Các em thân mến,
Hôm nay, chúng tôi nói chuyện với các em về tính khiêm tốn.
Nếu
hiện nay, các em học giỏi trong lớp và sau này, khi lớn lên, các em nhờ
tài trí và may mắn, chiếm được địa vị cao trong xã hội, thì các em phải
tập tính khiêm tốn, tức là tính nhã nhặn, nhún nhường, không coi thường
những người kém may mắn hơn mình, kém mình về tài năng, địa vị hoặc
tiền của.
Các
em càng khiêm tốn, giá trị các em càng nâng cao. Người xưa có nói: Cao
nhơn tắc hữu cao nhơn trị. Mình giỏi ắt có người giỏi hơn mình, mình
giàu sang tất có người giàu sang hơn mình.
Chân giá trị là ở phẩm cách con người. Chắc các em cũng đồng ý với thi hào Nguyễn Du: chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài.
Tự cao, tự đại hoặc kiêu ngạo là tính của những người nông nổi, không hiểu rõ chân giá trị của mình.
Khi
xưa, thời quân chủ chuyên chế, còn ai oai bằng ông vua, thế mà Hoàng đế
Phi-líp, xứ Ma-xê-đoan, sợ mình trở thành kiêu ngạo khi trị vì một đế
quốc rộng lớn ở Hi-lạp và vùng Ba-nhĩ-cán, mấy trăm năm trước Thiên Chúa
giáng sinh, bắt người hầu cận, mỗi sáng đến đầu giường đánh thức vua
dậy và nói to lên:
- Hỡi Phi-líp, xin bệ hạ nhớ rằng bệ hạ chỉ là người.
Theo
Thánh Kinh, thượng đế cũng đã bảo với người thứ nhất ở trên đời này:
Hỡi con người, nhớ rằng mi chỉ là cát bụi và mi sẽ lại quay về cát bụi.
Nếu
các em hãnh diện vì địa vị, vì tài năng, danh vọng, thì các em hãy nhìn
những nấm mồ mà các em gặp bên đường. Biết đâu, những người nằm dưới
đấy, xưa kia khi còn sống, cũng kiêu hãnh, tự đắc, như chúng ta. Thế mà
bây giờ đến những con vật tầm thường nhất như heo, chó, gà, vịt, cũng có
thể chà đạp, chạy nhẩy lên trên. Cát bụi đã về với cát bụi, còn có
nghĩa gì đâu.
NGUYỄN HÙNG TRƯƠNG
(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 45, ra ngày 2-7-1972)
Không có nhận xét nào:
Không cho phép có nhận xét mới.