Lời
Tòa Soạn: Trên một nhật báo lớn ở Thủ Đô, gần đây có đăng tải một loạt
bài tâm tình của một nhà văn nữ khá nổi tiếng. Trong loạt bài này, tác
giả đưa ra rất nhiều quan niệm mới mẻ về giáo dục, chẳng hạn tác giả lên
án "những đứa trẻ ngoan ngoãn là một tai họa ghê tởm của xã hội". Độc
giả của Thiếu Nhi đọc được những bài báo ấy đã phản ứng dữ dội và viết
thư về đòi Thiếu Nhi phải lên tiếng trước các lập luận ấy. Nhận thấy đòi
hỏi của độc giả là đòi hỏi hợp lý, vả chăng tôn chỉ của Thiếu Nhi từ
xưa tới nay vẫn là xây dựng một thế hệ Thiếu Nhi hồn nhiên tươi sáng và
tất nhiên phải là thế hệ hiếu với cha mẹ, đễ với anh em, thảo với bạn bè
cũng như ngoan ngoãn với thầy cô ở học đường. Mọi lập luận ra ngoài tôn
chỉ ấy, Thiếu Nhi đều không thể chấp nhận được và còn có bổn phận phải
ngăn chặn để ảnh hưởng của nó khỏi lan rộng làm ung thối tâm hồn của các
em. Vì lý do đó, tòa soạn đã yêu cầu chị Đỗ Phương Khanh dành một kỳ
Suối Mát ở trang bào này để phân tích về lập luận của nhà văn nữ kể
trên. Mặc dù chị Đ.P.K. rất e ngại khi phải động chạm tới riêng một cá
nhân, nhưng đây là một việc bắt buộc phải làm, xin bạn đọc hiểu cho như
một trách vụ mà tòa soạn giao phó, không hề có vấn đề liên hệ tới tình
cảm cá nhân.
Tưởng
cũng nên nói thêm rằng, do sự sáng suốt của nhóm chủ trương nhật báo
nói trên, loạt bài của nhà văn nữ đó đã được ngưng lại và thay thế bằng
một loạt bài khác. Thiếu Nhi vô cùng hân hoan trước quyết định sáng suốt
kể trên, và xin chân thành gửi lời cám ơn các độc giả đã tin cậy Thiếu
Nhi mà sốt sắng thúc giục tòa soạn bằng thư, bằng điện thoại, hay trực
tiếp gặp mặt để giao phó cho Thiếu Nhi nhiệm vụ lên tiếng này.
Thư của em Nguyễn Q. Phúc, Saigon:
Thưa
chị, tình cờ em được đọc đoạn văn sau đây của... một cây bút nổi tiếng,
có nhiều ảnh hưởng trong giới trẻ. Em xin ghi lại gửi tới chị, để chị
đọc rồi cho em biết ý kiến:
"Ở
những xã hội chậm tiến người ta nuông chiều những đứa trẻ trong suốt
năm năm đầu tiên, nó không phải đối phó với sự việc sáng kiến không sao
nẩy nở được, khi nó được người lớn lo cho tất cả. Mất óc sáng kiến nó sẽ
trở thành những đứa trẻ ngoan, tối ngày chỉ biết vâng lời cha mẹ. Ở xã
hội chậm tiến, người ta yêu những đứa con nít "Ngoan", và đó là một tai
họa kinh tởm nhất.
Bởi lớn lên, ra đời, chúng sẽ trở thành những công dân luôn luôn cúi đầu tuân theo lệnh nhà cầm quyền..."
Thưa
chị, trên đây là em chép đúng đoạn văn đó. Xin chị cho em biết rằng,
như vậy, nếu chúng em cố gắng để trở thành những đứa trẻ "ngoan", chúng
em có phải là mầm mống của tai họa kinh tởm nhất cho xã hội không?
Trả lời:
Đoạn văn em trích lại ở trên, chị cũng đã đọc. Chị nghĩ rằng mỗi người
đều có quyền tự do viết lên những điều mình nghĩ, và sẽ chịu trách nhiệm
tinh thần về những điều mình viết. Nhưng nếu những điều viết lên đó có
thể gây hoang mang, ngộ nhận, ảnh hưởng tai hại hoặc có những người khác
không đồng ý, thì sẽ có sự tranh luận.
Riêng trong phạm vi nói chuyện với các em, nếu em đã hỏi chị, thì chị cũng trả lời em theo ý kiến chủ quan của chị, em nhé.
Nhiều nhà giáo dục bảo rằng khi đứa nhỏ hiểu biết dần dần, cha mẹ nên tạo cơ hội cho nó phát huy sáng kiến.
Nhưng
đồng thời cha mẹ cũng phải nhớ luôn rằng trẻ em dưới mười tuổi có năng
khiếu bắt chước người lớn, trước khi nẩy nở năng khiếu suy luận, cho
nên, ở những Vườn trẻ, Mẫu giáo, người ta lưu tâm đến các môn học rập
khuôn để các em bắt chước, những môn học tạo sự thứ tự, nẩy nở óc nhận
xét, để các em làm quen với cái Thiện, cái Mỹ, theo thật sát quan niệm
"Giáo dục là nêu gương".
Cho
nên, điều kiện cần thiết nhất là các em phải được nhìn thấy gương sáng ở
chung quanh, vì các em rất thích bắt chước. Nếu các em còn quá nhỏ, mà
đã bỏ rơi các em, để mặc các em quyết định mọi sự, thì quả thật các em
sẽ không biết phải làm thế nào, các em sẽ trở thành bơ vơ hoảng hốt. Và
như vậy là người lớn đã cư xử tàn ác với trẻ để các em sinh ra mặc cảm,
sợ sệt.
Ở
những năm đầu tiên, thời gian quyết định sự phát triển cho con người
này, các em cần được thấy có sự che chở, bảo bọc, âu yếm, vuốt ve, đời
sống tâm lý các em mới thăng bằng để có thể phát triển đều đặn cả tinh
thần lẫn cơ thể.
Chỉ
đến khi nào trẻ đã tới một trình độ có thể, cha mẹ hãy buông nó ra từ
từ, tập dnầ cho đến lúc nó già dặn. Vừa hướng dẫn, vừa buông dần ra để
tập cho trẻ quen với đời, như là người ta đã tập cho đứa trẻ biết lật,
biết bò, biết đi. Đó là cách cư xử đúng đắn và hợp lý, hợp lòng nhân
đạo. Đó là giáo dục.
Dần
dần, trẻ em sẽ nhận thức được ý nghĩa và hậu quả bởi các hoạt động của
nó. Do đó, trẻ tự xây dựng được những khuôn mẫu giá trị. Sau nhiều học
hỏi, vốn liếng về cuộc đời đã vững vàng, trẻ sẽ có thể rời khỏi vòng tay
che chở của cha mẹ mà không đến nỗi hoang mang, lo lắng. Các trẻ em sẽ
trở nên ngoan, đồng thời cũng sẽ đầy tự tin với những vốn liếng kiến
thức các em đã thâu thập qua những năm đầu được giáo dục. Nếu sự giáo
dục được nghiên cứu để hòa hợp với sự phát triển của cơ thể các em, dựa
theo đời sống tinh thần các em, thì các em sẽ càng thêm nẩy nở óc sáng
kiến.
Cho
nên trong sự giáo dục, người ta rất lưu ý tới vấn đề tạo cho trẻ cơ hội
phát huy óc sáng kiến. Nhưng người ta lại cũng giới hạn rõ ràng giữa
sáng kiến và phóng túng. Một đứa trẻ được giáo dục cẩn thận sẽ biết tổ
chức đời sống cho có thứ tự, ngăn nắp, chừng mực và biết áp dụng sáng
kiến vào công cuộc tạo dựng đời sống thứ tự, ngăn nắp và chừng mực ấy.
Nói
rằng "mất óc sáng kiến nó sẽ trở thành những đứa trẻ ngoan tối ngày chỉ
biết vâng lời cha mẹ", theo ý chị, nhận xét này sai lầm.
Chị
nghĩ rằng nếu không có óc sáng kiến, đứa trẻ sẽ trở nên đứa trẻ ù lì,
thụ động thì đúng hơn. Và đứa trẻ ù lì, thụ động không thể đồng nghĩa
với đứa trẻ"ngoan" rồi em ạ.
Em
thắc mắc rằng "nếu em là đứa trẻ ngoan thì em có phải là mầm mống của
tai họa ghê tởm nhất không?" Điều này, chị xin trả lời quả quyết với em
rằng hoàn toàn không đúng.
Nói
rằng "những người con ngoan sẽ chỉ trở thành những công dân luôn luôn
cúi đầu tuân theo lệnh nhà cầm quyền là điều đáng kinh tởm" thì lại
không hợp lý chút nào. Nếu nhà cầm quyền tốt, muốn đem dân tộc đến vinh
quang, no ấm thì bổn phận mỗi công dân là phải nỗ lực cùng với nhà cầm
quyền xây dựng quốc gia, để đạt tới kết quả đó.
Trong trường hợp này, mà lại cứ chống đối, thì chỉ là thái độ của những kẻ phá hoại, không có thiện chí và lòng yêu nước.
Những kẻ đó sẽ không biết lúc nào cần đả phá và lúc nào cần xây dựng.
Những kẻ đó có thể coi như mắc bệnh thần kinh, chỉ thích làm trái ngược với tập thể, bất luận phải trái, hay, dở.
Sự chống đối chỉ là điều bất đắc dĩ chứ không phải hễ sinh ra đời là phải chống đối mọi người.
Nhưng
lịch sử đã cho chúng ta thấy những cuộc khởi nghĩa cần thiết. nổi lên
để chống đối nhà cầm quyền tàn ác, thì lại do những người con ngoan,
được hấp thụ một nền giáo dục tốt lãnh đạo.
Anh
hùng non Lam, Lê Lợi, là con nhà hào phú có uy tín, đức độ, chắc chắn
phải là con ngoan. Nguyễn Trãi, Trần Bình Trọng, Nguyễn Biểu, Lê Quýnh
v.v... hẳn phải là con ngoan trong gia đình. Gần đây, chúng ta thấy,
liệt sĩ Nguyễn Thái Học, các cụ Phan Sào Nam, Phan Chu Trinh, và hàng
ngàn hàng vạn người khác đã đứng lên đáp lời sông núi, hẳn là phải được
giáo dục cho biết sống đời đáng sống. Vậy thì không thể nói rằng những
người con ngoan sẽ chỉ biết cúi đầu. Trái lại, những người con ngoan mới
đủ tư cách để biết ngẩng đầu, khi tổ quốc lâm nguy. Và cũng chính lúc
những người con ngoan ngẩng cao đầu đáp lời sông núi đó, thì những người
con không được hưởng một nền giáo dục tốt, những người con chỉ biết
chống đối cha mẹ bất phân phải trái kia, sẽ nhân cơ hội để thừa nước đục
thả câu mưu đồ vinh thân phì gia.
Chị quả quyết rằng những người làm nên lịch sử, hầu hết đều đã từng là những người con ngoan..
Những
người đó đã biết vâng lời dạy dỗ nêu cao gương trung, hiếu, tiết,
nghĩa, nhân, lễ, trí, tín, tam cương ngũ thường, tam tòng tứ đức. Những
lời dạy dỗ đó rất đáng được tuân theo, không lý do gì lại chống đối, lại
không vâng lời. Hẳn các em cũng đã nghe nói đến chuyện bà Mạnh Mẫu mẹ
thầy Mạnh Tử, nổi tiếng là bậc hiền mẫu, đã đổi chỗ ở ba lần để thầy
Mạnh (khi đó còn nhỏ) không vì gương xấu mà hư người. Bà dạy con rất
nghiêm, có lần bà bẻ gẫy cả khung cửi để răn con. Thầy Mạnh Tử nhờ biết
vâng lời mẹ, mà sau trở nên một bậc đại hiền được đời tôn là Á Thánh.
Vâng lời mẹ đến như thế, mà thầy Mạnh không hề là tai họa cho xã hội.
Trái lại, nhờ được giáo dục chu đáo, óc sáng kiến của thầy lại càng nẩy
nở, đã giúp thầy sáng lập hẳn ra một học thuyết viết thành sách. Người
sau nhắc nhở đến thầy Khổng, thầy Mạnh coi như là thầy của muôn đời.
Sách
báo nói về tội phạm đã cho chúng ta thấy rằng phần lớn những tội nhân
đại hình vì làm điều tán ác, đều đã trải qua một thời thơ ấu không được
giáo dục cẩn thận. Họ đã nhiễm thói quen chống đối cha mẹ hoặc không
được cha mẹ thương yêu từ khi còn nhỏ.
Một
số nhà tâm lý cũng cho biết rằng những người hay cay cú với đời, khó
thích hợp với mọi người, cũng thường thuộc thành phần khi nhỏ hay chống
đối cha mẹ hoặc không được sống trong gia đình êm ấm và dĩ nhiên không
thuộc thành phần "ngoan".
Tóm
lại, chị xin xác định với các em rằng các em cứ ngoan đi, cứ vâng lời
cha mẹ thầy cô đi. Đó là những người đã dầy kinh nghiệm trường đời, sẽ
dạy các em lời hay lẽ phải. Nhưng đồng thời, các em vẫn phát huy óc sáng
kiến trong vòng sự vâng lời đó. Hãy có sáng kiến khi thi hành mệnh
lệnh.
Ai
cũng biết rằng trẻ em Nhật Bản rất vâng lời cha mẹ. Thế nhưng, sự ngoan
ngoãn vâng lời đó không hề đưa dân Nhật vào tai họa kinh tởm nào cả, mà
trái lại, chỗ đứng của họ trên thế giới ra sao, lòng ái quốc của họ đến
đâu, óc sáng kiến của họ phi thường bậc nào, hẳn thế giới đều phải
thấy.
Chị
nghĩ rằng, nếu có một xã hội mà lại sản xuất ra toàn những đứa trẻ hư
hỏng, hỗn láo, chống đối cha mẹ bất phân phải trái thì điều đó mới chính
là tai họa kinh tởm các em ạ.
Chị ĐỖ PHƯƠNG KHANH
(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 127, ra ngày 1-8-1974)
Không có nhận xét nào:
Không cho phép có nhận xét mới.