Thư của em H-G Saigon
...
Em nghe bạn em nói học ở trường... sẽ trở thành một người vẹn toàn, sau
này sẽ lấy chồng làm Bộ trưởng, Giám đốc v.v... dễ dàng, vì trường đó
dạy cho học sinh biết đủ các phép lịch sự để trở thành một bậc phụ nữ
thượng lưu trong xã hội. Nhưng nhà em không giàu lắm, lại đông anh em,
mà học phí của trường đắt lắm, mỗi tam cá nguyệt đóng cả mấy chục ngàn.
Chị có thể chỉ cho em cách nào để trở thành người phụ nữ thượng lưu trí
thức biết ăn, mặc đúng mốt, không bị chê là quê mùa...
Trả lời
Trước
hết, chúng ta hãy nói về từ ngữ "thượng lưu trí thức". Trí thức và học
thức khác nhau. Một người học thức là một người học nhiều, hiểu rộng nhờ
ở sự học. Còn một người trí thức là người biết dùng óc suy luận để
tránh điều dở theo điều hay, biết phán đoán, nói tóm lại là người hiểu
biết. Vậy thì người trí thức là người có học, nhưng người học nhiều chưa
chắc đã thành người trí thức. Nếu học để vinh thân phì gia, để sau này
thành đạt, ra đời chỉ biết đem bằng cấp làm cần câu cơm, khinh thế ngạo
vật, ích kỷ không nghĩ tới ai, thì không thể gọi là người trí thức mà
chỉ là phường giá áo túi cơm thôi em ạ.
Sự
đến một trường danh tiếng học thì cũng hay, nếu có phương tiện. Vì ở
đó, chúng ta được ngồi học thoải mái, được dạy dỗ cẩn thận hơn, được săn
sóc chu đáo về phương diện giao tế. Nhưng mà không phải cứ học những
môn đó rồi sẽ trở thành bậc thượng lưu trí thức được kính trọng. Ăn mặc
đúng mốt chỉ là điều có thì càng tốt chứ không giúp gì cho nhân cách
chúng ta đâu. Truyện Kiều có hai nhân vật ăn mặc rất đẹp, đó là:
Mã Giám Sinh thì:
... Mày râu nhẵn nhụi, áo quần bảnh bao
Sở Khanh thì:
... Hình dung chải chuốt, áo khăn dịu dàng
lại là hai người mà nhân cách đáng để độc giả ghê tởm.
Tổng
thống Lincoln và gần đây, tổng thống Truman của một nước giầu có nổi
tiếng, nước Mỹ, đều được coi là những người không thuộc thành phần quí
phái, không xuất thân từ một trường danh tiếng nào, mà được nhân dân
nước họ coi là vĩ nhân, khi chết cả nước thương tiếc. Henry Dunant, Thủy
tổ Hồng Thập Tự, bỏ hết của cải, sống đời nghèo khổ để "làm giảm nỗi đau của nhân loại"
thì với mắt một người phàm tục, cho ông là nhà quê, trái lại, cái nhân
cách của ông sáng rỡ, cả nhân loại phải ngưỡng mộ. Không có một vĩ nhân
nào được đời tạc tượng sùng bái vì cái nết ăn mặc đúng mốt. Theo đúng
thời trang thì có cái hãnh diện và tự tin bề ngoài của những tâm hồn
nông cạn. Nhưng có tấm lòng tốt lành nhân ái, biết hy sinh, biết nghĩ
tới người khác, thì đời sống tinh thần được ngát hương, em sẽ thấy lòng
tự tin tỏa ra từ trong thâm tâm, vì đó mới là chân giá trị của một người.
Cái áo không làm thành thày tu. Phục sức sang trọng không có nghĩa là
có tấm lòng tốt. Bậc thượng lưu trí thức là những người biết quên mình,
nghĩ tới người khác, biết đau nỗi đau của tổ quốc, nhục nỗi nhục của dân
tộc. Bà Nguyễn thị Giang là một bậc phụ nữ thượng lưu trí thức, vì bà
biết nghĩ tới điều cao quí, biết thương dân lầm than nô lệ, biết hy sinh
vì nước. Chúng ta đừng tự biến thành cái giá mắc áo, cái túi đựng cơm.
Đừng quá quan tâm tới cái vỏ bề ngoài. Nhà khoa học Pìèrre Curie ăn mặc
thật là xốc xếch, nhưng có biết bao phòng khách của các vì vương tước
muốn được ông đặt chân tới. Ông Gandhi chỉ khoác một tấm áo choàng trắng
bằng vải thô mà cả thế giới tôn lên làm bực thánh.
Cổ
nhân có câu: ngưu tầm ngưu, mã tầm mã (trâu tìm trâu, ngựa tìm ngựa, có
ý nói giới nào thì giao du với giới đó). Nếu em lo về cái bề ngoài,
muốn phô trương cái lịch sự văn minh vật chất, thì em sẽ được hoan
nghinh trong giới trưởng giả. Nhưng nếu em muốn được phát huy cái chân
giá trị của con người thì em nên lo trau giồi tư cách trước. Khi em có
một lý tưởng vị tha để mà theo đuổi, em sẽ thấy lòng đầy tự tin, không
phải ngượng ngập vì sợ rằng mình có vẻ nhà quê. Giữa một người phục sức,
ăn nói theo ngôn ngữ quê mùa, nhưng tấm lòng chất phác thật thà, sẵn
sàng giúp đỡ và an ủi người khác với một người ăn mặc đúng mốt, nhưng
mải lo cái vỏ bề ngoài, tâm hồn nông cạn, không lý tưởng, chị xin được
làm người nhà quê em ạ.
Chúng
ta nên sống hòa mình với đời, cũng học theo cách xử thế của đời nay, ăn
mặc những kiểu quần áo bình thường, không cổ lỗ quá để cho mình có vẻ
lập dị, nhưng cũng không theo thời quá để tỏ ra mình chỉ chạy theo bề
ngoài. Chỉ nên coi sự ăn mặc vào hàng thứ yếu. Điều cần là mình có tấm
lòng tốt. Đừng chú ý tới vấn đề quần áo giầy dép lắm làm chi.
Thủ
tướng Mac Milan nước Anh, một nước quân chủ có truyền thống, hẳn là về
lịch sự quí phái, ta không thể chê được họ rồi, một hôm mặc bộ đồ mới
tuyệt đẹp, thật đúng mốt tới dự hội nghị. Bạn hữu ông xúm xít lại khen
quần áo ông đẹp quá. Ông bèn nói đại ý: Tôi phải bỏ bộ đồ này đi
thôi. Vì không lý do gì tôi lại mặc một bộ quần áo mà các bạn tôi thấy
trong người tôi chỉ có bộ quần áo xứng đáng được ngợi khen hơn hết.
Các em ơi! Các cụ xưa có câu "y phục xứng kỳ đức" trong khi ba má lo
chạy gạo, gia đình thiếu hụt mà chúng ta lo mua món đồ đắt tiền để đúng
mốt thì chúng ta không có tâm hồn gì cả, chỉ là một khối thịt biết di
chuyển, một cái giá để mắc áo đẹp, cái túi để đựng cơm ngon mà thôi các
em ạ.
Chị ĐỖ PHƯƠNG KHANH
(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 96, ra ngày 1-7-1973)
Không có nhận xét nào:
Không cho phép có nhận xét mới.