Các em thân mến,
Số báo Thiếu Nhi hôm nay dành để nói lên những vấn đề liên hệ đến
sách. Sự thành hình một quyển sách trải qua nhiều giai đoạn từ khi có
trong tay bản thảo: Kiểm duyệt, tiền nhà xuất bản, nhà in, nhà phát
hành, lo nạp bản, quảng cáo.
Quyển sách đối với các em hiện nay không còn là vật xa lạ. Hàng ngày,
trong khi các em lo học hành, các em đã làm bạn với sách vở.
Quyển sách rất ích lợi cho chúng ta, rất cần thiết để mở mang trí óc, tâm hồn và rèn luyện nhân cách chúng ta.
Nhà văn Georges Duhamel đã nói: Vận mệnh của nền văn minh chúng ta gắn liền với vận mệnh của cuốn sách.
Có người bảo rằng: Anh hãy cho tôi biết anh thường đọc sách gì, tôi có thể nói anh biết ngay anh thuộc loại hạng người nào.
Các em thu thập kiến thức ở nhà trường, nơi sự dẫn dạy của thầy học
các em. Việc này rất hữu ích và cần thiết. Nhưng bấy nhiêu đấy chưa đủ
để mở mang trí tuệ của các em. Các em cần phải đọc thêm sách, đọc thêm
rất nhiều sách. Ông André Maurois đoan quyết: Học vấn ở nhà trường chỉ
có thể được đầy đủ, nhờ ta có đọc sách thêm.
Từ xưa biết bao người thành công nhờ đọc sách. Hoàng đế Nã Phá Luân
đã nói: Không phải với lưỡi kiếm tôi đã chinh phục thế giới, mà chính là
nơi cái đầu chất chứa những gì tôi đã thâu thập trong khi đọc sách.
Một nhà giáo dục danh tiếng, ông H.N. Casson cho rằng: Những nhà
triệu phú đều là những người đọc nhiều. Hỏi họ, họ sẽ đáp rằng đọc sách
là một trong những nguyên nhân thành công của họ.
Ngoài những ích lợi thiết thực về vật chất, sự đọc sách đem đến cho
chúng ta nhiều thú thanh cao, làm cho tâm hồn chúng ta được vui tươi,
tốt đẹp hơn lên. Vì vậy mà nhà thơ khét tiếng của Anh đã thốt ra: "Kẻ
nào giết người tức là giết một sinh vật, một hình ảnh của thượng đế.
Nhưng kẻ nào phá hủy một quyển sách hay, là giết mất lý trí, là phá hủy
những cái tinh hoa nhất trong tâm hồn con người.
Nhờ đọc sách mà kiến thức chúng ta mở rộng, chúng ta hiểu biết nhiều
hơn, chúng ta hiểu biết những người sống liên hệ với chúng ta và chúng
ta hiểu ngay cả chúng ta nhiều hơn, nhờ đấy chúng ta thay đổi quan niệm
sống, chúng ta trở nên rộng lượng, khoan dung, không còn những thành
kiến hẹp hòi, cố chấp, đầy tự ái.
Một nhà khảo cứu đã nói: Một người đọc sách, hiểu biết nhiều sẽ giảm
lòng tự cao, tự đại, vì nhận thấy những điều mình hiểu biết so với kiến
thức nhân loại được ghi chép trong sách, chỉ là một hạt cát quá bé nhỏ
trong vùng sa mạc mênh mông.
Các em thân mến:
Người ta đã nói: Sách vở mang lại cho chúng những kinh nghiệm của kẻ khác bằng một giá rẻ.
Sách vở rất cần thiết đối với chúng ta. Nhưng các em nên chọn sách có
giá trị mà đọc, tránh những sách nhảm nhí có hại cho các em. Có như
vậy, sự đọc sách mới hoàn toàn hữu ích.
Thân mến chào các em
NGUYỄN HÙNG TRƯƠNG
(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 96, ra ngày 1-7-1973)
Không có nhận xét nào:
Không cho phép có nhận xét mới.