Ngày
xưa có tên lính phục vụ trong một đạo quân của triều đình đã 25 năm mà
chưa lần nào gặp mặt vua. Nhân lúc giải ngũ về làng, xóm giềng đến hỏi
vóc dáng nhà vua ra sao. Y không biết trả lời thế nào. Thế là người ta
chế riễu, nhục mạ y.
Anh chàng một ngày kia bèn tức lên quyết tìm đến cung điện, diện kiến nhà vua một phen.
Vua hỏi:
- Nhà ngươi đến đây tìm ta có việc gì vậy, hở tên lính hiền lành kia?
Y mới trả lời rằng:
- Muôn tâu thánh thượng, hạ thần vốn phục vụ dưới oai ngài suốt 25 năm
mà chưa một lần được diễm phúc gặp mặt rồng, nên hôm nay đánh liều đến
đây để cho thỏa... ơ hơ... Kẻ hạ thần quả đắc tội!...
Nhà vua bèn vuốt râu cười bảo:
- Ha... ha...! Vậy ngươi cứ bình tâm mà ngắm dung nhan của trẫm đi! Ha... ha... ha... ha... ha...!
Chàng lính nghe thế thích quá, liền giương mắt lên ngắm từ đôi hài kim
tuyến giát vàng của vua đến nộ long bào óng ánh kim cương quí phái. Chao
ơi! Nhà vua mới rực rỡ, uy nghi làm sao!
Nhà vua chợt lên tiếng hỏi:
- Nhà ngươi thấy trẫm thế nào?
- Ồ! Thưa, oai hùng và cao sang quá! Bệ hạ quả là đấng minh quân trị vì trăm họ!
Nhà vua chợt im lặng, vuốt râu lộ vẻ suy tư:
- Vậy thì, hỡi tên lính ngoan ngoãn kia. Hãy bảo ta biết, giữa mặt trời và quả đất có khoảng cách hay không?
- Muôn tâu bệ hạ. Có chứ! Lúc sấm sét, kẻ hạ thần nhìn thấy ánh sáng trên trời cao mà tiếng động lại nghe như ở dưới đất!
Nhà vua lại hỏi:
- Thế địa cầu có bề rộng không?
- Muôn tâu bệ hạ, kẻ hạ thần nhìn thấy mặt trời mọc ở phương Đông rồi
lại lặn ở phương Tây. Thì quả thực, địa cầu rộng lớn biết bao.
- Vậy theo ý ngươi, địa cầu có bề sâu hay không?
- Muôn tâu bệ hạ. Ông nội hạ thần quy tiên đã chín mươi năm. Người ta
vùi áo quan của ông trong nghĩa địa. Và từ đấy, ông không trở về thăm
con cháu nữa. Vậy chớ – thưa bệ hạ – địa cầu chẳng sâu lắm ư?
Nhà vua không hỏi nữa, nhưng vỗ vào đùi đánh "bép" một cái và cười đắc ý:
- Tốt lắm! Tốt lắm! Bây giờ ta có 30 con ngỗng khờ dại, nếu ngươi biết cách sửa lưng chúng thì ngươi sẽ được ân thưởng.
Rồi đến gần chàng ta, nhà vua ghé miệng vào tai, giọng vui thích:
- Ậy! Cái chuyện này với ai thì khó. Chứ với ngươi – tên lính của ta – thì không! Chỉ cần bứt giùm lông ngỗng cho mỗi con là xong nhé! Chúng gồm 30 con thôi!
Chàng lính tâu "vâng" và theo quân hầu vào ngục thất, chờ đợi.
Trong lúc ấy, nhà vua lại cho lính rao gọi 30 thương gia giàu có nhất
nước và đặt câu hỏi như vua đã làm với anh chàng khôn ngoan kia.
Thế nhưng, tuy đã suy nghĩ rất nhiều và rất lâu, không một thương gia nào tìm ra câu giải đáp.
- Hãy nghe đây. Ta cho các ngươi một dịp may. Ngày mai, chỉ cần một kẻ
trong số các ngươi nếu giải đáp được những câu này ta sẽ ân xá tuốt cả.
Ngược lại các ngươi chỉ toàn một lũ ngu độn thì ta sẽ có cách trừng
phạt.
Nói rồi nhà vua cho tống giam cả bọn vào ngục thất. Ở đấy, chàng lính khôn ngoan đã tới lân la hỏi:
- Chẳng hay các vị làm sao đến nông nỗi này? Tôi có thể giúp ích được gì không?
Một thương gia ra vẻ buồn rầu, phân bua:
- Ô! Nhà vua đã hỏi chúng tôi những điều kỳ quặc hết sức! Nào là mặt
trời và địa cầu có bề rộng, bề sâu và khoảng cách hay không. Chao ôi!
Khốn thay! Chúng tôi vốn giản dị, không thấu ý thiên tử, nên...! (ông ta
chắc lưỡi)
Đến đây, chàng lính mới ung dung đề nghị:
- Nếu mỗi vị biếu tôi 1.000 đồng rúp (chỉ một ngàn thôi!), tôi sẽ giúp các vị trả lời những câu hỏi "tầm thường" kia!
Cả 30 thương gia cùng ồ lên:
- Trời ơi! Thế thì còn gì bằng nữa. Chúng tôi không tiếc tiền, nhưng câu trả lời phải thật đúng kia đấy.
Đến hôm sau, trước bệ rồng, 30 thương gia đồng trả lời theo như câu trả
lời mà chàng lính khôn ngoan đã mách cho. Nhà vua liền hạ lệnh phóng
thích tất cả rồi cho gọi chàng lính vào nói:
- Kìa! Tên lính đáng yêu của ta! Ngươi đã biết cách nhổ lông ngỗng rồi đấy chứ?
- Ồ, thưa bệ hạ. Kẻ hạ thần còn biết cả cách nhổ lông bằng vàng nữa cơ đấy.
- Đây, 1.000 đồng rúp - Nhà vua nói – Cầm lấy và về quê làm ăn. Thật là thần thánh phù hộ cho ngươi.
Thế là chàng lính tìm về quê cũ. Hãnh diện với gia tài kếch sù của mình
gồm 31.000 đồng rúp. Và nhờ biết kinh doanh, chàng ta sống một cuộc đời
đầy đủ.
(Theo Les sages)
Nguyễn thị Đoan Trang
(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 97, ra ngày 8-7-1973)
Không có nhận xét nào:
Không cho phép có nhận xét mới.