Thứ Năm, 18 tháng 11, 2021

NGHIỆP GIÁO - Sa Biệt Lưu

 

 Ông Thanh nâng tách nước uống một ngụm nhỏ, đoạn tiếp lời:

- Nghề giáo của anh là một nghề khổ nhọc, bạc bẽo nhất. Làm thầy giáo mệt trí óc, sức khỏe hao tổn nhiều, đôi khi còn bị học trò oán ghét nữa. Đã vậy gặp nhằm ông hiệu trưởng khó tánh, thầy giáo lại phải khổ tâm và nghe lắm lời chê trách rầy rà... Anh có công nhận như thế không?

Thầy Ngọc ngồi đối diện với ông Thanh, nhìn tách nước trà bốc khói, cười đáp:

- Vâng, khổ nhọc thì có, nhưng bạc bẽo, thật tình tôi chưa thấy. Học trò của tôi rất ngoan. Ông hiệu trưởng trường tôi đối đãi với mọi người rất tử tế, anh ạ.

Lặng thinh một lúc, ông Thanh nói:

- Có lẽ anh mới vào nghề nên chưa phải bất mãn vì những điều rất thường trong giáo giới mà chúng tôi vừa kể đó.

Quả vậy, thầy Ngọc chỉ mới đi dạy học được một năm thôi. Trong một năm ấy, thầy đã hết lòng tận tụy với nghề. Bằng cách dạy thực tế, giảng giải rõ ràng, học sinh của thầy tiến bộ rất chóng. Thầy dễ dãi, vui vẻ, nhưng đối với những học trò lười, thầy cũng rất nghiêm khắc, không ngại dùng roi vọt để buộc chúng chăm chỉ học hành. Thầy Ngọc đã thành công. Cuối năm, tất cả học trò của thầy đều được lên lớp. Thầy thấy thỏa mãn, hăng hái hơn. Bây giờ tuy đang lúc nghỉ hè, song thầy cũng đã soạn sẵn một chương trình dạy mới mẻ để áp dụng cho niên khóa tới.

Thấy thầy Ngọc mỉm cười hoài nghi trước lời nói của mình, ông Thanh lại bảo:

- Nhưng dù không gặp sự buồn phiền, nghề giáo của anh chắc hẳn cũng không hơn được một chân quản lý công việc nhẹ nhàng, lương lại rất hậu. Anh nghĩ lại xem.

- Vâng. Tôi sẽ suy nghĩ kỹ và trả lời anh sau.

- Tôi rất mong anh nhận lời.

Ông Thanh đứng lên và nói:

- Thôi, đã khá trưa, tôi xin về anh nhé!

Thầy Ngọc tiễn bạn ra cửa. Như còn luyến tiếc câu chuyện, ông Thanh tiếp:

- Tôi nhắc lại anh rõ, làm quản lý khỏe lắm anh ạ. Hơn nữa anh lại giúp cho tôi, một người bạn thiết thì đừng lo chi cả.

Thầy Ngọc hỏi:

- Nhưng xưởng anh chừng nào hoạt động?

- Sẽ bắt đầu vào một ngày rất gần. Bởi thế hôm nay tôi mới tìm đến anh đấy chứ!

- Sao anh không kiếm người khác, lại cố giao công việc quan trọng ấy cho tôi?

- À, thú thật với anh, vì tôi muốn tìm một người tin cẩn. Mà người tin cẩn của tôi không ai ngoài anh.

Thầy Ngọc tươi cười:

- Cám ơn anh quá! Nhưng tôi nào có xứng đáng gì!

- Anh lại khách sáo! Thôi tôi về luôn đa. Nhớ suy nghĩ kỹ nghe!

- Vâng! Chào anh.

*

Trên đường từ tiệm hớt tóc về nhà, thầy Ngọc vừa thong thả bước đi, vừa vui vẻ ngắm phố.

Vẫn như mọi hôm, chiều nay đường phố tấp nập những người. Những cánh áo dài tha thướt đủ mầu sắc hiện ra tô điểm cho phố phường nét tươi trẻ ấm cúng. Tiếng xe cộ, tiếng cười nói vang vang, khuấy động cả bầu không khí đáng lẽ phải êm ả u buồn vì nắng nhạt. Người ta tìm đến các công viên, tiến về phía rạp hát, hoặc đi thơ thẩn phố này qua phố khác. Sau một ngày làm việc, hình như ai cũng muốn kiếm lấy một thú vui nho nhỏ để lãng quên bao nhiêu mệt nhọc lo âu.

Thầy Ngọc đang đi chầm chậm lơ đãng ngắm cảnh vật, bỗng chăm chú nhìn về đằng trước:

- Đứa nào như thằng Nam nhỉ?

Trước mắt thầy, hai đứa bé tung tăng dắt tay nhau đi tới. Chúng đi cùng vệ đường với thầy nên thầy thấy rõ đứa bên phải rất quen mặt:

- Đúng là thằng Nam!

Thầy Ngọc không quên Nam, vì nó là đứa học trò kém nhất trong lớp thầy, và cũng vì thầy đã từng hết lòng ra công chỉ dạy nó.

Nam là con nhà nghèo. Thầy Ngọc không biết cha nó làm nghề chi. Mẹ nó thì mỗi sáng vẫn thấy ngồi bán cơm tấm cho học sinh trước cổng trường. Món ăn này rẻ tiền lại no bụng nên rất đắt khách. Nhiều khi Nam phải bán phụ với mẹ một lúc rồi mới vào học. Có một hôm chưa đến giờ học, thầy Ngọc đang ngồi trong lớp soạn sổ sách, bỗng nghe đám học sinh chơi đùa ngoài sân đồng vỗ tay rôm rốp, reo cười vang rân:

- À, thằng Nam có râu, thằng Nam có râu...

- Râu cá chốt đó!

- Chắc nó "ung vặn" tụi bây ơi!

- Lêu lêu mắc cỡ.

Ngạc nhiên, thầy Ngọc bước ra ngoài xem việc gì. Thầy thấy thằng Nam đang đứng giữa các bạn nó, mặt mày ngơ ngác một cách đáng thương. Thầy bật cười, gọi nó lại:

- Mặt em dính lọ đấy, chùi đi.

Và quay sang các học sinh khác, bảo:

- Vết lọ ấy chứng tỏ Nam vừa giúp mẹ bán hàng. Đó là một điều tốt đáng khen. Sao các em lại chế nhạo? Đừng làm thế nữa nhé!

Nam giúp đỡ mẹ như vậy cũng khá. Nhưng về việc học, nó lại lười biếng quá! Thầy Ngọc nhớ lại lúc ban đầu thấy Nam không biết chuyên cần học tập, thầy rầy mắng luôn. Nhưng nó vẫn không đổi tánh. Khác với phần đông đồng nghiệp chỉ chú ý đến học trò giỏi, thầy Ngọc chẳng hề chán nản trước điều đó. Thầy quyết làm cho nó phải nghe lời mình mới thôi. Thầy quay qua hỏi các bạn của Nam, để biết nhà nó hầu tìm đến báo cho cha mẹ nó hay đặng răn dạy con mình.

Và một buổi chiều, thầy Ngọc đã đến tận nhà Nam. Đấy là một mái lá lụp xụp, nằm chen giữa một xóm nghèo. Buổi ấy Nam đi vắng. Thầy Ngọc chỉ gặp bà mẹ và đàn em của nó. Hỏi ra, thầy được biết cha Nam đã qua đời từ lâu. Nghe thầy nói rõ về sự học của Nam, mẹ nó hết sức buồn. Bà nói:

- Thật khổ! Lâu nay tôi vẫn hy vọng vào nó, ngờ đâu nó lại thế! Thầy giáo ơi, tôi biết làm sao bây giờ? Một mình tôi phải làm việc quần quật để nuôi anh em nó, có còn thì giờ đâu để mà trông nom, khuyên dạy?

Ngừng một chốc, như để nuốt mất bớt tủi cực, bà tiếp lời, giọng van lơn:

- Xin thầy giáo thương tình giúp tôi sửa đổi nó, tôi mang ơn thầy rất nhiều. Nếu nó cãi lời thầy cứ đánh nó cho tôi.

Thầy Ngọc không ngờ hoàn cảnh gia đình Nam lại đáng buồn như thế. Vậy mà nó chẳng biết lo nghĩ chứ! Thầy hứa sẽ theo lời mẹ Nam, và chào bà ra về.

Thế là từ hôm ấy, thầy Ngọc đổi cách dạy đối với Nam. Những lời thầy mắng suông được thay thế bằng roi vọt:

- Nam, con gì giống người nhứt?

- Thưa thầy con... con...

- Con gì? Nói mau!

- Dạ con nít ạ.

- Không phải đâu em. Con roi đấy! Lên đây, chịu năm roi về tội không học bài.

- Nam, toán tôi cho về nhà làm, sao em không làm?

- Thưa thầy... em bận đi ăn giỗ.

- Chà, ăn giỗ khoái lắm nhỉ? Nhưng chắc còn thiếu một món, phải không?

- Thưa món chi ạ?

- Mòn "bánh tét nhưn mây" ấy mà, em chẳng biết sao? Cúi xuống đi, tôi cho dùng thử.

Qua nhiều lần bị thầy phạt như thế, Nam bắt đầu e sợ. Nó cố chăm chỉ lại một tí. Song nếu thầy Ngọc không dùng đến roi, độ vài tuần, tánh lười biếng cố hữu lại đến với nó ngay. Thật là lạ! Nhưng dù sao, thầy Ngọc cũng thấy hài lòng đôi chút, vì như thế vẫn còn hơn lúc trước. Cuối năm, Nam được lên lớp như các bạn. Thầy Ngọc đoán chừng mẹ nó rất vui mừng...

Giờ đây gặp lại Nam, tự nhiên thầy thấy vui vui trong dạ. Nó cùng với thằng bạn đi tới kia. Khi gặp thầy, nó sẽ cúi chào, cười lỏn lẻn. Thầy sẽ vỗ vai nó, hỏi thăm sức khỏe mẹ nó, em nó, sau cùng là khuyên nó hãy cố học khi lên lớp trên. Phải, thầy sẽ nói nhiều với Nam những điều đó bằng một giọng dịu dàng thân ái. Thầy Ngọc nghĩ như vậy và bước nhanh tới trước.

Nhưng, lúc gần cậu học trò ấy, nụ cười vụt tắt ngay trên môi thầy Ngọc. Thầy sửng sốt đến lặng người. Thật không ngờ, Nam chỉ liếc nhìn thầy thật nhanh, rồi lập tức quay nơi khác, kéo bạn đi thẳng! Ngạc nhiên xong, thầy cảm thấy thẹn thùa, tự xấu hổ cho những ý nghĩ niềm nở ban nãy. Rồi thầy tức giận, mặt đỏ ửng lên như đang đi giữa trời trưa nắng. Thầy muốn chạy theo, vả vài cái tát vào mặt đứa học trò bất nghĩa. Nhưng sau cùng, thầy bảo thầm:

- Hay nó không thấy rõ mình chăng?

Và để khỏi nghi oan cho học trò, thầy Ngọc quay bước trở lại, đuổi theo hai thằng bé. Thầy định gọi Nam, xem cử chỉ nó đối với mình ra sao. Song khi đến gần nó thầy lại lặng thinh chú ý nghe thằng Nam nói với bạn:

- Ê, mầy có biết người vừa đi qua là ai không?

- Ai thế?

- Thầy tao đấy!

- Thầy mầy? Sao mầy không chào hỏi gì hết vậy?

- Chào quái gì? Tao ghét ông ta lắm!

- Sao vậy?

- Lúc học với ông ta hôm nào ông ta cũng gọi tao lên bảng, kiếm cớ đánh tao hoài. Mầy nghĩ coi có tức  không?

Nghe đến đây, thầy Ngọc đứng dừng lại, trong tâm hồn thầy, tựa hồ đang có một hiện tượng gì đột nhiên tan vỡ. Thầy cúi đầu, lầm lũi đi nhanh về nhà, như cố trốn tránh một hình ảnh đáng ghê sợ. Cảnh vật chung quanh vụt nhòa đi. Thầy không nghe gì, không thấy gì, trong lòng chỉ rối loạn những cảm nghĩ chua chát.

Thầy chợt nhớ đến lời ông Thanh, bạn thầy, nói hôm nào. Phải, nghề giáo là một nghề bạc bẽo nhứt! Lâu nay thầy không tin thế. Nhưng bây giờ thì không chối cãi chi được vì chính thầy vừa chạm trán với sự thực đau lòng ấy rồi. Đã biết thế, thầy còn lưu luyến nghề này làm gì? Thầy sẽ xin thôi dạy học để đi làm cho xưởng của ông Thanh như lời ông mời.

Nghĩ tới đó, thầy Ngọc buồn bã lắm. Nghề giáo là một nghề thầy hằng ưa thích. Thầy từng ước mơ được sống với nghề khi còn là học sinh. Ngày đó, thầy hay để tâm, đắp xây bao nhiêu dự định tốt đẹp cho nghề. Thế mà nay, vừa bước chân vào nghề, thầy lại đành bỏ dở sao?

Sau vài lần suýt đâm vào mấy người đi trên đường phố, thầy Ngọc về đến nhà. Vợ thầy vui vẻ nói:

- Nhà vừa có khách anh ạ.

Thầy Ngọc liền hỏi:

- Ai? Anh Thanh phải không?

- Không. Cậu Hoàng, học trò giỏi nhất của anh đấy mà.

- Nó kiếm tôi có chuyện gì?

- Cậu ấy bảo vừa đi nghỉ hè ở miền quê trở ra, nhớ thầy quá nên lại thăm. Cậu có gởi biếu anh hai trái xoài tượng thiệt to nữa!

- Tốt quá nhỉ!

Thầy Ngọc nói với giọng mỉa mai. Bỗng dưng, thầy thấy nghi ngờ tất cả học trò của mình.

Vợ thầy hơi ngạc nhiên:

- Hình như anh có điều gì phiền giận?

Thầy Ngọc gượng cười lắc đầu:

- Nào có gì đâu? À, anh Thanh sao lâu quá không thấy lại chơi nhỉ?

- Anh ấy bận việc chứ gì!

- Chắc vậy!

Thầy Ngọc lầm bẩm. Giá có ông Thanh lúc đó, có lẽ thầy sẽ bảo ngay:

- Tôi nhận, tôi sẽ làm việc cho xưởng anh.

*

Thầy Ngọc bước chân vào cổng trường. Nhìn cảnh rộn rịp của ngày nhập học, một niềm vui thích dâng lên trong lòng thầy giáo trẻ.

Sân trường im vắng sau mấy tháng hè, sáng nay lại bừng dậy đón chào học sinh đông đảo trở về vui vầy tụ họp. Những gương mặt trong sáng ngây thơ, những nụ cười xinh xắn, những tấm áo mới, những chiếc cặp mới hiển hiện lưu động khắp nơi. Muôn nét tinh anh như cùng góp lại cả trong này.

Thầy yêu mến khung cảnh ấy quá! Thầy mỉm cười, nhìn mấy cậu học trò mới bỡ ngỡ đứng nép bên cha mẹ, những cậu học trò cũ dắt tay nhau đi, hoặc chạy nhảy, cười nói huyên thuyên. Thầy cố nhìn cho tường tận, cố thâu nhận tất cả những nét linh hoạt đẹp đẽ đó, vì rồi mai đây, thầy không còn được sống hòa mình trong thế giới vui vẻ này nữa.

Sau đó, thầy Ngọc tiến về phía văn phòng. Ông Hiệu trưởng đang bận rộn với các phụ huynh học sinh, thấy thầy bước vào, ông vội nhờ thầy thư ký giải đáp hộ mấy câu hỏi của phụ huynh học sinh. Còn ông bước ra kéo thầy Ngọc cùng ngồi, rồi mở lời:

- Có lẽ thầy hỏi về việc lá đơn xin thôi dạy của thầy trao cho tôi hôm qua?

Và ông tiếp luôn:

- Tôi chưa vội chấp thuận, vì chẳng biết thầy đã nghĩ kỹ chưa mà muốn  như vậy?

Thầy Ngọc đáp:

- Thưa ông, tôi đã nghĩ kỹ rồi ạ.

- Nhưng sao thầy muốn thôi dạy? Hay tôi đã làm phiền thầy điều gì chăng?

Thầy Ngọc ngẫm nghĩ một lúc, rồi thuật chuyện thằng Nam cho ông hiệu trưởng nghe, đoạn nói:

- Vì nghĩ nghề giáo bạc bẽo như vậy, lại có người bạn mời đi làm việc cho một xưởng nọ, nên tôi mới xin thôi dạy.

- Thầy đã lầm rồi. Đâu phải tất cả học trò đều như đứa bé thầy kể. Số trẻ đó chỉ là một phần nhỏ. Còn phần lớn học trò đều nhớ ơn thầy. Như thế, làm một ông giáo đâu đáng buồn như thầy tưởng.

Ngừng một chốc, ông tiếp:

- Bây giờ thầy nên tiếp tục dạy đi. Suy xét lại một lần nữa, độ mươi hôm sau sẽ quyết định cũng chẳng muộn... Thôi, thầy lại lớp cũ nhé! Học trò cũ đang chờ chào thầy để lên lớp trên, và học trò mới cũng đang chờ trình diện với thầy đó!

Rời văn phòng, thầy Ngọc đi về lớp học quen thuộc của mình. Vừa thấy thầy, mộg nhóm học sinh tụ tập trước cửa lớp reo lên:

- A! Thầy đến... Thầy đến, tụi bây ơi!

Và chạy lại vây quanh thầy, hỏi han một cách thân mật:

- Thưa thầy, thầy vẫn mạnh?

- Bãi trường thầy có đi đâu không?

- Em nhớ thầy quá!

Thật là ríu rít như chim non buổi sớm. Thầy chợt quên đi bao nhiêu chua chát chán nản vì nghề. Thầy tươi cười:

- Cám ơn các em!

Một cậu lại hỏi:

- Thưa thầy, năm nay thầy vẫn dạy lớp nhì hay lên dạy lớp nhất?

Thầy Ngọc đáp:

- Thầy vẫn dạy lớp nhì em ạ!

- Tiếc quá! Nếu thầy dạy lớp nhất tụi em còn có thể được học với thầy, vui biết mấy!

Một cậu nhỏ bỗng nắm tay thầy, nước mắt chảy dài trên má:

- Thưa thầy... cho em ở lại lớp nhì...

- Sao vậy?

- Em muốn học với thầy hoài hè!

Cảm động, thầy Ngọc vuốt đầu cậu bé:

- Đi học thì mỗi năm phải lên lớp chứ! Em đừng buồn. Thầy luôn dạy trong trường đây, rồi mình cũng gặp nhau thường mà.

Và sau một hồi nghĩ ngợi, thầy bảo:

- Các em hãy vào lớp đi. Chốc nữa sẽ có thầy mới đến đem các em lên lớp trên. Thầy trở lại văn  phòng có chuyện cần.

Và thầy Ngọc đã lên gặp ông hiệu trưởng để rút đơn xin thôi lại...


SA BIỆT LƯU     

(Trích từ tuyển tập truyện ngắn Tuổi Hoa Cô Bé Can Đảm)


Không có nhận xét nào: