Thứ Hai, 6 tháng 2, 2017

AI CŨNG CÓ MỘT THÀNH TRÌ ĐỂ BẢO VỆ - Nguyễn Hiến Lê dịch


Người giao hàng ngừng chiếc cam nhông ở trên con đường chạy sát khu vườn của tôi, nheo nheo cặp mắt, hỏi:

- Bà trang hoàng lại cảnh trí đấy ư?

Chú ấy nói hơi quá. Nhưng quả thực là dọc theo hàng rào mà tôi đương sơn lại, có đầy những vấy sơn trắng. Mũ và chiếc áo bờ lu của tôi cũng vậy.

Hàng rào của chúng tôi không giống những hàng rào khác. Nó như một đứa trẻ hư, cứ phải trông nom săn sóc hoài. Và lúc này đây, lưng muốn gãy, tôi khó nhọc mới đứng thẳng lên được, nhìn lại thì sao mà thấy nó dài thế, vô tận. Mỗi mùa xuân mang sơn và cọ ra, tôi can đảm bắt tay vào việc. Nhưng mới sơn được một quãng trắng lốp thì bực mình nhận thấy rằng khúc rào mới sơn lại mùa thu trước bây giờ đã có vẻ tồi tàn, bỏ bê, như thầm trách tôi vậy.

Nhà cửa cũng vậy. Vừa mới sửa sang căn phòng này thì đã thấy cần phải thay tấm màn hoặc tấm thảm một căn khác.

Hoặc là nhà dột, làm hoen ố trần, tường, hoặc là cái bơm nước bỗng nhiên hư, cần phải thay.

Mà nghĩ cho cùng, cơ thể tôi cũng vậy, rầu quá chừng. Luôn luôn có một bộ phận nào đó để phải bồi bổ. Dù là về thể chất, trí tuệ hoặc tinh thần, luôn luôn phải coi lại hoài. Nhưng chẳng sớm thì muộn, sẽ tới một lúc tôi già quá, không sơn lại được hàng rào này nữa và phải có một người khác làm thay tôi. Thế thì tại sao không buông xuôi ngay từ bây giờ đi, mặc cho cơ thể tôi và mọi sự ở chung quanh muốn ra sao thì ra?

Tại sao ư? Tôi thực tình không hiểu nổi, chỉ biết rằng tôi không thể buông xuôi như vậy được. Có cái gì khác quan trọng hơn chứ không phải chỉ như cái hàng rào này.

Tôi nhớ lại mà thương một cô bạn trẻ của tôi, cô Jeanne, sống trong một căn nhà nhỏ xíu với chồng và ba đứa con. Mỗi buổi sáng cô phải lo bữa điểm tâm cho bốn người háu ăn đó, và chỉ mấy giờ sau họ lại đói rồi,, ngày nào cô cũng phải rửa chén, mà hôm sau đã lại dơ rồi, như vậy quanh năm. Cô thú với tôi rằng có lúc muốn điên lên, bỏ mặc mọi việc, để thoát cái cảnh nô lệ hao mòn tinh lực đó, dù chỉ thoát được một ngày thôi.

Nhưng cô nghĩ lại, cô thoát đi được thì đĩa chén cũng vẫn nằm ỳ ra đó chờ cô về, và cô dành rán chịu vậy. Hầu hết chúng ta cũng như cô. Mà chồng cô cũng như cô, đi làm về vẫn ra nhổ cỏ, mặc dầu biết rằng ngày hôm sau lại nhổ nữa; hoặc hớt bồn cỏ để tuần sau lại hớt nữa.

Đâu đâu cũng vậy, ai ai cũng vậy, phải làm đi làm lại hoài những công việc đơn điệu, chán nản, đôi khi như vô nghĩa, vô ích đó để chống lại sự bỏ bê, buông xuôi. Vậy mà đa số chúng ta vẫn lau chùi, sửa chữa nhà cửa, mọi vật để cho khỏi sập, đổ, để lấp những lỗ hổng cho quân thù khỏi len lỏi vào thành trì của ta – và đó là cái vinh dự của nhân loại.

Đó không phải chỉ là bản năng tự vệ mà thôi đâu.

Cô Jeanne kể chuyện với tôi:

- Chị biết bà Frayer ở bên cạnh nhà em chứ? Tội nghiệp, có hồi làm công việc ngập tới cổ, bà ta chán nản quá, bỏ mặc hết, qua khóc lóc kể lể tâm sự với em. Rồi khi bà ta thấy nhà em cái gì cũng sạch sẽ, ngăn nắp thì bà vừa giận em vừa giận mình. Bà thấy như vậy thì công việc nhà đâu có gì là quá sức, và bà trở về tiếp tục dọn dẹp, quét tước. Nếu bà thấy em buông xuôi thì có lẽ bà cũng buông xuôi như em, tâm trạng chán nản đó sẽ lan qua các nhà khác trong xóm, như một bệnh dịch.

Rồi cô nhìn tôi, kết luận, vẻ suy tư:

- Nhưng có lẽ em làm việc nhiều quá chăng?

Không, thành thực mà nói, cô đâu có làm việc nhiều quá.

*

Người giao hàng thấy tôi sơn hàng rào, bảo tôi:

- Bà làm một việc thiện đấy. Nhờ bà mà con đường này có vẻ duyên dáng.

Tôi đâu có nghĩ tới khía cạnh đó. Nhưng khi xách thùng sơn và cây cọ ra, có thể rằng trong thâm tâm, tôi bất giác nghĩ tới một bổn phận đối với hàng xóm, tới bổn phận làm cho con đường này đẹp đẽ. Với lại, nếu gia đình nào trong xóm cũng săn sóc căn nhà của mình, thì tấm gương đó có thể ảnh hưởng tốt tới tinh thần của toàn thể thị trấn. Ta liệng một hòn đá xuống nước, những gợn sóng tròn lan ra, mỗi lúc một rộng.

Sự thực, các nền văn minh suy sụp không phải vì thua trận hoặc vì những tai ách vật chất đâu. Sự tan rã phát sinh từ bên trong – vì các công dân trung lưu đã bắt đầu làm quấy quá cho xong việc, đã vi phạm đạo đức để kiếm một cái lợi phù du, do làm biếng hoặc thờ ơ mà không làm tròn bổn phận với gia đình, với tổ quốc. Tinh thần chủ bại đó lan từ nhà này tới nhà khác cho tới khi sự nghiệp mà tổ tiên gắng sức xây dựng sụp đổ, tan rã lần lần, và họ phải chịu cái ách của quân xâm lăng dã man.

Về phương diện đó, không người nào để có thể nói rằng mình hư hỏng thì mình chịu, không liên can gì tới người khác. Liên can chứ, sao lại không? Dù ta có cảm tưởng rằng mình chỉ là hạng vô danh tiểu rốt thì ta vẫn là một chiếc khoen quan trọng trong sợi dây xích sinh hoạt. Vì không được giữ gìn, cái khoen hóa sét, gẫy ra thì dĩ nhiên là cả sợi dây xích cũng đứt.

Một bà bạn tôi bây giờ lớn tuổi, đau khổ, rầu rĩ; nhưng hồi xưa gia đình bà có hạnh phúc lắm. Bà sanh được hai người con gái rồi tới một người con trai tên là Pierre. “Cậu út” này đẹp trai, dễ thương, thông minh, được cha mẹ cưng vô cùng. Có những tật mà nếu hai cô chị mắc phải thì bị rầy la rồi, cậu mắc phải thì hai ông bà chỉ cho là cậu còn ngây thơ, non dại, chưa biết gì, nghịch ngợm một chút vậy thôi.

Bắt gặp cậu “thó” tiền trong túi tiền của mẹ, hỏi thì cậu nói dối, chối này chối nọ, mà hai ông bà cũng chỉ rầy qua loa (trò nghịch ngợm của trẻ, con nít đứa nào mà không táy máy, ăn cắp như ranh). Khi “cậu Út” không chịu làm bài thì ba gà cho, mặc dầu thói giúp đỡ trái phép đó có khác gì một trò gian lận. Nhưng cha mẹ cậu dẹp bỏ qui tắc đi cho nó nhẹ mình chứ không chịu áp dụng nó để sửa đổi thái độ của mình cùng tính nết của cậu con cưng.

Lớn lên, Pierre thành một trong những nhân viên điều khiển ngân hàng trong tỉnh, tìm cách đầu cơ, thất bại, rồi gian trá, sửa đổi sổ sách kế toán, rốt cuộc phải vô khám, làm cho nhiều người trong tỉnh khánh kiệt tài sản.

Bà thân mẫu của cậu bảo tôi:

- Không ai hiểu được làm sao mà nó tới cái nỗi đó. Nhưng tôi, tôi hiểu lắm. Từ hồi nhỏ, nó đã hư hỏng rồi, nó đã ăn cắp tiền của tôi rồi. Vợ chồng tôi đã tìm đủ lí lẽ để tha lỗi cho nó, chúng tôi nhu nhược không coi chừng nó kĩ lưỡng. Chúng tôi đã nhắm mắt bỏ qua.

Nhắm mắt lại để khỏi thấy những cái hư hỏng ở trong bản thân và chung quanh ta, việc đó dễ quá mà! Mà tánh biếng nhác đó, do một cách thức bí mật, kì dị nào đó, làm cho những đức tính của ta biến lần lần thành tật xấu. Như trường hợp một kĩ sư tài giỏi nọ, dùng trí thông minh để tránh những điều kiện trong việc thầu xây cất, mà kiếm cho nhiều lời. Hoặc như một người nọ có nhiều thiện chí khi muốn làm chính trị, rồi vung tiền ra mua phiếu cử tri, rốt cuộc phản lại họ một cách dễ dàng. Những kẻ đó như những anh lính canh thành trì đã giao thành trì cho địch. Nếu hồi mới vô nghề, họ nhận được nỗi nguy hiểm của những lầm lẫn nhỏ nhặt hàng ngày, thì có lẽ họ đã thành những nhà chỉ huy được kính trọng, chớ đâu có đến nỗi sa cơ, kéo theo nhiều người khác trong sự sụp đổ của họ.

Mỗi khi chúng ta nhu nhược, tìm cớ để không theo đúng qui tắc, lương tâm của mình, là chúng ta phản bội tổ tiên đã tốn biết bao công để gây dựng nền văn minh. Vì sở dĩ thế giới được như ngày nay – một thế giới tuy chưa hoàn hảo, nhưng có thể trường cửu được, cao hơn thế giới của các rợ bán khai một chút – là nhờ sự gắng sức liên tục của những người đàn ông và đàn bà vô danh, kiên nhẫn làm hoài công việc đơn điệu của mình mỗi ngày sao cho được hoàn hảo hơn, bằng một cách thông minh hơn.

Cặm cụi, từng phiến đá một, những người đó đã xây thành trì, đến lượt chúng ta phải bảo vệ thành trì đó.


I. Wylie              
NGUYỄN HIẾN LÊ dịch
(Trong Ý Cao Tình Đẹp)  





(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 136, ra ngày 15-3-1975)


Nguồn : https://tuoihoandmore.blogspot.com