Thứ Sáu, 28 tháng 10, 2022

THƯƠNG YÊU - Từ Ly

  

Em là em độc nhất của tôi. Năm nay em học lớp 4, nghĩa là còn quá bé bỏng với số tuổi lên 10. Từ lúc em còn ngồi lớp 3, tôi đã khám phá sự yêu thích một Việt Văn của em. Trong lớp học em thường tỏ ra khá nhất một tập làm văn, trái lại rất kém toán. Những bài toán chỉ đem lại em những chán nản và ghét cay ghét đắng. Nhưng khi bắt gặp cuốn sách giảng văn hay quyển vở luận của tôi là em đọc mãi không chán, có khi bỏ cơm. Dần dần, nhờ quen hầu hết mặt chữ, em còn tỏ ra xuất sắc môn chính tả. Tôi ngạc nhiên lẫn sung sướng, khi đọc bài "Tình quê" dài hai trang tập em viết không có đến 1 lỗi. Cả những chữ khó như: ngoằn ngoèo, loanh quanh, khúc khuỷu mà bạn tôi (lớp 8) còn có đứa viết sai... Năm tôi học lớp 9 thì em lên lớp 4. Ngày khai trường, tôi dẫn em đi, gặp cô giáo em, cô Lan bảo giọng vui vẻ:

- Con bé có khiếu về luận, em ạ. Chắc lên Trung Học dẫn đầu Quốc Văn đấy, kỳ thi lên lớp này, chỉ nhờ điểm chính tả, tập làm văn kéo điểm toán cho em đó.

Tôi nhìn, nét mặt em hãnh diện, sung sướng, em chỉ thích khen em môn ấy. Tôi có khuyến khích em một Toán một cách hơi quá đáng như: "Ừ! Em khá rồi đó, cố lên sẽ giỏi. Hồi cỡ em chị ngu hơn" hoặc: "Cưng cố lên, cưng giỏi làm văn mà còn khá toán, sang năm thi đỗ như chơi". Cũng không làm em thích mà em lại bám ngay câu khen ngợi:

- Em giỏi làm văn hở chị? Thật hở? Thật không? Em ưng học cái đó ghê. Em thích giỏi văn như chị. Em thích viết bài đăng báo như chị, chị giỏi hơn em.

Tôi vội nói:

- Ừ! Tại giờ em còn nhỏ, em bằng chị em giỏi hơn chị bây giờ cho coi, hồi đó học lớp 4 chị chẳng hay như em đâu.

Mắt em sáng ngời: "Thật hở? Thật hở? Em thích lớn lên viết văn lắm. Em sẽ, em sẽ..."

Tôi biết em mơ làm thi sĩ, dù mấy tiếng sau em chỉ lẩm bẩm riêng mình. Mỗi lần đọc bài đăng báo của tôi là em hỏi:

- Chị Phượng nầy! Chị đặt văn hay mà mai mốt chị chọn ban gì? Em nghe anh Tân hàng xóm bảo lên học lớp 10 sẽ phải chọn ban.

- Ừ! Đúng rồi. Chị thích ban B, nghĩa là Toán.

- Ủa? Ủa? Sao vậy? Sao không đi ban văn chương? Em mà...

- Em chọn ban C chứ gì? Chị cũng thích ban C, song chị ưng học toán. Ở tỉnh mình không có ban C đâu em, học ban C còn phải cừ sinh ngữ nữa kia chứ. Vả, học toán cũng học quốc văn vậy.

Em băn khoăn:

- Không biết chừng em học có ban C không? Em sẽ cố sinh ngữ để đi... Em ghét toán kinh khủng, giá em đặt ra chương trình học, em sẽ bỏ môn toán...

Tôi phì cười, xoa đầu em, thương mến. Em chớp nhẹ hàng mi cong vút của đôi mắt to, đẹp. Em tôi ngây thơ và trong trắng dễ yêu quá, tôi không nỡ làm tan giấc mộng êm đềm của em, nhưng tôi không ngờ ước muốn em quá thiết tha, mê mải. Mấy lúc sau, ngày em càng kém toán, em giở báo cũ của tôi ra, say sưa đọc mấy bài tôi viết. Em hay khen: "Em phục chị ghê". Hay: "Bài chị hay ghê", hoặc: "Chị ơi! Em có bằng chị không?" Tôi thấy mắt em ánh lên một cái gì bâng khuâng, vừa thiết tha, vừa ham thích. Tôi chưa gọi đến thì một hôm, sau khi gấp cuốn Tuổi Hoa lại, em nhìn tôi, ngập ngừng:

- Chị Phượng!...

Tôi vuốt tóc em, tôi hiểu, nhưng tôi chờ em nói.

- Em... có viết bài như chị được không?...

Ánh mắt em vẫn sáng ngời, môi hé ra, hơi cười e ấp. Tôi muốn khuyên em lo học, cố thêm toán đi. Nhưng có một cái gì khiến tôi cũng ngập ngừng như em:

- Ờ... Được. Nhưng mà... em hãy...

- Được hở? Thích quá chị ơi (em không để ý lời tôi nữa) - Rồi em viết nhé, em sẽ nhờ chị xem, em sẽ gửi bài, sẽ...

Tôi im lặng nhìn em. Em vui vẻ, hân hoan như chim non, tôi sợ phá vỡ giấc mơ của em. Bảo em học toán ư?... Chắc em thất vọng, chán nản. Vì thế tôi vẫn làm thinh dù tôi muốn nói với em, em chưa thể viết được, tuy em khá luận, em yêu viết văn, để em viết em sẽ thất vọng bao nhiêu, mà khuyên em, em cũng thất vọng bao nhiêu? Tôi biết nói sao với em giờ?...

Hôm sau, cơm xong, từ chối ra vườn với tôi, em vào phòng lẳng lặng. Tôi biết, và để mặc... Cặm cụi đến chiều, em cầm trang giấy đầy chữ bôi, cạo, xóa bước ra ghế đu chắp hai tay sau lưng nhìn tôi, cười ngượng nghịu. Tôi cũng mỉm cười:

- Viết rồi hả? Đưa coi...

Em do dự, thẹn thùng rồi đưa ra trang giấy chi chít chữ. Tôi yên lặng xem, dù sao cũng là văn chương của cô bé lớp 4, ý tứ em đặt chưa gẫy gọn. Cốt truyện cũng không có gì, em làm đơn sơ, giản dị như bài luận nộp cô giáo. Thấy tôi nhíu mày, giọng em lo lắng: "Chưa được hở chị?... Không hay hở?..."

Tôi kéo em xuống, giảng giải cách làm cốt truyện, và lối văn cho hợp một bài đăng báo. Em có vẻ buồn, nhưng vẫn lắng nghe. Tôi an ủi:

- Khá chứ bé! Có điều... ý tưởng em chưa có để diễn đạt thôi. Nầy nhé, em để ý...

Vâng! Em đã để ý nghe rất kỹ, vậy mà mỗi lần đưa bài cho tôi "duyệt" tôi biết không thể gửi đi được. Tôi trở nên âu lo, ngại ngùng khi nhìn khuôn mặt thắc thỏm chờ đợi của em. Tôi thương em lắm mỗi lần em xịu mặt, muốn gửi bài về tòa soạn cho em, lại sợ em càng thất vọng hơn. Tội nghiệp em biết bao nhiêu. Tôi biết ở tuổi đó, em không thể diễn tả, tưởng tượng, một câu chuyện cho đặc sắc, để viết. Bài đăng báo! Ước muốn của em nhỏ bé, giản dị quá, tôi làm sao giúp em? Tôi thương em xót xa mỗi lần em ứa nước mắt quay đi, buồn bã. Thế mà tôi vẫn không đủ can đảm khuyên em bỏ đi. Mấy ngày em u buồn, thơ thẩn là mấy ngày tôi ngột ngạt, đớn đau... Bài em chưa một lần được bỏ vào phong bì, ở ngoài đề mấy chữ: "Tòa soạn Tuổi Hoa, 38..." Tôi cũng không dám gửi bài tôi nữa. Tôi sợ ánh mắt buồn thiu của em. Tôi ngại ngùng, thương em tràn ngập... Một buổi chiều, tôi đang đong đưa trên ghế đu, lơ đãng nhìn lên cành mận. Em rón rén bước ra, tôi quay lại, hai bàn tay nhỏ nhắn ôm vai tôi, im lặng. Tôi cũng lặng im và "lo lắng". Một lát sau, em hỏi khẽ:

- Chị Phượng! Có phải, em còn... dở không?

Tôi giả vờ: - "Cái gì?"

- Bài em.

- Ai nói em vậy? Em khá lắm...

Em gượng cười. Trời ơi! Giá em khóc, tôi không xót xa hơn.

- Em biết... Chị dối em, em viết gần 10 bài, lần nào chị cũng bảo khá, mà...

Rồi em bật khóc, nước mắt em rơi trên vai tôi. Tôi lặng nhìn em nước mắt cũng rớt tự bao giờ: "Em ơi! Chị thương em lắm". Tôi muốn nói vậy, mà cổ họng nghẹn ngào... Tôi có biết làm sao bây giờ cho em tin tưởng?... Tôi có biết làm sao cho em niềm vui? Tôi không phải chủ bút tờ Tuổi Hoa, và em vẫn thất vọng. Tôi vuốt má em, cười bảo:

- Nín đi em, em...

Tôi nghẹn lời. Em đưa tay quệt mắt, thẫn thờ nhìn ra cửa. Mắt em tôi buồn vời vợi như màu nắng hoàng hôn. Tôi băn khoăn, nghĩ ngợi. Chợt... nảy ra ý định. Tôi nắm tay em:

- Như nầy! Thề nầy nhé. Để chị cho cưng cốt truyện, cưng viết lời nhé.

- Như thế... (em nhìn tôi). Em...

- Ồ! Lời văn của cưng mà. Chưa đặt được nội dung, mà viết văn tả ý được cũng hay lắm rồi. Lấy ý chị là bây giờ kìa, chứ mai mốt em sẽ đặt truyện ngắn được...

Em tin ngay, miệng cười hớn hở. Tôi kể cho em cốt truyện. Thế là hôm sau, đi học về, em rút vào phòng viết, viết... Khi tôi cơm xong, bước lên, ánh mắt sáng ngời, em lẳng lặng đưa tôi ba trang giấy sạch sẽ, nắn nót. Hẳn em viết lại công phu lắm. Vẫn cái lỗi cố hữu là em hay làm lộn xộn ý tứ, có câu văn không nói lên được một ý tưởng khó khăn. Có lẽ đang viết đằng đuôi em chợt nhớ đằng đầu. Tôi cười tươi:

- Được rồi, hay ghê Như ạ!

Mắt em long lanh, cười cả khuôn mặt:

- Thật không chị?

- Chứ dối à! Thế nào cũng được đăng. Để chị chép lại cho, và sửa ít chỗ, ít chỗ thôi.

Em ôm tôi, không nói gì, nhưng tôi biết nỗi vui đang nhảy múa trong em. Tôi cũng nghe lòng bâng khuâng sung sướng. Buổi tối, tôi bắt em ngủ sớm, sau đó lẳng lặng ra bàn ngồi chép lại, thêm thêm, bớt bớt... chỉ còn phảng phất đôi nét của em, tôi biết vậy nhưng không còn cách nào hơn. Tôi cho vào phong bì dán kín đề tên em ngoài bìa thư: Hoàng Kim Như! Phải! Bài văn này là của em tôi, của em tôi hoàn toàn... Tôi tắt đèn, đi ngủ, tôi thấy nụ cười em rạng rỡ trong mơ...

*

Hơn tháng sau, hơn tháng trời chúng tôi âu lo, hồi hộp. Rồi kỳ báo thứ ba (bắt đầu từ lúc gửi bài em đi), em tôi xúc động mừng vui khi thấy tên em trong mục "Văn nhận được". Em lại trông ngóng, tôi còn trông hơn em. Rồi kỳ báo thứ tư ra, tôi cầm tờ báo xinh xinh, nho nhỏ trong tay: cảm xúc, vui mừng hơn ngày đầu bài tôi được đăng. Tôi muốn lao về, đưa báo cho em, hét rằng "Như ơi! Bài của em đây"... Tôi muốn nhìn mặt em lúc nầy quá. Nhất là đôi mắt của em... Trời! Tôi sốt ruột quá. Rồi cũng đến tan trường, tôi phóng xe về nhà như bay, vừa ngừng xuống, tôi vội dựng xe, hấp tấp vào hỏi mẹ:

- Em đâu mẹ?

- Chi mà rối lên, nó ở sau đó. Nó trông con lắm. Sớm giờ...

Tôi chạy ra sau... Như ơi! Như ơi!...

Em phóng ra từ nhà tắm. Thấy tôi cầm tờ báo, em đứng lại, dấu hỏi to, tròn, màu xanh nằm trong mắt em.

- Lại đây, cô bé (tôi vẩy). Bài nè...

Em cười xinh như cánh hoa buổi sáng, bước lại run run đỡ lấy tờ Tuổi Hoa, bài báo có 3 chữ: Hoàng Kim Như làm em nhìn không chớp... "Em... Em thích quá chị ơi"... Ánh mắt em tôi đẹp lạ... Tôi xoa đầu em "Như giỏi ghê, thấy chưa?"...

Em không nói, ôm cuốn báo vào phòng học. Buổi tối, em đọc đi đọc lại bài, mắt long lanh, môi hé mở. Tôi nhìn em lòng nao nao. Bài báo là cái gì hạnh phúc cho em nhoẻn cười trong giấc ngủ, cho tôi lâng lâng, sung sướng mỗi sớm đến trường. Tôi thương em quá đi. Tôi muốn nụ cười chan hòa hoài trên khuôn mặt bé bỏng của em. Tôi muốn niềm vui mãi mãi trong em. Vậy mà... một buổi chiều (cách hôm đó 2 ngày). Cơm tối xong tôi lên phòng học, không thấy em, tôi nghĩ "chắc con bé lại đem báo đi xem một mình", tôi thoảng mỉm cười. Bước lại bàn học, chợt thấy tờ giấy gấp đôi chặn dưới cây thước sắt. Tôi ngạc nhiên bốc lên, mở ra... "Chị Phượng ơi! Bây giờ em biết rồi, chị nói dối em. Em không giỏi gì hết. Bài báo em đọc bao lần em đem so với bài "não" của em... chị nói dối... có 9 câu của em thôi. Còn thì của chị hết, chị gạt em, vậy mà em tưởng"...

Mấy dòng chữ nhòe trước mắt. Tôi sững sờ, lặng người đi. Tôi ôm mặt, ngập tràn xót xa, thương mến "Em tôi ơi! Em của chị ơi"... Tôi cảm thấy chính tôi mới là kẻ thất vọng, khổ sở hơn em. Trời ơi!... Tôi biết phải làm sao?... Tôi thẫn thờ bước ra sau, em tôi ngồi dưới gốc bưởi, tay chống cằm nhìn lên ánh trăng. Tôi sựng lại, nhìn em không thốt nên lời... Có đến nửa giờ sau, tôi nhẹ nhàng, rón rén bước tới như tên trộm, hai tay ôm lấy đầu em:

- Như!

Em tôi quay lại, nước mắt lóng lánh rơi. Tôi nghẹn ngào hôn trán em. Em òa khóc, tôi vỗ về:

- Im đi em! Nín đi, ba mẹ còn thức, bị rầy giờ...

Em gục mặt xuống đầu gối tôi, nức nở:

- Sao chị dối em?

- Chị...

- Em biết hết rồi. Chị đừng dối... Sao chị...

Tại sao? Tại sao? Tôi biết nói tại sao bây giờ. Tôi nghẹn lời.

- Như!... Chị thương em lắm...

Em ngẩng nhìn tôi, không nói. Một lát, ngó lên trời. Trăng đã lên cao khỏi ngọn dừa và lấp lánh qua khe đám lá bưởi xanh đen. Em im lặng, tôi cũng im lặng. Một lát, giọng em, se sẽ:

- Phải em còn kém không chị? Chị nói thật đi mà....

- Không! Không phải. Mà... tôi ngừng một lúc rồi quả quyết - chỉ tại em còn bé viết chưa vững ấy thôi. Chị nói thật đấy Như, có nghe không?...

Phải! Tôi đã nói thật, nói thật ra rồi. Tôi không muốn em xây ước mơ cao vút rồi thất vọng. Tôi nhìn thẳng em:

- Hiện giờ em chưa viết được đâu. Chị chắc rằng lớn lên em sẽ giỏi lắm với sự ham mê đó. Nhưng bây giờ cố học đi, đừng ôm ấp, lo lắng hoài về việc đó. Em còn bé, nó sẽ chiếm hết đầu óc của em, em đã học kém hơn trước quá nhiều đó Như... Em hãy cố lo luyện thêm về toán và luận. Chị sẽ dạy thêm Như - Đừng làm việc quá sức mình.

Tôi nói một hơi, rồi ngừng lại, cảm thấy nặng nề khó thở như vừa làm một việc vượt khả năng. Tôi lo lắng em sẽ buồn não nuột ra, tôi biết làm sao?... Nhưng không ngờ... em im lặng khá lâu, đột nhiên, em nắm lấy tay tôi, hé môi cười, bảo nhỏ:

- Dạ...

- Là sao?

- Em sẽ... nghe chị. Thôi em không buồn nửa, chị nhỉ! Dù bái không đăng báo. Lớn lên, em viết không muộn hở chị? Chị nói đúng ghê. Bây giờ, em không khóc, em sẽ cố từ bây giờ, chị dạy em toán nhé. Em sẽ học giỏi chị nhỉ?

Tôi gật đầu, trìu mến nhìn em:

- Thế em không được buồn nữa.

Em ngả đầu vào lòng tôi:

- Em nghe chị rồi mà. Vì... em biết... chị thương em lắm phải không?

Em tôi ơi! Em nhỏ nhắn đáng yêu ơi! Phải rồi. Em thấy lòng chị thương em là quí và đáng sung sướng hơn hết, em phải thấy và bây giờ em đã thấy, phải không em? Tôi cắn tóc em, rạt rào thương mến. Có tiếng mẹ gọi, tôi đứng dậy, nắm tay em.

- Vào Như ạ!

Em nhìn tôi, miệng mỉm cười, mắt long lanh sáng. Chúng tôi đi vào, bỏ lại sau lưng ánh trăng cao vút...


TỪ LY       

(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 211, ra ngày 15-10-1973)


 

Không có nhận xét nào: