Thứ Hai, 31 tháng 10, 2022

CƯ XỬ THẾ NÀO CHO PHẢI - Đỗ Phương Khanh

  

Thư của em T.T.H. Cần Thơ:

... Chị ơi em phải làm sao để bạn bè em khỏi phải nói em rằng nhỏ này điệu quá, kiêu quá, hách quá. Bạn em kỳ lắm chị ạ. Chơi với nhau, em cũng đồng đều tình bạn nhưng khi em chơi với những bạn bị tụi nó ghét thì chúng nó nói em nào là theo nịnh, nào là theo để nói xấu... mà nào đâu em có những ý nghĩ đó. Em không nói bạn kia học dở, em không ỷ lại ai, thế mà khi có những xích mích thì chúng nó đổ cho em, nói em là thóc mách, là đầu dây mối nhợ. Em cười thì chúng nó nói là điệu, trong khi làm bài thi, hoặc những bài thầy cho về nhà làm, tụi nó mượn tập em chép, em không cho thì chúng nó nói em hách, ỷ học giỏi... Bài thi được điểm lớn thì chúng nó xách mé đủ điều nào là thầy thiên vị, khéo nịnh cô, hỏi nói sai mà được điểm lớn... rồi chúng nó lại giận hờn em. Em chịu không nổi nữa. Tại sao vậy chị? Em mong được chị trả lời và chỉ cho em những phương pháp gì để khỏi sứt mẻ tình bạn, để khỏi giận hờn những tánh vô lý của bạn.

Trả lời:

Đọc thư em, chị thật ngậm ngùi, vì trước mắt chị bỗng hiện ra một hình bóng cũ, đã xưa lắm rồi, mấy chục năm lận, em ơi! Đó là một chị bạn nhỏ, cùng học với chị hồi bọn chị hãy còn để tóc Nhật. Chị Hồng, bạn chị, dễ thương vô cùng em ạ. Chị ấy vừa xinh vừa học giỏi, bọn chị ngưỡng mộ thầm, ước ao mình được như chị ấy. Nhưng có câu tục ngữ bi quan rằng: "Con người ta là lang sói của nhau". Số phận người bạn của chị cũng đáng thương, bởi vì tuy bọn chị còn trong tuổi hồn nhiên, nhưng lại sẵn có cái tính ganh ghét, nó làm thui chột hết lương tri, nên bọn chị chỉ sẵn sàng tìm dịp để hạ chị ấy.

Gia đình chị ấy chỉ có hai mẹ con. Chị ấy nói là ba chị ấy đã qua đời. Nhưng một hôm, bọn chị phát giác ra là khai sinh của chị ấy lấy theo họ mẹ, không có tên cha. Vậy là chị ấy không có cha. Đó là "nhược điểm" của chị ấy. Bọn chị xúm lại tìm tòi, bịa chuyện để làm nhục chị ấy. Than ôi! Cái tâm địa nhỏ nhen của con người! Không thể nói sao cho xiết những trò tinh nghịch mà bọn chị sáng chế ra để làm cho Hồng đau khổ. Sở dĩ bọn chị say sưa hạ chị ấy chỉ vì chị ấy có cái tội nặng là lại quá sáng chói, lại là một người hoàn toàn, một người mà bọn chị thèm vói tới mà không vói được.

Cái đòn mà bọn chị hạ chị ấy quá độc, chị ấy tủi thân về sự không có cha, nên không dám bước chân ra cửa, nài nỉ với mẹ chị ấy, xin được thôi học. Thời xưa, con gái đi học hay không cũng không quan hệ lắm, nên mẹ chị ấy cho chị ấy nghỉ, ở nhà làm việc nội trợ.

Chị ấy thôi học, thế là bọn chị khỏi gai mắt, trong lớp không còn ai sáng chói để thầy cô đem ra làm gương. Thật là khỏe ru!

Mười mấy năm sau, khi gia đình chị đổi đi tỉnh khác đã từ lâu rồi, một hôm chị đến thăm nhà người bạn của chị, thì thấy một người đàn bà ra mở cổng, đầu vấn khăn kiểu mấy cô ở nhà quê, gương mặt trông rất bầu bĩnh xinh đẹp. Chị ngờ ngợ trong lòng, tưởng như đã gặp ở đâu vậy. Tới khi bạn chị gọi tên chị ấy là chị Hồng, thì chị giật mình hỏi thăm, té ra chị ấy chính là cô bé xinh xắn học giỏi, gương mẫu trong lớp ngày xưa. Chị lặng nhớ đến những trò tai ác mà bọn chị đã hành chị ấy. Rồi chị hỏi thăm và được biết gần đây mẹ chị ấy chết, chị ấy không có kế sinh nhai, nên có người mối lái để chị ấy làm vợ nhỏ cho cha người bạn chị, chủ nhân nhà này, một ông già gần sáu chục tuổi.

Lòng chị ân hận khổ sở. Chị nghĩ rằng nếu ngày xưa bọn chị không vì ghen tị mà tìm đủ cách hạ chị ấy, thì chị ấy không bỏ học, có thể chị ấy cũng đỗ đạt, có nghề nghiệp để nuôi thân, rồi có chồng con tử tế. Chứ đâu đến nỗi chôn vùi tuổi thanh xuân như thế này.

Sự hối hận dày vò chị. Nhưng đã trễ. Chị không còn làm gì để cải thiện cho chị ấy được nữa em ạ.

Lời tâm sự của em nhắc chị nhớ lại dĩ vãng. May thay hoàn cảnh em không éo le như chị ấy, thành ra em không bị mặc cảm làm cho mất hết can đảm như chị ấy, nhất là chị ấy lại sống vào thời xưa, thời mà người con gái luôn luôn khép nép e lệ.

Tuy nỗi buồn không đẩy em tới chỗ bỏ học, nhưng cũng đã làm em chia trí, mất cả sự thanh thản, hồn nhiên, yêu đời.

Chị sẽ không thể giúp gì cho riêng em, nhưng chị đem trường hợp em ra để kêu gọi lương tâm tất cả chúng ta, kêu gọi ý thức trách nhiệm liên đới về đời sống của nhau, phải làm sao cho xứng đáng với danh từ "Người" chứ không phải là lang sói, chúng ta đừng rình mò cơ hội để ăn thịt nhau.

Cái tính ghen ghét đố kỵ nó giết chết hết tình cảm tốt đẹp trong lòng chúng ta. Nó xô đẩy người bị dèm pha, bị nói xấu tới chỗ mất hết tự tin không còn được yên ổn trong lòng nữa. Nhưng đồng thời nó cũng làm hại chính người có tính đó không kém. Họ cũng bị sống trong vòng u tối của thù hận rình rập, như một người tự quấn dây kẽm gai quanh mình rồi vùng vẫy cho dây kẽm cào xước, rướm máu. Xin các em đừng vì ganh ghét mà tìm cách hạ người khác làm chi. Sự tìm tòi khía cạnh xấu của người khác nó làm cho các em không còn nhìn thấy bông hoa hồng, mà chỉ thấy toàn gai. Tội gì mà tối ngày mình cứ moi móc rác rưới làm chi các em nhỉ.

Có một câu chuyện đại khái như sau: Một ông khoe với bạn thành tích đi nhanh của mình, mỗi khi dự thi đều được xếp hạng nhất. Được vậy là nhờ ông ấy chăm tập dượt nên bắp chân lớn, khỏe.

Ông bạn mới trả lời:

- Tôi chẳng cần tập dượt mà vẫn xếp hạng nhất. Có khó gì, tôi cứ ngáng cho mấy anh kia té lăn ra, rồi tôi đi tà tà mà cũng đoạt giải như thường.

Câu chuyện ấy chỉ để nói lên bản tính xấu xa của hạng người nhỏ nhen, thay vì cố gắng cho hơn người ta, thì lại hạ người ta để mình "bất chiến tự nhiên thành".

Chị có một chị bạn tốt lắm. Lúc nào chị cũng hết sức thán phục và khen ngợi tấm lòng nhân ái của chị ấy. Nhưng chị ấy nhã nhặn kể với chị rằng:

- Chị khen làm mình ngượng quá đi. Mình có gì là tốt đâu. Có một người bạn của mình tốt lắm, lúc nào cũng nghĩ tới người khác, không nỡ để cho ai khổ. Có hôm đi mua trái cây, mình lựa dùm trái ngon cho chị ấy. Nhưng chị ấy cản lại mà nói:

- "Thôi, mình đừng lựa kỹ quá, lấy hết trái ngon, người tới mua sau không còn được ăn đồ ngon nữa"!

Các em ơi! Nếu các em gặp bà bạn ấy, thấy bà ấy mua hàng mà không lựa đồ ngon, có lẽ sẽ cho là bà ấy ngu dốt, không biết phân biệt. Có biết đâu rằng bà ấy đã nghĩ tới người đến sau, mà nhường.

Đôi khi, có những tấm lòng cao thượng vượt trên sự hiểu biết của chúng ta, mà chúng ta lại đem cái tâm thấp kém của mình mà nhận xét thì thật là sai lầm.

Cũng như bạn em đối với em, các em kia có biết đâu rằng sự phán đoán sai lầm của họ đã làm cho em băn khoăn, buồn tủi đến như thế. Có lẽ giờ này họ cũng vẫn tưởng những lời chỉ trích của họ là đúng, em nhỉ.

Nếu mọi người đều có tấm lòng luôn nghĩ tới người khác, thông cảm và hiểu mọi người, không nỡ nghĩ xấu cho mọi người vì sợ làm đau đớn cho người, như bà bạn chị kể ở trên, thì thế giới này tốt đẹp xiết bao các em nhỉ.

Một con én không tạo nổi mùa xuân, nhưng xin các em hãy mở rộng tấm lòng ra để cảm thông và thương mến mọi người, chắc chắn các em sẽ gặp nhiều mầu hồng trong cuộc đời, các em ạ.


Chị ĐỖ PHƯƠNG KHANH      
 
 (Trích tuần báo Thiếu Nhi số 113, ra ngày 2-11-1973)




Chủ Nhật, 30 tháng 10, 2022

CHIỀU - Nguyễn Đình Diễn

 







Nắng vàng nhẹ bước lên cao
Lịm dần bóng dáng, xanh xao khung trời

Tự nhiên man mác buông rơi
Theo chiều lá đổ... rơi rơi... lạnh lùng

Chuông chiều buông giọt thinh không
Âm thanh đưa bước sương hồng về đêm

Tay đan mười ngón thon mềm
Lặng nghe hồn chợt êm đềm xa xa

Không gian còn chút hương hoa
Chưa tàn ước muốn chưa nhòa mộng mơ

Mịt mờ trong gió mấy bờ
Xa xa từ đó thuyền chờ về mau

Chiều về không có đớn đau
Không mang phiền muộn trong màu hoang vu

Nhưng đêm dần xuống mịt mì
Chợt nghe man mác riêng tư hồn mình...

                                               NGUYỄN ĐÌNH DIỄN
                                                     T. V. Đ Việt Nam

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 61, ra ngày 22-10-1972)


Thứ Bảy, 29 tháng 10, 2022

NẾU - bé An Khanh

 








Nếu là họa sĩ tí teo,
Bé nhất quyết vẽ ảnh treo đầy nhà
Ảnh ba, rồi má, ông, bà
Một bức thật lớn: cả nhà họa chung. 

Này xem bé tính gọn không:
Trên tràng kỷ nhé - Bà ông chuyện trò.
Bên cạnh thằng Vũ còn lo
Nắm tay mèo mướp cười bò cả ra...

Chiếc bàn kê ở giữa nhà,
Bé họa chị Hải nết na học bài
Anh Kha, thằng Thủy, con Mai
Đọc sách đọc báo miệt mài thật chăm.

Ghế dựa nơi cửa: Ba nằm
Nói chuyện với má ôi đằm thắm ghê!
Trăng soi bên cửa đê mê
Cảnh nhà sum họp thương về trên môi...

                                             BÉ AN KHANH
                                           (nhóm Phượng T.V.)

(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 78, ra ngày 1-10-1967)


Thứ Sáu, 28 tháng 10, 2022

THƯƠNG YÊU - Từ Ly

  

Em là em độc nhất của tôi. Năm nay em học lớp 4, nghĩa là còn quá bé bỏng với số tuổi lên 10. Từ lúc em còn ngồi lớp 3, tôi đã khám phá sự yêu thích một Việt Văn của em. Trong lớp học em thường tỏ ra khá nhất một tập làm văn, trái lại rất kém toán. Những bài toán chỉ đem lại em những chán nản và ghét cay ghét đắng. Nhưng khi bắt gặp cuốn sách giảng văn hay quyển vở luận của tôi là em đọc mãi không chán, có khi bỏ cơm. Dần dần, nhờ quen hầu hết mặt chữ, em còn tỏ ra xuất sắc môn chính tả. Tôi ngạc nhiên lẫn sung sướng, khi đọc bài "Tình quê" dài hai trang tập em viết không có đến 1 lỗi. Cả những chữ khó như: ngoằn ngoèo, loanh quanh, khúc khuỷu mà bạn tôi (lớp 8) còn có đứa viết sai... Năm tôi học lớp 9 thì em lên lớp 4. Ngày khai trường, tôi dẫn em đi, gặp cô giáo em, cô Lan bảo giọng vui vẻ:

- Con bé có khiếu về luận, em ạ. Chắc lên Trung Học dẫn đầu Quốc Văn đấy, kỳ thi lên lớp này, chỉ nhờ điểm chính tả, tập làm văn kéo điểm toán cho em đó.

Tôi nhìn, nét mặt em hãnh diện, sung sướng, em chỉ thích khen em môn ấy. Tôi có khuyến khích em một Toán một cách hơi quá đáng như: "Ừ! Em khá rồi đó, cố lên sẽ giỏi. Hồi cỡ em chị ngu hơn" hoặc: "Cưng cố lên, cưng giỏi làm văn mà còn khá toán, sang năm thi đỗ như chơi". Cũng không làm em thích mà em lại bám ngay câu khen ngợi:

- Em giỏi làm văn hở chị? Thật hở? Thật không? Em ưng học cái đó ghê. Em thích giỏi văn như chị. Em thích viết bài đăng báo như chị, chị giỏi hơn em.

Tôi vội nói:

- Ừ! Tại giờ em còn nhỏ, em bằng chị em giỏi hơn chị bây giờ cho coi, hồi đó học lớp 4 chị chẳng hay như em đâu.

Mắt em sáng ngời: "Thật hở? Thật hở? Em thích lớn lên viết văn lắm. Em sẽ, em sẽ..."

Tôi biết em mơ làm thi sĩ, dù mấy tiếng sau em chỉ lẩm bẩm riêng mình. Mỗi lần đọc bài đăng báo của tôi là em hỏi:

- Chị Phượng nầy! Chị đặt văn hay mà mai mốt chị chọn ban gì? Em nghe anh Tân hàng xóm bảo lên học lớp 10 sẽ phải chọn ban.

- Ừ! Đúng rồi. Chị thích ban B, nghĩa là Toán.

- Ủa? Ủa? Sao vậy? Sao không đi ban văn chương? Em mà...

- Em chọn ban C chứ gì? Chị cũng thích ban C, song chị ưng học toán. Ở tỉnh mình không có ban C đâu em, học ban C còn phải cừ sinh ngữ nữa kia chứ. Vả, học toán cũng học quốc văn vậy.

Em băn khoăn:

- Không biết chừng em học có ban C không? Em sẽ cố sinh ngữ để đi... Em ghét toán kinh khủng, giá em đặt ra chương trình học, em sẽ bỏ môn toán...

Tôi phì cười, xoa đầu em, thương mến. Em chớp nhẹ hàng mi cong vút của đôi mắt to, đẹp. Em tôi ngây thơ và trong trắng dễ yêu quá, tôi không nỡ làm tan giấc mộng êm đềm của em, nhưng tôi không ngờ ước muốn em quá thiết tha, mê mải. Mấy lúc sau, ngày em càng kém toán, em giở báo cũ của tôi ra, say sưa đọc mấy bài tôi viết. Em hay khen: "Em phục chị ghê". Hay: "Bài chị hay ghê", hoặc: "Chị ơi! Em có bằng chị không?" Tôi thấy mắt em ánh lên một cái gì bâng khuâng, vừa thiết tha, vừa ham thích. Tôi chưa gọi đến thì một hôm, sau khi gấp cuốn Tuổi Hoa lại, em nhìn tôi, ngập ngừng:

- Chị Phượng!...

Tôi vuốt tóc em, tôi hiểu, nhưng tôi chờ em nói.

- Em... có viết bài như chị được không?...

Ánh mắt em vẫn sáng ngời, môi hé ra, hơi cười e ấp. Tôi muốn khuyên em lo học, cố thêm toán đi. Nhưng có một cái gì khiến tôi cũng ngập ngừng như em:

- Ờ... Được. Nhưng mà... em hãy...

- Được hở? Thích quá chị ơi (em không để ý lời tôi nữa) - Rồi em viết nhé, em sẽ nhờ chị xem, em sẽ gửi bài, sẽ...

Tôi im lặng nhìn em. Em vui vẻ, hân hoan như chim non, tôi sợ phá vỡ giấc mơ của em. Bảo em học toán ư?... Chắc em thất vọng, chán nản. Vì thế tôi vẫn làm thinh dù tôi muốn nói với em, em chưa thể viết được, tuy em khá luận, em yêu viết văn, để em viết em sẽ thất vọng bao nhiêu, mà khuyên em, em cũng thất vọng bao nhiêu? Tôi biết nói sao với em giờ?...

Hôm sau, cơm xong, từ chối ra vườn với tôi, em vào phòng lẳng lặng. Tôi biết, và để mặc... Cặm cụi đến chiều, em cầm trang giấy đầy chữ bôi, cạo, xóa bước ra ghế đu chắp hai tay sau lưng nhìn tôi, cười ngượng nghịu. Tôi cũng mỉm cười:

- Viết rồi hả? Đưa coi...

Em do dự, thẹn thùng rồi đưa ra trang giấy chi chít chữ. Tôi yên lặng xem, dù sao cũng là văn chương của cô bé lớp 4, ý tứ em đặt chưa gẫy gọn. Cốt truyện cũng không có gì, em làm đơn sơ, giản dị như bài luận nộp cô giáo. Thấy tôi nhíu mày, giọng em lo lắng: "Chưa được hở chị?... Không hay hở?..."

Tôi kéo em xuống, giảng giải cách làm cốt truyện, và lối văn cho hợp một bài đăng báo. Em có vẻ buồn, nhưng vẫn lắng nghe. Tôi an ủi:

- Khá chứ bé! Có điều... ý tưởng em chưa có để diễn đạt thôi. Nầy nhé, em để ý...

Vâng! Em đã để ý nghe rất kỹ, vậy mà mỗi lần đưa bài cho tôi "duyệt" tôi biết không thể gửi đi được. Tôi trở nên âu lo, ngại ngùng khi nhìn khuôn mặt thắc thỏm chờ đợi của em. Tôi thương em lắm mỗi lần em xịu mặt, muốn gửi bài về tòa soạn cho em, lại sợ em càng thất vọng hơn. Tội nghiệp em biết bao nhiêu. Tôi biết ở tuổi đó, em không thể diễn tả, tưởng tượng, một câu chuyện cho đặc sắc, để viết. Bài đăng báo! Ước muốn của em nhỏ bé, giản dị quá, tôi làm sao giúp em? Tôi thương em xót xa mỗi lần em ứa nước mắt quay đi, buồn bã. Thế mà tôi vẫn không đủ can đảm khuyên em bỏ đi. Mấy ngày em u buồn, thơ thẩn là mấy ngày tôi ngột ngạt, đớn đau... Bài em chưa một lần được bỏ vào phong bì, ở ngoài đề mấy chữ: "Tòa soạn Tuổi Hoa, 38..." Tôi cũng không dám gửi bài tôi nữa. Tôi sợ ánh mắt buồn thiu của em. Tôi ngại ngùng, thương em tràn ngập... Một buổi chiều, tôi đang đong đưa trên ghế đu, lơ đãng nhìn lên cành mận. Em rón rén bước ra, tôi quay lại, hai bàn tay nhỏ nhắn ôm vai tôi, im lặng. Tôi cũng lặng im và "lo lắng". Một lát sau, em hỏi khẽ:

- Chị Phượng! Có phải, em còn... dở không?

Tôi giả vờ: - "Cái gì?"

- Bài em.

- Ai nói em vậy? Em khá lắm...

Em gượng cười. Trời ơi! Giá em khóc, tôi không xót xa hơn.

- Em biết... Chị dối em, em viết gần 10 bài, lần nào chị cũng bảo khá, mà...

Rồi em bật khóc, nước mắt em rơi trên vai tôi. Tôi lặng nhìn em nước mắt cũng rớt tự bao giờ: "Em ơi! Chị thương em lắm". Tôi muốn nói vậy, mà cổ họng nghẹn ngào... Tôi có biết làm sao bây giờ cho em tin tưởng?... Tôi có biết làm sao cho em niềm vui? Tôi không phải chủ bút tờ Tuổi Hoa, và em vẫn thất vọng. Tôi vuốt má em, cười bảo:

- Nín đi em, em...

Tôi nghẹn lời. Em đưa tay quệt mắt, thẫn thờ nhìn ra cửa. Mắt em tôi buồn vời vợi như màu nắng hoàng hôn. Tôi băn khoăn, nghĩ ngợi. Chợt... nảy ra ý định. Tôi nắm tay em:

- Như nầy! Thề nầy nhé. Để chị cho cưng cốt truyện, cưng viết lời nhé.

- Như thế... (em nhìn tôi). Em...

- Ồ! Lời văn của cưng mà. Chưa đặt được nội dung, mà viết văn tả ý được cũng hay lắm rồi. Lấy ý chị là bây giờ kìa, chứ mai mốt em sẽ đặt truyện ngắn được...

Em tin ngay, miệng cười hớn hở. Tôi kể cho em cốt truyện. Thế là hôm sau, đi học về, em rút vào phòng viết, viết... Khi tôi cơm xong, bước lên, ánh mắt sáng ngời, em lẳng lặng đưa tôi ba trang giấy sạch sẽ, nắn nót. Hẳn em viết lại công phu lắm. Vẫn cái lỗi cố hữu là em hay làm lộn xộn ý tứ, có câu văn không nói lên được một ý tưởng khó khăn. Có lẽ đang viết đằng đuôi em chợt nhớ đằng đầu. Tôi cười tươi:

- Được rồi, hay ghê Như ạ!

Mắt em long lanh, cười cả khuôn mặt:

- Thật không chị?

- Chứ dối à! Thế nào cũng được đăng. Để chị chép lại cho, và sửa ít chỗ, ít chỗ thôi.

Em ôm tôi, không nói gì, nhưng tôi biết nỗi vui đang nhảy múa trong em. Tôi cũng nghe lòng bâng khuâng sung sướng. Buổi tối, tôi bắt em ngủ sớm, sau đó lẳng lặng ra bàn ngồi chép lại, thêm thêm, bớt bớt... chỉ còn phảng phất đôi nét của em, tôi biết vậy nhưng không còn cách nào hơn. Tôi cho vào phong bì dán kín đề tên em ngoài bìa thư: Hoàng Kim Như! Phải! Bài văn này là của em tôi, của em tôi hoàn toàn... Tôi tắt đèn, đi ngủ, tôi thấy nụ cười em rạng rỡ trong mơ...

*

Hơn tháng sau, hơn tháng trời chúng tôi âu lo, hồi hộp. Rồi kỳ báo thứ ba (bắt đầu từ lúc gửi bài em đi), em tôi xúc động mừng vui khi thấy tên em trong mục "Văn nhận được". Em lại trông ngóng, tôi còn trông hơn em. Rồi kỳ báo thứ tư ra, tôi cầm tờ báo xinh xinh, nho nhỏ trong tay: cảm xúc, vui mừng hơn ngày đầu bài tôi được đăng. Tôi muốn lao về, đưa báo cho em, hét rằng "Như ơi! Bài của em đây"... Tôi muốn nhìn mặt em lúc nầy quá. Nhất là đôi mắt của em... Trời! Tôi sốt ruột quá. Rồi cũng đến tan trường, tôi phóng xe về nhà như bay, vừa ngừng xuống, tôi vội dựng xe, hấp tấp vào hỏi mẹ:

- Em đâu mẹ?

- Chi mà rối lên, nó ở sau đó. Nó trông con lắm. Sớm giờ...

Tôi chạy ra sau... Như ơi! Như ơi!...

Em phóng ra từ nhà tắm. Thấy tôi cầm tờ báo, em đứng lại, dấu hỏi to, tròn, màu xanh nằm trong mắt em.

- Lại đây, cô bé (tôi vẩy). Bài nè...

Em cười xinh như cánh hoa buổi sáng, bước lại run run đỡ lấy tờ Tuổi Hoa, bài báo có 3 chữ: Hoàng Kim Như làm em nhìn không chớp... "Em... Em thích quá chị ơi"... Ánh mắt em tôi đẹp lạ... Tôi xoa đầu em "Như giỏi ghê, thấy chưa?"...

Em không nói, ôm cuốn báo vào phòng học. Buổi tối, em đọc đi đọc lại bài, mắt long lanh, môi hé mở. Tôi nhìn em lòng nao nao. Bài báo là cái gì hạnh phúc cho em nhoẻn cười trong giấc ngủ, cho tôi lâng lâng, sung sướng mỗi sớm đến trường. Tôi thương em quá đi. Tôi muốn nụ cười chan hòa hoài trên khuôn mặt bé bỏng của em. Tôi muốn niềm vui mãi mãi trong em. Vậy mà... một buổi chiều (cách hôm đó 2 ngày). Cơm tối xong tôi lên phòng học, không thấy em, tôi nghĩ "chắc con bé lại đem báo đi xem một mình", tôi thoảng mỉm cười. Bước lại bàn học, chợt thấy tờ giấy gấp đôi chặn dưới cây thước sắt. Tôi ngạc nhiên bốc lên, mở ra... "Chị Phượng ơi! Bây giờ em biết rồi, chị nói dối em. Em không giỏi gì hết. Bài báo em đọc bao lần em đem so với bài "não" của em... chị nói dối... có 9 câu của em thôi. Còn thì của chị hết, chị gạt em, vậy mà em tưởng"...

Mấy dòng chữ nhòe trước mắt. Tôi sững sờ, lặng người đi. Tôi ôm mặt, ngập tràn xót xa, thương mến "Em tôi ơi! Em của chị ơi"... Tôi cảm thấy chính tôi mới là kẻ thất vọng, khổ sở hơn em. Trời ơi!... Tôi biết phải làm sao?... Tôi thẫn thờ bước ra sau, em tôi ngồi dưới gốc bưởi, tay chống cằm nhìn lên ánh trăng. Tôi sựng lại, nhìn em không thốt nên lời... Có đến nửa giờ sau, tôi nhẹ nhàng, rón rén bước tới như tên trộm, hai tay ôm lấy đầu em:

- Như!

Em tôi quay lại, nước mắt lóng lánh rơi. Tôi nghẹn ngào hôn trán em. Em òa khóc, tôi vỗ về:

- Im đi em! Nín đi, ba mẹ còn thức, bị rầy giờ...

Em gục mặt xuống đầu gối tôi, nức nở:

- Sao chị dối em?

- Chị...

- Em biết hết rồi. Chị đừng dối... Sao chị...

Tại sao? Tại sao? Tôi biết nói tại sao bây giờ. Tôi nghẹn lời.

- Như!... Chị thương em lắm...

Em ngẩng nhìn tôi, không nói. Một lát, ngó lên trời. Trăng đã lên cao khỏi ngọn dừa và lấp lánh qua khe đám lá bưởi xanh đen. Em im lặng, tôi cũng im lặng. Một lát, giọng em, se sẽ:

- Phải em còn kém không chị? Chị nói thật đi mà....

- Không! Không phải. Mà... tôi ngừng một lúc rồi quả quyết - chỉ tại em còn bé viết chưa vững ấy thôi. Chị nói thật đấy Như, có nghe không?...

Phải! Tôi đã nói thật, nói thật ra rồi. Tôi không muốn em xây ước mơ cao vút rồi thất vọng. Tôi nhìn thẳng em:

- Hiện giờ em chưa viết được đâu. Chị chắc rằng lớn lên em sẽ giỏi lắm với sự ham mê đó. Nhưng bây giờ cố học đi, đừng ôm ấp, lo lắng hoài về việc đó. Em còn bé, nó sẽ chiếm hết đầu óc của em, em đã học kém hơn trước quá nhiều đó Như... Em hãy cố lo luyện thêm về toán và luận. Chị sẽ dạy thêm Như - Đừng làm việc quá sức mình.

Tôi nói một hơi, rồi ngừng lại, cảm thấy nặng nề khó thở như vừa làm một việc vượt khả năng. Tôi lo lắng em sẽ buồn não nuột ra, tôi biết làm sao?... Nhưng không ngờ... em im lặng khá lâu, đột nhiên, em nắm lấy tay tôi, hé môi cười, bảo nhỏ:

- Dạ...

- Là sao?

- Em sẽ... nghe chị. Thôi em không buồn nửa, chị nhỉ! Dù bái không đăng báo. Lớn lên, em viết không muộn hở chị? Chị nói đúng ghê. Bây giờ, em không khóc, em sẽ cố từ bây giờ, chị dạy em toán nhé. Em sẽ học giỏi chị nhỉ?

Tôi gật đầu, trìu mến nhìn em:

- Thế em không được buồn nữa.

Em ngả đầu vào lòng tôi:

- Em nghe chị rồi mà. Vì... em biết... chị thương em lắm phải không?

Em tôi ơi! Em nhỏ nhắn đáng yêu ơi! Phải rồi. Em thấy lòng chị thương em là quí và đáng sung sướng hơn hết, em phải thấy và bây giờ em đã thấy, phải không em? Tôi cắn tóc em, rạt rào thương mến. Có tiếng mẹ gọi, tôi đứng dậy, nắm tay em.

- Vào Như ạ!

Em nhìn tôi, miệng mỉm cười, mắt long lanh sáng. Chúng tôi đi vào, bỏ lại sau lưng ánh trăng cao vút...


TỪ LY       

(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 211, ra ngày 15-10-1973)


 

Thứ Năm, 27 tháng 10, 2022

TÌM THẤY - Trần thị Miên Du

 












Nắng vàng trên nỗi nhớ nhung
Ngàn Thông xanh rũ một thung lũng buồn

Chim trời có hót đó không
Xin đan lòng với Ngàn Thông xanh rì

Chim trời tung cánh bay đi
Vàng trên cánh lá màu gì trong tim

Bờ mi em ngủ im lìm
Mây trên nhìn xuống để tìm mi cong

Em say trong giấc ngủ hồng
Bờ môi mộng mị nghe nồng trên vai

Bàn tay năm ngón thon dài
Nở hoa những nụ trên ngai trần này

Khi trời vỡ đất thơ ngây
Lừng hương thơm ngát tháng ngày cũng xin

Vòng đôi tay nhỏ cuộc tình
Trên bờ hoang dại một mình bâng khuâng.

                                                  Trần thị Miên Du

(Trích từ bán nguyệt san Ngàn Thông số 12, ra ngày 20-10-1971)



Thứ Tư, 26 tháng 10, 2022

DỌN NHÀ - Nguyên Hoài Phương

  

Trong bữa cơm chiều, ba với vẻ khoan khoái, nói:

- Thế là xong rồi, ngày mai mình dọn tới nhà mới! 

Cả nhà im lặng vài giây như để nghiên cứu lời của ba rồi nhao nhao lên. Anh Phan lên tiếng trước nhất, giọng chán nản:

- Quái, lại dọn nhà, không hiểu lần nầy là lần thứ mấy!

Gớm, cái anh nầy, hễ mở miệng nói ra là hệt một giọng lười biếng. Chả vì mấy lần dọn nhà trước, anh đã phải làm việc nặng hơn cả, tỷ như khênh cái tủ áo lên xe. Dù chỉ có thế, cũng là một công việc vĩ đại đối với cái tính "đại lãn" của anh rồi, huống chi phải bê hàng chục món đồ cồng kềnh khác. Bây giờ đã nghĩ tới có lẽ anh còn ghê ghê.

Má bảo:

- Ông đã coi thử mai, ngày có tốt không?

- Tốt cái gì? Trời có tốt không ấy à?

- Không, tôi muốn nói ngày tốt ấy mà... mai hăm sáu...

- À... bà thì bao giờ cũng vậy... Tốt xấu gì, khéo dị đoan cho bê trễ công việc.

Chị Hà hỏi và chờ đợi câu trả lời như chờ xổ số:

- Mà nhà mới có đẹp, có đất trồng hoa như nhà nầy không ba?

- Không đẹp mà lại nhỏ nữa.

Thấy chị Hà buồn, ba cười nói tiếp:

- Nhưng có đất rộng cho con trồng hoa, lại có hai cây ổi.

Mặt chị đang xìu như quả bóng cao su hở vá bỗng rạng rỡ lên:

- A có ổi, lại có cả đất trồng hoa, vậy cũng được...

Còn bé ngây thơ:

- Con Hoài nó có dọn nhà như mình không hả ba?

Ba chưa kịp trả lời, anh Phan đã gắt:

- Rõ lẩn thẩn, làm như mầy đi đâu là nó phải theo vậy!

Bé sắp nhè ra thì má dỗ dành và mắng anh Phan:

- Mầy chỉ được cái bắt nạt em thôi!

Bé bớt tức nhưng cũng còn cố nói:

- Không cho anh ở nhà mới.

- Ai thèm...

Tối hôm đó, cả nhà đã bận rộn rồi, nhất là má. Má phải xếp tất cả bát dĩa, soong chảo vào một thùng gỗ lớn và lấy vải nêm thật chặt cho khỏi vỡ. Má lại xếp tất cả quần áo vào rương nữa. Chị Hà và anh Phan xếp sách vở vào những hộp carton. Chỉ có thế mà anh Phan cũng cằn nhằn:

- Xem cái nào không dùng đến nữa hay mấy quyển tiểu thuyết nhảm nhí vất đi cho rảnh.

Bé nghe anh Phan nói thế, la hoảng lên:

- Ấy chết! Anh đừng có vất quyển Bạch Tuyết và 7 chú lùn của em đó, nhớ!

Bé lo sợ quyển sách của mình sẽ bị anh Phan liệt vào loại tiểu thuyết nhảm nhí vì bé thấy, sách của anh, chẳng có quyển nào vẽ nàng công chúa hay hoàng tử cả, mà chỉ thấy toàn những hình chi kỳ lạ, chữ bé tí ti. Có quyển dầy cộm, bé cầm muốn không nổi. May quá, chị Hà không vất một quyển nào cả, kể cả mấy tờ tạp chí cũ. Anh Phan gắt (lại gắt!):

- Bé! Mày có lại giúp tao không, chẳng lẽ mày không xếp được sách vở của mày sao?

Bé chạy lại. Gì chứ sách vở của bé thì giản dị lắm: 2 quyển vở, 2 quyển sách và 10 tập truyện "nhi đồng quốc tế" mà ba đã thuê thợ đóng lại thành một tập, bìa cứng và thật đẹp. Bé quý nó lắm, bé đã viết tên mình lên tờ giấy trắng đầu tập. Anh Phan thấy thế đã chế nhạo:

- Gớm! Ai thèm ăn cắp chi mấy truyện trẻ nít đó mà cũng bày đặt viết tên viết tuổi cho nó nhớp!

Anh Phan bao giờ cũng muốn chọc tức bé, nhưng hôm ấy bé đã chọc lại anh:

- Anh bảo không ai thèm sao anh lại sợ nó bẩn?

Anh Phan không trả lời được, bé thích quá cứ lập đi lập lại câu đó hoài. Nhưng bé phải hối hận vì chiều đó, anh mua đâu về một chùm nho tươi chín mọng, "miam... miam..." với bé làm bé tức ơi là tức. Bé thầm nhủ rằng về sau không nên chọc anh một cách "tai hại" như vậy nữa.

Đến 11 giờ tối, công việc mới xong, lúc ấy tuy đã mơ màng ngủ nhưng bé vẫn còn nghe tiếng của anh Phan:

- Mai lại phải làm nữa chứ đã xong đâu... Nào tháo chân bàn ghế với lại mấy cái giường nữa này... Ô, mệt!

Bé thấy hình như anh chỉ vui khi làm ra một bài toán mà thôi. Những lúc ấy anh la lên:

- Ô la la, ra rồi.

Và anh vui vẻ huýt sáo một bản nhạc, thường là bản nhạc buồn?!

Bé ngủ và trong giấc mơ, bé thấy con Hoài cũng dọn nhà như bé và hai đứa cùng ở nhà mới sát cạnh nhau. Chị Hà đã phá giấc mơ đẹp của bé. Chị bồng bé đặt trên ghế bố. Bé hỏi:

- Sao lại phải ngủ ở đây, hả chị?

- Bé ngủ đi, giường phải tháo ra để mai đi sớm cho bớt nắng. Bé không thấy chị cũng ngủ dưới sàn đây sao?

Bé ngồi dậy, nhìn thấy cả nhà đều trải chiếu nằm dưới sàn cả. Nhà trống vắng trông thật là lạ. Bé hơi sợ, bèn kêu chị Hà:

- Chị Hà, cho em xuống nằm với!

- Sao vậy? Nằm ghế bố êm hơn chứ!

- Không, em sợ.

- Sợ gì?

- Ma!

Chị Hà phì cười:

- Làm gì có ma, nhưng thôi để chị bồng bé xuống nằm cho vui.

Bé thầm nghĩ kể ra dọn nhà cũng thích lắm chứ. Khuya, bé trở mình chợt tay chạm phải một vật gì mềm mềm, bé hoảng sợ nhưng chưa kịp la lên thì thấy đó là con LuLu. Chú chó con liếm tay bé rồi lại lim dim nằm ngủ lại. Có LuLu, bé thấy yên tâm hơn.

Buổi sáng, tuy còn buồn ngủ nhưng bé không ngủ được vì tiếng dọn đồ lịch kịch. Bé trở dậy. Mặt trời chưa mọc. Có lẽ đây là lần đầu tiên bé dậy trước mặt trời. Thích quá, phải dậy sớm thế mà bé chẳng ngái ngủ, lại thấy khoan khoái lạ. Bé đi lại vòi nước, rửa mặt. Xong bé định đánh răng nhưng tìm mãi chả thấy bàn chải với kem đâu cả. Bé hỏi má, má bảo:

- Tại con dậy trễ nên má dọn đi rồi!

Bé vãi:

- Bữa nay con dậy sớm mà!

Má cười:

- Nhưng cũng sau tất cả mọi người! Thôi chịu khó súc miệng với nước lạnh vậy.

Chị Hà đi mua bánh về vừa lúc một chiếc xe ba bánh đỗ trước cửa. Ba và anh Phan ăn vội vàng rồi khênh bàn, ghế, tủ, giường ra. Má và chị Hà khênh những thứ nhẹ hơn. Riêng bé không phải làm gì cả. Bé đi lại nhà con Hoài. Con Hoài thấy bé vội chạy ra hỏi:

- Nhà mày dọn đi hả?

- Ờ!...

Cả hai đứa buồn buồn.

- Rồi mày có về đây nữa không?

- Không biết, nhưng tao sẽ bảo chị Hà chở lên thăm mày.

Con Hoài đưa ngón tay ra:

- Nhớ nha!

Bé đưa tay ngoéo lấy ngón tay nó:

- Nhớ.

Chợt nhớ ra việc gì, bé bảo con Hoài:

- Quên chứ! Còn con búp bê của mầy ; mầy đứng đây, để tao về lấy trả lại cho mầy nghe.

Con Hoài bảo:

- Thôi, tao cho Ly Ly cho mầy luôn, mầy ở nhà mới mà không có Ly Ly thì lấy ai làm bạn?

- Vậy để tao đem Ly Lan bù lại cho mầy nghe?

- Thôi, chắc má mầy đã đem nó đi rồi, với lại cho Ly Lan cho tao thì Ly Ly buồn vì khi mầy ngủ, nó không có bạn.

Hai đứa ngồi rất lâu dưới gốc cây anh đào mà không biết nói gì hơn. Nếu mùa hè đi qua mau thì chúng còn mong gặp lại ở trường... Một lúc sau nghe tiếng má gọi, bé bảo Hoài:

- Thôi tao về nghe Hoài.

- Nhớ bảo chị Hà chở lên chơi với tao nghe!

Bé vừa đi vừa nói:

- Ờ nhớ.

Về nhà má bảo:

- Đừng đi đâu nửa, chờ xe đến rồi về nhà mới nghe.

Bé hỏi chị Hà:

- Chị bỏ vườn hoa của chị lại sao?

- Chứ làm sao đem đi được.

- Hay chị bứng về nhà mới trồng?

- Chúng lớn rồi, bứng làm sao được. Với lại cứ để vậy cho đẹp nhà để gây cảm tình với chủ mới chứ!

Bé thấy tiếc vườn hoa quá. Khu vườn nhỏ mà thật đẹp. Nền lát gạch và có thật nhiều hoa: Hồng này, Cúc này, Huệ này, và nhiều, nhiều lắm, bé không nhớ hết mặc dù chị Hà đã chỉ cho bé tên các loài hoa.

Xe của ba thuê đã đến, má, chị Hà và bé leo lên ngồi, xe chạy. Bé lưu luyến nhìn lại căn nhà cũ. Bé cảm thấy thương nó vô cùng, nhà của con Hoài cũng vậy. Tất cả như giơ tay vẫy bé. Bé muốn đưa tay vẫy lại nhưng sợ bị chê nên thôi.

Xe đã qua một đường khác, đông đúc hơn con đường nhà bé nhiều, cánh cửa lại cao và không có nhà nào có cây anh đào như nhà con Hoài, hay một cây nào khác.

Một lúc sau xe đi men theo bờ biển. Gió thổi mát quá, bé bảo:

- Thích ghê, ước gì nhà mình ở đây hả ba!

Ba cười bảo:

- Nhà mình không xa lắm đâu, ở phía trên kia thôi.

- A vậy nhà mình cũng ở gần biển hả ba?

- Phải!

- Thế thì nhất rồi.

Bé đang mơ màng thì xe ngừng lại trước một căn nhà nhỏ, có sân trông thật xinh. Bé thấy anh Phan đang nằm trên mấy tấm ván giường chân gác lên đống đồ đạc lỉnh kỉnh. Ba trách:

- Thằng thật lười, không chịu sắp đặt đồ đạc đi cho rồi.

Anh Phan uể oải đứng dậy cùng với ba kê lại giường, bàn, tủ. Má và chị Hà đi dọn căn bếp. Bé đi sau quan sát nhà mới. Nhà thấp và hẹp nhưng bé thấy thích vì mát, có sân và nhất là có 2 cây ổi, nhưng chúng còn bé, chưa có quả. Bé nhìn sang các nhà hàng xóm xem có đứa nào bằng cỡ tuổi bé không. Bé thấy ba bốn đứa đang tò mò nhìn bé, xem chúng cũng hiền lành. Bé nhủ thầm ngày mai sẽ lại làm quen với chúng.

Buổi chiều công việc dọn nhà mới xong và má làm bữa cơm đầu tiên. Quây quần bên mâm cơm, cả nhà bàn về nhà mới. Chị Hà tính trồng một vườn hoa, ba muốn sơn lại hàng rào, má muốn may lại mấy cái màn cửa, còn anh Phan và bé chẳng muốn làm gì cả. À có chứ, bé muốn ba đóng một cái nhà cho Lu Lu... Nhưng Lu Lu đâu rồi? Thôi chết, bé bỏ quên Lu Lu ở nhà cũ mất rồi! Bé mếu máo nhờ anh Phan đi tìm hộ. Anh Phan nhằn bé:

- Hừ, có thế mà cũng quên... Đã quên thì thôi đem Lu Lu cho người ta cho rồi.

Bé năn nỉ:

- Thôi mà, anh đi tìm dùm đi rồi khi Lu Lu lớn, bé bảo nó trông nhà cho anh.

- Ai thèm...

Tuy thế, ăn cơm xong, anh Phan cũng cỡi xe đi tìm Lu Lu. Bé thấy thương anh ghê. Nhưng nửa giờ sau anh Phan trở về bảo tìm không có Lu Lu. Bé khóc tưới lên, chị Hà dỗ dành:

- Thôi bé nín đi, để chị tìm Lu Lu chó. Chắc nó quanh quẩn đâu đấy thôi mà anh Phan lười tìm nên không gặp.
 
Bé tỉnh hẳn:
 
- Ờ, có lẽ tại anh Phan lười tìm.
 
Anh Phan nổi cáu:
 
- Hừ lười! Để xem chi em qua bên ấy có tìm được nó hay không.
 
Bé và chị Hà vừa ra khỏi ngõ thì lạ thay Lu Lu đã có ở đấy rồi, nó đang đùa với mấy con chó hàng xóm. Bé reo lên và chạy lại bế Lu Lu. Lu Lu vẫy đuôi và liếm tay bé. Bé bảo chị:

- Chị xem, Lu Lu của em khôn ác chưa, nó biết theo mình đến nhà mới thấy không. Mà nó theo hồi nào hả chị?

- Chắc nó chạy theo xe. Xe đi trong thành phố chậm lắm, nó theo kịp.

Tối hôm đó, bé không ngủ được vì nhớ nhà cũ quá, nhất là con Hoài. Không biết bây giờ con Hoài làm gì? Nó có nhớ bé không?

Anh Phan đem sáo ra thổi. Tiếng sáo mà mọi ngày bé vẫn chế là như ngỗng kêu, sao bây giờ nghe buồn quá. Bé bảo anh đừng thổi làm bé nhớ nhà. Anh cười:

- Thôi để anh đờn nhạc Twist cho bé hết nhớ nhà nhé. 

Rồi anh lấy Guitar gảy loạn xạ lên.

Má gắt:

- Thôi dẹp đi, nhức đầu quá!

Anh Phan bỏ đàn, mở đèn sáng đọc sách, nhưng chưa kịp đọc gì ba đã bảo:

- Chói quá! Hôm nay có trăng, tắt đèn mà ngắm trăng có hơn không!

Anh Phan than:

- Số tui hôm nay sao mà xui dữ vậy, làm gì cũng chẳng được, chắc là cái nhà này không hợp rồi!

Cả nhà đều cười, riêng bé cười to hơn hết.


Nguyên Hoài Phương       

(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 76, ra ngày 1-9-1967)



Thứ Ba, 25 tháng 10, 2022

NUỐI TIẾC - Tê Hát Nguyệt Thi

 













Thương tặng Thủy, Cúc và Hoa của Ng.
 
Em, con chim non vừa thay lông cánh
Nhìn trời cao mà nuối tiếc tuổi thơ
Thôi còn đâu, những đùa vui nhí nhảnh
Thôi còn đâu, tiếng cười nói ngây thơ

Nhìn ấu thời có sương hồng cỏ biếc
Chợt bâng khuâng nghe hối tiếc thật nhiều
Chuỗi ngày thơ đã ra đi biền biệt
Nuối tiếc tuổi xanh bao dấu yêu kiều

Và đêm nay, thêm một lần trăng sáng
Nhìn đàn chim vui dưới ánh trăng hiền
Nét mặt ngây thơ, niềm tin ngời rạng
Lòng bỗng buồn ngồi nức nở bên hiên

Thôi nhé! Em xin vẫy tay từ biệt
Những ngày hồng vừa thoát khỏi tầm tay
Thời gian ơi! Đừng đem ngày thơ bé
Qua mau và mang nuối tiếc dâng đầy...

                                    TÊ HÁT NGUYỆT THI

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 62, ra ngày 29-10-1972)


Thứ Hai, 24 tháng 10, 2022

GỬI CÔ NHỎ NƠ HỒNG DỄ THƯƠNG - Ngô thị Khánh Nghi

  

 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
Buổi chiều nào bé cũng về trên con đường này
 
Ngang qua nhà anh
 
Và bao giờ
 
Bé cũng đứng lại vài phút để mê mải nhìn
 
Những giàn hoa cúc tim tím
 
Trồng khắp trong vườn nhà anh
 
Vậy thì chiều nay
 
Anh hái sẵn cho bé một chùm cúc nở đẹp
 
(Mà anh nghĩ là một loài hoa bé rất thích)
 
Và ngồi chờ bé qua
 
Kìa, bóng bé đã thấp thoáng ở đầu đường
 
Bé chầm chậm đi đến
 
Anh ngập ngừng trao cho bé chùm hoa
 
Cùng nụ cười làm quen nở trên môi
 
Nhưng lạ quá
 
Sao bé lại lắc đầu và bỏ đi như trốn chạy
 
Đôi nơ hồng rung rinh trong gió
 
Dễ thương như hai cánh bướm nhỏ
 
Để rồi mất hút ở cuối đường
 
Anh đứng lại một mình
 
Và nghe hồn như chứa một trời ngơ ngẩn...

                                      NGÔ-T-KHÁNH NGHI

(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 212, ra ngày 1-11-1973)





Chủ Nhật, 23 tháng 10, 2022

LỄ MISA TRONG THÀNH PHỐ CŨ - Trần Miên Trường

 












Phiến mây sữa đọng ngoan hiền
Ở đây cơn nắng ủ miền lá hoa
 
Anh về dự lễ Misa
Nghe lòng hớn hở lời ca chim trời

Gác chuông thánh thót xa vời
Âm thanh huyền hoặc mọc mời ý thơ
 
Ngày xưa trong áo học trò
Bàn tay vụng dại tìm bờ uyên nguyên

Chân nai dẫm vết chân chim
Và mơ giọng hót nàng quyên trên rừng

Nhưng chừ chinh chiến phong trần
Anh nghe thân thể dịu hờn trầm ca.

Lâu rồi quên lễ Misa
Vì đời quân ngũ đành xa tinh thần

Hôm nay cơn nắng bâng khuâng
Anh về đi phép thăm thành phố xưa

Hồn mong mỏi ước đợi chờ
Ngày mai phiên lễ sương mờ núi xa

Tưng bừng lòng nở trinh hoa
Anh đi dự lễ Misa rộn ràng

Ngoài hiên sương trắng muộn màng
Lầu chuông rộn rã oanh vàng giọt sương

Anh nghe bóng mát vô thường
Về đây mở hội thiên đường đó em

Lễ Misa thật êm đềm
Lâu rồi anh mới tìm thềm cuộc quen.

               *

Tan lễ anh về trong nắng sớm
Đường đi sương trắng ngủ vờn quanh
Anh nghe chim hót vui mùa hội
Bởi phương trời không rạn vỡ tinh anh.

                                      TRẦN MIÊN TRƯỜNG
                                                  (Đỗ Tư Long)

(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 79, ra ngày 15-10-1967)



Thứ Bảy, 22 tháng 10, 2022

XÓM NHỎ NGÀY XƯA - Thơ Thơ








Xóm nhỏ ngày xưa
Nép dưới bóng dừa
Mái nhà tranh rách
Vách liếp đơn sơ

Trưa nắng rủ nhau
Trốn ngủ ra vườn 
Bầy gà chiêm chiếp
Luống rau xanh rờn

Trời xanh mây trắng
Bầy chim trốn nắng 
To nhỏ thì thào
Trong vườn im vắng

Chúng mình túm tụm
Bày đủ trò chơi
Lỡ thua thì thôi
Ra làm quân sĩ!

Lá cọ làm quạt
Quân sĩ hầu vua
Ai biểu mày thua
Quạt cho mệt nghỉ!

Xóm cũ về đây
Thương  nhớ vơi đầy
Tìm ngày xanh cũ
Trong chiều giăng mây.....

                                 Thơ Thơ 
                        (Bút nhóm Hoa Nắng)


Thứ Sáu, 21 tháng 10, 2022

LÀM ƠN MẮC OÁN - Nguyễn Hùng Trương



 Các em thân mến,

Một em ở Tân Định viết đến chúng tôi: Bác chủ nhiệm thường khuyên chúng cháu nên thương yêu, giúp đỡ mọi người. Nhưng hôm qua, cháu đi dạo phố, tình cờ cháu thấy chiếc xe đạp ai để ở bên đường bị gió thổi ngã, cháu đến dựng đứng lên, sợ rủi có chiếc xe ô tô chạy qua cán phải. Ngay lúc đó, người chủ chiếc xe đạp trong tiệm kế bên chạy ra chẳng những không cám ơn cháu lại còn có cử chỉ nghi ngờ, cháu định ăn cắp xe của ông ta. Vậy bác xem như vậy có phải "làm ơn mắc oán" không?

Ngày xưa, Đổng Trác đem quân đi đánh giặc Huỳnh Cân. Đổng Trác đánh không lại, bỏ chạy, bị giặc đuổi theo. Đổng Trác đánh trận đã dở nhưng chạy trốn cũng không giỏi tí nào, nên bị giặc đuổi theo bén gót. Trong lúc nguy nan, may thay Lưu Bị, Quan Công và Trương Phi đi ngang đấy trông thấy, xông ra chận đánh tan tành đám giặc Huỳnh Cân và cứu được Đổng Trác đưa về trại.

Về đến trại của mình, Đổng Trác mới hỏi Lưu Bị, Quan Công và Trương Phi:

- Ba ngươi làm chức chi?

Lưu Bị trả lời: Chúng tôi là kẻ bạch đinh (nghĩa là kẻ không chức tước gì)

Đổng Trác chẳng những không tỏ vẻ gì biết ơn, lại nhìn trừng trừng ba người đầy khinh khi và cho quân hầu đuổi ra ngoài.

Đổng Trác nghĩ rằng với chức vụ Thái thú quận Hà Đ6ng đầy uy quyền, mọi người đều khiếp sợ, nay mặc dù với binh tướng đông đảo lại thua chạy, suýt bị bắt, đến phải nhờ ba kẻ cùng đinh cứu mạng, thì thật là hổ thẹn.

Đổng Trác vì lòng tự ái quá cao đã phủ nhận công ơn những người giúp mình.

Gần đây, có hãng nọ cần tuyển một nhân viên. Nhiều người đến xin việc. Trong số này có hai người đầy hy vọng. Một người đã từng nhảy xuống biển cứu ông chủ hãng khỏi chết đuối trong một dịp ông ta đi tắm bể ở Vũng Tàu. Người kia được ông chủ hãng quen biết trong trường hợp chính ông đã cứu anh ta. Trong đơn xin việc, hai người đều nhắc đến chuyện cũ.

Các em nghĩ xem ai được nhận làm. Hẳn các em nghĩ là người cứu mạng ông chủ sẽ được lựa chọn? Không! Ông ta thích thấy được đề cao tính hào hiệp của ông ta hơn luôn luôn bị mặc cảm mình yếu kém về phương diện nào, phải nhờ vả, nên ông ta chọn người sau.

Các em thân mến,

Trên đời, chúng ta làm ơn cho ai thường hay được người đó nhớ ơn. Có dịp là người thọ ơn làm ơn lại chúng ta.

Nhưng cũng có nhiều trường hợp đặc biệt mà người làm ơn bị hiểu lầm nên sinh oán thù hay bị hại.

Chúng ta nên tránh đừng làm cho người mang ơn chúng ta bị mất mặt, nhất là chúng ta đừng nhắc lại chuyện làm ơn, mà chỉ coi như một bổn phận của con người, như vậy các em không còn phải thắc mắc về việc người ta nhớ hay quên ơn các em. Trí các em sẽ được thảnh thơi và lòng các em sẽ sung sướng.

 
Thân mến chào các em           
NGUYỄN HÙNG TRƯƠNG     

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 58, ra ngày 1-10-1972)


Thứ Tư, 19 tháng 10, 2022

MẤY ĐỘ VÀO THU - Diệu Thi

  

 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
Mấy độ vào thu nắng lụa vàng
Mây trời sắc trắng dắt đi ngang
Nón nghiêng cắp sách em vào học
Từng bước đôi chân thật ngỡ ngàng. 
 
Áo trắng băng trinh xuôi chiều gió
Hồn thơ, mắt biếc, nụ cười xinh
Cho theo dĩ vãng màu hoa đỏ
Em bước vào thu mộng đăng trình.
 
Rồi gió ngập ngừng gọi nắng lên
Cho vàng thu độ ghé bên hiên
Cho em hong áo bên khung cửa
Sách mới màu thơm gọi bạn hiền.
 
Từ ấy ngõ trường thôi vắng lạnh
Em đem nhạc mộng rắc niềm vui.
Áo trắng xôn xao chiều gió lộng
Tổ ấm chừ đây hết ngậm ngùi.
 
Mấy độ vào thu nắng lụa vàng
Học trò thương nhớ sắc trời hoang
Nên mang sách vở đi vào mộng
Tô thắm trường xưa - đẹp tuổi vàng.
 
                                               DIỆU THI
                                                (Qui Nhơn)
 
 (Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 78, ra ngày 1-10-1967) 




Thứ Ba, 18 tháng 10, 2022

BÊN NHÀNH HOA TÍM - Trần thị Phương Lan

  

 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
Bên nhành hoa tím bóng chiều rơi
Đường cũ hôm xưa vắng dáng người
Thời gian như chiếc thuyền nan nhỏ
Đi mãi theo dòng con nước trôi

Bên nhành hoa tím nắng nghiêng nghiêng
Hoa tím hôm nao dáng dịu hiền
Biết bao ký ức ngày xanh ấy
Giờ biết tìm đâu phút êm đềm

Bên nhành hoa tím gió vờn bay
Áo ai phơn phớt nhuộm màu mây
Ai đi để lại sầu hoang vắng
Chợt thấy môi nồng hương đắng cay

Bên nhành hoa tím buổi hoàng hôn
Ai níu cành hoa mắt thoáng buồn
Kỷ niệm đành chôn vào quên lãng
Dấn bước tương lai có tủi hờn

Bên nhành hoa tím thế là thôi
Chuyện cũ xưa, nay dĩ vãng rồi
Níu cành hoa tím lòng thổn thức
Ngoảnh lại đàng sau chút ngậm ngùi

Bên nhành hoa tím viết vào thơ
Kỷ niệm một màu hoa tím xưa
Phố khuya hiu hắt đèn một bóng
Trăng chếch sương rơi tự bao giờ.....

Trần Thị Phương Lan
(Bút nhóm Hoa Nắng)