Thứ Năm, 2 tháng 2, 2017

MÙA XUÂN ĐÃ MẤT - Nguyễn Hoành Sơn


Xuân Bính Ngọ, ANH TÔNG niên hiệu, là một mùa xuân thanh bình, cường thịnh trên đất nhà NAM.
 
Vua Anh Tông là một ông vua có hiếu, thông minh, chăn dân, trị nước nghiêm, mở mang văn học nhân trí. Nhờ vậy mà khắp nước được ấm no, yên ổn. Tuy thỉnh thoảng cũng có một vài cuộc dấy động của giặc Lào quấy nhiễu hai địa phận lân cận là Thanh Hóa và Nghệ An. Nhưng vua và tướng Phạm Ngũ Lão thân chinh đi dẹp, mới yên ổn trở lại trên toàn cõi bờ.
 
Tiếng pháo giao thừa nổ ròn khắp thành thị thôn xóm, vọng vào hoàng cung làm vua Anh Tông ngậm ngùi chợt nhớ đến một người con gái tài sắc vẹn toàn – một cành vàng lá ngọc đã dám hy sinh cả cuộc đời hoa gấm, vàng son của mình cho tổ quốc quê hương, để mua sự yên vui thanh bình cho trăm họ muôn dân. Vị anh hùng liệt nữ đó không ai xa lạ cả, mà chính là Quận Chúa HUYỀN TRÂN, con gái của Thái Thượng Hoàng TRẦN NHÂN TÔNG, em gái vua Anh Tông nguyên trị, người con gái mà hóa công đã ganh tài, ghen sắc. Ngoài tấm nhan sắc thanh lịch, kiêu sa mỹ miều kia, quận chúa Huyền Trân còn có tài đề thơ, họa hình, nhất là ngón đàn tì bà điêu luyện của nàng chẳng khác chi cung đàn tuyệt diệu của Vương Thúy Kiều ngày xưa. Chỉ khác, cung đàn bạc mệnh của Thúy Kiều làm cho trời sầu đất thảm, ngược lại, khi đôi tay ngà ngọc của Huyền Trân Quận Chúa đặt lên phím đàn thì mọi con tim của mọi vật rộn rã tươi vui, mọi nhịp sống chuyển vươn lên với niềm tin yêu mãnh liệt, chim ngưng tiếng hót lắng nghe, hoa trong vườn ngự uyển khép cánh ngẩn ngơ. Âm thanh vút cao ngút ngàn lảnh lót đem thái bình cho người người và đất nước.
 
Gà gật bên chung hồng tửu, vua Anh Tông ngả người trên vai Thượng tướng Trần Khắc Chung mà rằng :
 
- Nầy Trần Tướng Quân, xuân nầy cũng như bao mùa xuân trước, cớ sao ta cảm thấy hoàng cung bỗng trở nên vắng lặng. Quanh ta muôn tiếng chúc tụng như một lời nhắc nhở…
 
- Tâu bệ hạ, khắp nước muôn dân đang an hưởng một mùa xuân thanh bình thịnh trị, đó cũng là nhờ hồng đức của Thượng hoàng và bệ hạ. Hoàng cung không thiếu món gì : ngọc ngà châu báu quý lạ nhất bệ hạ cũng sẵn có. Còn hoài vọng gì hơn mà thần thấy long nhan kém tươi ?
 
Nhà vua nhìn xa xăm :
 
- Một ông vua ngự trên ngôi cao chín bệ, dưới trướng kẻ hầu người hạ, tam cung lục viện đầy cung tần mỹ nữ, binh tướng trùng trùng điệp điệp, vàng bạc châu báu chất đầy kho, nhưng chưa chắc đã là hạnh phúc. Cũng như tướng quân đó. Trăm trận trăm thắng, sử sách sẽ ghi danh muôn đời, nhưng Trần tướng quân chắc gì đã sung sướng hơn thiên hạ ?
 
- Bẩm, hạ thần tưởng hạ thần là kẻ bất hạnh nhất trong thiên hạ mà thôi. Mấy lời vàng ngọc của bệ hạ ban cho quá đáng làm cho hạ thần thấy tủi hổ phận làm trai. Tài kiếm cung cũng chỉ đến thua một nhi nữ…
 
Khắc Chung nói xong cúi mặt, vua Anh Tông đọc thấu mối giao động trong lòng viên tướng trẻ. Nhà vua lại nhớ đến quận chúa Huyền Trân vì lời tâm sự kín đáo của Khắc Chung :
 
- Trần tướng quân còn nhớ cành hoàng mai trong vườn ngự, nay thái thượng hoàng đã đem cho Chiêm Vương đem trồng trong ngự uyển tầm thường của Chiêm quốc. Vườn ngự của ta thiếu cành hoàng mai đó nên cả hoàng cung trở nên vô nghĩa khi tiết xuân về. Và Trần tướng quân, chắc tướng quân cũng đang rầu lòng như đã mất mùa xuân đó chăng ?
 
- Muôn tâu, bệ hạ định nhắc đến quận chúa HUYỀN TRÂN ?
 
- Phải, em gái ta, giờ nầy chắc đang vọng về cố quốc.
 
Khắc Chung chua xót :
 
- Hai châu Ô, Lý !
 
Nhà vua lại trầm ngâm :
 
- Tướng quân lẽ nào không hiểu, chẳng phải vì hai châu Ô, Lý mà Thái Thượng Hoàng ta đi đổi một Huyền Trân lá ngọc cành vàng ; mà vì muốn mua sự yên vui cho trăm họ lê dân. Em gái ta đã chọn cách xả thân cho tổ quốc, hy sinh một mảnh hồng nhan vô nghĩa. Riêng tướng quân, tấm lòng trung kiên ái quốc ta cũng hiểu. Việc gả Huyền Trân cho Chế Mân Vương là lệnh của Thái Thượng Hoàng ta không cãi được, nhưng lòng ta cũng đau xót lắm.
 
Yên lặng một hồi, vua Anh Tông mơ màng :
 
- Tướng quân có nhớ em gái ta về Chiêm quốc đã được bao lâu rồi chăng ?
 
- Bẩm, đã sáu mùa trăng.
 
- Sáu trăng, tức là sáu tháng vắng bóng em ta, tưởng chừng thế kỷ nay xa cách. Tội nghiệp cho quận chúa chừng nào.
 

Hai châu Ô Lý vuông ngìn dặm
Một gái Huyền Trân đáng mấy mươi
Lòng đỏ khen ai lo việc nước
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
 
Năm Tân Sửu (1301), Thái Thượng Hoàng Trần Nhân Tông nhân một cuộc du lịch sang Chiêm thành, vua tôi Chiêm Thành cung nghinh đón tiếp rất nồng hậu, khiến Thượng Hoàng Nhân Tông cảm tình nên hứa gả Quận Chúa Huyền Trân cho Chế Mân để thắt chặt tình hữu nghị giữa hai nước VIỆT – CHIÊM. Mùa xuân năm đó Chế Mân Vương đem vàng bạc châu báu, ngọc ngà quý vật sang triều cống để cầu thân. Vua Anh Tông và triều thần nhiều người không tán thành cuộc hôn nhân giữa Chế Mân và Quận Chúa Huyền Trân. Nhất là Thượng Tướng Trần Khắc Chung vì mối tình chưa kịp tỏ cùng Huyền Trân, thì tin Quận Chúa Huyền Trân về làm vợ Mân Vương như sét đánh ngang mày. Một phần nữa Trần Khắc Chung cho rằng việc hy sinh của Quận Chúa Huyền Trân là điều sỉ nhục cho một viên tướng như ông ; nên Khắc Chung đã tuốt gươm khỏi vỏ thề sẽ làm cỏ giặc Lào, Chiêm và sẽ san bằng đất Chiêm. Triều thần và vua Anh Tông tái mặt vì sợ Khắc Chung bị Thái Thượng Hoàng ghép vào tội khi quân. Vua Anh Tông cũng biết nỗi lòng thầm kín của Khắc Chung với Quận Chúa Huyền Trân nên không nỡ để Quận Chúa Huyền Trân hy sinh một đời hoa để về làm vợ một tên vua Hời, nhưng tất cả triều thần đến vua Anh Tông cũng không cãi được lệnh của Thái Thượng Hoàng Nhân Tông. Vua Anh Tông nghĩ ra được một kế là thách cưới thật gắt : ngoài ngọc ngà châu báu đi trong sính lễ còn buộc Chế Mân Vương phải tìm cho ra một thanh quế CHÂU THƯỜNG. Loại quế này rất hiếm có, chỉ ở mạn rừng núi Châu Thường Xuân (Thanh Hóa) họa hoằn cả trăm năm mới có một cây chưa lóc vỏ được. Sở dĩ vua Anh Tông thách cưới phải có một thanh quế Châu Thường là vì biết thứ quế đó chưa chắc đã có trong dương gian thiên hạ. Loại quế nầy gần như là một thần dược, người chết có thể hồi dương lại trong khoảng một tiếng đồng hồ khi sắc quế nầy với nước đổ vào miệng người mới tắt thở tức thì kẻ ấy sống lại. Vua Anh Tông đoán chắc Chế Mân không tài nào tìm ra loại quế quý đó để đi trong sính lễ. Và như vậy Chế Mân sẽ không cưới được Quận Chúa Huyền Trân, mà Thái Thượng Hoàng Nhân Tông cũng không mang tiếng bội ước với Mân Vương.
 
Nhưng trớ trêu thay, cuộc đời của Quận Chúa Huyền Trân như đã được tiền định phải xe duyên cùng Chế Mân , nên khiến xui cho Mân Vương tìm ra loại quế Châu Thường ấy sau ba năm ròng rã trèo đèo lội suối, băng rừng vượt biển, gần hai toán quân Chiêm bỏ mạng giữa rừng sâu nước độc mới thấy một cây, nhưng vừa lóc được một mảnh vỏ thì cây tự nhiên rũ lá.
 
Biết không thể cải được sự sắp bày của tạo hóa, vua Anh Tông đành phải vâng theo định mạng đã an bài cho cuộc đời của Quận Chúa Huyền Trân. Nhưng cũng chưa chịu thua lỗ trong sự hy sinh của Quận Chúa, vua Anh Tông bắt Chế Mân dâng hai châu Ô, Lý làm sính lễ. Mân Vương vui mừng vô tả. Vì mất có hai châu Ô – Lý, vài toán quân cùng một số vàng bạc báu vật mà cưới được một nàng tiên có một không hai trên trần thì còn gì bằng.
 
Tháng sáu năm bính ngọ (1306) quận chúa Huyền Trân lên đường sang Chiêm Quốc để suốt đời chôn chặt trong nghĩa đá vàng với một ông vua Hời.
 
Hoàng cung đang tưng bừng rộn rịp mở tiệc để tiễn đưa quận chúa Huyền Trân về nhà chồng. Trong khi đó, tại vọng nguyệt lầu, Huyền Trân quận chúa thẫn thờ dõi tầm mắt về nơi xa vắng như đang tìm trong khoảng bụi mờ, dấu chân con tuấn mã quen thuộc mang trên yên một viên tướng trẻ hiên ngang tuấn tú mà ngày nào định mệnh đẩy đưa, dong ruỗi để hai người gặp nhau. Lời tuy chưa tỏ, nhưng trong ánh mắt đã ngụ bao tình ý.
 
Cuộc tình chưa tỏ thì đã chia ly, Quận Chúa Huyền Trân về Chiêm Thành, để bước lên ngôi mẫu quốc của Chiêm quốc ; Thượng Tướng Khắc Chung mang mối tình vô vọng.
 
Thế là :
 
“Nước non ngàn dặm ra đi, mối tình si
Mượn màu son phấn đền nợ Ô Lý
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
Khúc ly tao cớ sao mà mường tượng nghê thường ?
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
Nhắn một lời Mân Quân nay chuyện mà như nguyện
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
Đắng cay trăm phần. . . . . . . . . .
 
Pháo vu quy báo hiệu giờ nạp lễ. Kiệu hoa đã ghé bên thềm. Trong hoàng cung những lời tống biệt não nùng, chua xót. Huyền Trân quận chúa nói trong màn lệ :
 
- Bái biệt Mẫu Hoàng, con đi.
 
Hoàng Thái Hậu rung động đôi bờ vai, vội vàng quay gót, khăn lụa điều ướt lệ. Quay sang vua Anh Tông, quận chúa Huyền Trân chỉ thốt lên được câu :
 
- Từ tạ Hoàng Huynh, em đi.
 
Vua Anh Tông quá đỗi xúc động, trao vội chiếc hộp cẩn ngọc thạch trong đựng đôi uyên ương cho quận chúa Huyền Trân gọi là quà cưới mừng cho quận chúa. Nhà vua nghẹn ngào :
 
- Quốc muội muôn năm.
 
Hoàng muội muôn năm.
 
Nhà vua cũng vội quay đi để giấu niềm cảm xúc chực dâng lên khóe mắt. Thượng Tướng Trần Khắc Chung bấu chặt chuôi gươm để khỏi bật lên tiếng uất nghẹn. Triều thần im lặng như tưởng niệm một oan hồn tử sĩ…
 
Gót hài đã quay thoắt, nhẹ đặt lên kiệu hoa. Đoàn cung nữ theo sau sụt sùi… Cửa hoàng cung từ từ khép lại khi kiệu hoa đã rời khỏi sân chầu. Bỗng vua Anh Tông thét gọi thượng tướng Khắc Chung :
 
- Trần tướng quân, hãy mau kíp ngăn cuộc hành trình của quận chúa. Hai châu Ô, Lý ta trả lại cho Mân Vương. Ta thân chinh làm cỏ giặc Chiêm, Lào, Mông Cổ nếu các nước đó muốn gây hấn với ta ; còn với Thái Thượng Hoàng ta xin chịu tội khi quân. Ta là anh, là vua của một nước kiêu hùng… Ta không nỡ để quận chúa hy sinh. Em gái ta… Trần tướng quân… mau lên kẻo không còn kịp…
 
Nhà vua buông mình xuống cẩm đôn, gục đầu trên tay ghế. Cẩm bào đã ướt lệ. Hoàng cung trở lại vắng lặng, chỉ còn tiếng thổn thức của một người đang khóc tình ruột thịt.
 
Kiệu hoa ra khỏi hoàng thành. Dân chúng chực sẵn hai bên đường. Mỗi người một chiếc khăn cầm tay, họ đưa lên mắt để chặm hai hàng nước mắt thương tiếc vị quận chúa tài sắc, người đã hy sinh cuộc đời hoa để đổi lấy sự an vui thái bình cho họ. Tiếng tung hô vang lên :
 
- Quận chúa muôn năm.
 
Qua bức rèm thưa, quận chúa Huyền Trân ứa lệ thở dài :
 
- Biết thuở nào trở lại cố quốc yêu dấu.
 
Từ triều thần, vua Anh Tông, và thần dân, ai cũng tiếc thương đời tài sắc của Huyền Trân quận chúa mà phải về làm vợ một người đàn ông Hời, dù kẻ đó là vua. Huyền Trân quận chúa dù làm một vị hoàng hậu, một vị quốc mẫu của dân Chiêm Thành – làm vợ vua, nhưng vua của một nước man rợ, kém văn minh, thì còn thua một trung thần, một viên tướng của một nước có hai ngàn năm văn hiến như nước VIỆT, huống gì, HUYỀN TRÂN lại là một quận chúa tài sắc vẹn toàn. Cũng vì vậy nên thời bấy giờ trong hàng văn nhân có người đã đặt bút viết hai câu ví nầy :
 
“Tiếc thay hạt gạo trong ngần
Đem vò nước đục lại vần lửa rơm”.
 
 
Cung điện Chiêm Quốc mở hội hoa đăng. Chập chùng tiếng kèn tiếng nhạc, pháo bông hoa giấy bay ngút ngàn.
 
Những đoàn vũ công nhảy múa quay cuồng. Y phục của vua Chiêm đến triều thần rực rỡ, đủ màu đủ sắc. Họ ngồi ngẩn ngơ, lơ láo. Giữa cảnh man dại ấy, Huyền Trân quận chúa cao sang, chói lọi như một vì sao trong bầu trời xám đen, ngự trên chiếc ngai vàng đặt song song với chiếc ngai của Chế Mân Vương. Chiêm vương đắm đuối nhìn quận chúa Huyền Trân tưởng như đang giấc chiêm bao, lạc vào thế giới địa đàng, tiên quốc.
 
Tiếng tung hô lại một lần nữa vang lên trong cung điện Chiêm Quốc :
 
- Hoàng Hậu và quốc Vương vạn tuế.
 
Mân Vương bước xuống ngai vàng, trang trọng đặt lên đầu Huyền Trân quận chúa chiếc vương miện hoàng hậu của Chiêm quốc, tha thiết nhìn hoàng hậu Huyền Trân mà rằng :
 
- Thần dân Chiêm Quốc là con của Hoàng Hậu, ta là tên nô lệ của Huyền Trân. Nguyện gìn giữ cõi bờ cho nước NAM , quê hương của Hoàng Hậu, dù phải phơi thây trên yên ngựa.
 
Hoàng Hậu Huyền Trân cảm động đáp lời :
 
- Thần thiếp đa tạ ơn sâu của bệ hạ, đã nghĩ đến tổ quốc của thần thiếp.
 

Mân Vương và hoàng hậu Huyền Trân sum họp được một năm thì Chế Mân mất. Theo tục Chiêm Thành thì vua băng hà các phi tần hoàng hậu phải hỏa thiêu chết theo. Vua Anh Tông biết tin Chế Mân chết, biết hoàng hậu Huyền Trân không thoát được tử thần theo tục lệ Chiêm Thành, nên phái Thượng tướng Trần Khắc Chung mượn tiếng tang điếu Chiêm Vương để tương kế tựu kế, đưa hoàng hậu Huyền Trân trốn về nước. Nhà vua bàn kế với tướng Khắc Chung rằng :
 
- Nầy Trần Tướng quân, ta nhờ tướng quân thay ta sang Chiêm Thành phúng điếu Mân Vương, sau nhờ tài mưu của tướng quân, giải thoát cho quận chúa Huyền Trân khỏi lên dàn hỏa thiêu. Hiền tướng quân có giúp ta được chăng ?
 
- Muôn tâu, hạ thần đã sẵn sàng, chỉ còn chờ chiếu chỉ của bệ hạ là lên đường. Nhưng việc đem quận chúa Huyền Trân trốn thoát về nước, thì hạ thần còn e ngại một điều…
 
- Trần tướng quân cứ nói, phải chăng điều mà tướng quân định nói là sợ Chiêm Thành cho rằng ta bội tín vì đem Huyền Trân trốn thoát ?
 
- Bẩm, hạ thần nghĩ vậy !
 
Vua Anh Tông cười ha hả mà rằng :
 
- Trần Tướng Quân há đã quên rồi ư ? Việc thái thượng hoàng gả quận chúa Huyền Trân cho Chế Mân vì chính trị hơn là hai châu Ô Lý của Mân Vương. Gả Huyền Trân cho Chế Mân, thái thượng hoàng cốt mượn Chiêm Thành làm phên dậu ngăn giặc Lào, Mông Cổ, và bớt đi một tên địch lợi hai đang ngày đêm rình rập ở kẽ nách ta. Đó cũng là một đường chính trị mà thái thượng hoàng đã hoạch định. Còn như hai châu Ô, Lý nay đã thuộc về cõi bờ của ta, Chế Mân cũng không còn nữa, ta giữ chữ tín với ai mà để quận chúa Huyền Trân phải oan uổng lên dàn hỏa thiêu cùng với một tên vua Hời cho đặng. Vậy việc giải thoát cho Huyền Trân là ván cờ ta đã thắng đối phương, cũng như ta đã đi hết con đường chính trị của thái thượng hoàng vạch sẵn. Trần tướng quân còn chần chờ gì nữa.
 
- Bẩm vâng, mạc tướng đang chờ lệnh !


Thuyền cập bến, triều thần Chiêm Thành dàn cảnh đón tiếp thượng tướng Trần Khắc Chung thật long trọng theo đúng nghi lễ bang giao giữa hai nước : quan quân, cờ xí rợp trời. Khắc Chung cũng lấy làm vui dạ vì triều đình Chiêm Thành đem lễ nghi đón rước của bậc vương đế đón rước chàng, nhưng lòng Khắc Chung bôn chôn chỉ mong gặp mặt hoàng hậu Huyền Trân. Vì thế nên ông đã yêu cầu dẹp bớt vài thủ tục đón tiếp rườm rà của triều đình Chiêm Thành mà chỉ xin được bệ kiến với hoàng hậu, và phúng điếu Mân Vương ngay sau khi rời khỏi thuyền. Triều thần Chiêm Thành nửa vì đang bận tang chế Mân Vương, nửa tưởng tướng nhà Trần thương tiếc Chế Mân muốn nhìn mặt Mân Vương lần cuối trước khi triều đình phát tang và hỏa táng, nên họ cũng làm vui lòng Khắc Chung.
 
Vừa đặt chân lên bệ chầu, Khắc Chung đã tối sầm mắt lại vì cảnh não lòng diễn ra trước mắt : trên long sàng, xác Chế Mân được đặt nằm ngay ngắn. Hai đội lính vệ mặc áo dấu phủ phục bên long sàng, hai hàng lính gươm trần sáng loáng dàn hai bên sân chầu như những bức tượng đồng đen đặt trước các chùa miếu. Trên tường, những ngọn bạch lạp cháy chập chờn, hiu hắt. Hoàng hậu Huyền Trân đầu quấn khăn sô, mình đeo dây gai, gục bên hương án Chế Mân. Thấy Khắc Chung bước vào, hai tỳ nữ vội dìu hoàng hậu Huyền Trân đứng lên, vuông lụa trắng che kín mặt hoàng hậu được giở ra. Khắc Chung bỗng đứng khựng lại, bàng hoàng, đau xót : trước mắt chàng, hoàng hậu Huyền Trân tiều tụy, võ vàng. Nét hoa ủ dột, phấn son phai nhạt trên khuôn mặt trái soan. Khắc Chung tự hỏi : “Huyền Trân đó chăng ?” Một nhan sắc thiên kiều bá mị mà ngày nào đã làm rung động trái tim kiêu dũng của một viên tướng, bây giờ héo úa ra thế rồi chăng ? Đôi mắt đẫm lệ kia – ừm, nàng đang khóc ? Nhưng Huyền Trân khóc ai ? Nàng khóc thương vua Hời? Hay khóc đời son phấn phải hy sinh cho đất nước non sông, nàng khóc phút biệt ly trần gian mà không có ta bên cạnh chăng ? Hay nàng khóc cho chiếc ngai vàng của Chế Mân, và ngôi vị hoàng hậu của nàng sắp mất khi Chế Mân không còn nữa trên cõi đời ? Nàng khóc cho bước chân len lỏi, khổ cực của ta vì nàng ? – chắc chắn là không – Nàng khóc tiếc tên chồng Hời của nàng ? Lòng thương cảm, ghen hờn của Khắc Chung làm chàng rối loạn, se lòng. Chàng chợt nhớ một năm trước, ngày Huyền Trân bước chân lên kiệu hoa về Chiêm Thành, để làm vợ Chế Mân – nàng không một lời chống đối, không một tiếng thở than, không nhắn gởi lại chàng một câu dù là một lời bóng gió, bằng khúc âm gợi buồn, hay bài thơ tỏ tình. Giờ đây, sau một năm cách biệt ngàn trùng mây nước gặp lại người xưa trong cảnh bẽ bàng, mặt nhìn mặt ngỡ ngàng. Khắc Chung rưng rưng mà rằng :
 
- Trần Khắc Chung xin ra mắt hoàng hậu. Vua và triều thần cho tôi thay mặt sang điếu tang quốc vương và hoàng hậu.
 
Đôi mắt đỏ hoe, hoàng hậu Huyền Trân chua xót :
 
- Giả ơn Trần tướng quân, ta đã không còn trên cõi đời từ lâu, chứ còn đến nay đâu mà điếu tang? Cố quốc, hoàng thái hậu và hoàng huynh ta vẫn bình an đấy chứ ?
 
- Bẩm, cố quốc vẫn không thay đổi !
 
Nói đến câu “cố quốc vẫn không thay đổi” Khắc Chung như tỏ cho quận chúa Huyền Trân biết một năm trời dù cách biệt, dù Huyền Trân đã sang ngang, nhưng người ở lại vẫn một lòng thủy chung, thương nhớ. Hoàng hậu Huyền Trân nghe như muối xát lòng, đau xót tận tâm can, đã nấc lên, lả người trên tay hai tỳ nữ hầu cận. Về đến cung riêng, thái giám mời quan ngự y đến chẩn mạch cho hoàng hậu. Quan ngự y cho biết “hoàng hậu Huyền Trân có thai vì yếu nên bị thai hành”. Đó là mưu kế của Khắc Chung và quan ngự y. Nói về quan ngự y tại sao lại về một lòng với Khắc Chung? Vì quan ngự y nầy của triều đình vua Trần anh Tông, khi sang Chiêm Thành Huyền Trân đã cho theo cùng với hai tỳ nữ thân tín của nàng thể theo lời yêu cầu của vua Anh Tông. Nhà vua sợ em gái một mình bơ vơ ở nước người nên cho kẻ thân tín theo cho có bạn, mà quan ngự y nầy không ai khác hơn là cậu ruột của hoàng hậu Huyền Trân. Quan ngự y và Khắc Chung sở dĩ bày kế hoàng hậu Huyền Trân có thai là vì muốn trì hoãn việc hỏa thiêu hoàng hậu Huyền Trân theo xác Mân Vương để có thì giờ đưa Huyền Trân trốn thoát về nước như sự hoạch định của vua Anh Tông. Cả quan ngự y và Khắc Chung cũng không biết rằng không phải chỉ nghe quan ngự y của hoàng hậu nói mà triều đình Chiêm Thành tin hoàng hậu có thai thật đâu, họ cũng sẽ đưa quan ngự y của quốc vương Chế Mân sang chẩn mạch cho hoàng hậu, nhưng việc chưa cấp bách bằng tang chế Mân Vương. Theo tục Chiêm Thành thì nếu có phi tần, hoàng hậu mà mang thai thì sẽ hoãn việc lên dàn hỏa cùng xác chồng cho đến khi sanh xong mới đưa đi chôn sống. Thế là tin hoàng hậu Huyền Trân có thai được truyền đi từ cửa miệng của quan ngự y, qua thái giám, đến triều thần, cuối cùng xuống đến dân chúng Chiêm Thành như trận mưa rào tưới lên ruộng lúa khô cằn hạn hán. Họ tin rằng hoàng hậu sẽ sinh hoàng tử để nối ngôi vua trong mai một, vì có thần linh phò hộ nếu không được biết sớm thì hoàng hậu phải lên dàn hỏa chết theo vua rồi còn đâu. Riêng hoàng hậu Huyền Trân lòng như tơ vò chỉ rối. Thứ nhất là việc phao tin hoàng hậu có thai, nếu triều đình Chiêm Thành phát giác ra việc man khai của quan ngự y rồi hậu quả sẽ đi đến đâu ? Việc thứ hai là Huyền Trân hoàng hậu thấy định mệnh đã an bài cho cuộc đời nàng dang dở rồi thì thôi “gái chính chuyên chỉ có một chồng” dù đã làm vợ một tên rợ Hời chăng nữa nhưng cũng mang tiếng có chồng. Lẽ nào còn nghĩ đến chuyện gì hơn. Làm lại cuộc đời ư ? Thôi cũng như đã hiến thân cho tổ quốc. Chết đâu cũng một lần chết, thà chọn cái chết danh thơm hơn sống vô nghĩa. Huyền Trân hoàng hậu bị dằn vặt giữa hai trào lưu tư tưởng : nên về với tình cốt nhục, hay chết trên dàn hỏa ? – chết trên dàn hỏa có nghĩa là chết theo chồng. Chết giữa dòng nước lũ, một vuông lụa, một bình độc dược ? – cái chết gần như người chiến sĩ chết giữa chiến trường ! Nghĩ đến đây hoàng hậu Huyền Trân ráo lệ trên mi. Bà trang điểm, thay xiêm y lộng lẫy mới gọi hai tỳ nữ vào mà rằng :
 
- Đêm đã khuya, ta cho hai ngươi đi nghỉ trước, chắc rằng ngày mai còn cuộc hành trình xa xôi lắm. Nhớ đánh thức ta vào lúc bình minh lên ngọn cỏ.
 
Hai tỳ nữ ngập ngừng thì Huyền Trân đã khoát tay ra lệnh bảo đi.
 
Sáng hôm sau khi bình minh treo lơ lửng sau vườn ngự, dọi vào vọng nguyệt lầu khiến hai tỳ nữ giật mình chạy vội vào phòng hoàng hậu. Nhưng cửa bên trong đã cài chặt. Bẩm thưa mãi cũng chẳng thấy tiếng trả lời của hoàng hậu, hai tỳ nữ hoảng hồn phi báo cả hoàng cung. Bá quan đổ xô vào cung riêng của hoàng hậu, kêu réo om xòm nhưng bên trong vẫn lặng như tờ. Khi phá cửa vào được thì tất cả sững sờ xúc động : trên giường, hoàng hậu Huyền Trân mắt nhắm nghiền, đầu đội chiếc kiểu nạm ngọc, – đó là vương miện quận chúa ngày sinh nhật thứ mười sáu vua Anh Tông đã đặt lên đầu để thăng chức cho Huyền Trân – mình mặc đại tang, – Ý của quận chúa Huyền Trân là để tang cho cha mẹ và anh vì nàng chết trước cha mẹ (tục lệ của người Việt) – gương mặt tươi rói, miệng còn ngậm một nụ cười mãn nguyện, trên tay còn giữ chặt lá thư của vua Anh Tông với bao lời thống thiết :
 
“Trẫm nhận thấy không còn lý do gì để hoàng muội phải hy sinh thêm nữa, khi Mân vương đã mất. Trẫm không thể nào ngồi yên để triều đình Chiêm Thành đưa hoàng muội lên dàn hỏa thiêu cùng với xác của Chế Mân. Tình cốt nhục buộc trẫm phải hành động. Trần tướng quân lãnh sứ mạng của trẫm sang tang điếu Mân Vương và đưa hoàng muội về nước.
 
Hoàng muội tiếp tay để Trần tướng quân làm tròn sứ mạng trẫm giao phó.”
 
 KHÂM       
                   ấn          
Trần Nhân Tông
 
Triều thần Chiêm Thành thương tiếc hoàng hậu Huyền Trân và tôn lên làm bậc anh hùng tiết liệt. Họ làm một hình nộm của hoàng hậu Huyền Trân để hỏa thiêu theo tục Chiêm Thành, còn xác hoàng hậu Huyền Trân được quàn vào quan tài trầm hương đưa về nước. Dân chúng Chiêm Thành cũng để tang cho hoàng hậu Huyền Trân như tang mẹ.
 

Có những mùa xuân về trên đất nước, muôn người vui hưởng cảnh thái bình cũng không quên đến một người đã hy sinh mùa xuân của mình cho trăm họ lê dân. Người đó là liệt nữ TRẦN HUYỀN TRÂN.
 
 
Nguyễn Hoành Sơn  
Viết xong Xuân Giáp Dần
Đalat, 23-1-1974       
 

(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa số 231,Tết Ất Mão, ra ngày 25-1-1975)


Nguồn : https://tuoihoandmore.blogspot.com