Thứ Bảy, 4 tháng 2, 2017

TẾT CHẠY - Cười Hở 10 Cái Răng


Quí vị thân mến!... Nước mình là một nước chiến tranh, không riêng gì tôi, chắc chắn quí vị ai cũng chán tai nghe, chán mắt thấy những cảnh u buồn, tang tóc do chinh chiến gây nên… Vì lòng nhân đạo bằng… bao bố chỉ xanh cho nên chúng ta không khỏi ngậm… bùi ngùi thay số kiếp dân mình… Những cái loạn lạc, giặc giã càng làm ta buồn thêm. Mà buồn thêm nghĩa là… hết vui. Hôm nay, nhân cái dịp Xuân về… thì là mà tôi sẽ kể cho “quí vị bằng hữu” nghe câu chuyện, câu chuyện chạy giặc, chuyện tết năm xưa ấy mà. Xin yên chí lớn. Tôi sẽ không kể chuyện buồn. Cam đoan nghe xong quí vị sẽ cười phì hay bò la bò lết… Khỏi phải đổ lệ ròng ròng khóc… hận quốc gia. Cái đó thường rồi.

Trong số quí vị, chừng 100 người chắc có đến 99 vị biết… chạy giặc là gì rồi. Tôi thì đã có… nếm qua, mới hồi năm kia… Có điều may mắn quá đỗi, cảnh chạy giặc ở làng tôi không đến nỗi nào mà lại… vui như… Tết (rõ lẩm cẩm, hồi ấy hỏng Tết là gì?...)

… Tết năm ấy, cũng vào một buổi đẹp trời như hôm nay, tôi đứng suốt lá mai trước sân, trong khi chị Liên tôi lau chùi lư hương và má tôi nhổ khoảng cỏ còn non. Trời râm râm mát, gió thổi hiu hiu, tôi động lòng ca sĩ bèn hát um bài “Xuân về”… Đang thả hồn theo lời ca của mình thì:

- Làm gì ca hát vui quá vậy Phượng?

Tôi giật mình:

- Ủa! Ủa! Thưa bà Năm… Con hát chơi thôi.

Bà Năm cười rồi bước lại chỗ má tôi:

- Nhổ cỏ làm sân ăn tết lớn hả thím Tám?

Má tôi cười. Hai bà ngồi nói chuyện. Tôi tiếp tục việc mình không chú ý tới. Nhưng khi bà Năm về rồi má tôi gọi, bảo giọng lo lắng:

- Hai đứa lát nữa vô nhà coi xếp quần áo đồ đạc đàng hoàng lại nghe.

Chị Liên chạy lại:

- Bộ… có gì hả má?

- Ờ! Bà Năm nói người ta đồn “mấy ổng” về phía trong đó. Má sợ…

Các em tôi nghe “hơi” giặc giã chạy cả ra, hỏi dồn:

- Bộ Việt Cộng về hả má?

Má tôi la:

- Im! Um sùm. Lính bắt bây giờ.

Tôi bèn làm một màn… vuốt đuôi… má:

- Nè! Cái tụi ngu. Um cái miệng. Lính xúc à. (Quay qua má) – Hỏng có gì đâu má ơi! Xóm mình từ nào giờ yên như gì. Hỏng có gì đâu.

Má tôi gạt ngang:

- Đừng có dễ ngươi! Lo trước vẫn hơn. Rủi có gì chạy không có cái áo thay đó. Liệu đấy.

- Mình chưa ăn tết lẽ nào… chạy.

Chị Liên cú đầu tôi:

- Bộ… giặc nó chờ mình ăn Tết xong mới đánh hả. Nhỏ này nói chuyện nghe…. Trật bàn đạp.

Cãi một lúc, chị em tôi cũng phải nghe lời má. Đứa nào cũng lo “đùm đậu” bồng bị sẵn sàng. Thật ra, tôi muốn làm cho vừa lòng má, chứ tôi không hề tin mình sẽ chạy giặc. Vừa xếp đồ, lũ em vừa… loạn xị lên. Tuyết Vân gọi:

- Má ơi! Bộ đồ bông hơi… cũ cũ của con có đem theo hôn má? Cái quần rách… đáy nữa.

Má tôi vừa soạn đồ vừa trả lời:

- Gói hết vô đi. Mấy cái nào còn lành lặn, cái nào rách thì bỏ lại.

Tới phiên Mỹ Hạnh:

- Cái bọc mũ bự tổ chảng hôm đó con thấy trong rương má đâu rồi?

Thằng Long:

- Má! Má! Đem cái áo mới theo heng. Quần nữa.

- Má ơi! Bự quá hà! Con gói quá trời bự.

Ấy! Đại loại là vậy. Chúng nó cứ tíu tít lên. Lạ một điều… đứa nào cũng có vẻ hân hoan, rạo rực như… sắp đi du lịch. Kể ra chẳng có gì lạ: lũ chúng tôi bởi chưa hề chạy giặc lần nào ấy mà. May mờ chỉ mới sửa soạn thôi. Má tôi phải gắt lên chúng mới im.

Tối hôm ấy súng nổ đều trời. Má tôi nằm trên võng, lo âu nói với ba:

- Sao tôi lo quá. Hỏng biết có sao không?

Ba tôi trấn an:

- Nghe tiếng súng xa lắm. Không sao đâu mình đi ngủ đi, để tôi thức canh chừng cho.

Mặc dầu ba hết lời an ủi, má tôi vẫn giữ thái độ phập phồng. Bà bảo chúng tôi:

- Nè! Có ngủ thì ngủ cho sớm. Có gì má kêu là phải dậy liền, đứa nào dùng dằng bỏ chết luôn.

Chúng tôi dọt lẹ lên giường. Tôi vắt tay qua trán suy nghĩ sự đời, thầm thảm thương nước Việt Nam thân yêu quá cỡ!... Gì đâu ngày Tết cũng chẳng trọn vui… nằm không, tôi bèn tưởng tượng… tỉ dụ như có trái đạn… lạc vô…. bụng mình thì sao nhỉ? À há! Chắc thân mình tôi lâm li bi đát lắm. Tôi tưởng tượng đầu tôi nằm lăn lóc một nơi, giò cẳng, tay chân một nẻo… Ruột văng xuống cái hầm trú trong nhà. Cái hầm mà tôi không bao giờ chịu chui xuống dù súng nổ ghê cách mấy. Rồi sao nữa nhẩy?... Ờ! Rồi bạn bè tôi sẽ hay tin nhỏ bạn mình chết tan xác, rồi chúng nó kéo bè vô đây chia buồn, đứa nào cũng thút thít khóc. Tôi nằm trong quan tài… khoái chí bèn… cười hì hì… mọi người sẽ hốt hoảng la làng chói lói… nghĩ đến đó, tôi bèn cười… um lên. Ba tôi rầy:

- Vui lắm sao mà cười! Có im để nghe ngóng gì không? Con Phượng cảnh sao nó cũng đùa được hết.

Tôi nín liền… Lúc ấy tiếng súng cũng thưa bớt rồi dứt hẳn. Các em tôi lò mò trở dậy. Tuyết Vân gọi rụt rè:

- Má! Má! Bộ hết rồi hả má? Má… súng…

Má tôi xua tay ; tôi tức cười giả bộ nạt:

- Chưa biết! Thôi ngủ đi. Nãy giờ mà chưa ngủ. Long nữa. Má… súng nỗi gì. Má sún hồi nào?

Long cười cười, ngây thơ:

- Hỏng có buồn ngủ mờ! Súng bắn đã ác… Phải con có 1 cây, con bắn chơi èng… èng… èng…

Má tôi nạt:

- Im! Nói xàm không hà. Lên ngủ.

Thằng bé cụt hứng, leo lên giường. Tôi cũng nằm im lắng nghe một lúc, tâm hồn… phiêu du cõi mộng… tới sáng.

Sáng dậy, nghe hàng xóm ai cũng nói chuyện giặc giã. Má tôi thở dài:

- Chán quá! Má hổng có muốn làm mứt bánh gì nữa hết. Tướt ba cái dây chuối định gói bánh tét, mà sợ… hỏng ăn tết được.

Chị Liên cũng bảo:

- Con cũng vậy. Thối chí… hết muốn làm mứt.

Má tôi sau khi… hội nghị, bèn tuyên bố đình lại vụ sắm sửa ăn tết, và còn có… triển vọng miễn đi. Đứa rầu rĩ nhất trước quyết định của má tôi là… tên Long:

- Làm mứt đi má. Bỏ uổng.

Má tôi bèn làm một màn “Không! Ta nhứt quyết không”… Thế rồi bao nhiêu nếp, đường má tôi trút cả vô bồng vô hũ. Tuy nhiên để an ủi những kẻ… thất chí, má tôi hứa:

- Má sẽ mua mứt bánh ở chợ về cho. Như vậy nếu có chạy giặc cũng không sao. Chớ ăn tết mà trong bụng không yên má không muốn.

Mấy ngày sau, má mua về mấy ký mứt chà là, bánh ngọt và trái cây cũng khá nhiều. Tình hình bỗng… êm ả. Những ngày sau cho tới 29 Tết, không còn nghe lấy một tiếng súng, chúng tôi reo mừng, và xoắn lấy bắt má với chị lại ra tay… nhà nghề. Chị Liên sẵn sàng nhận lời, bèn đi chợ mua rau câu, màu mè về làm mứt, ở nhà có sẵn dừa để làm, thêm món nữa Tuyết Vân một hai đòi má tôi gói bánh tét. Má tôi cười tươi tắn, lại đi ngâm mấy bó dây cột và lau lá chuối. Tôi vừa gọt dừa vừa hù:

- Hổm rày im lìm… súng nó ngưng. Bữa nay tưng bừng tở bở, tối nay súng rầm rầm, chạy cho mà… chói hào quang.

Chị Liên la:

- Nhỏ quỉ này miệng nói bậy quá. Trù đi nghe. Miệng ăn mắm ăn muối…

Tôi cười hì hì, không nói, tuy trong lòng thầm nhủ: “Đồ tiểu nhân! Hỏng biết lo xa, người ta chỉ dẫn cho còn chửi”.

Buổi chiều đến, mấy thau mứt dừa, mứt rau câu xong xuôi, chị Liên cho vào keo tất cả. Chỉ còn thau nếp tổ chảng đang ngâm mà sáng mai tôi phải lãnh nhiệm vụ đi xay máy. Tối đến, ăn cơm xong, má tôi vừa lau lá chuối vừa bảo:

- Kể như gần xong, mai ba bây về mua thêm một số mứt kẹo nữa là khỏe ru. Kệ! Ăn nhỏ nhỏ.

Tuyết Vân bảo:

- Mai ba đi Sàigòn về con có thêm áo mới nè.

Long:

- Em nữa chớ.

Rồi 3, 4 đứa nhao nhao lên. Tôi quát:

- Nè! Có im ngay không. Gì mà om như giặc chòm vậy. Xí! Ham lắm à. Ba đi công tác cuối năm cho ty chứ bộ đi sắm Tết cho các ngươi sao? Mê dữ.

Chị Liên gạt phăng:

- Mi nữa! La người ta mà cái miệng “chát là” hà. Hóa là A.K. vậy.

Lũ em tôi reo hò tở mở… ủng hộ chị Liên. Má tôi “gỡ rối”:

- Thôi! Um quá đi. Tết nhứt mà cãi um sùm hà. Liên đi thay nước thau dưa giá cho má đi. Con Phượng đi cắt vành bánh tráng, mai cuốn chả cho mau.

Tôi lườm lườm… phe kia rồi làm việc… “âm thầm”. Chị Liên cười khúc khích. Tôi tức lắm, bèn giả vờ thụp xuống giường tìm kiếm. Má tôi ngạc nhiên:

- Kiếm gì vậy Phượng?

Tôi vờ tỉnh:

- Có tiếng chuột rúc má ơi.

Chị Liên nín cười:

- Coi chừng nghe. Đồ tiểu nhân, nhỏ mọn.

Tới phiên tôi cười chọc quê. Má tôi chắc lưỡi:

- Có mấy đứa mà cãi hoài à! Mệt quá đi. Rủi có gì giặc giã chạy lạc một đứa coi tụi bây có khóc không? Tụi…

Má tôi vụt nín bặt. Lũ em tôi cũng im ru. Vì ngay lúc đó một tràng súng nổ ròn rã. Chị Liên ngừng tay, chạy ra cửa. Hàng xóm vẫn còn thức, đèn sáng choang. Má tôi lo âu:

- Thôi! Dẹp hết đi. Liên, Phượng. Kêu Hạnh, Vân, Long đi ngủ đi.

Long chu môi:

- Tời! Tời! Giờ này mờ ngủ.

Má tôi la:

- Đi ngủ hết. Đặng có gì kêu dậy cho mau. Thức khuya, ngủ mê có chạy má bỏ à.

Vân, Long riu ríu lên giường… Coi lại nhỏ Mỹ Hạnh đã ngủ tự bao giờ. Tôi lắc đầu:

- Thiên Lôi ơi! Nhỏ… “móm” này tịnh từ chiều lận má ơi! Nó… lặn theo mặt trời mà.

- Ừ kệ nó! Con dẹp đồ đi. Lo xếp mấy bộ quần áo cho em út vô bao.

Tôi nhăn:

- Hỏng có gì đâu má ơi! Má hễ nghe tiếng súng là xếp đồ hà. Nghe chục tiếng súng là chục bộ đồ.

Chị Liên cười khúc khích:

- Êm rồi má ơi! Hết bắn rồi mà.

Lại một tràng súng nổi lên. Má tôi càng lo âu:

- Êm đó hả? Thôi dẹp đi. Lo soạn đồ đạc sẵn đó. Thời buổi này ai biết đâu mà dò.

Tôi đành nghe theo, vừa xếp đồ vừa cằn nhằn:

- Hôm đó nay hỏng sao, mới vừa soạn đồ ra thì tối nay làm liền hà. Cứ năm cắc một chùm hoài.

Chị Liên xỉa xói:

- Tại mi. Hồi chiều trù… ước ao. Giờ than.

Tôi làm thinh. Má tôi hối:

- Lẹ lên! Tắt đèn lên giường hết. Chớ có ngủ liền. Chừng nào nghe không xong má gọi xuống hầm. Hay chạy cũng chịu.

Long ngóc đầu lên:

- Chị Phượng. Nhớ… bỏ bịch mứt chà là theo nghen. Mứt dừa nữa, bánh tai heo nữa, thèo lèo nữa…

Tôi với chị Liên ôm bụng cười. Má tôi cũng cười:

- Ừ! Thôi ngủ đi.

Đến phiên Tuyết Vân nhổm dậy:

- Má! Má! Má chỉ con… rủi chạy xách cái nào đi má.

- Ừ! Phần nầy của Tuyết Vân nè. Cái giỏ nầy nghen. Thằng Long khỏi. Con Liên có gì thì rinh giỏ đựng gạo với gói đồ nầy. Con Phượng cái kia. Má xách hai xách nặng nầy cho.

Tôi mở tủ, lấy bốn năm bịch mứt, bánh nhét vào giỏ mình. Má tôi la:

- Chi mà dữ vậy. Thôi! Bỏ lại đi. Lo đem quần áo thôi. Còn ba thứ đó chất chi cho chật vậy.

Tôi cười tót tét:

- Kệ nó má. Bỏ uổng. Chẳng thà bỏ đồ chớ hỏng…

Chị Liên bĩu môi:

- Đồ ham ăn.

Tôi sừng sộ:

- Ham rồi có… siêu hôn! Hỏng ham gì mờ điều… ai ham hơn… hỏng được.

Hai chị em cười bò. Soạn đồ xong xuôi. Má bảo:

- Thôi! Lên giường nằm đi nghe.

Má tôi tắt điện. Chỉ để bóng đèn lù mù. Nằm nghe ngóng một lát nghe im, tôi vừa thiu thiu vào … “giấc Nam Kha”. Bỗng súng lại nổ vang. Tôi giật mình mở mắt, lại im. Và khi mới thiếp đi, lại nổ ròn rã. Tôi tức tối nói trống không:

- Giỡn mặt sao cà…?

Tiếng chị Liên bên kia giường cười khúc khích. Tiếng súng lần này kéo dài và mỗi lúc như gần hơn. Tôi kinh hoảng ôm chiếc gối ôm vào lòng. Má tôi trở dậy:

- Liên, Phượng dậy đi!

Chị Liên và tôi tốc ra. Má tôi xốc Vân, Long kêu chun xuống hầm. Tôi giựt giò Mỹ Hạnh, không quên… đùa chơi:

- Mỹ Hạnh! Dậy! Dậy! Chạy… chạy… Hạnh ơi.

Hạnh giật mình. Con bé sảng sốt, chồm dậy lẹ làng tót xuống hầm, xong chống tay ngó lên, mắt lơ láo. Chị Liên và tôi ngã gập xuống ván cười muốn hụt hơi. Má tôi gắt:

- Non nước này mà còn ở đó cười nữa. Lo xuống hầm hỏng lo.

Tôi ngó Hạnh cười ngất ngư. Mỹ Hạnh mắc cỡ vừa bò lên. Tôi dậm chân:

- Ê! Chun lên chi vậy?

Nhỏ lại thụt xuống. Mặc cho má tôi và lũ em xuống hầm, tôi nằm trên võng cười mãi. Chị Liên nói vói lên:

- Ở đó mà cười. Chun xuống lẹ lên.

Tôi bĩu môi:

- Nô! Không bao giờ ta chun đâu. Chết thì thôi. Xuống dưới bực bội lắm, hôi… dễ sợ.

Má tôi chưa kịp rầy, chợt tiếng chó hàng xóm sủa vang dậy đều như bắp rang. Tiếng súng đạn, tiếng máy bay rầm rầm như trên nóc nhà. Cả nhà nín bặt. Bên hàng xóm có tiếng xôn xao. Tôi nhổm dậy, chạy lại mở cửa. Ngó qua nhà kế cận. Vừa lúc ấy, bà Năm kêu inh ỏi:

- Thím Tám! Thím Tám ơi! Chạy… thím ơi! Người ta chạy gần hết xóm rồi.

Hồn vía lên mây, tôi gọi:

- Má ơi! Chạy má ơi! Chạy thiệt thọ…

Má tôi bước lên hầm, chạy ra sân. Rồi đến chị Liên, đến Hạnh, Vân, Long. Má tôi run giọng:

- Chạy… chạy mau!

Tôi đùa:

- Thôi! Cho mất công. Rủi có lạc mất con, má ở đâu cứ việc nhắn tin trên báo… Tuổi Hoa là con mò tới. Con theo dõi Tuổi Hoa mờ…

Chị Liên la:

- Nhỏ này lúc nào cũng giỡn được hết. Thôi lẹ đi. Tắt đèn.

Tôi ôm hai xách đồ, chạy ra sân. Má tôi bảo:

- Thôi! Cứ để đèn sáng vậy đi. Tắt tối đen người ta nã súng hư hết. Khổ quá. Hỏng có ba tụi bây ở nhà nữa.

Chị Liên sực nhớ:

- Ý! Quên đem đồ ba theo.

- Thôi! Kệ! Chạy đi.

Đem nhau ra đường, Long, Vân cuống lên:

- Má! Má, mình chạy đi đâu má?

- Má! Bỏ nhà sao má? Mứt ở trỏng…

Má tôi gạt phăng:

- Bỏ! Bỏ hết. Lo chạy đi đã.

Xóm tôi, phần đông đã gài cửa đi hết. Bà Năm cuống quýt chạy ra:

- Chạy thím Tám ơi! Vô chùa ở.

Má tôi theo chân vừa luôn miệng nhắc:

- Long nhớ nắm tay má nghe không. Coi chừng lạc à.

Tôi ngó lại Vân, giật mình. Con bé ròm rỏi như cây tăm mà ôm những hai bao, một bọc quần áo, một bọc gạo khá nặng. Tôi gọi:

- Hạnh! Ôm dùm em một bao coi. Nó ôm sao nổi.

Mỹ Hạnh la:

- Em cũng mắc xách mà.

Vân cười hớn hở:

- Hỏng có sao đâu. Em rinh nổi mà.

Chạy tới đầu ngã tư, má tôi kinh hoàng khi thấy dân xóm trong ùn ùn kéo ra, người nào cũng tay xách, nách mang. Đang ngơ ngác… con nai vàng… tôi giật mình:

- Phượng! Bộ mày tính chạy hả? Ủa! Có chị Tám đây mà.

Bác Út hàng xóm trong ngôi nhà đầu ngã tư chạy ra. Má tôi như cầu cứu:

- Dạ! Chạy anh Út ơi! Thấy người ta đi quá. Anh không đi sao?

Bác Út vịn hàng rào la lên:

- Chị khoan đi đã. Chờ hỏi người ta coi! Chừng nào rõ ràng sẽ chạy… Để bỏ nhà bỏ cửa quân gian nó lấy đồ hết. Người ta cũng hoảng chạy như mình. Chứ giặc giã đâu đây. Nghe đâu tận trong Cầu Vừng Điều lận mà.

Má tôi do dự. Bác Út khuyên:

- Thôi! Vô đi. Để ở đây, chừng nào tôi đón mấy người mé trong ra, chắc chắn tôi kêu chị.

Má tôi gật đầu cám ơn rồi quành về, thật ra bà cũng hỏng biết chạy đâu. Tôi bỗng hơi thấy… tiêng tiếc, ghé tai chị Liên:

- Uổng ghê! Mới chạy giặc lần đầu mà hỏng xong. Coi thử.

Chị Liên gật đầu. Hai chị em cùng cười. Tới trước nhà, gặp ông Hai:

- Ủa! Sao về vậy thím Tám?

Má tôi:

- Biết đi đâu giờ chú! Mà nghe đâu cũng chưa chắc có giặc, anh Út kêu tôi về.

Hai người đứng nói chuyện, lại có bác Tám, chú Mười chạy ra. Máy bay vẫn bay rầm rộ trên cao về hướng Cầu Vừng Điều phía trong xa. Tiếng đạn ghê rợn. Long vỗ tay:

- Á! Phi cơ xẹt lửa. Á ngộ!

Má tôi vội vã gọi vô nhà. Buông xách đồ xuống ván. Tôi tót lại võng:

- Bây giờ có chạy, má để con ở lại coi nhà cho.

- Thôi đi! Nói xàm không hà.

Má tôi la, ngồi trên ván, thở ra:

- Bây giờ má cũng không biết làm sao.

Tôi chưa kịp nói lại có tiếng bác Năm bên rào gọi vang:

- Chạy! Chạy thím Tám ơi, thím Tám chạy…

Má tôi lại cuống quýt khăn gói ra đường. Tôi rinh hai giỏ đồ… dọt theo. Ngó hai đầu ngã tư người ta ùa ra như nước đổ. Má tôi bước lẹ xuống ngã tư dưới. Gặp anh Đông:

- Đông à! Cháu có biết rõ hôn?

Anh Đông là lính dân vệ trên xã nên má tôi có vẻ yên tâm khi thấy anh cười:

- Có gì đâu bác Tám! Tụi con ở phía trong ra vừa đi thăm dò về, thấy có gì đâu, tại họ sợ, người này đồn người kia rồi chạy hà.

Anh Đông chỉ mấy người bạn mang súng đứng gần đó đang trấn an bà con:

- Bà con về đi! Hỏng có gì đâu. Máy bay thả bom tuốt trong kia kìa. Ở đây chẳng sao đâu, chừng nào có gì anh em tôi thông báo chứ gì mà chạy ùm ùm vậy? Trời ơi!... Về đi…

Mặc tình cho lính xã… rống khan cổ, người ta vẫn kéo nhau ra. Má tôi phân vân bèn gọi một người đàn ông ngồi trên xe bò phía xóm trong ra:

- Anh Hai ơi! Sao mà chạy vậy anh? Có nghe gì không vậy?

Người đàn ông cười:

- Tui cũng hỏng biết. Thấy họ chạy, chạy theo hà.

Chị Liên bấm tôi, cười. Cho chắc ăn, má tôi đón mấy người sau hỏi, thì người nào cũng tỉnh bơ đáp ngon lành:

- “Tui hỏng biết. Tui chạy đại”.

Má tôi cười, hớn hở bảo:

- Thôi! Về! Hỏng có gì.

Kéo nhau tới cổng, Tuyết Vân la chí chóe:

- Má ơi! Nặng quá má ơi! Xách hỏng nổi.

Tôi trợn mắt ngò… con bé lảo đảo, cái xách trên tay oằn xuống rồi… hạ thổ. Vân đứng thở:

- Nặng quá! Mệt thấy mồ…

Tôi ôm một xách bớt:

- Rồi đó! Rinh giỏ kia đi.

Con bé còm ròm xách lên, lại bỏ xuống. Tới phiên Mỹ Hạnh, Long đều hạ giỏ xuống than nặng. Tôi cười đến đau bụng. Chị Liên cũng cười như điên, như ma nhập bảo:

- Hồi quýnh, mấy bao nó rinh cũng hết, chạy te te. Chừng nghe êm, có một giỏ đồ rinh cũng hỏng nổi.

Má tôi cũng bật cười:

- Thôi! Để đó má ra rinh vô.

Má tôi đem gạo vào nhà. Trở ra đem mấy giỏ xách kia vô. Tôi liệng bao gạo của mình lên ván. Lạ thay!... Hồi nãy nhẹ re bi giờ bỗng nặng như treo đá. Chị Liên leo lên ván ngồi. Má tôi ngồi bó gối lên giường ngó mấy bao đồ, chị Liên, Hạnh, Vân, Long cũng im hơi, ngó hết người này tới người khác.
Lại có tiếng bà Năm bên này rào:
- Chạy! Phen này chạy thiệt thím Tám ơi! Lẹ lên. Chạy thiệt…

Tôi phá lên cười:

- Thím Năm ơi. Bộ đánh tới hả thím?

Bà già đã chạy vô mất tự hồi nào. Tôi phát cười (tôi vẫn có cái tật mà theo má tôi thì rất… dễ ghét).

- Bà Năm hay thiệt.

Má tôi quát:

- Có vô lo xách đồ đi không? Chết tới nơi mà còn hỏng biết lo. Cứ giỡn. Nói hoài cũng vậy.

Chị Liên quýnh lên, chạy tới chạy lui, vấp phải thau dưa giá mà lúc nãy vì cuống, để đại xuống đất. Bà chị thân ái của tôi làm một cái “ạch”… Tôi vỗ tay cười ngặt nghẽo. Chị Liên lật đật nhào dậy, nhăn:

- Chết con rồi má ơi!

Má tôi la, trong khi tay lăng xăng thu dọn:

- Hỏng ý tứ gì hết… lẹ lên chưa? Còn con Phượng (má tôi nổi giận rồi). Cứ ở đó cười. Cười hoài đi. Đồ vô tâm, vô tánh mà. Con gái mà như hề vậy.

Tôi chạy ôm giỏ đồ, vừa kêu:

- Trời ơi! Sao hỏng bật đèn.

Bấy giờ má tôi mới sực nhớ… quên bật điện. Nãy giờ cứ để cuống quýt, lăng xăng trong bóng tối… “mơ hồ”, má tôi lập tức chạy lại chỗ công tắc điện. Đèn chưa sáng thì:

- Trời đất ơi!

Tôi hốt hoảng:

- Gì vậy má?

- Đụng đầu vô cây cột. Chết rồi.

Tôi chạy đến mở đèn, thấy trên trán của “mẫu thân” sưng một cục to tướng. Tôi bậm môi không dám, chứ thật ra muốn… bò cười lên. Giả vờ tỉnh:

- Má lấy dầu xức đi.

- Thôi! Thôi! Lo chạy cà. Vân, Hạnh rinh cái này.

Tuyết Vân a lại ôm hai bao đồ, dọt trước ra sân, bỗng chạy trở vô vì súng vừa rú một tràng, nó va phải thằng Long, hai đứa té lăn cù. Má tôi la:

- Trời ơi! Từ từ làm gì dữ vậy.

Hai đứa bò dậy, nhăn răng cười. Má tôi lấy tiền đưa cho mỗi đứa 500đ bảo nếu có rủi lạc nhau… cũng có tiền… bảo đảm.

Tôi lắc đầu:

- Trời đất! Sao mà ngồi ngó nhau vậy.

Cả nhà lăn ra cười. Vui… như Tết. Long líu lo:

- Tời ơi! Hồi nãy con sợ quá tời luôn. Con níu má chặt cứng, con nắm giò má mờ má hỏng đau. Con ngắt má quá tời.

Má tôi cười ra nước mắt. Tôi vừa thở vừa rên rỉ:

- Chạy giặc hỏng mệt mà cười mệt quá.

Mỹ Hạnh:

- Tết nay nhà mình vui ác. Chạy giặc… hụt.

Vân:

- Uổng ghê. Khi không cái má vô hà. Con vái cho chạy giặc. Vui ác.

Má tôi rầy:

- Nói khùng đi. Ham chạy lắm hả? Bây chưa thấy khổ đâu… Đừng tưởng vui như vậy.

Cả nhà tôi thức sáng đêm đó. Hôm sau má tôi vẫn không cho soạn đồ ra, viện cớ không ngờ được thời buổi. Chị Liên định làm thêm vài món như mứt me, mứt cà, bị má gạt phăng đi. Trưa ấy, ba tôi về, chỉ mua bánh, áo quần cho em tôi. Kể như năm nay nhà tôi ăn Tết không trọn vẹn. Tuy đến mùng 2 vẫn không nghe tiếng đạn nữa, nhưng ba má tôi nhất định không sắm sửa gì thêm, không sơn sửa nhà cửa chi cả… Mà gần như cả xóm tôi đều vậy… mỗi lần nhớ tới đêm chạy giặc… ai cũng cười ra nước mắt. Kể ra thì tôi cũng gọi là… có nếm mùi ly loạn rồi, nhẩy…? Dù chạy giặc chỉ tới… ngã tư… Trong quý vị chắc hỏng ai có cảnh giặc giã… vui “dễ tàu” như tôi. Tôi thì tôi coi “hôm ấy” như “vùng trời xanh kỷ niệm”, cái Tết đáng nhớ đời nhất trong “quá khứ vàng son” đó quí vị ạ!...

Năm nay Tết lại dìa. Tôi bèn kể câu chuyện này… gọi là… tưởng nhớ ngày xưa… Ôn kỷ niệm năm qua cho lòng… đỡ lạnh.


CƯỜI HỞ 10 CÁI RĂNG    


(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa số 232, ra ngày 1-3-1975)



Nguồn : https://tuoihoandmore.blogspot.com