàng triệu bạc, còn mất hết chỗ tiền chung vốn với người ta, rồi cả đến tiền bệnh viện nữa. Tốn kém nhiều lắm. Bây giờ trong nhà, chẳng còn bao nhiêu, mà ba lại còn phải tĩnh dưỡng nữa. Vậy chị dặn Mai Anh và các em đừng nên tiêu xài phung phí nữa hay đòi hỏi điều gì ở ba má. Chị ở xa gia đình lại có chồng nên không giúp đỡ nhiều cho ba má. Nhưng chị biết các em ngoan lắm và biết thương gia đình nữa.

Hai hàng nước mắt chảy dài trên gò má mịn hồng của chị Lan Anh. Tôi cũng mếu máo khóc theo... Để yên đôi tay nhỏ trong tay chị, tôi run run hỏi:

- Thế ba má có phải bán nhà không hở chị Lan?

- Nhà thì chưa phải bán nhưng ba sẽ bán xe hơi.

Như thế, nỗi lo của tôi và các em tôi vẫn còn. Xe hơi bán. Còn nhà thì chưa, nhưng rồi biết đâu sẽ đến lúc phải bán. Chị Lan trao cho tôi lá thư gửi bảo đảm cho anh Minh. Có lẽ trong đó, chị nói hết tình cảnh của gia đình. Chị em tôi ngồi bên nhau trong yên lặng. Một lát sau, chị ôm lấy đầu tôi áp vào ngực trìu mến. Những bọt nắng ngoài cửa sổ, trong vườn đã vỡ tan trong mắt tôi.

Tôi thi đỗ tú tài I xong thì gia đình dọn về ở trong căn phố khác. Ngôi biệt thự với thời thơ ấu của chúng tôi được giao trọn cho người chủ mới. Má tôi phải vất vả nhiều, gánh vác mọi thứ trong gia đình ; những người giúp việc đã được loại bỏ dần, nay thì không còn ai cả. Chúng tôi ngoài giờ học, giúp đỡ má tôi việc bếp núc, dọn dẹp nhà cửa. Còn ba tôi, sau thời gian tĩnh dưỡng khá lâu đã khỏe nhưng không còn phong độ xưa. Ông phải tránh tất cả những việc cần tính toán và lo âu. Ông xin được việc làm trong một hiệu thuốc tây lớn do người quen biết giúp.

Tôi cũng muốn tìm việc làm sau giờ học để gây thêm ngân quỹ gia đình, vì số lương của ba tôi chẳng được bao nhiêu mà vật giá cứ mỗi ngày một đắt đỏ. Chị Lan Anh thỉnh thoảng gửi tiền về cho chúng tôi gọi là ăn quà. Còn anh Minh với số lương thiếu úy, lại hành quân liên miên, cộng vào đó bản tính con trai nên không giúp đỡ gì được. Lúc trước, tháng nào ba má tôi cũng đều gửi "phụ cấp" cho anh cả. Nếu không, chưa được 15 ngày ở nhà đã nhận được thư xin tiền của anh rồi. Nay, chúng tôi chẳng còn gì quí giá mấy. Vòng vàng cũng dần vơi bớt. Tôi chỉ còn một cái đồng hồ đeo tay và một sợi dây chuyền bằng vàng tây thôi. Có lần tôi lén ba tôi, nhận việc ghi chép sổ sách cho một tiệm buôn nọ, lương khá. Nhưng được hai tháng sau ba tôi bắt nghỉ việc vì thấy rằng chủ nhân không phải là hạng người tốt bụng. Thế là tôi thất nghiệp dài dài. Đành ở nhà kèm mấy đứa em học vậy.

Tôi tiếp tục thi nốt tú tài hai và trời đã chiều lòng tôi...

*

... Đặt chân lên thềm nhà dì tôi, em Bích Ty đã chạy ra reo ầm rồi. Hạnh, Hùng, Hiếu cũng ùa ra vây lấy tôi. Chúng ríu rít hỏi chuyện làm tôi quên hết nỗi mệt nhọc. Đến khi dì Vân ra quát bảo chúng mới chịu "tan hàng". Dì vui vẻ kèo tôi ngồi xuống divan, chậm rãi hỏi chuyện. Trong khi đó Hùng và Hiếu tranh nhau xách valy của tôi đem cất. Tôi mới sực nhớ ra quà của chúng. Tôi gọi Hùng mang valy lại, lấy ra những gói kẹo chuối phân phát cho chúng. Dì Vân kêu lên:

- Thật ba má cháu bày vẽ quá. Lên đây với dì dượng và các em là mừng rồi, quà cáp gì nữa cho rắc rối. Còn tụi nhỏ này nữa, Hạnh, Hùng lớn như vậy mà không biết cám ơn chị Mai Anh sao?

Chúng lại nhao nhao lên: Em cám ơn chị Anh, em cám ơn...

Dì Vân đưa tôi đi thay đồ và dọn dẹp mọi thứ cho ngăn nắp. Nhà dì không rộng mấy nhưng thoáng và mát. Tôi được dành cho một chỗ trên gác với bọn trẻ. Phòng của tôi và chúng thực ra chỉ là một căn gác suốt có tấm màn ngăn đôi mà thôi. Dì Vân lo cho tôi thật chu đáo khiến tôi cảm động như được chính tay má tôi săn sóc và cũng vì thế, tôi bớt buồn khi xa gia đình. Độ hai giờ sau, dượng tôi đi làm về. Ông vui vẻ hỏi thăm ba má và các anh chị em tôi. Dì dượng rất tốt và thương tôi như đứa con gái lớn đi xa về. Cả hai người gọi em Hạnh ra chợ mua thêm thức ăn khiến tôi thêm áy náy. Tôi ngăn dì, nhưng dì Vân chỉ cười hiền hòa đáp:

- Cháu Anh đừng bận tâm gì hết. Ở đây dì dượng cũng như ba má. Dì không giàu có nhiều nhưng đủ lo cơm nước cho cháu được.

*

Tối hôm đó, chúng tôi tụ tập dưới nhà nhưng không phải để xem tivi tuy thứ bảy có những tiết mục khá hay. Mọi người đều muốn nghe tôi nói và kể chuyện nơi quê nhà. Dượng hỏi tôi tính thi vô hay học phân khoa nào. Tôi đáp: Cháu không biết nhưng cứ lên để sắp đặt sửa soạn. Dì Vân cười:

- Chà! Mấy cô tú mới, thi đỗ xong thì nóng ruột lắm, muốn bước chân vô ngay đại học liền, phải không Anh?
 
Tôi chỉ cười trừ, vì sự thật, tôi muốn lên Sàigòn sớm để lo tìm "công ăn việc làm" cho việc học được chắc chắn và cũng bớt phiền cho gia đình, nếu cứ mỗi tháng ba má tôi phải chắt bóp tiền bạc gửi lên cho con ăn học. Nhưng bây giờ chưa muộn. Tôi không muốn cho dì dượng biết ngay dự định của tôi. Ít ra chuyện gì cũng phải từ từ đã.

... Giấc ngủ lạ nhà, dù có mỏi mệt cũng không làm cho tôi tròn giấc. Tôi tỉnh dậy giữa đêm, nghe tiếng đồng hồ kêu tích tắc, tiếng lá xào xạc trong gió và mưa rơi nho nhỏ. Tôi buồn thấm thía, nhớ nhà vô cùng. Chắc giờ này ba má tôi chưa ngủ nổi và các em tôi Sơn, Hoàng, Tú có nhắc nhở gì đến chị nó không nhỉ? Tôi nằm ôn lại giấc mộng vàng son xưa. Phải chi nhà tôi vẫn giàu có thì ba tôi đã đưa cả gia đình lên Sàigòn lo việc học cho con cái rồi chứ đâu chịu xa cách như bây giờ. Đây là lần đầu tôi đi xa một mình, 18 tuổi, tôi phải làm gì để sắm sửa cho tương lai, bước đi chập chững quờ quạng vào đời chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn.

Tôi nhớ đến câu nói của một triết gia: "Sống là lo âu, là luyến tiếc dĩ vãng, là bất mãn với hiện tại, hy vọng ở một tương lai sắp tới ; nhưng khi tương lai ấy đến rồi thì cũng chỉ là một hiện tại như trăm ngàn hiện tại đã qua".

Thôi thì, mặc cho định mệnh an bài ra sao cũng đành.

*

Tôi đi làm cho một hãng xuất nhập cảng khá lớn với chức vụ khiêm nhường của một thư ký, do bà Ngân ở kế bên nhà dượng giới thiệu.

Buổi đầu, tôi ngớ ngẩn như một con nai tơ lạc bầy. Tôi lo lắng khi người chánh văn phòng hỏi tôi có biết đánh máy không. Tôi trả lời không và nói nếu cần thì cháu sẽ tập. Rồi ông hỏi sang bằng cấp và gia đình. Khi biết đến tên ba tôi, ông nói có vẻ mỉa mai với nụ cười nửa miệng:

- Tưởng ai chứ ông Phú thì tôi cũng có quen biết chút đỉnh, không ngờ ông ấy bây giờ lại như vậy? Chắc cô đi làm để cứu vãn gia đình? À! Mà nhà cô giàu lắm mà.

Tôi không đáp, tôi nghĩ ông ta với ba tôi hẳn có chuyện gì cạnh tranh nhau hồi đó. Nhưng ít ra ông ta cũng phải có chút lương tâm, đừng mỉa mai kẻ thất thế nhất là trước mặt đứa con gái chỉ bằng tuổi con ông. Tôi thấy nghèn nghẹn ở cổ, chua xót cho thân phận mình, khi phải che giấu tự ái đi.

Chiều hôm đó, tôi được nhận vào làm việc ngay với lương tháng 8000$. Tôi nhủ như thế cũng đỡ. Tôi có thể dành dụm giúp đỡ gia đình được. Tôi sẽ hạn chế bớt việc tiêu pha dù ở trên đất Sàigòn cám dỗ này. Tôi tính hàng tháng mình bỏ ống để có một món tiền kha khá mà không cho ba má tôi hay biết là đã đi làm. Tôi sẽ dặn dì dượng tôi vậy. Tôi cũng để ra một số tiền cho mấy đứa em dì đỡ tiền ăn hộ dượng. Vì tôi biết không bao giờ dì dượng chịu nhận tiền dù số lương công chức của dượng chỉ đủ ăn. Ngoài ra, tôi còn phải giấu cả anh Minh chứ cứ thật tình tỏ bày thì nội trong 24 giờ sau là ông ấy đã oang oang lên rồi. Nhưng tôi sẽ viết thư cho chị Lan Anh.

*

Đi làm, tôi mới thấy nỗi vui mừng của mình không trọn vẹn. Tôi bị lâm vào cảnh "ma cũ ăn hiếp ma mới", chịu nghe lời dè bỉu, chê bai lung tung với một lũ con gái cùng phòng. Kẻ thì bằng tuổi tôi. Người thì hơn 4, 5 tuổi. Tôi không hiểu họ ghét tôi như thế nào. Tôi càng tỏ ra nhũn nhặn, mềm mỏng lại càng bị gay gắt hơn. Tôi chán hết sức, nhưng cũng nhờ má tôi đã uốn nắn cho đức tính kiên nhẫn nên dù bị kèn cựa tôi vẫn chịu đựng được. Tôi âm thầm thui thủi làm việc. Thái độ đó làm những kẻ muốn phá tôi cũng nản, và bớt dần. Họ bắt đầu nói chuyện đàng hoàng với tôi qua tuần lễ thứ ba.

Bây giờ, tôi mới biết lý do họ ghét tôi. Vì tôi không phải là con ma lem, tôi có học thức cao hơn họ. Và nhất là tôi lại nghiêm trang, đôi lúc kiểu cách như tiểu thư khuê các dù phải chui vào chốn này. Thêm vào đấy, cái quá khứ đẹp đẽ của gia đình tôi khiến họ những người con gái đồng trang lứa hay hơn tôi sớm gặp bất hạnh xa cách tôi. Tôi không trách một ai hết. Ở trong hoàn cảnh khó khăn mới biết cái hằn học của nó gây nên.

Trong phòng có Liên là không soi mói tôi phút đầu thôi, nhưng cũng chẳng bênh vực gì tôi. Sau này tôi mới rõ Liên chỉ vì mặc cảm thua sút tôi mà thôi. Chứ tâm tánh Liên hiền hòa ít nói. Dần dần, tôi thấy mến Liên hơn nhất là vẻ dịu dàng của Liên. Tôi còn có một người bạn thật tốt, hết lòng giúp đỡ chỉ bảo tôi. Đó là anh Thanh ở phòng bên cạnh. Anh học luật năm cuối. Do đó, ở anh tôi có thể học được nhiều điều hay đáng giá. Anh chỉ dẫn tôi những bước đầu vào đại học, cho tôi nhiều kiến thức, và kinh nghiệm sống ở đời. Gia đình anh có 4 anh chị em và một mẹ già ở Nha Trang. Anh là con út nên xem tôi như một đứa em gái bé bỏng vì tôi kém anh đến sáu tuổi. Có anh nói chuyện, an ủi nên tôi đỡ buồn chán hơn. Tôi nghĩ anh là người tốt, không riêng tôi, không riêng tôi, mà luôn vui vẻ, tử tế với tất cả mọi người.

*

Tay tôi hơi run, khi cầm lấy số lương tháng đầu. 16 tờ giấy 500$ nằm gọn trong lòng bàn tay chỉ chực rơi ra.

Gương mặt tôi lúc đó chắc hẳn buồn cười lắm. Ông phát ngân nói đùa:

- Chắc cô Mai Anh xúc động lắm. Ngày xưa tôi cũng vậy. Lần đầu tiên, cứ mong lãnh được lương do mình làm ra ngay để suốt đêm về phải mất ngủ vì mùi giấy bạc.

Câu nói đùa này làm tôi thêm luống cuống, khi mọi người quanh đó cười ồ. Tôi thấy có cả anh Thanh nhưng anh ấy cười bằng đôi mắt thật dịu, thông cảm. Tôi lí nhí nói cám ơn rồi ra về.

Trên đường về, tôi rẽ vào tiệm sách mua một cuốn sách cho mình và ít kẹo bánh cho các em. Tôi định ngày mai chủ nhật đi chợ mua quà gửi về cho Sơn, Hoàng, Tú. Chắc tụi nó mừng lắm và ba má tôi có hỏ, tôi sẽ nói dối là mình trúng số cũng không sao.

Lòng tôi hớn hở vui mừng như ngày thi đỗ vào đệ nhất trường công. Không phải đây là lần đầu tôi được cầm số tiền lớn lao. Mà tôi đã từng có trong tay những số tiền tết, tiền thưởng gấp 5, 6 lần hôm nay. Tôi mừng đến rơi nước mắt, chẳng qua nó là số tiền do công lao cay đắng phiền ưu tôi tạo nên.

Về nhà, tôi đã thấy bà Ngân ngồi với dì dượng tôi, lũ nhỏ đi đâu hết. Mặt dượng tôi đỏ gay như người uống rượu. Còn dì lại buồn buồn. Trong khi bà Ngân với vẻ kênh kiệu không như mọi lần sang chơi. Tôi bỡ ngỡ không biết có chuyện gì, đứng dừng lại ngưỡng cửa. Bà Ngân trông thấy tôi trước nhất, liền nói lớn:

- À! Cô Mai Anh đã về đây. Vậy cũng hay. Mời cô đến đây chúng tôi có chuyện cần nói với cô. Nhưng thôi để dì dượng cô cho cô biết chứ tôi cũng không muốn nói nữa làm gì.

Đoán được việc không hay, tôi lặng lẽ đến ngồi xuống cạnh dì. Dì Vân đưa tay vuốt tóc tôi. Cử chỉ thân mật này nhắc nhở tôi đến những lần có chuyện quan trọng. Tôi hồi hộp đưa mắt nhìn mọi người. Dì tôi thong thả cho tôi biết. Bà Ngân qua đây với mục đích là lãnh trọn tháng lương này của tôi. Số là khi đưa tôi vào làm việc trong đó, bà đã phải chịu tốn kém tiền trà nước cho người ta. Vậy, bây giờ tôi có trả cho bà một tháng lương đầu cũng không có gì đáng kêu ca. Bởi dì dượng tôi tin lòng tốt của bà mới cho tôi đi làm. Tin lòng giúp đỡ chân thành nên không đền bù bằng tiền bạc. Cho nên, bà mới nói trắng ra cho biết chuyện. Bà lên giọng kẻ cả:

- Tôi nói cho ông bà với cô Anh đây nghe chứ có người tốn cả 3, 4 chục ngàn mà chẳng đi đến đâu. Tôi thấy cháu Anh dễ thương lại gặp cảnh như vậy nên mới nhận giúp. Mọi người phải thông cảm giùm tôi. Tôi mất tiền với người ta thì cháu Anh cũng biết điều một chút chớ...

Tôi không còn muốn nghe thêm gì nữa. Cơn uất ức đã lên tới tận cổ. Tôi mở ví lấy tất cả số tiền còn lại ném trên bàn, rồi chạy thẳng lên gác khóc nức nở. Tôi nghe tiếng dượng tôi xua đuổi bà Ngân. Tiếng dì Vân dàn xếp. Tiếng bà Ngân kêu thiếu tiền. Tôi bịt chặt tai lại. Âm thanh đã loãng tan dần. Tôi thấy lệ nóng ướt đầm đìa trên má. Tôi thấy ngôi nhà cũ, tôi thấy ba má, các anh chị em tôi nhạt nhòa trước mặt. Sao tôi khổ sở thế này. Bước đi đầu đời tôi đã bị vấp ngã đau đớn. Tuổi xanh tôi chỉ là một cô gái nhỏ khờ dại bị lừa gạt. Những tảng mây xám ngắt trên bầu trời trong vô tình hay định mệnh rớt trúng trên vai tôi những chua xót, thất vọng ê chề...


Luyện thị Mây Ngàn    

(Trích từ bán nguyệt san Ngàn Thông số 13 và 14, ra ngày 5 và 20-11-1971)


 

Không có nhận xét nào: