Thứ Năm, 2 tháng 2, 2017

CHIẾC BÌNH VÀNG - Nguyễn Đình Toàn


Ngày xưa, có một ông Vua vô cùng độc ác.

Lòng ông ta cứng rắn đối với người cũng như đối với súc vật. Không bao giờ nhà Vua tỏ lòng thương xót một ai, cũng không bao giờ nhà Vua vuốt ve một con chó.

Tất cả, từ vật hèn mọn đến kẻ quyền quý, đều sợ hãi ông ta.

Và trên đời, nhà Vua cũng chỉ sợ có một điều : tuổi già.

Ngày nào nhà Vua cũng ngồi trên chiếc gối tựa của mình hàng mấy tiếng đồng hồ, với chiếc gương trong tay. Nếu nhìn thấy một sợi tóc bạc, Ngài vội vàng cho nhuộm lại. Nếu trông thấy một nếp nhăn trên mặt, nhà Vua nhẹ nhàng xoa nắn để tìm cách làm cho biến đi.

- Bởi vì, nhà Vua nói, tất cả mọi người sợ ta vì ta còn trẻ và khỏe mạnh, nhưng khi ta già rồi, sẽ không còn kẻ nào phục tòng ta nữa.

Và để không còn chút gì nhắc nhở đến sự già nua của mình nữa, nhà Vua ra lệnh giết hết những người già.

- Ta chỉ muốn nhìn thấy những gương mặt trẻ trung quanh ta mà thôi, Ngài phán.

Bất hạnh cho những người mái tóc đã trở nên bạc. Họ bị lính của nhà Vua dẫn ra những nơi công cộng. Ở đó, họ lần lượt bị chém đầu.

Từ khắp nơi, đàn bà, trẻ con, thiếu nữ, thanh niên, đổ tới kêu xin nhà Vua hãy tha mạng cho chồng, cho cha họ.

Nhưng nhà Vua vẫn bất động.

Cuối cùng, nhà Vua mệt mỏi vì đã phải nghe ngày này qua ngày khác những lời van xin và nước mắt. Ngài bèn gọi đám ngự lâm quân tới, truyền cho các người này, hãy đi khắp nơi, từ các ruộng rẫy, đồng bằng, làng mạc, đến các tỉnh thành, đại lộ, hang cùng, ngõ hẻm, truyền rao một ân đức của nhà Vua.

Đám ngự lâm quân vội vàng thắng ngựa tốt, phi đi khắp mọi nơi. Ở mỗi ngã tư, mỗi công trường, đám ngự lâm quân đều dừng lại, thổi kèn, kêu lên:

- Nghe đây! Nghe đây! Hoàng Thượng ban cho toàn dân một ân huệ. Ai vớt được chiếc bình vàng chìm dưới long trì trước cung điện, cha kẻ đó sẽ được tha mạng và được giữ luôn chiếc bình làm tiền thưởng. Lượng Vua ban thế!

Nhưng kẻ nào tới mà không vớt được chiếc bình, không những cha kẻ đó sẽ bị chết mà chính kẻ đó cũng bị chém đầu như cha mình vậy. Mỗi buổi sáng, hãy nghe cho kỹ, chỉ có một người được thử mà thôi. Lệnh Vua ban thế!

Ngay sau khi đám ngự lâm quân bố cáo xong lệnh Vua, từng đám thanh niên đã kéo nhau đến trước cung điện của nhà Vua.

Kẻ nào cũng muốn mình là người thứ nhất tới nơi, để vớt chiếc bình vàng và cứu mạng cha.

Việc có vẻ dễ dàng đối với những tay bơi giỏi và nhất là những người lặn hay.

Thành hồ dốc và cao. Và đứng nghiêng mình đi một chút người ta có thể trông thấy rõ ràng dưới đáy nước trong veo, chiếc bình vàng tuyệt đẹp, chạm trổ tinh vi, với chiếc quai cong thanh nhã.

Chín mươi ngày trôi qua.

Chín mươi cái đầu trẻ trung đã bị rơi xuống bởi vì, không kẻ nào trong đám chạm tới được chiếc bình vàng dưới mặt nước sáng và trong veo…

Thuở ấy, trong nước nhà Vua ngự trị, có một người con trai tên là Asker.

Asker yêu cha lắm. Và khi cậu nhận ra cha mình bắt đầu già, nhận ra những nếp nhăn đầu tiên hiện trên mặt cha, nhận ra những sợi tóc trắng thứ nhất mọc chen với những sợi tóc đen trên đầu ông, cậu bèn đem cha vào trong núi, cất một túp lều giữa những hang đá và giấu người cha già trong đó.

Và mỗi buổi chiều, sau khi mặt trời lặn cậu lén lút tới thăm cha và mang đồ ăn lại cho ông.

Một buổi chiều kia, Asker ngồi yên lặng rất lâu bên cha, trong túp lều.

- Con trai yêu của ta, đứa con hiếu thảo nhất trong những đứa con ta – ông già nói – nỗi lo âu nào làm con bối rối, nỗi buồn nào gậm nhấm tim con? Có phải con đã mỏi mệt vì mỗi chiều phải lặn lội đến thăm cha?

- Không, thưa cha, con không hề mỏi mệt vì mỗi chiều phải lặn lội lên đây. Để được nhìn thấy cha mạnh khỏe, để được nhìn thấy cha bình yên vô sự, con sẵn sàng vượt con đường dài gấp ba như thế, vất vả gấp ba như thế. Việc làm con bận tâm là việc khác. Ngày đêm con không ngớt nghĩ tới chiếc bình dưới đáy hồ nhà Vua. Con đã suy nghĩ mãi mà không hiểu nổi tại sao, khi đứng ở trên bờ ngó xuống, chiếc bình hiện ra rõ ràng đến nỗi, người ta tưởng chừng chỉ cần giơ tay cầm lấy. Thế nhưng, khi có kẻ nhào xuống, nước bị xao động, chiếc bình lại biến mất tựa bị đáy hồ nuốt đi.

Ông lão ngồi yên nghe con nói. Suy nghĩ một hồi, sau cùng ông hỏi con:

- Này con, ở ven hồ, chỗ phía trên chiếc bình, có một cái cây nào không?

Người con đáp:

- Thưa cha có. Trên bờ hồ, ngay ở phía trên chiếc bình, có một cái cây, cành lá rậm rạp.

- Con thử nhớ lại xem, cái cây có in bóng xuống nước không?

- Có, thưa cha, cái cây có in bóng xuống nước.

- Con hãy nói cho cha hay thêm, có phải chiếc bình được trông thấy đúng ở ngay trong bóng cây đó không?

- Vâng, thưa cha, đúng chiếc bình vàng nằm trong bóng đám lá xanh đó.

- Vậy thì con hãy lắng nghe cha đây – ông lão nói – Con hãy trèo lên cái cây đó. Ở đấy con sẽ tìm thấy chiếc bình vàng của nhà Vua. Chiếc bình con nhìn thấy dưới nước, chỉ là cái bóng của nó cũng như cái cây mà thôi.

Nhanh như một mũi tên, người con trai băng qua núi trở về nhà và ngày hôm sau, anh đến yết kiến nhà Vua để xin dự cuộc thử thách.

Chàng vừa tiến tới trước nhà Vua, vừa nói:

- Muôn tâu Hoàng Thượng, kẻ hạ thần xin mang đầu để vớt chiếc bình, kẻ hạ thần sẽ lấy được chiếc bình, và lần này Ngài sẽ phải giữ lời hứa.

Nhà Vua mỉm cười phán:

- Rồi sẽ hay. Ta chỉ còn thiếu một cái đầu nữa là đủ trăm. Con đã đến đúng lúc, hỡi con.

Người con trai nói:

- Kẻ nào còn sống sẽ thấy! Lần này Ngài sẽ thua cuộc và đầu hạ thần sẽ còn ở trên cổ.

Nhà Vua bảo:

- Nào, nhà ngươi hãy cứ thử thời vận xem sao.

Và nhà Vua ra lệnh cho các tôi tớ của Ngài hãy sửa soạn để chặt cái đầu thứ một trăm.

Asker tiến tới ven hồ và không ngần ngại một chút nào, thay vì nhào xuống nước như tất cả chàng trai khác trước chàng đã làm, Asker bước lại phía cái cây, ôm lấy thân cây và trèo lên.

Đám đông tụ tập quanh hồ đều thốt ra một tiếng kêu kinh ngạc và thương hại.

- Chàng trai khốn nạn – những người này bảo – sự sợ hãi đã làm cho hắn điên rồi.

- Có lẽ hắn muốn leo lên cây cho cao để nhào xuống – những người khác nói.

Trong khi ấy, Asker đã leo lên tới ngọn cây, và ở đó, chàng đã khám phá ra chiếc bình vàng, cổ nhỏ, chạm trổ tinh vi với chiếc quai cong thanh nhã, treo trong đám lá.

Chỉ có điều chiếc bình đã được treo ngược, để có vẻ như được đặt dưới đáy nước trong, nơi mà nó tự phản ảnh như trong một tấm gương.

Chàng trai trẻ gỡ chiếc bình, mang tới cho đức Vua.

Nhà Vua vô cùng ngạc nhiên. Ngài phán:

- Ta không tin nhà ngươi có thể thông minh đến thế. Có thật chính nhà ngươi đã nghĩ ra được cách lấy chiếc bình không?

Asker đáp:

- Không, một mình kẻ hạ thần không nghĩ ra được việc đó. Nhưng kẻ hạ thần có một người cha già, kẻ hạ thần đã phải mang giấu trong núi, xa các tôi tớ của Ngài. Chính cha của kẻ hạ thần là người đã đoán ra nơi có chiếc bình.

Nhà Vua trở nên tư lự, bảo:

- Nếu vậy, thì ta tin rằng người già khôn hơn người trẻ, vì chưng chỉ một người già, chẳng cần tới bên hồ mà thấy được cái cả trăm người trẻ đã đến tận nới mà không thấy.

Và cũng từ đó, trong nước của nhà Vua ấy, mọi người đều tôn kính các bậc già cả, và khi thấy một người tóc bạc, da mồi đi qua, mọi người đều xích ra nhường chỗ và cúi thấp xuống chào.


NGUYỄN ĐÌNH TOÀN dịch


(Trích tuần báo Thiếu Nhi xuân Quý Sửu, 1973)


Nguồn : https://tuoihoandmore.blogspot.com