Chủ Nhật, 19 tháng 2, 2017

COI BÓI - Ngọc Hồng Điệp


Nguyên do gì cũng tại ông thầy bói. Không biết coi tướng hay thế nào mà cứ một, hai bảo rằng: “Sau này thằng bé làm lớn!” Thằng Long nghe nói về sau mình làm lớn thì khoái tỷ, nhảy cà tưng cà tưng làm Ba Má nó cũng vui quá xá chừng. Từ khi coi bói, ông bà Lâm cưng thằng Long lắm, coi nó quí nhứt nhà. Bà Lâm lúc nào cũng đem chuyện thằng con trai ra khoe với bà Hai hàng xóm:



- Ông ấy mù mà bói tài lắm, danh tiếng nhất đó! Vừa thấy thằng bé là ổng kêu lên: “Cậu này tốt số lắm đấy. Thi đâu đậu đó, làm gì cũng thành công hết!”



Bà Hai cười phụ họa:



- Thấy cái trán là tôi biết ngay. Nó thông minh lắm nghen!



Nghe thế bà Lâm cởi mở tấm lòng. Còn gi sung sướng cho bậc cha mẹ bằng khi biết con mình sau này có chức phận đàng hoàng, danh tiếng? Thôi thì thằng Long tha hồ muốn gì được nấy : anh chị chiều chuộng, ba má thương yêu. Sống trong bể tình thương, thằng bé có cảm tưởng mình là chúa tể và cứ thế nó lên mặt “lừng” với cả nhà.



Càng lớn thằng Long càng tác tệ. Nó lười học kinh khủng, vô lớp chỉ lo xếp tàu giấy dàn trận với tụi bạn “cô bồi”. Có bận bị cô giáo khẻ thước lên tay, nó mím môi nói:



- Bàn tay là tương lai của tui. Cô muốn đánh thì đánh vô đít chớ đừng có “phá hoại” tương lai tươi sáng của tui!!



Cô giáo chưng hửng trước lối lý luận lạ đời của cậu học sinh đệ ngũ và ngán thầm tụi học sinh đời nay.



Lên đệ tứ thằng Long càng biếng học hơn nữa. Nó cứ cho rằng: “Mai sau mình làm lớn, cần gì học cho mất công!” Cứ “mai sau mình làm lớn”, nó không chịu học hành gì cả ; mặc cho gia đình đốc thúc, nó cũng vẫn chứng gì tật đó. Đã vậy, thằng Long còn mơ mộng lung tung: “Thi đậu mình sẽ xin ba cái Suzuki đen bóng và “bay” ra Cấp một tuần lễ. Sau đó mình mở tiệc khao tụi bạn cho tụi nó lé mắt chơi! Đệ tam chỉ cần nghiêng về sinh ngữ một tí để… xem Ti vi đài Mỹ vì lớn lên… mình làm ông bự lo gì? Mình sẽ có tiền nhiều cho Ba Má.” Hai tiếng “làm lớn” cứ lởn vởn trong óc thằng Long, nó tin ông thầy mù lắm vì “hữu tật hữu tài” cơ mà!



Nhưng, không cố gắng thì sao mà thành công được? Cuối năm đó thằng Long thi rớt cái ạch. Bây giờ thì nó hết còn lấy cớ “học tài thi mạng” được vì nó vẫn khoe mạng nó tốt nhứt mà. Nó chỉ còn biết ôm hận “thằng cha thầy bói láo khoét!”



Ông bà Lâm thất vọng, anh chị thằng Long bất mãn. Nhưng họ vẫn còn tin tưởng tài bói của ông thầy mù. “Có lẽ đó là cái xui bất ngờ, thôi năm sau vậy!” Ông Lâm nhẹ nhàng nói.



Riêng bà Lâm, tật cũ chưa bỏ, lại dẫn thằng Long đến nhà ông thầy bói cũ để xem số mạng con mình có thay đổi, trục trặc gì không? Ác thay ông thầy lại cũng tuyên bố một câu xanh dờn:



- Sau này cậu làm bự lắm!



Hết “làm lớn” bây giờ tới “làm bự”, có lẽ mai sau “làm khổng lồ” quá!



Tuy nhiên bao nhiêu đó cũng làm bà Lâm tin tưởng. Thằng Long lại càng hãnh diện và “ngựa quen đường cũ”. Tụi bạn biết chuyện, khen lấy khen để. Thằng Long có dịp phổng mũi với đám bạn, để chứng tỏ mình “có tướng”, nó xài sang như ông hoàng. Mấy thằng bạn tha hồ rủ rê, tối ngày dụ thằng Long “cúp cua” coi hát, tắm “pít-sin” v.v… Thằng Long bị lôi cuốn coi bài học không ra cái mốc gì hết. Nhiều lúc nghĩ đến tương lai, nó cũng thấy sờ sợ, nhưng rồi tự trấn an: “Mình có chăn trâu thì ra đời cũng làm nên sự nghiệp. Ông thầy bói chắc như vậy lẽ nào lại sai? Mình cũng thấy mình “phi thường” lắm chứ! Học như con mọt cũng đậu mà không học rồi cũng đậu thì học làm gì cho mệt xác? Người ta nói học nhiều lao phổi, mình hay bịnh không nên học nhiều. Như vậy mình cũng đậu có tội gì? Nếu ba má có giận, về sau mình có sự nghiệp thì “ổng, bả” hết giận chớ gì?”



Biết bao người phiền trách ông bà Lâm về thằng Long. Bà Hai hàng xóm tỏ ý khinh ghét thằng Long và đã nói với mọi người chung quanh:



- Thằng nhỏ thế nào cũng khổ, không khéo về sau lại đi moi rác. Học hành như thế mà còn phá làng phá xóm.



Những lời đó đều đến tai ông bà Lâm. Bây giờ ông bà mới ý thức được sai lầm của mình. Cũng hơi muộn vì thằng Long bây giờ ngỗ nghịch quá, đánh đập thế nào cũng không nghe. Ông Lâm dùng đủ biện pháp cứng rắn với con cũng chẳng được. Sau cùng, chỉ còn một kế… Hôm đó bà Lâm đến nhà ông thầy bói kể rõ ngọn ngành thì ông ta nói:



- Cậu ấy vẫn thường đến đây coi bói một mình. Coi bộ cậu tin dữ lắm. Nếu vậy để tôi tính…



Thế là vào hôm sau, thằng Long vừa mới bước vô nhà đã bị ông thầy bói quờ quạng cái chổi đập tùm lum lên đầu. Ông la hét vang rân:



- Đồ quỷ sứ, ta không ngờ mi dám “nhập” vô phá hoại đời thằng nhỏ. Mi có giỏi thì “nhập” ta coi nào?



Thằng Long sợ quá, quỳ xuống lạy ông thầy một hồi. Ông thầy làm bộ giận dữ nói:



- Cậu Long, cậu bị quỷ nhập nên không còn kể gì đến gia đình. Diêm Vương quở trách cậu, bảo với quỷ rằng phải ráng bắt cậu về dưới cho kỳ được để dạy học lại đàng hoàng ở dưới. Bây giờ quỷ đang ám ảnh cậu, nếu cậu biết tỉnh ngộ, mau mau trở về xin lỗi ba má, lo học hành thi cử, cuối năm nay mà đậu thì quỷ sứ sẽ buông tha ; còn không, nó ám cho cậu điên rồi chết luôn!



Thằng Long nghe vậy hoảng kinh khóc ré lên. Nó hứa với ông thầy bói là sẽ lo học, không dám chơi đùa bê bối nữa.



Từ đó về sau, thằng Long lo chăm chỉ học hành. Cuối năm đó nó đậu trung học. Hứng chí, nó cố tâm rèn luyện sách đèn và bây giờ nó đã nên người làm đẹp lòng ba má. Nó cũng đã biết rõ cái mưu kế của ba má nhưng không giận, trái lại, nó thầm cảm ơn đấng sinh thành và phục ông thầy bói quá cỡ.



Mỗi lần đi ngang nhà ông thầy, nhớ lại cái kỷ niệm “bị quỷ sứ nhập” của mình, thằng Long nghe buồn cười mà thấy thấm thía hơn bao giờ hết.



Nếu không nhờ ông thầy bói làm “thầy pháp” thì nó đâu có cái danh vọng ngày nay? Chẳng lẽ cứ ở không mà “làm bự” được à?



Mà thiệt, ông thầy bói coi “tơ lơ mơ” mà bói trúng phóc!!


Ngọc Hồng Điệp


(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 87, ra ngày 15-3-1968)


Nguồn :https://tuoihoandmore.blogspot.com