Thứ Hai, 3 tháng 10, 2022

CHĂM HỌC ĐỂ LÀM GÌ? - Đỗ Phương Khanh

  

 Thư của em Q. A. - Đà Nẵng:

... Trong lớp em, các chị bạn tính tình kỳ dị quá chị ạ! Và có vẻ ganh ghét em lắm, vì tháng nào em cũng được ghi tên trên bảng danh dự, và phần đông các giáo sư đều mến thương em. Trong số ấy có một vị giáo sư đã nhận em làm con nuôi, nên em làm điều gì, các chị ấy và các bạn khác hay chế giễu và trêu em lắm. Những lần ấy em tức muốn khóc luôn đấy, để em nói chị nghe, xem chị tức không. Thí dụ, như đến giờ học em ngồi yên lặng nghe giáo sư giảng bài, nếu lo theo dõi bài thì mới hiểu bài và làm bài được, các chị ấy thì ngồi lo trò chuyện, và còn bảo em là con chiên ngoan đạo. Những lúc lên văn phòng gặp các vị trong ban giám đốc nhà trường, và các vị giáo sư khác em đều cúi đầu chào, thì các chị ấy hè nhau trêu em - "Ê! Tụi bây coi con A, nó làm tao tức cười quá, gặp giáo sư cũng chào, gặp tụi tao, thì tụi tao sẽ dông luôn như chẳng có gì" Em nghe xong muốn khóc ghê đấy, những chị ấy quả là vô ơn bạc nghĩa. Chẳng những việc đó thôi mà còn nhiều chuyện khác nữa, thế nhưng em có giận các chị ấy đâu mà em vẫn vui vẻ như chẳng có gì. Mỗi lần trò chuyện với các chị ấy thì các chị ấy tìm câu để nói móc em.

Có nhiều lúc em muốn làm một việc gì để cho các chị ấy đừng ghét em nữa, nhưng các chị ấy vẫn ghét. Buồn ghê chị nhỉ!

Thưa chị, em có một người bạn thân, lúc đầu thì tánh tình rất tốt, nhưng sau này chị ấy bỗng nhiên đổi tánh, cùng hè nhau với các chị bạn khác trêu em. Những kỳ thi đệ nhất, đệ nhị bán niên, nhìn thấy em mải lo học, chị ấy rủ em đi chơi, em từ chối vì bận học, hẹn dịp khác. Chị ấy lại cười và bảo: - "Mầy nên đi chơi với tao, học bài chán chết, mầy học riết sẽ điên cho xem, hơn nữa con gái cần học gì nhiều, học nữa làm ông này hay bà kia, khi chết cũng trở về cát bụi chớ có gì". Những lần như thế em đều khuyên chị nên lo học hành, chị ấy không nghe mà còn mắng em nữa chứ, thế rồi kết quả không ngờ từ một học sinh trung bình, bây giờ chị đã sụt quá nhiều, còn riêng em kết quả rất tốt đẹp, được các thầy, cô khen. Chị ấy tức tối vô cùng, và đi nói xấu em với nhiều bạn khác, và lại nói: " - Ôi mình học tà tà được rồi, miễn lên lớp chớ cần gì học giỏi, lãnh phần thưởng ít oi"...

Q. A. Đà Nẵng

Trả lời:

Đáng lẽ, chị định dành câu hỏi của em trong số đặc biệt "Chủ đề Nhớ Ơn Thầy". Nhưng chị thấy cần phải trả lời em càng sớm càng tốt, vì không thể để cái quan niệm sai lầm của những người bạn xấu kia đầu độc em được. Vả lại, bài này cũng có liên hệ tới chủ đề Công Ơn Cha Mẹ đó. Vì rằng cha mẹ sinh ra con, mong cho con nên người, mà muốn nên người thì phải nhở ở các vị thầy dậy dỗ. Nay con cái vô lễ, không biết kính trọng thầy, không còn muốn được cho nên người, thì còn hy vọng gì ở tương lai. Quan niệm rằng chỉ cần nghe giảng bài là đủ, khỏi phải học đạo làm người là lầm lẫn lớn, và sau này dù có trở thành chuyên viên gì gì nữa, đồng thời cũng chỉ là phường giá áo túi cơm, đầu óc không thể phát triển về tư tưởng để mà xứng đáng là một người được. Cha mẹ thấy tương lai con như vậy, phỏng có đau lòng không?

Ngày xưa, học trò rất trọng lễ giáo. Nếu người nào không giữ đủ Trung, Hiếu, Tiết, Nghĩa, Nhân, Lễ, Trí, Tín v.v... thì kể như không đáng làm người, bị xã hội khinh bỉ, ai chơi với người đó, cũng bị chê bai luôn, coi là không biết giữ danh giáo. Bậc thầy được tôn trọng vô cùng. Chỉ một hành động hỗn hào với thầy, là sẽ bị xã hội khinh ghét. Không ai tin tưởng một người đã hỗn với thầy lại còn có thể trở nên người đàng hoàng được. Vai trò của thầy quá quan trọng trong nhiệm vụ đào tạo con người. Các bậc thầy được cả xã hội kính trong, dù là thầy đồ, dậy vỡ lòng. Sự giáo dục về đạo đức được nâng cao như vậy, cho nên phải công nhận các cụ xưa ăn ở thật là đàng hoàng, nâng cao giá trị của loài người.

Hiện nay, một số người đã quan niệm sai lầm. Sự ăn ở chân thật, giữ đúng giềng mối của con người, thì bị chê cười là "cù lần". Lưu manh, vô giáo dục, đi học thì copie, thi cử thì quay phim, lại được cho là chịu chơi, là biết "thiên biến vạn hóa". Đó là sự sai lầm lớn lao nhất của một số các em bây giờ. Chị hy võng những em đó sẽ sớm thay đổi quan niệm về giá trị con người kẻo mà hư hỏng cả cuộc đời.

Muốn học cho giỏi thôi, chưa nói tới vấn đề đạo đức, thì cũng phải lắng tai nghe lời thầy, chứ cứ mải lo nói chuyện, không chú ý vào lời giảng thì không hiểu bài, kết quả sẽ càng ngày càng dốt, vì mình không tiến trong khi người khác vẫn tiến, cuối tháng xuống hạng thấp, càng ngày càng đi vào con đường kém cỏi, điển hình là người bạn của em đang học khá, chỉ vì ảnh hưởng bạn xấu, thay đổi tính tình, ham chơi, nay cũng trở thành học kém, thật đáng buồn biết bao!

Ngồi học phải lắng tai nghe thầy là đúng, không có gì phải mắc cỡ với những người bạn xấu. Không thể vì đứng gần đống rác, rồi mình mắc cỡ rằng: "Sao ta không hôi thối như rác". Hãy nghĩ tới cha mẹ, nghĩ tới sự vất vả sớm khuya của cha mẹ, cho các em đi học, mong các em nên người, mà lắng tai nghe lời thày, ngõ hầu học hành chóng tấn tới, tư cách đàng hoàng đứng đắn, đó là cách báo ơn cha mẹ thực tế nhất đấy, các em ạ.


Chị Đỗ Phương Khanh     

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 102, ra ngày 10-8-1973)


 

Không có nhận xét nào: