Thứ Sáu, 1 tháng 7, 2022

TRIẾT LÝ "CON GÀ CHẾT" - Đỗ Phương Khanh

  

Chắc có em thắc mắc (không lạ, vì tuổi trẻ rất hay thắc mắc) rằng thì là sao chị lại đặt tên mục này là Để Yêu Đời. Thì hôm nay chị giải thích nhé.

Chị đã sống mấy chục năm, trong số đó, có gần nửa số năm chị sống, chị đã không biết sống. Nghĩa là chị đã để cuộc đời chị trôi đi một cách đáng tiếc, vì chị hay bất mãn, không chịu nhìn vào bông hồng của cuộc đời mà lại chỉ nhìn gai. Nhưng lần lần nhờ đời sống và nhờ sự đọc sách, chị đã tìm thấy niềm yêu đời. Từ đó, chị bớt đi biết bao buồn chán. Chị hăng hái và đầy cảm tình với những người quanh chị, cảm ơn Thượng Đế, chị đã sớm tỉnh ngộ để mà được nhìn thấy bông hồng của cuộc đời.

Đối với các em, chị như thấy lại thời trẻ của chị, chị thiết tha ước mong các em sớm tìm thấy khía cạnh đẹp của cuộc đời, để mà sớm được vui sống, sung sướng trong tình yêu thương và tin cậy.

Đôi khi chúng ta buồn bực vì mọi người thờ ơ, không theo ý chúng ta, nhờ gì thì không giúp v.v... Nhưng có bao giờ chúng ta tìm hiểu nguyên do sự không giúp đỡ của mọi người không? Có bao giờ chúng ta chịu đặt mình vào vị trí người khác không? Có biết bao nhiêu người suốt ngày than vãn về chuyện riêng của họ, họ quên rằng dẫu bản nhạc hay mà nghe hoài mọi người cũng chán, thì lời than thở càng làm người đối thoại chán hơn. Nhất là khi nghe ai than thở, chúng ta cũng thấy buồn dùm, ý chí và niềm vui của chúng ta cũng bị cái buồn xâm chiếm, gương mặt chúng ta cũng trĩu xuống, rồi chúng ta phát mệt. Nhưng nếu có ai kể chuyện vui hay nói về một vấn đề gì mà chúng ta thấy phấn khởi, thì lòng chúng ta cũng rộn ràng, gương mặt chúng ta cũng sáng rỡ, chúng ta cũng thấy vui lây. Danh ngôn có câu: "Cuộc đời như chiếc gương, nếu bạn cười, thì hình trong gương sẽ cười với bạn, nếu bạn nhăn thì..." (các em viết tiếp nhé). Trong một cuốn sách nào đó, mà chị đã được đọc, tác giả khuyên chúng ta nên cảm thông với cuộc đời, biết tự an ủi và biết cảm ơn về những gì mà cuộc đời đem tới cho chúng ta, chị nhớ có đoạn đại ý thế này: "... Dù mình có chết, thì sự quan tâm thắc mắc đến với người khác cũng chưa bằng con gà nhà người ta chết". Chủ ý tác giả cho ta thấy rằng đừng đem những chuyện riêng tư ra làm phiền ai, và nếu chúng ta có được đối xử bằng một hành động tốt đẹp nào đó, thì chúng ta nên tự an ủi rằng thế đã là quí. Không phải biết như vậy rồi chúng ta sẽ đau khổ mà nghĩ rằng mọi người thờ ơ đối với chúng ta. Nhưng để chúng ta đừng đòi hỏi những điều quá đáng, biết vui với những niềm vui nho nhỏ, và biết cảm ơn khi được ai giúp đỡ chút gì.

Suy ra được cái "triết lý con gà chết" kể trên, chúng ta sẽ yêu đời lắm vì rằng: "Thế ra có nhiều người tốt thật đấy, họ lại chịu khó làm giúp mình, quí hóa quá rồi".

Dù họ làm xong có nửa việc mà mình nhờ, cũng là quí lắm đấy các em ạ. Vì rằng họ có thể ích kỷ, chẳng giúp gì chúng ta cơ mà. Thế thì đời đáng yêu và chúng ta nên tìm tòi những cái đáng yêu của cuộc đời. Để mà yêu đời chứ, các em nhỉ.


Chị ĐỖ PHƯƠNG KHANH     

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 95, ra ngày 24-6-1973)


 

Không có nhận xét nào: