Thứ Bảy, 30 tháng 7, 2022

ƯỚC - Nguyễn văn Thông

  

Chiều nhày thứ nhì trong những ngày nghỉ hè của tôi, trời mưa tầm tã. Mưa suốt từ sau bữa cơm trưa đến chiều tối mà vẫn nặng hột, gió vẫn giật tưng bừng. Tôi mới về chưa quen công việc của ba mẹ tôi nên dù thấy các người lo lắng sốt ruột về những mảnh vườn tận ngoài đồng, mà tôi chẳng biết làm gì để giúp các người. Tôi đành khoác chăn co ro bên cửa sổ nhìn mưa, con đường đầy nước lẫn bùn.

Tôi ngồi thò tay hứng những giọt nước từ mái tôn chảy xuống lạnh giá, đọc nho nhỏ những bài thơ "mưa" để thưởng thức cái buổi mưa hè này, hòa nhịp với những ý thơ, mà nếu đọc trong lớp thì chẳng bao giờ cảm thấy thú vị cả.

Tôi nhớ ngày năm xưa
Mái nhà mang tiếng mưa
Đương ngày mà hóa tối
Nước chảy át lời thưa
Gió tung đầu ngọn mít
Gió nghiến thân cây dừa

Tôi tưởng tượng một cô Hiền của thi sĩ Hồ Dzếnh ngồi bên nhà trước mặt, mặc dầu mưa làm khoảng cách ấy tối om, một hàng dâm bụt lá xanh đen cử động dưới những hạt nước mưa sáng bóng.

Tôi và Hiền ở cách
Vẻn vẹn một giàn dưa
Tay tôi làm loa miệng
Hỏi: Hiền ăn cơm chưa
Chừng nghe không rõ tiếng
Hiền đáp: Hai giờ trưa

Tôi thích thú lấy tay làm loa gọi lớn, bâng quơ:

- Ăn cơm chưa.

Cùng lúc ấy tôi mỉm cười nhìn về phía cuối đường. Mưa tối om. Một người co ro trong chiếc áo tơi nhanh chân bước về phía nhà tôi.

Tôi cũng bắc loa gọi:

- Bác ơi, đi đâu thế? Mưa quá bác vào chơi, bác.

Người ấy vẫn cúi đầu, chiếc nón lá chắn những hạt mưa lớn kêu lộp bộp, bước vào nhà tôi. Bấy giờ tôi mới rõ người ấy là ba tôi. Điều làm tôi ngạc nhiên hơn hết là thấy ba tôi tiều tụy quá. Ba tôi cởi áo giọng lo lắng:

- Mẹ nó ơi, nước ngập hết vườn rồi, trôi sạch hai luống cải đáng lẽ ngày mai bán!

Mẹ tôi lo lắng ngay:

- Thôi chết! Vậy là cũng toi luôn mấy luống tôi mới gieo.

Ba tôi lo hơn cả. Tôi trông bộ mặt gầy gầy và râu ria của ông tiều tụy quá, khác xa bộ mặt chiều qua lúc tôi mới về. Ông tính toán:

- Như vậy mất ít ra cũng 7, 8 ngàn bạc. Rồi cả tuần tới sẽ chẳng có gì bán hết, ngồi nhà mà chơi!

Tôi hết nhìn ba lại nhìn mẹ. Không ngờ trận mưa lại làm hại nhà tôi đến thế. Mẹ tôi lâu lâu chép miệng thở dài. Ba ngồi bó gối trên ghế im lìm nhìn những chiếc bong bóng ngoài hiên, lâu lâu ông nhìn tôi một cái. Tôi chẳng biết nói gì với các người lúc này nên đành im lặng nhìn mưa.

Tôi đâm buồn nghĩ về cái gì đen tối như làn mưa trước mặt. Nghĩ về mẹ tôi, về ba tôi, về ngôi nhà của chúng tôi. Mọi sự đều quê mùa ảm đạm. Những ngày mới xa nhà, thỉnh thoảng tôi có nghĩ về nơi này, ngôi nhà buồn của tôi, trong đó có ba, mẹ ngày ngày âm thầm sống trong đó... Tình cảm ngày ấy thật day dứt, nhưng rồi tôi cũng quên đi. Giờ đây nó sống lại, buồn ngay chính ở nơi tôi đang hiện diện.

Thấm thoát đã 6 năm trường. Ngôi nhà tôi chẳng thay đồi nhưng ba, mẹ đã thay đổi và thay đổi nhanh quá. Các người già đi trông thấy, nhất là ba tôi. Và bây giờ ba già hơn ngày hôm qua không biết đến mấy tuổi.

Tôi không nhìn ba nhưng nhìn mưa. Tôi nghĩ đến sự thay đổi của ba, mẹ và nghĩ đến tôi. Tôi lớn và ba, mẹ già đi. Các người già đi một cách tội nghiệp bởi vì các người không tham vọng, không chống cự mà chỉ âm thầm chịu đựng vậy thôi. Chỉ có một vài lần ba nói với tôi rằng, ba mẹ trông chờ nơi tôi và mấy đứa em. Ba không nhiều lời nhưng tôi biết chắc ba, mẹ tin nơi chúng tôi lắm, nhất là tôi. Tôi đi học, cảm thấy rằng, mỗi ngày biết thêm điều mới lạ, chân trời mênh mông chào đón tôi. Tôi nhiều ao ước, ước học thật giỏi, làm thật lớn... tôi vô tư ước vọng. Nhưng đằng sau tôi, có ba, mẹ thúc đẩy, lo lắng cơm ăn áo mặc, ước cho tôi nên người, các người chẳng bao giờ biết đến cái thế giới ước vọng của tôi cả.

Ôi tội nghiệp! Ba, mẹ luôn luôn cắm cúi trên ruộng vườn, hy sinh đủ thứ cho chúng tôi, nhưng chẳng bao giờ các người biết thêm cái gì khác. Ba tôi thích toán lắm. Những lần tôi kèm em tôi, ba thường ngồi chăm chú để ý đến những phương trình toán học và những định luật vật lý. Ba khoái lắm. Đôi lần, ba đòi giải thay em tôi vì nó bí, mặc dù ba cũng không giải nổi. Ôi, đời là thế. Sáu năm trước, ba dạy toán tôi, nhưng bây giờ, ba mù tịt về những phương trình, định luật của tôi! Biết làm sao được, tôi chẳng thể dạy ba cũng như ba chẳng có giờ học thêm.

Tôi liếc nhìn ba. Ba gầy và tiều tụy. Có lần tôi hỏi tuổi ba nhưng chẳng bao giờ ba nhớ chắc tuổi mình cả. Nhớ làm chi cái tuổi già tăng vun vút ấy. Hồi xưa ba hình như 42, bây giờ chắc 48. Tôi năm nay 17, chưa hết trung học. Biết bao giờ có sự nghiệp đây ; ba, mẹ còn đủ sức cho tôi ăn học tới đó không. Ít ra cũng 7, 8 năm nữa. Lại còn đứa em út mới 5 tuổi, chưa học hành gì cả.

Tôi tự thấy khoác trách nhiệm rồi. 7 năm nữa không biết tôi sẽ thành kỹ sư hay bác sĩ không nhỉ, hay phải đi lính rồi chết, rồi để ba, mẹ già hơn nữa, cố gắng nuôi mấy đứa em còn bé bỏng chưa biết gì cả. Không, tôi sẽ cố gắng học để khỏi đi lính, khỏi chết, ba, mẹ khỏi già trước tuổi. Tôi sẽ thành kỹ sư hay bác sĩ, hay nghề nghiệp gì có nhiều tiền để nuôi các em tôi đi học, để ba, mẹ thôi đổ mồ hôi trên mảnh vườn chẳng tươi tốt gì.

Ngày ấy nhà tôi hết lụp xụp, ba mẹ sẽ rảnh rỗi để học thêm. Ba sẽ học toán, tôi sẽ bỏ ít giờ để chỉ cho ba.

Tôi mong ước vẻn vẹn có vậy nhưng ngày ấy còn xa quá. Ba, mẹ vẫn ngồi buồn ở kia, tôi vẫn là đứa nhỏ nhìn trời mưa đen tối.

Bữa cơm tối hôm ấy nhạt nhẽo. Tôi gợi chuyện với ba:

- Ba ba, giữa kỹ sư và bác sĩ ba thích nghề nào?

Ba nhìn tôi lạ lùng vì câu hỏi lạc lõng ấy. Nhưng tôi nói, tôi sẽ chọn một nghề thật nhiều tiền và dễ dễ, đừng lâu quá. tôi nói đơn sơ những ý nghĩ ban chiều với ba, mẹ. Các người nhìn tôi cảm động lắm. Ba, mẹ mỗi người một ý kiến làm như sự nghiệp ấy tôi với tay một cái là được. Ba giơ cái cằm râu ria lởm chởm trông rạng rỡ và cứng cỏi, nói giọng triết lý:

- Nhớ, ao ước cái gì mà đừng quên hiện tại, là phải học trước, bởi vì cái gì tới thì nó sẽ tới.

Ôi, sung sướng! Các người vẫn tin nơi tôi lắm. Tôi không thể để các người phụ lòng được.

Tôi bước ra hiên, mưa còn rả rích nhưng tôi thấy lòng ấm áp. Tôi muốn đọc một bài thơ thật vui nhưng tôi quên tiệt, đành đọc tiếp bài thơ hồi chiều:

Trời mưa rồi trời mưa
Sân nhà đầy bong bóng
Hai tôi ngồi mơ mộng
Đếm mãi vẫn đương thừa...


NGUYỄN VĂN THÔNG     

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 11, ra ngày 24-10-1971)


 

Không có nhận xét nào: