Cà
rem là ký gì thì khỏi cần diễn tả tất cả các búp bê lớn nhỏ đều biết
cả, chỉ duy có cái danh xưng của nó thì phải làm một cuộc giải thích cho
có lễ nghĩa.
Cà
rem có nơi còn gọi là cà lem hay vắn tắt là kem đều do chữ Crème mà ra.
Người Mỹ thì nhiêu khê dài dòng văn tự hơn gọi là Ice creame, chắc Ấn
Độ hay Tây Tạng thì còn dài nữa!
Theo
nguyên thủy - hay nói theo các đấng tận tình với tổ tiên dân tộc hơn
thì gọi là "Một sự trở về nguồn - cà rem là một loại thực phẩm dùng lạnh
trong các cuộc đi chơi xa của kỳ nghỉ hè. Hoặc nói khác đi thì nó là
loại thực phẩm trộn với nước đá lạnh quay cho thật nhuyễn bỏ vào một cái
hộp kín giữ cho nó thật lạnh có thế thôi. Thật ra thì cái sự trở về
nguồn này xét ra cũng không mấy quan trọng mà Cà rem đã phục vụ và tiến
triển thế nào mới đáng kể.
Ngày
xưa ăn kem khó lắm, trần ai không thể tưởng được. Thiên hạ có thèm lắm
thì cũng phải đợi đến kỳ nghỉ hè vì các mùa khác chẳng có ai làm, mà có
ăn các thời gian khác ngoài kỳ hè ra thì bị coi như lạc hậu, trái mùa.
Mua được kem ăn cũng phải toát mồ hôi hột. Vì tư gia mấy ai có phương
tiện để làm, nên khách hàng phải xếp hàng chờ đến tên mới vào lấy kem,
cứ như phát chẩn cũng không bằng. Khi có kem trong tay rồi mừng muốn
chết nhưng cũng phải hộc tốc chạy về nhà nếu không nó chảy ra nước thì
công cốc. Vào thời kỳ ấy không ai ăn kem ở ngoài phố hay trong tiệm, mọi
người đều mang về. Thời kỳ kem mới được phát minh nó hiếm lắm, kiếm đỏ
mắt cũng chưa tìm ra được một tiệm. Trái hẳn với ngày nay tứ thời bát
tiết lúc nào cũng có kem. Những ngày rét như cắt ruột cũng có kem. Nền
cà rem được phát triển và tung ra thị trường búp bê vào cuối thế chiến
thứ hai, nhờ mấy ông kỹ nghệ chế ra được cái bình thủy giữ được độ lạnh
nên kem hiện diện khắp nơi từ hang cùng ngõ hẻm đến mọi nơi trong thành
phố. Một sự thay đổi quan trọng vĩ đại và rùng rợn nữa là các ông nhà
buôn đã chế ra kem đủ loại. Cho vào hộp, vào bánh, cắt thành thỏi lại
còn bêu trên que nữa.
Cái
mốt bêu kem trên que là sáng kiến của lão chủ tiệm kem Good Humor ở
Ohio chế ra vào khoảng năm 1940. Chỉ có cái que cắm vào cục cà rem mà
lão chủ tiệm Good Humor ngậu sị bọ lên, đem cầu chứng tại tò để xin bằng
phát minh giữ bản quyền cấm không ai được "giả mạo trích dịch". Nhưng
than ơi, công cốc chỉ vài tháng sau chỗ nào có cà rem là có cây que. Một
sự hỉ nộ ái ố nữa xẩy ra là tất cả các bài hát, hình vẽ quảng cáo cho
cục cà rem và cây que đã trở thánh cái mốc cho thiên hạ đàm tiếu. Thậm
chí đến mẫu phim thực hiện tại Hồ Ly Vọng cứ đinh ninh tung ra là thiên
hạ phải lác mắt về cái que và cục cà rem ai ngờ lại thành cái trống bởi
nó vật vào mình. Cũng được cái an ủi là thiên hạ chiếu cố đến kem của
lão Humor khá kỹ. Nguyên năm 1952 tiệm này đã bán ra được hơn 1 tỉ cà
rem cây.
Kể
ra thì thiên hạ cũng khó tính thật, ước ao có cà rem bốn mùa xuân, hạ,
thu, đông khi được cung ứng đầy đủ thì lại chê lên chê xuống thiếu mùi
thiếu vị. Báo hại mấy ông chủ cà rem bấn lên không biết làm thế nào cho
vừa lòng khách hàng. Mới đầu thì chỉ có cà rem sữa pha một chút vani cho
có hương vị, nay thì cái mùi vị đến kỳ lạm phát, tính ra đã có tới 240
vị cả thảy. Thật là kinh khủng! Một cây cà rem bây giờ không những phải
nặng phần trình diễn téc-ních co lo mà còn phải chứa đựng tối thiểu 3 vị
mới hài lòng quí vị khách hàng. Tuy nhiên nếu làm một cuộc thống kê thì
kem sữa vani vẫn được chiếu cố tận tình khắp nơi trên thế giới. Lý do
dễ hiểu là nó vừa ngon, vừa rẻ, lành mạnh nhất là nó chứa ít nhiệt
lượng. Một cuộc thí nghiệm nghiêm chỉnh cho thấy: Cà rem sữa vani chỉ
chứa có 135 calori còn kem vani thì lên đến 176. Dân Pháp có tiếng là ăn
nòi, thích xài kem sữa lòng đỏ trứng gà nên chứa những 250 calori. Cũng
vì cái mùi vị của kem mà nhiều vị sản xuất đã hốc hác vì phải vùi đầu
vào tìm kiếm những hương vị, mới mong chiếm được ưu thế trên thị trường.
Tội nghiệp một lô hoa quả đã ngẫu nhiên bị lôi vào vòng lẩm cẩm của cà
rem không chút thương xót.
Trên thị trường Việt Nam bi giờ mạnh nhất là cà rem sầu riêng, kế đến là dừa, cam và đậu xanh.
Nhiều
xứ thích những mùi vị riêng biệt, thiếu thì coi như bất thành cà rem.
Dân Tân Tây Lan thì chỉ thích cà rem cam. Cà rem cà phê thì được dân
Orlean coi như món ruột trong tất cả các bữa tiệc tùng. Riêng dân Cờ Hoa
thì mùi gì cũng được miễn là kem. Mấy ông Huê Kỳ chiếu cố cà rem hơi
kỹ. Trung bình mỗi vị xực tới gần 2 ký trong 1 tuần lễ.
Để
đáp ứng nhu cầu này máy bán cà rem tự động bầy la liệt trên các ngả
đường, chỉ việc bỏ vào một đồng là cà rem tự động nhẩy vọt ra. Sướng
thật! Không biết đến bao giờ xứ mình mới có để thiếu nhi khỏi vất vả vì
cà rem.
HUY YÊN
Theo Don Wharlon
(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 98, ra ngày 15-7-1973)
Không có nhận xét nào:
Không cho phép có nhận xét mới.