Thứ Ba, 23 tháng 7, 2024

LÀM THẾ NÀO ĐỂ CÓ NHỮNG VẬT DỤNG CẤP CỨU TẠI CHỖ? - Văn Trung

  

Theo bà R. Pitet, Tổng thư ký liên đoàn Quốc gia Cấp cứu, từng lãnh Huy Chương Vàng về bộ môn này, thì việc thành lập và huấn luyện chu đáo những tay bơi có khả năng cứu người gặp nạn ở dưới nước là một điều rất cần thiết. Bà đã cổ võ nhiệt liệt một bài báo của bà Gerard nói về những vật dụng và cách cấp cứu rất thông thường mà dân chúng Pháp đã hân hoan đón nhận và phổ biến sâu rộng. Bà Gerard 26 tuổi, huấn luyện viên bơi lội, đã đào tạo được trên một ngàn chuyên viên cấp cứu.

 
Ý KIẾN BẤT NGỜ

Tin một thanh niên 23 tuổi vừa bị chết chìm tại một hồ bơi ở công viên nọ được loan đi, người ta đã lũ lượt kéo tới xem. Người gác công viên phân trần với đám đông về sự bất lực của anh ta trước tấn thảm kịch vừa mới xẩy ra: "Tôi đã bảo cho ông ấy biết trước là hồ này nguy hiểm lắm, nhiều người đã chết ở đây. Đến khi thấy ông ta lao đầu xuống, tôi không thể làm gì được vì tôi không biết bơi".

Đa số những người hiện diện đều thỏa mãn với lời giải thích trên. Chỉ có một cô bé lên tiếng: "Tại sao ông không đi lấy cái bánh xe sơ-cua trong chiếc xe hơi của ông mà ném cho ông ấy?"

Mọi người chưa hết sửng sốt trước câu hỏi bất ngờ của cô bé, thì cô ta lại kể một thôi năm, sáu cách khác có thể giúp người gác công viên cứu được người đàn ông xấu số. Nguyên cô bé này đã học qua một lớp bơi lội và biết được một số điều căn bản về việc cấp cứu mà phần đông người lớn đã quên hay không để ý tới. Một số lớn nạn nhân đã phải chết chìm ngay tại những nơi công cộng mà lẽ ra người ta có thể cứu sống họ. Nhiều người đã trông thấy những cảnh hãi hùng của các nạn nhân nhưng họ đã không can thiệp. Họ có thái độ như vậy hoặc vì họ không biết xoay sở ra sao hoặc vì họ sợ nạn nhân trong lúc vùng vẫy chống lại cái chết, có thể lôi tuột họ xuống đáy nước.

Những người này sẽ là những nhà cấp cứu đắc lực nếu họ biết sử dụng những vật quen thuộc họ thường có trong tay. Như người gác công viên này, nếu nhớ ra, ông ta có thể tháo chiếc bánh xe sơ-cua của ông ta và lăn xuống nước cho nạn nhân bám vào. Dù cái niềng sát chưa được tháo ra, bánh xe vẫn có thể nổi lềnh bềnh trên mặt nước. Bạn cũng thừa hiểu một bánh xe có thể đỡ được nhiều người. Nếu các nạn nhân chịu ngoi nguyên cái đầu trên mặt nước thì mỗi bánh xe có thể làm điểm tựa cho sáu tới bẩy người. Như vậy, một bánh xe sẽ là một cái phao cấp cứu thật sự. Khi tắm tại những nơi không được ai trông nom, bạn nên tháo hờ chiếc bánh xe sơ-cua của bạn để chẳng may, nếu có người nào đang bơi mà gặp nạn, bạn chỉ việc nhấc nó ra, lăn xuống nước cho họ là xong. Nếu người gặp nạn ở xa bờ hay đang ở chỗ mặt nước không được phẳng lặng, bạn nên để cái phao ở phía trước, rồi vừa bơi, vừa đẩy tới cho nạn nhân. Như thế rất an toàn, vì bạn có thể bám vào phao bất cứ lúc nào.

Nhiều vật khác cũng có thể trở thành một chiếc phao cấp cứu rất hữu hiệu : một chiếc ghế dài bằng gỗ nếu được đặt nằm ngửa trên mặt nước, sẽ trở thành một chiếc bè nhỏ ; một cái chai rộng dung tích độ năm lít, được nút kín, nếu được thả xuống nước và đẩy cho nạn nhân, cũng tạm thời biến thành một cái phao cho người này bám vào để lấy hơi ; một cái thùng có nắp kín là một chiếc phao rất tốt ; một cái rổ bằng chất xốp như mút và lát-tích dùng trong buổi píc-níc, cũng nổi dễ dàng trên mặt nước. Ấy là chưa kể những vật thường thấy tại bờ một bể bơi hay trên các bãi biển: như các nệm bằng hơi hay cao su, những trái banh, bàn ghế bằng gỗ ; cố nhiên, cả những thắt lưng  cấp cứu, những đồ chơi được thổi phồng và những ruột xe bơm căng nữa.

Nếu rủi ro mà không có sẵn một vật gì, bạn vẫn có thể kịp thời cứu được nạn nhân, bằng cách chìa tay ra cho nạn nhân nắm vào với điều kiện người này mắc nạn ở gần bờ. Nhưng trước khi "rua" với nạn nhân, bạn nhớ nằm bò soài ra ở trên bờ cho chắc ăn, nếu bạn không muốn nạn nhân kéo tuột bạn xuống nước. Một cái chổi có cán dài, một chiếc bơi chèo, một chiếc khăn mặt, một cái sào hay một cái áo gì đó... cũng có thể giúp cho bạn với được xa hơn.

Nếu phải bơi ở dưới nước, bạn nhớ dang chân ra để khi nạn nhân bám vào, bạn sẽ không bị mất thăng bằng. Khi phải bơi để tìm nạn nhân, bạn nên mang theo một cái gậy hay một vật nào đó để khi gặp, nạn nhân sẽ bám vào. Như thế sẽ an toàn cho bạn hơn là để cho nạn nhân níu chặt vào bạn.

Tại hồ bơi riêng, bạn nên chuẩn bị sẵn một vật cấp cứu thông thường, đặt tại chỗ nào dễ tới nhất và chỉ dẫn cho người bơi biết cách sử dụng. Làm như thế, bạn sẽ gây cho những người tới đây tắm một ý niệm sẵn sàng bảo vệ an ninh cho người khác. Bạn cũng nên dựng ở bờ mỗi bể bơi tư một cái cột, trên đó treo sẵn một ruột bánh xe bơm căng, một sợi dây thừng dài độ 12 mét, một đầu buộc sẵn vào chiếc phao, còn đầu kia cột chặt vào một miếng gỗ để khi dùng, thừng sẽ không tuột khỏi người cấp cứu. Ngoài ra bạn cũng nên sắm thêm một cái sào dài từ 3m,50 tới 4m,50, sơn trắng, rồi lấy dây nhựa cuốn kín một đầu để khi cần, sẽ thò sào ra cho nạn nhân bám vào.
 
Nếu có thêm vài thứ sau này nữa thì càng hay: một cái còi để thổi lên lúc nguy cấp, một mặt nạ giúp ta có thể lặn sâu xuống nước để tìm kiếm nạn nhân.
 
Bạn nhớ kỹ một điều là mỗi người trong chúng ta đều có thể là những nhà cấp cứu đắc lực và phao cấp cứu bạn có thể tìm thấy ở khắp mọi nơi.
 
 
VĂN TRUNG      
(Viết theo Gerard)    
 
(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 99, ra ngày 22-7-1973) 


Không có nhận xét nào: