Thứ Hai, 11 tháng 7, 2022

ÔNG TRỜI CÓ MẮT - Giang Thảo

  "Thiên võng khôi khôi, sơ nhi bất lậu"
"Lưới trời lồng lộng, thưa mà không gì lọt qua được"

Ngày xưa, trong một làng ở miền Trung Châu, có hai người lái buôn: ông Giáp và ông Bính. Hai người thường đem muối, gạo lên thượng du, vào trong các bộ lạc người Mọi, đổi lấy trầm hương, cốt hổ, mật gấu, gạc hươu nai, mộc nhĩ v.v... nghĩa là gặp gì có thể bán lại được, thì họ đổi. Một hôm trên đường về, hai người đi qua một sóc người Mán ; từ đàng xa, họ đã thấy hai đứa  trẻ cầm một vật gì sáng lóng lánh. Họ đến gần, cầm xem kỹ, thì ra đó là những viên đá ngọc. Họ hỏi thăm, thì mấy đứa trẻ bảo là cha mẹ chúng đi rừng đem về cho chúng. Mặc dầu không có gì để đổi, hai người cũng quyết định ở lại một tối để chờ những người lớn trong sóc trở về. Sau khi điều đình, người Mán thỏa thuận vào rừng sâu kiếm các viên đá lóng lánh ấy đem về đổi lấy muối và gạo của hai người đưa lên. Hai người vội vã trở về làng. Họ bảo nhau phải tuyệt đối giữ bí mật, kẻo có ai phỗng tay trên mất chăng.

Về nhà được hai hôm, mua đủ số gạo và muối, họ thuê thuyền chở lên mạn ngược, rồi dùng ngựa thồ vào sóc người Mán. Số đá ngọc đổi được họ chia làm hai, mỗi người giữ một phần. Họ thận trọng bỏ vào đáy bao và để các thứ mộc nhĩ, gỗ trầm che lại. Xong xuôi, họ trở về đường bộ. Chuyến buôn này, lúc trở về, họ không phải gồng gánh nặng nề như các lần trước, nhưng với số đá ngọc quý vừa đổi, họ sẽ bán được một số tiền lớn. Họ vừa đi vừa bàn tính với nhau về việc đem số đá ngọc bán chỗ nào cho được giá.

Đi gần đến một cái cầu bắc ngang trên một thác nước chảy rất mạnh, Giáp sợ hãi đứng lại không dám bước lên cầu. Anh Bính gan dạ hơn, đi lên trước, cho bạn thêm can đàm. Hai người dò dẫm từng bước một trên chiếc cầu yếu ớt cheo leo. Mỗi bước đi nhẹ nhàng của họ cũng rung động cả chiếc cầu. Chỉ còn một đoạn ngắn nữa thì qua khỏi, bỗng anh Bính lo ra thế nào, bị trợt chân rơi xuống, anh nhanh tay chụp níu được thành cầu, toàn thân anh lơ lửng trên thác nước chảy ầm ầm. Cái tay nải đựng đá ngọc còn mắc vào cổ anh. Anh Bính gọi bạn:

- Anh Giáp! Anh Giáp! Lại kéo tôi lên, mau!

Giáp run cầm cập, men lại gỡ tay nải trong cổ bạn ra, rồi một tay nắm chắc thành cầu, một tay nắm cổ tay bạn, rán sức kéo lên. Nhưng đột nhiên lòng tham Giáp nổi lên, anh ta nghĩ rằng, nếu anh làm chủ cả số đá ngọc nầy, anh sẽ được giàu có lớn... Lòng tham mờ cả lương tri, anh đang tâm dùng sức hất mạnh bạn khỏi thành cầu. Anh Bính bất ưng bị bạn dã tâm hại, thét to lên một tiếng, rơi xuống đập đầu vào đá, nước hòa máu văng tung tóe lên. Giáp run rẩy nghe tiếng thét thất than h của bạn vọng lên giữa rừng sâu tịch mịch, nhìn cái cảnh bạn bị thác nước cuốn đi: đó là kết quả lòng tham vô độ của Giáp...

Đã gây ác quả thì liều: Giáp nhặt hai tay nải, lần bước qua cầu. Giấu kỹ hai tay nải vào bụi, Giáp chạy về làng báo tin tai nạn. Chị Bính khóc lóc dầm dề, mượn người cùng đi lên xem chỗ chồng bị tai nạn rồi lần bước theo dòng thác để tìm xác. Mãi ba ngày sau, mới tìm được xác anh Bính, vướng vào một hốc đá. Giúp chôn cất xong người bạn xấu số, Giáp đem một số tiền sang cho chị Bính và giả bộ buồn rầu, nói:

- Tôi và bác ấy, anh em hợp nhau làm ăn đã ba, bốn năm, nay không may bác ấy mệnh bạc, tôi buồn rầu quá không muốn tiếp tục buôn bán như thế nữa. Nay tôi định bán nhà vườn đem gia đình về tỉnh làm nghề khác độ thân. Trước lúc đi, tôi đã ra viếng mộ bác ấy và xin gởi giúp bác và các cháu một số tiền gọi là tình anh em xưa nay.

Chị Bính sụt sùi, cám ơn lòng tốt người bạn cũ của chồng. Giáp đem gia đình về tỉnh bí mật bán dần số đá ngọc, trở nên giàu có lớn. Trong nhà trang hoàng như cảnh một nhà quan. Đứa con trai đầu lòng, Giáp cho theo học chữ nghĩa. Nhờ tiền bạc làm nên thế lực, không mấy năm con trai Giáp vượt qua các kỳ thi ở xã rồi ở tỉnh, và sau hết được về kinh đô dự thi tam trường. Của đi thay người, khoa thi năm ấy, con trai Giáp đậu tiến sĩ... Tin ông Nghè con ông phú hộ Giáp sắp về vinh qui đồn dậy khắp vùng. Các làng, đám rước ông Nghè sẽ đi qua, đều lo sắp đặt cờ quạt đón chào. Cảnh nhà ông Giáp nhộn nhịp tưng bừng. Nhiều người đến giúp dựng thêm giàn trước sân để có chỗ tiếp khách...

*

Thấy sau ngày anh Bính bị tai nạn chết, gia đình Giáp bỗng trở nên giàu có mau chóng, một thày đồ trong làng là bạn thân của anh Bính đâm nghi: Thầy cho rằng, anh Bính bị thủ tiêu chớ không phỉ bị tai nạn mà chết. Thầy nhớ lại, tối hôm trước, anh Bính đi buôn chuyến cuối cùng, trong lúc vui miệng, anh có khoe với thầy, anh vừa tìm được một sóc người Mán có thứ đá quý và anh hứa chuyến này anh về sẽ đưa cho xem ; nhưng tiếc thay, anh đi không trở lại... Sau một thời gian bí mật dò xét kỹ càng thầy đồ nhận thấy sự nghi ngờ của thầy là đúng: anh Bính bị Giáp hại để y thừa hưởng một mình số đá ngọc quý đổi được... nhưng vì không đủ bằng chứng để tố cáo Giáp, thầy đành âm thầm chờ đợi sự báo oán của Trời.

Nhưng ngày tháng trôi qua, vợ anh Bính phải chật vật lắm, mới nuôi nổi bầy con thơ dại, còn Giáp thì mỗi ngày một giàu, thế lực mỗi ngày một lớn. Đứa con trai đầu của Giáp lại vừa đậu kỳ thi hàng tỉnh, sắp sửa về kinh dự thi tam trường. Thầy đồ buồn bã cho là Trời không có mắt để thưởng kẻ làm lành, phạt kẻ làm ác. Thầy liền vẽ lên tường một hình cụ già, có vầng trán rộng, có bộ râu uy nghi, nhưng thầy không vẽ con mắt. Và ở dưới bức họa, thầy đề mấy chữ: "Ông Trời không mắt". Các học trò thấy thầy vẽ như thế, nhao nhao lên hỏi:


- Tại sao thầy không vẽ con mắt ông Trời vào?

Thầy đồ hằn học trả lời:

- Thì ông Trời có mắt đâu, mà bảo thầy vẽ vào? 


Tin từ kinh đô về, con trai ông Giáp đậu Tiến sĩ, làm cho thầy đồ càng thêm buồn bã. Và hôm ông Nghè vinh qui về làng, thầy đồ ngã bệnh liệt giường... Đám rước đi qua hai làng mới tới nhà ông Giáp. Đoàn người đi trước cầm cờ ngũ hành, tiếp đến là chiêng, trống, não bạt, trống con. Ông Nghè bận phẩm phục ngồi trên lưng ngựa, hai bên có hai người đi hầu. Sau ngựa ông, là võng của bà Nghè, do hai người khiêng, hai cô gái cầm quạt lông phe phẩy, đi hai bên. Đi qua mỗi làng, có ông lý trưởng và kỳ hào sở tại ra chào mừng. Tiếng pháo nổ lẫn với tiếng trống, chiêng, thanh la, não bạt, inh ỏi. Người đi xem đông như ngày hội.

Đám rước về đến gần nhà, bỗng một con chó không biết ở đâu, nhảy xồ lại gần ngựa ông Nghè, cắn sủa ầm lên . Con ngựa sợ nhảy cuồng lên hất ngay ông Nghè rơi xuống đất. Đám rước chạy tán loạn, người ta vội vàng giữ chặt cương ngựa, và đỡ ông Nghè dậy, thì hỡi ôi! Ông Nghè đã bị ngựa giẫm bể ngực, chết rồi!

Người ta vội vàng chạy báo tin cho ông Giáp hay. Ông Giáp giờ này đang coi gia nhân dọn dẹp cỗ bàn, nghe tin như sét đánh, liền ngã ra bất tỉnh. Người ta vực ông dậy, xoa bóp, lay gọi... bỗng nhiên ông mở mắt nhìn trừng trừng, cười sặc sụa, rồi ông đứng dậy chạy ra đường, vừa chạy vừa kêu:

- A ha, trời phạt tôi! A ha, trời phạt tôi!

Mọi người sững sờ, bảo nhau:

- Ông Giáp điên mất rồi!

Thầy đồ đang nằm liệt giường, có đứa học trò đi xem, chạy về kể lại cho thầy nghe truyện vừa xẩy ra. Nghe xong, thầy vội vàng nhảy xuống giường lấy viết mực, vẽ hai con mắt vào bức hình Ông Trời, và sửa lại dòng chữ "Ông Trời có mắt".


GIANG THẢO     

(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa số 4, ra ngày 25-4-1963)
 

Không có nhận xét nào: