Nhà
tôi... hơi đông. Tám người kể từ người lớn đến người bé. Và mùa hè,
cũng bắt đầu mùa hè rồi đấy, thì thành mười một người : hai ông anh và
thằng em tôi đi học ở thành phố về.
Tuy vậy, được cái nhà rộng, cái vườn to (với rất nhiều cây ăn trái) cho nên... chẳng đến nỗi nào.
Đại khái cái... "không gian và thời gian" là như vậy đó...
Mấy ông anh tôi "phịa" quá chừng. Nào ở thành phố xe cộ đầy đường, nhà cửa san sát, lầu cao ngất và vân vân.
Tôi
thì tôi chả mê tí nào. Tôi chỉ mê mấy cái đồ chơi anh tôi mang về thôi.
Như cái con ngựa bằng nhựa, nó giống hệt con ngựa mà cái ông cụt chân
vẫn hay cỡi đi ngang Cầu Bi. Cũng yên cũng cương. Chỉ có ông người ngồi
trên là khác thôi ; ổng có đủ hai chân : bên phải, bên trái. Và tôi cũng
khoái con bò bằng sành nữa.
Chị
tôi và mấy đứa em tôi cũng có đồ chơi nữa. Cho nên dù tối đó có trăng,
và dù hai anh tôi có phủ dụ cách mấy tụi tôi cũng chẳng thèm ra vườn để
nghe anh tôi kể cái chuyện: "Ngày xưa có một đàn kiến, lúc đầu có hai ba
con, rồi bốn năm con... rồi vài chục con... rồi vài trăm con... Chúng
hết băng qua rừng lại qua suối, hết qua suối lại trèo non v.v... hay là
cái chuyện rất kỳ cục mà kết cuộc là "Mười bao muối rồi mà lạt hả???..."
Mấy
anh tôi về ba mẹ tôi cũng vui nữa, hai người bắc ghế ra ngoài sân hỏi
chuyện anh tôi về mấy người bà con ngoài phố. Lại có mấy hộp bánh anh
tôi mang về nữa chứ. Vui. Mà thích ghê!
Anh thứ tôi hét toáng lên:
- Ê tụi bay! Đi câu!
Vậy
là tụi tôi răm rắp chuẩn bị nào cần câu, nào mồi... Cả ná cao su nữa.
Vì hai bên bờ sông có nhiều cây. Và chỉ một lát, tụi tôi đã biến thành
những tay "cao bồi vườn", lời mẹ tôi, để sẵn sàng đi... bắt cá.
Trước khi đi mẹ tôi căn dặn: "Tụi bay câu được con nào thì đem về để lên lưng tao mà nướng".
Cái
số mẹ tôi quả là cái số bị bỏng lưng. Ra ngoài sông chừng nửa giờ thì
anh tôi đã giật được một con cá bống to bự. Thế là tất cả cần câu, cả
ná, và... cả giỏ đựng cá nữa, anh tôi xách con cá chạy như ngựa tế về
nhà mặc cho chúng tôi lể mể thu xếp.
Thế
mà về nhà mẹ tôi chẳng... cho nướng. Mẹ tôi chỉ cười, cười trừ. Nhưng
sau thấy chúng tôi ồn ào phản đối, mẹ tôi liền "phỉnh" một câu:
-
Tụi bay im đi rồi trưa mẹ chia cho thằng Sơn với con Giao khúc giữa.
Thằng Yên với thằng Thành khúc đầu. Còn thằng Đức khúc đuôi.
Nghe mẹ tôi "phỉnh" cả lũ yên lòng kéo nhau đi tắm.
Vậy mà mới ngồi vào bàn ăn, ba tôi đã tuyên bố:
- Cái con cá thằng Sơn câu đâu. Dọn cho tao in ít thôi, khúc đầu với khúc giữa. Còn bao nhiêu thì mẹ con bay ăn cho hết.
"Khúc đầu với khúc giữa mà còn... ít. Chắc ba nói giỡn". Tôi nghĩ thầm.
Mà
ba tôi nói giỡn thiệt. Con cá được đặt giữa bàn, và cả nhà tôi, mười
một người từ người lớn đến người bé, đều được nếm thử "hương vị" của con
cá... xuýt được nướng trên lưng người.
Mẹ tôi, và cả chúng tôi, "quên" mất lời "hứa" lúc nãy.
Tối
nay trăng sáng ghê quá. Mấy cái đọt dừa xanh mướt như có nước ấy. Ba mẹ
tôi lại bắc ghế ra ngoài sân ngồi. Và tụi tôi chơi đủ trò dưới mấy gốc
dừa : từ bỏ khăn, u mọi cho đến nhảy dây, ví bắt... và cả... đánh lộn
nữa.
Chơi
đùa chán, cả lũ tụ lại để nghe ba tôi kể chuyện. Chuyện "đời xưa" đàng
hoàng chứ chẳng phải chuyện "đàn kiến" hay "mười bao muối" đâu!
Khi
đi ngủ, vừa bước vào giường tôi đã thấy mấy mảnh bể của con bò bằng
sành (mấy cái đồ chơi tôi vẫn cất ở đầu giường). Lập tức tôi tìm ra "thủ
phạm" và tặng liền mấy cái cốc. Nghe tiếng khóc, ba tôi vào và la:
- Cái thằng Yên này, chưa gì đã đánh em khóc!
- Dạ tại con Uyên đó - tôi nói - nó làm bể con bò của con rồi còn nói bò để làm thịt chớ nuôi gì mà nuôi miết...
ĐÔNG YÊN
(Trần Thiếu Duy)
(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 34, ra ngày 16-4-1972)
Không có nhận xét nào:
Không cho phép có nhận xét mới.