Thư của em L. T, Gia Định:
...
Ba má em đã mất, em ở với cô chú. Cô chú cũng thương yêu em, duy chỉ có
mỗi một điều này làm em thắc mắc quá chị ơi. Là ở nhà em, không ai được
tranh luận hay phát biểu ý kiến gì hết chị ạ. Không có chuyện phản đối
hay đề nghị gì hết. Cô chú em bảo rằng nên trừ cái thói xấu phát biểu ý
kiến, phản đối, phê bình này nọ đi. Ở đời cứ "ngậm miệng ăn tiền" là
chắc nhất, ai cũng thương mà cũng chẳng mất phần, ai sao mình vậy. Đừng
nên có ý kiến là hơn nhất. Cô lấy thí dụ thế này: Giả tỉ có ai phàn nàn
khổ sở, nếu mình tỏ lòng thương, thì mình phải cho họ tiền bạc gì đó.
Còn mình cứ im lặng coi như không nghe thấy gì là ổn nhất, chẳng ai
trách vào đâu được, mà chẳng mất gì". Có lần nhân viên trong sở chú em
muốn xin ông chủ cho tăng lương. Họ cử chú em làm đại diện, vì chú lớn
tuổi, là nhân viên kỳ cựu rồi. Nhưng chú em không nhận. Rồi mọi người
cũng xin được tăng lương. Chú em bảo thành ra ông chủ khen chú em là
biết điều, mà lương chú em vẫn được tăng, chẳng kém ai. Đó là cái thí dụ
cụ thể. Còn nhiều thí dụ khác cho thấy cứ im lặng, ai chửi cũng thây
kệ, cho họ chửi chán mỏi miệng, không có ý kiến gì hết, thì bao giờ cũng
lợi á chị. Thế sao trong Thiếu Nhi số 90, em lại thấy có ghi câu danh
ngôn của Tổng Thống Abraham Lincoln, nước Hoa Kỳ là: "Chỉ vì cứ nín lặng khi phải phản đối, mà ta trở thành những kẻ hèn nhát". Thế hành động của chú em có hèn nhát không hả chị?...
Trả lời:
Chị
nghĩ rằng chú và cô em đã ở trong một hoàn cảnh đặc biệt, thí dụ gánh
gia đình quá nặng, chú cô em sợ phát biểu ý kiến, rủi mất việc, các em
lâm vào cảnh đói khổ, nên chú em đành phải hy sinh tự ái, chỉ biết nhẫn
nhịn sống qua ngày để mong không làm bể nồi cơm của con cháu. Nếu sự
thật như vậy, thì quả là một hy sinh lớn lao, hy sinh cả nhân phẩm, mặc
cho người chê bai khinh ghét, hy sinh để đổi lấy cơm áo. Trường hợp đó,
em đừng nên phán đoán, hãy coi nhưng trường hợp đặc biệt vì sinh kế. Tuy
nhiên, chúng ta nên bàn về quan niệm "ngậm miệng ăn tiền" ở những hoàn
cảnh bình thường, và nhân đấy, có thể giúp em tự mình rút tỉa lấy những
điều hay để làm căn bản cho quan niệm sống của em sau này.
Câu
"Ngậm miệng ăn tiền" là một câu của các cụ xưa dùng để tỏ lòng khinh
ghét cái thái độ hèn nhát của một số người. Ngậm miệng, không bao giờ
phản đối, dù phạm vào danh dự của mình cũng thây kệ thì chỉ hai hạng
người có thể dùng thái độ đó. Hạng thứ nhất là những nhà hiền triết, đức
sáng như gương, muốn rũ bỏ hết mọi phiền toái trong đời, mũ ni che tai.
Các vị này không cần danh lợi nữa, nên các vị ấy chỉ ngậm miệng mà
thôi. Không bao giờ tính lợi hại trong sự ngậm miệng cho nên vấn đề
"tiền" không đặt ra nữa vì các vị này coi như thoát tục rồi. Còn hạng
thứ hai là hạng người hèn nhát, ngậm miệng để cầu lợi, không có ý kiến
gì thì không ai trách được mình, để được thương hại, may ra kiếm chác
chút gì. Hạng người này là phường giá áo túi cơm, không biết giữ liêm
sỉ, không thể coi như gương mẫu để theo. Nếu một dân tộc chỉ gồm toàn
hạng này thì tất nhiên là bị nô lệ cả ngàn đời, vì không có ý chí phấn
đấu mà xây dựng quốc gia, không có ngọn lửa nhiệt thành để biết phản
kháng khi có ngoại xâm, và tất nhiên là không có chỗ xứng đáng dưới bóng
mặt trời cho những hạng người này.
Phải biết chấp nhận và tuân theo lẽ phải, nhưng đồng thời biết phản đối sai lầm, đó là can đảm.
Câu của Tổng Thống Lincoln: "Chỉ vì cứ nín lặng khi phải phản đối, mà ta trở thành những kẻ hèn nhát" là một câu đáng khắc bằng vàng trong sự rèn luyện nhân cách.
Riêng
trường hợp gia đình em, mong em hãy cảm thông với chú cô em. "Có thực
mới vực được đạo", khi mà người ta đói, thì cũng khó giữ được sĩ khí,
phải biết khoan hồng với những hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt, nhưng đồng
thời vẫn sáng suốt nhận định phải trái, để mà đào luyện nhân cách, ngõ
hầu khi vào đời, biết sống cho xứng đáng là người, em ạ.
Chị Đỗ Phương Khanh
(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 103, ra ngày 17-8-1973)
Không có nhận xét nào:
Không cho phép có nhận xét mới.