Thư của em L. Phú Thọ Chợ Lớn
...
Em không có chị gái, em gái lại còn nhỏ, vì vậy em phải làm mọi việc
trong nhà như giặt đồ, quét, lau nhà, lâu lâu lại nấu cơm, rửa chén...
Em vốn không thích làm những việc này, chỉ thích làm những việc như :
đóng kệ tủ, bàn ghế, sửa xe v.v... hay lo chạy việc ngoài (ngoại giao
í). Nhưng mà không có người làm nên không thể để cho má em làm hết.
...
Các em của em hơi khó bảo, nên thỉnh thoảng em lại sử dụng roi mây để
khuất phục chúng. Em hay chọc phá trẻ con lắm, điều này có nên không?
Trả lời:
Trước
hết, chị có lời khen ngợi em. Vì em là một chú bé rất ngoan, rất xứng
đáng trong gia đình Thiếu Nhi. Mặc dầu những công việc lặt vặt em không
thích làm, nhưng vì nghĩ tới má, thương má vất vả, em đã thay má làm
những công việc đó, như vậy rất tốt em ạ.
Hỏi chị điều này, chứng tỏ em có quan niệm sống theo cổ nhân, hay lắm.
Từ ngàn xưa, các cụ đã phân chia rành rành:
"Gái thì giữ việc trong nhà
Khi vào canh cửi khi ra thêu thùa
Trai thì đọc sách ngâm thơ
Dùi mài kinh sử để chờ kịp khoa".
Công
việc nội trợ là dành riêng cho đàn bà con gái. Đàn ông con trai mà vào
bếp, làm việc nội trợ là không giữ đúng cương vị, là "không khá được".
Vào thời đó, con gái không được đi thi. Một vài người đàn bà quá giỏi,
phải giả trai để thi, nếu bị phát giác lại bị khép vào tội khi quân (ấy
là trong truyện, may thay, các ông tác giả cũng chẳng nỡ xử tử hình
người đáng thương chỉ phạm tội quá giỏi, nên thường sau khi bị phát giác
các ngài không cho vinh qui bái tổ, chỉ phong làm quí phi hoặc cho lấy
hoàng tử hay ông quan to nào đó vân vân). Cái thời đó đã lùi xa vào dĩ
vãng. Ngày nay, đàn bà đã cùng với đàn ông gánh vác chung công việc ở
nhiều lãnh vực trong xã hội. Khi mà đàn ông phải ra mặt trận, hầu hết
các việc nơi ông, tư sở, nhà máy v.v... do đàn bà đảm nhiệm. Rất nhiều
gia đình ngày nay cả hai vợ chồng đều phải đi làm. Do đó ở sở về, để
chóng xong công việc nội trợ rồi còn nghỉ ngơi lấy sức làm việc nữa, cả
hai người lại cùng nhau làm tất cả các việc tạp dịch trong nhà. Do đó,
ngày nay, vấn đề công việc không còn phân chia riêng rẽ quá như xưa nữa.
Mọi người đều học tập để có thể làm đủ mọi việc. Hơn nữa, đàn ông có
khối óc trật tự, khéo tính toán, phản ứng nhanh nhẹn, cho nên trong rất
nhiều công việc mà ngày xưa chỉ có đàn bà làm, nay đàn ông gánh vác lại
hóa ra giỏi hơn đàn bà. Thí dụ như việc hộ sinh. Ngày xưa chỉ có bà mụ,
không có ông mụ. Nay bác sĩ sản khoa phần nhiều lại là đàn ông. Mà nhờ
các ông ấy, rất nhiều sản phụ và trẻ sơ sinh đã thoát chết. Ngoài ra các
nghề mà ngày xưa dành riêng cho đàn bà như nấu ăn, cắt may, v.v... đàn
ông đã chứng tỏ có nhiều khả năng hơn (chắc các em gái của chị cũng phải
công nhận là mấy ông đầu bếp tầu, mấy ông thợ may âu phục, đã làm rạng
danh nghề nghiệp, và khi đi uốn tóc hẳn là chú Cao, chú Sần, chú Quay
v.v... vẫn được các em tín nhiệm hơn mấy cô, có đúng không nào). Vậy
thì, em trai cưng, nếu em không có chị gái, chị rất vui mừng thấy em đã
tỏ ra có tinh thần trách nhiệm mà siêng năng như vậy. Em thích làm mấy
việc như đóng kệ tủ, bàn ghế, sửa xe v.v... tốt lắm, nhưng đâu phải ngày
nào cũng có kệ tủ bàn ghế và xe hỏng cho em sửa. Rất nhiều người trong
đời phải làm việc mà họ không thích tí nào, nhưng vì bổn phận họ vẫn
phải làm, và họ đã làm một cách hăng hái nồng nhiệt. Chàng trai hiền
lành không dám giết con gà kia, vậy mà khi ra trận vẫn phải giết kẻ địch
để bảo vệ tổ quốc. Cô gái kia chỉ muốn ngồi khâu vá thêu thùa, vẫn phải
vào bếp nóng nấu cơm. Và ba má đã già chỉ muốn nắm nhà đọc sách, vẫn
phải cặm cụi làm lụng vì tương lai các em. Em có đồng ý với chị không
cưng?
Còn
vấn đề thứ nhì thì thú thật là chị tức cười lắm. Em nói rằng em sử dụng
roi mây để khuất phục mấy đứa em khó bảo. Như vậy là em đã sử dụng uy
quyền. Dùng đến uy quyền thì em phải xứng đáng. Em lại hỏi tiếp là em
hay chọc phá trẻ con, có nên không? Còn chọc phá trẻ con thì em chưa
xứng đáng dùng roi mây để trị chúng đâu, chị long trọng lưu ý em điều
đó. Vậy tóm lại:
1) Em rất nên giúp đỡ công việc nhà với má, và em nên hãnh diện rằng đã phụ giúp công việc nội trợ, mặc dầu em là con trai.
2)
Nếu em đã xứng đáng là ông anh, em có thể sử dụng roi để cảnh cáo các
em, nhưng chỉ nên đánh vào cái đi văng và đánh 3 roi thôi (đừng đánh vào
em, ba má buồn).
3)
Nếu còn chọc phá các em thì chưa được dùng roi và chị khuyên em nên cất
roi cho kỹ, vì chị tiên đoán sẽ có lần ba má em dùng roi đó để "khuất
phục" chính em đấy nhé.
Chị ĐỖ PHƯƠNG KHANH
(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 47, ra ngày 16-7-1972)
Không có nhận xét nào:
Không cho phép có nhận xét mới.