Các em thân mến,
Một
độc giả Thiếu Nhi đã viết cho chúng tôi đại ý như sau: ở trường, thầy
cháu dạy phải cố gắng học hành, nhưng cháu được biết cha cháu khi nhỏ
học lúc nào cũng đứng đầu lớp mà nay gia đình cháu sống lận đận, thiếu
thốn mọi mặt, còn chú Thanh bạn cùng lớp với ba cháu, lúc trước, học ít
chơi nhiều, bây giờ lại nhà cao cửa rộng, xe cộ lộng lẫy, cả nhà ăn sung
mặc sướng, thế bác chủ nhiệm nghĩ hộ cháu xem sự học có cần thiết
không? Học để làm gì? Không học cũng thành công kia mà!
Các em thân mến,
Trước
khi bàn đến những nguyên nhân tạo nên thành công, chúng ta hãy nhìn qua
trường hợp của chú Thanh. Chú Thanh khi nhỏ học ít chơi nhiều, nhưng
biết đâu sau đó chú Thanh đã cố gắng học hành hoặc khi ra đời chú Thanh
lại học hỏi thêm nhiều điều thực dụng mà nhà trường đã không dạy. Cũng
có thể chú Thanh sau này cũng có nhiều đức tính mà ít người chú ý, như
siêng năng, cần kiệm, nghị lực hoặc có tài năng.
Ông
Winston Churchill, thủ tướng lừng danh của Anh quốc khi nhỏ học hành
cũng bết bát, nhưng sau đó ông cố gắng học hỏi trở thành một nhà chính
trị đại tài, một nhà trước tác uyên thâm.
Giữa hai người nhiều điểm khá giống nhau, người học khá là người dễ thành công, đi đến đâu, cũng được người ta quí trọng hơn.
Chắc
các em cũng đồng ý với tôi, một người chỉ làm nên ở một vài điểm như
tiền bạc hoặc chức phận, nhưng đầu óc lại trống rỗng, tâm đức thì thấp
kém, sức khỏe cũng không có nốt đâu phải là người thành công. Chắc các
em không bao giờ ước muốn trở nên con người như vậy.
Tiền
bạc và chức phận có thể giúp ích chúng ta tìm hạnh phúc, nhưng không
phải lúc nào hễ có tiền, có chức tước là được sống sung sướng.
Một người đã đạt được tất cả sự ước muốn về đời sống mà không giúp ích gì cho những người xung quanh không phải là thành công.
Em ạ, sự thành công trên đời phải tùy thuộc nhiều điều kiện như sức khỏe, tài năng, học vấn, chí khí, hoàn cảnh.
Sức khỏe là điều kiện chính của mọi thành công.
Một châm ngôn Ả Rập đã nói:
Có sức khỏe là có hy vọng,
có hy vọng là có tất cả.
Em
thử nghĩ một người du học ở ngoại quốc đã thành tài, đã tốt nghiệp kỹ
sư, bác sĩ, thạc sĩ nhưng khi về xứ trong người chỉ còn một lá phổi, hay
là một ông chủ ngân hàng to nhất xứ mà nay đau mai ốm đâu còn là người
thành công. Kẻ thành công ở đây là Thần Chết vậy. Một người có tất cả
tiền tài cũng như danh vọng, nhưng không có sức khỏe thì đời kể như vứt
đi, người đó không được hưởng gì cả, không giúp ích được ai lại còn làm
phiền bao nhiêu người xung quanh.
Trong
báo Thiếu Nhi số 6 vừa qua, ông Tế Xuyên có ghi lại cuộc đời đầy nghị
lực của ông Bạch Thái Bưởi xuất thân làm "bồi" nhờ cố gắng mà lên đến
địa vị một chủ hãng tàu lớn trên 30 chiếc, tranh thương thành công với
người ngoại quốc. Ông đã thắng những trở ngại ghê gớm, nhờ chí khí.
Nói
đến chí khí tức là nói đến ý chí và khí khái, nói đến nỗ lực, nói đến
sự cố gắng không ngừng để đạt được cái mà mình mong muốn.
Trên
đời này biết bao người khi sanh ra bị tật nguyền, nghèo nàn, nhưng nhờ
nghị lực, sự bền chí hay nói dễ hiểu hơn nhờ cố gắng khắc phục số phận
đen tối của mình mà trở nên con người hữu dụng.
Ông
N. SACKE BAUT có nói: Muốn thành công những mưu tính lớn phải có ba
điều: "Cái đầu lạnh như băng, con tim nóng như lửa, bàn tay cứng như
sắt" và ông Waterson cũng nói: Không phải luôn Muốn là được, nhưng nhiều khi không được là vì không muốn.
Các em thân mến,
Các
em hãy cố gắng học tập vì sự học rất cần thiết, các em cũng cần ráng
giữ gìn sức khỏe, tập luyện ý chí, các em chắc chắn sẽ có nhiều hy vọng
để thành công.
Tôi mượn câu nói dưới đây của ông Nguyễn Bá Học để kết thúc câu chuyện của tôi hôm nay:
"Đường đi khó, không khó vì ngăn sông cách núi,
Mà khó vì lòng người ngại núi e sông"
Thân mến
NGUYỄN HÙNG TRƯƠNG
(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 8, ra ngày 3-10-1971)
Không có nhận xét nào:
Không cho phép có nhận xét mới.