Thứ Sáu, 5 tháng 11, 2021

LŨ MỒ CÔI - Phan Khương Thái

  

Nước biển xanh, trong vắt, có thể nhìn tận đáy. Vùng cát nơi đây thoai thoải, mịn màng. Cạnh bãi san hô, hoài hoài tạo lập là những đá tảng lỗ chỗ vì sự xâm thực của nước. Đá cứ trơ ra và mòn dần, sắc cạnh bởi sóng biển, bởi gió đập cát vào. Có lẽ ngày xưa đá nổi cao hơn mặt biển và là một hòn đảo khô trụi phụ thuộc một hòn đảo lớn gần đó, nhưng thời gian... Thời gian là biết bao thay đổi. Lâu rồi sự sống ở đây thanh bình êm ả lạ. Chẳng có bóng dáng loài người đến quấy rầy những loài thủy tộc. Và thủy tộc cũng an nhiên sinh hoạt riêng một cõi. Chính nơi đây tụ họp lũ mồ côi. Không đứa nào giống đứa nào. Chúng khác nhau ở cái vỏ ốc bên ngoài. Đứa thì tọt trong lòng vỏ ốc vặn, đứa thì thập thò trong vỏ ốc hương, ốc ngựa... Tay chân của chúng dài khẳng khiu. Những giờ rỗi chúng thò cả ra để học. Chúng học đếm cát theo lệnh của thày Tôm Rồng già nua. Râu của thày lớn và dài như râu rồng. (Mà chúng cũng chưa biết rồng hình dạng ra sao bao giờ). Thày rất khó tính và hay la rày chúng nghịch ngợm. Đó là bản tính hiếu động của chúng không thể sửa đổi. Được cái chúng biết vâng lời, đứa nào có lỗi là mau mau thu càng và chân một lượt vào trong vỏ ốc. Lúc đó trông chúng giống bàn tay xương xẩu của mụ phù thủy vừa thu phép biến mất. Chỉ còn chót râu dài thò vài ngấn cuối giả vờ ngo ngoe sợ sệt cùng với đôi râu ngắn. Cả ngày chúng giải trí bằng cách chơi chạy đuổi quanh các gộp đá, len lỏi qua kẽ san hô. Chúng chỉ có mặt đông đủ trong các bữa ăn. Thày Tôm Rồng phạt những đứa rắn mắt, đi chơi xa hay trốn kỹ quá gọi không ra. Thày không cho chúng ăn cá. Chúng phải ăn chay. Nghĩa là ăn rong rêu. Eo ôi, ngán chết! Lại còn học đếm nữa chớ. Chúng cứ lẫn lộn mãi. Đầu óc chúng chỉ phân biệt được đến 2, 3 là cùng. Thêm số 4 là quên béng.Chúng mau quên và vô tư nên ít buồn với số kiếp lạc loài. Chúng chấp nhận cuộc sống mồ côi. Chẳng phải chúng không có mẹ cha đâu. Mẹ cha chúng bận đi làm ăn xa. Xa lắm... Nơi mà chỉ có thày Tôm Rồng và tụi Hàu du đãng dám đến mà thôi. Có đứa thật sự mồ côi. Cái chết của cha mẹ chúng qua lời nói úp mở của thày Tôm Rồng nghe mập mờ. Chúng không hiểu và không quan tâm thắc mắc mấy. Tội nghiệp! Thày Tôm Rồng làm việc nghĩa không kể công mà mệt đứ đừ với tụi chúng. Thày căn dặn chúng chớ có đi xa, kẻo sóng lôi mất tích. Quan trọng nhất là chớ dại dột giang hồ như tụi Hàu. Tụi du đãng đó bất chấp lời khuyên của cha mẹ chúng. Cha mẹ chúng cũng chẳng ra gì. Toàn là dân du thủ du thực phiêu bạt theo những chà tre trốc gốc trôi tới đây. Tụi Hàu đục thủng công khai cả đá tảng, làm đá tảng rỗ hoa. Nói gì đến mấy gốc tre, dù có cứng mấy vẫn là chất gỗ và còn thua đá. Vậy mà hết đời cha mẹ, đến đời con cái... thi nhau bám víu vào chà tre, rồi năn nỉ sóng gió bập bềnh, trôi đi lại trôi về. Tụi Hàu không có mắt. Độc những đốt vỏ vôi tăng trường theo từng tuổi chứa lấy cái thân nhày nhụa, dai nhách, tụi Hàu mang một sức tàn phá khủng khiếp. Vô phúc cho chiếc thuyền chài nào gặp chúng. Thày Tôm Rồng kể lại rằng chúng sẽ lao nhao nào vào ván để bám víu, và phá hoại cho kỳ mục rã, hư hao. Chúng còn được gọi là Mọt Thuyền. Cũng như tụi Hà, còn tên khác là con Màu. Tụi Hà nhút nhát và mặc cảm nhất. Chẳng qua tụi Hà cũng mồ côi. Cha mẹ chúng nhẫn tâm nhét con vào một lỗ mọi của đá ngầm. Tụi Hà cứ thế lớn dần trong ngục tù chung thân và sẽ chết luôn tại đó. Tụi Hà muôn đời không di chuyển được. Chân, miệng, đầu, đuôi... gì nằm gọn trong phần thân thịt cũng dai như tụi Hàu, có chứa cả gan, tụy tạng... Tụi Hà vùng vẫy cái vòi có xúc biện môi ở đầu để biểu lộ cảm tình hoặc là ăn uống thôi. So với tụi Hà, tụi Tôm Ký Cư còn sung sướng hơn nhiều. Tụi Tôm Ký Cư hy vọng một ngày biển lặng nào đó, cha mẹ chúng sẽ trở về đón rước lũ con yêu. Ôi ngày thần tiên ơi!

Tên Tôm Ký Cư nghe đã hàng ngũ và đồng loạt như vậy mà chúng còn bị gọi là Ốc Mượn Hồn. Chúng không muốn ai thương hại dù họ gọi đúng thực trạng mà chúng đang mang lấy. Nhưng mà dù gọi với tên gì chúng vẫn là lũ mồ côi. Có đâu được sum họp một nhà lúc nhúc như tụi Sò, Sò Huyết, Trai, Dao, Chem Chép. Ừ, mà có gọi là Tôm Ký Cư hay Ốc Mượn Hồn thì đã sao. Chúng có thèm mượn ba cái vỏ dẹp lép của tụi nó đâu. Vả lại Sò, Trai... sống yên lặng một chỗ và không xâm phạm gì ai, khiến lũ mồ côi không tìm cớ để gây sự được. Lộn xộn, họ mét với thày Tôm Rồng ngay. Đôi lúc cũng có đứa vờ đụng phải chân của tụi Dao và Chem Chép thòi ra từ đáy cát. Không bỏ lỡ cơ hội chúng sừng sộ ngay. Lẳng lặng tụi Dao và Chem Chép "co vòi rút cẳng". Được thể chúng càng hung hăng dám mò mẫm đến gần vùng tụi Trai để rình rập. Chúng bảo nhau tụi Trai giấu cái hạt gì tròn tròn, trắng sáng trong bụng kìa. Tụi Trai nghe động khép miệng liền tức khắc. Lũ mồ côi tức mình kéo rốc đi chọc phá tụi Sò. Tụi Sò và Sò Huyết ô dề kịch cợm, nào ngán chi ai. Sẵn sàng, chúng há toác 2 mảnh vỏ để khoe thân mình đỏ bầm một màu khiêu khích. Có mà chân, càng bằng đá mới dám đút vào cho chúng phập cứng. Khẽ nháy nhau, lũ mồ côi rút lui có trật tự. Nếu cuộc đời cứ mãi êm trôi thì có gì đáng nói. Biến cố dồn dập xảy ra. Đầu tiên phải nhắc đến vợ chồng bác Cá Mập Khơi. Mụ vợ sắp sanh nên hung dữ vô cùng. Mụ hoành hành khắp vùng để săn bắt. Mụ ăn bất kỳ món bở gì. Thày Tôm Rồng còn lo liệu lấy thân. Mai của thày dẫu bền chắc cách mấy cũng vừa đủ một cái ngoạm của vợ chồng Cá Mập Khơi thôi. Thày cố thích hợp màu sắc để đánh lừa cặp mắt kém của Cá Mập. Thật vậy, Cá Mập hơi hấp háy dù mở trao tráo, nhưng chúng có cái mũi đánh hơi rất tài. Cái mũi rất thính mùi máu tanh tưởi loang nhanh trong nước biển mặn. Tôm, cua, sò, ốc... vì thế đỡ sợ hơn. Chúng không có máu để quyến rũ vợ chồng bác Cá Mập. Thày Tôm Rồng cẩn thận:

- Coi chừng nghe tụi ranh con. Họ ăn tạp lắm đó. Đừng có ỷ lại vào cái vỏ ốc vôi cứng. Vào mà nằm trong bụng họ sẽ tiêu hóa dần dần.

Lũ mồ côi bấm nhau cười khúc khích. Tưởng chừng cái chết là tận cùng cái khổ không mẹ, không cha. Tụi Tôm Ký Cư giả bộ co rút chân tay và nằm bất động. Sóng ngầm xô chúng lăn nhè nhẹ. Tụi Hà ngây thơ hơn:

- Ước gì bác Cá Mập táp vỡ toang hòn đá, giải thoát số kiếp bất di bất định của tụi này...
 
Thày Tôm Rồng ngậm ngùi:

- Số kiếp cả! Nếu tụi mày sống tự do ngoài này làm sao thích ứng để tồn tại.

- Ê, lêu lêu... Tụi mày chờ Tiên giúp cho.

Tụi Tôm Ký Cư không cảm thông với bạn chung hoàn cảnh còn trêu chọc thêm. Chúng dùng càng lén kẹp tụi Hà. Tụi Hà hốt hoảng thu mình thật lẹ. Những cái mai phập phồng bằng chính nhớt rãi của chúng che đậy chân tay ngay. Những cái mai đủ màu, có lẽ còn rực rỡ hơn bất kỳ chú Cá lạ lùng nào quanh đây. Màu sắc của tụi Hà lòe loẹt nhưng bất động. Không có nghĩa là màu sắc của chúng phải biến thiên như của tụi Tôm. Của những vỏ ốc mà tụi Tôm mượn và khoác trên lưng, nhưng màu sắc của các vỏ ốc ấy hãy còn tiềm ẩn bởi những lớp vôi trộn đầy đất cát, mọc lẫn với rong rêu. Vô tình va chạm, mảng vôi rớt ra, kẻ khác mới có thể nhìn thấy những màu óng ánh trên vân vỏ. Những màu không giống màu nào. Buồn thay! Cái vỏ đủ màu, đủ kiểu vẫn là của tạm bợ. Thày Tôm Rồng đã góp nhặt cho chúng để che chở thân mình mềm yếu bên trong. Chui khỏi vỏ chúng vẫn có thể bò long ngong. Rồi chúng sẽ chết rục  bất ngờ, không đứa nào đủ sức để chịu đựng với thiên nhiên một mình cả. Bởi thế không đứa nào nghĩ đến việc bỏ đi. Một chuyện gì lớn lao quá sức của tụi bé con. Ở đây quen thuộc an lành, tại sao lại phải ly rời để tìm đương đầu với bất trắc, hiểm nguy? Những thứ đó hãy để vợ chồng bác Cá Mập thực hiện. Cặp Cá Mập không báo trước, đã bỏ vụng biển vắng đi phiêu lưu. Thày Tôm Rồng thở phào, tuyên bố cho tụi nhóc lêu lổng một hôm tự do, bù những ngày trốn chui, trốn nhủi. Sò với Ốc... cũng hân hoan mở những bản lề để nước lùa vi sinh vật qua lại thong thả. Tụi Trai khoe khoang những hạt ngọc long lanh linh động những màu sắc khó tả. 


Trời bấy giờ êm không một gợn sóng. Vùng san hô phản chiếu đáy nước tưởng chừng gần mặt biển lắm. Gió Nam thổi nhè nhẹ. Một đoàn "công tác xã hội" đến thăm khu vực giữ trẻ của thày Tôm Rồng. Họ khéo léo chân tay lắm. Tay chân họ mềm mại, dịu nhỉu, hơn cả tụi Hà, tụi Hàu. Họ mang đến vô số vỏ ốc trống làm quà. Lũ mồ côi thích thú xem họ "trình diễn văn nghệ". Những vũ điệu uyển chuyển và hấp dẫn. Tụi Hà cố bắt chước và thành công phần nào. Còn tụi Tôm Ký Cư ngượng nghịu chịu thua. Tay chân khô khào của chúng chỉ để nghịch, lay những hoa đá, mấy cánh san hô hay choảng nhau là giỏi. Chúng lăng xăng giành vỏ ốc mới, chọn lựa cái vừa ý nhất. Thày Tôm Rồng hét toáng lên:

- Gom vỏ cũ lại một đống, để dành cho tụi bé hơn.

Tụi Tôm Ký Cư thầm nghĩ: "Thì ra sắp có một số bị cha mẹ bỏ rơi như tụi mình". Thế rồi chúng làm tàng một cách xiên xỏ hỏi xem tụi Hà có mượn vỏ ốc không. Tụi Hà dư biết nên không thèm. Chúng mê mẩn với tài uốn éo của đoàn Mực. Những chị Mực lá dễ thương.

Ngày sau thêm một anh chàng Cua Biển đến nhập cuộc. Nhưng anh chàng mang theo bao ác ý. Ngó bộ mai anh chàng liền mất cảm tình. Nó lốm đốm, mốc cời. Dễ thường nó đóng rêu như lũ Sò, Ốc... đứng yên. Anh chàng xuyên tạc hảo ý của những chị Mực Lá. Sợ rằng có lúc Mực sẽ ăn hết lũ mồ côi. Thày Tôm Rồng đâm nghi ngờ thiện chí của đoàn văn nghệ. Biết đâu chừng cái lũ mồ côi sẽ là những miếng mồi lý tưởng. Càng của Cua, thày không ngán bằng những hấp khẩu, trên 10 giác tu vẫn thường khéo giấu diếm trong những điệu vũ làm mê mẩn khán giả. Dù có thế nào, lũ mồ côi không tin lời anh Cua Biển. Tin sao được cái anh chàng "ngang như cua" ấy. Các chị Mực Lá chả dẹp lép và yếu ớt là gì. Hình như các chị ăn cá bé. Tụi Cá khốn khổ rủ nhau đi xa. Ngặt vì chúng bé bỏng nên đành lẩn trốn quanh bãi san hô và kẹt đá mà thôi. Dần dà các chị Mực Lá để lộ dã tâm. Thày Tôm Rồng bận tíu tít không nhận xét được điều đó. Các chị xục xạo gấp mấy lần tụi Tôm Ký Cư. Các chị chú ý nhiều nhất vùng tụi Trai. Có lẽ những tia sáng ngọc trai đã quyến rũ các chị tới đây. Anh chàng Cua Biển lại phá đám và báo động. Tụi Trai nhẩn nha khép vỏ. Tụi Chem Chép, Dao, Sò... vô tội mà cũng sợ họa lây. Các chị Mực Lá hụt ăn đâm ra tức tối. Thế là chiến tranh bùng nổ giữa Mực và Cua. Dĩ nhiên thày Tôm Rồng về phe kẻ yếu. Nhưng phe của thày không yếu. Đã có lũ mồ côi hò reo biểu đồng tình.

Tụi Tôm Ký Cư hăng hái chống đối. Tụi Hà ngẩn ngơ trước tình thế mới và tiếc hùi hụi. Các chị Mực Lá không sợ lệnh gì ai. Và thố lộ các chị định bụng những lúc Tôm rời vỏ cũ, chúng sẽ cuốn lấy ăn sống nuốt tươi. Nhưng bây giờ tụi Tôm Ký Cư triệt để đề phòng. Chúng giơ những cái gai ốc vặn ra thách thức, rồi mau mắn thu mình nấp kỹ. Thày Tôm Rồng và anh chàng Cua Biển hợp sức chống cự. Cá chị Mực Lá hơi e dè với những đôi càng cứng. Các chị giở ngón nghề phun mực. Ôi chao cái thứ nước có màu đen thui tăm tối, dè đâu lại có thể chứa trong cái thân mình bóng lưỡng. Cái thân mình đầy màu sắc, nào màu ngọc bích, ngọc hồng, hổ phách, hoàng ngọc, thiên thanh, màu của cầu vồng, phơn phớt đỏ, tím, chàm... như điểm trang cho những vũ điệu kỳ ảo. Những màu mà các hạt ngọc trai đã phản ảnh. Giống y bởi bản tính làm đỏm nên các chị mới tham lam và tò mò với màu sắc. Không thể làm hại các chị được, trừ đấng Tạo Hóa sắp đặt. Và chuyện phải đến đã đến. Dai dẳng, Tôm, Cua, Mực giữ miếng chẳng ai hại được ai. Đoàn Mực Lá bỏ đi vào một đêm không trăng, dù ở đây chưa hết thức ăn là cá bé. Có một cái gì hấp dẫn hơn ngọc trai? Quả đúng như vậy. Xa xa có ánh đèn le lói. Đèn đã sáng thay trăng. Ánh sáng mời gọi đoàn mực. Các chị Mực Lá nô nức nối đuôi nhau lội giữa dòng nước biếc lạnh và phẳng lặng như tờ. Sự phẳng lặng giả tạo trong mùa "làm mực". Chuyến đi của các chị Mực Lá không hẹn ngày về. Các chị hoặc nhì nhằng táp phải mảnh vải con bằng nylon dệt với kim tuyến đủ màu sắc, bị phăng lần mối dây để bị loài người bắt. Hoặc hốt hoảng chạy thụt lùi, gọn lỏn trong cái vợt lưới, có chị còn bỏ mạng vì mũi chĩa bén nhọn đâm suốt qua go. Không một giọt máu nhỏ ra để làm dấu hiệu. Các chị Mực Lá tò mò, khuyến khích nhau đi tìm cái chết thật bất ngờ. Rồi đêm qua đêm, mùa "làm mực" tiếp diễn, bất chấp biển cả thình lình nổi cơn sóng gió. Cho đến khi đôi vợ chồng bác Cá Mập Khơi trở về. Không còn bóng dáng chị Mực Lá nào lội nhởn nhơ để thay đổi món ăn cho chú bé Cá Mập tí hon. Các chị Mực Lá đã đồng thời biến mất với những ánh đèn lung linh, tạo 1 dãy dài hải phố ban đêm. Có một ông Đồi Mồi qua đó. Anh chàng Cua Biển hấp tấp xin theo cùng. Cả hai cảm thấy bất ổn khi bóng dáng Cá Mập về ngự trị. Loài người còn phải chừa vùng đó ra nữa là chúng. Lũ mồ côi rối rít xin theo. Thày Tôm Rồng buồn rầu ưng thuận. Nhưng chúng không làm sao quá giang được. Anh chàng Cua Biển đã nằm yên trên mai ông Đồi Mồi. Còn tụi Tôm Ký Cư cố gắng leo lên. Cuối cùng cái vỏ ốc nặng nề là trọng lực trì lại, kéo chúng lăn tòm xuống cát. Chúng đành phải ở lại. Tụi Hà mừng rỡ. Tụi Hà ích kỷ, không muốn bị bỏ cô đơn. Lũ mồ côi ngồi thừ ra nhìn theo bóng dáng của ông Đồi Mồi. Ông Đồi Mồi quạt bốn chân thong thả như sợ vợ chồng bác Cá Mập Khơi hay biết. Riêng thằng bé Cá Mập thoáng thấy. Bởi cận thị di truyền nên nó không đuổi theo. Nó mon men làm quen với lũ mồ côi. Nhưng lũ mồ côi hãi sợ cái thân hình đồ sộ của Cá Mập và không sao làm bạn với cái thứ Cá Mập khát máu được. Dẫu từ nay họ vô tình gìn giữ an ninh cho chúng. Chúng phản đối tiêu cực bằng cách thu mình trong kẹt đá, trong vỏ ốc đã bắt đầu chật chội. Tụi Sò, Ốc... mang máng biết nguy cũng vội vã ngậm miệng. Như thể lũ mồ côi chôn chặt tâm sự, nỗi niềm nhớ mẹ, mong cha chưa từng gặp mặt. Chúng ngong ngóng chờ tin của tụi Hàu phương xa. Những mẩu tin mà thày Tôm Rồng già nua, lẩm cẩm không làm sao có thể kể lại. Thày suốt đời bận suy nghĩ, rồi sẽ tìm đâu ra những vỏ ốc lớn hơn cho tụi Tôm Ký Cư, cũng như biểu tụi Hà khoét rộng chỗ ở cho thoải mái hơn. Thày Tôm Rồng bỗng thấy yêu mến quá cái lũ mồ côi. Bất giác thày tự mãn vuốt râu và hài lòng với trách vụ cao đẹp này.


PHAN KHƯƠNG THÁI      

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 114, ra ngày 12-11-1973)


 

Không có nhận xét nào: