Thứ Sáu, 20 tháng 4, 2018

CHƯƠNG BA_ĐÔNG HÀ


CHƯƠNG BA


Đông Hà bước vào phòng hiệu đoàn. Có đông đủ Diễm Phúc, Mùi Hương, Xuân Lý và các bạn trong ban dân ca. Bên dãy ghế đối diện có các học sinh của ban nhạc trường nam. Đông Hà đã nhìn thấy Đơn. Đơn mỉm cười thật kín đáo với Đông Hà rồi gỡ mắt kính ra, giả vờ lau chùi. Mùi Hương và Xuân Lý bấm nhau, cười tinh nghịch. Không ai biết sự nói với nhau bằng cử chỉ của bọn trẻ.

Đông Hà chào cô giáo rồi ngồi xuống cạnh Diễm Phúc, hỏi khẽ:
 

- Chuyện gì nữa vậy Diễm Phúc?
 

Cô Thoa nói lớn:
 

- Có đông đủ các em rồi, cô xin vào đề. Như các em đã biết, chúng ta vừa mới chấm dứt tuần lễ thi đệ nhị bán niên. Chẳng còn bao lâu nữa chúng ta nghỉ hè. Các em sẽ “lều chõng đi thi”, rồi sẽ rời xa mái trường này. Bên trường nam cũng vậy, họ mới thi xong và dự định tổ chức những buổi văn nghệ giao hữu với trường chúng ta. Các em nghĩ thế nào?
 

Đám nữ sinh rầm rì bàn tán. Cô Thoa đợi một lúc, rồi nói tiếp:
 

- Cô xin mời anh Đơn, đại diện cho ban văn nghệ trường nam, trình bày rõ hơn về việc này.
 

Đơn đứng dậy nói:
 

- Thưa các bạn, chúng tôi đang định tổ chức một buổi văn nghệ tại trường nam vào chiều thứ bảy này. Buổi văn nghệ đó sẽ mở màn cho những sinh hoạt tiếp theo trước khi chúng ta xa trường. Chúng tôi rất mong hai trường nam và nữ sẽ liên kết thực hiện những buổi văn nghệ ấy để chúng ta tạo được tình thân giữa học sinh hai trường.
 

Mùi Hương lại bấm Xuân Lý. Diễm Phúc nhìn Đông Hà, thì thầm:
 

- Chịu liền chứ mi?
 

Đông Hà nhíu mày không trả lời. Đàng kia, Đơn lại nói tiếp:
 

- Như các bạn đã rõ, ngoài những giọng hát độc đáo, bên trường nữ có ban dân ca, bên trường nam có ban du ca. Chúng ta sẽ kết hợp để có một không khí văn nghệ thật đúng với tinh thần của học đường và dân tộc.
 

Có những tiếng xuýt xoa trong đám nữ sinh. Hầu như tất cả đều đồng ý. Cô Thoa nói:
 

- Bên trường nam đã có sáng kiến như vậy, các em bằng lòng hợp tác chứ? Buổi văn nghệ đầu tiên sẽ được tổ chức bên trường nam, những buổi sau sẽ tổ chức ở trường nữ, luân phiên như vậy. Và có thể sẽ có những buổi cắm trại để các em có dịp học hỏi lẫn nhau và thông cảm nhau hơn.
 

Tiếng vỗ tay của học sinh hai trường làm ấm căn phòng hiệu đoàn. Cô Thoa nói:
 

- Nào, chúng ta lo soạn chương trình ngay là vừa. Các ca sĩ của ban dân ca đâu? Các em sẽ chọn những 
bài thật độc đáo nhé! Giọng chính đâu rồi? Đông Hà, cô cho em quyền lựa chọn.
 

Tất cả các cặp mắt đổ dồn về Đông Hà. Diễm Phúc đập nhẹ lên tay bạn, nói nhỏ:
 

- Đông Hà, kỳ này đừng hát Trống cơm nữa, nhàm lắm. Hát điệu Cò lả, lạ hơn. Đừng chọn bài “Dắt mạ qua đèo”, mi hát điệu gì mà có “Ố tang tình tang” đó, tụi tao phụ họa theo.
 

Thấy Đông Hà lặng im như đang suy nghĩ để lựa chọn, Diễm Phúc tiếp:
 

- Còn điệu miền nam, mi ca “Xàng xê” đi. Tụi tao để dành sức vỗ tay cho mi. Được không?
 

Đông Hà đứng dậy. Cô Thoa mỉm cười tỏ vẻ hài lòng.Bên kia Đơn lại gỡ mắt kính ra. Đông Hà phát biểu một câu không ai ngờ:
 

- Thưa cô, em rất tiếc, em không thể tham dự buổi văn nghệ thứ bảy tuần này được, vì nhà em có việc rất quan trọng mà em… không thể thiếu mặt.
 

Những tiếng xôn xao nổi lên. Cô Thoa mở to mắt, hỏi:
 

- Tại sao vậy? Em ráng thu xếp…
 

Đông Hà lắc đầu:
 

- Thưa cô, chiều thứ bảy này em không thể… Xin cô hiểu cho. Em xin lỗi cô và… Đông Hà xin lỗi… tất cả các bạn.
 

Đông Hà nhìn thấy bên kia Đơn đang nhìn mình không chớp, nét mặt chưng hửng thấy tội. Đông Hà ngồi xuống. Diễm Phúc hỏi dồn:
 

- Sao vậy Đông Hà? Có chuyện gì nữa? Thiếu mi làm sao dân ca trường mình nổi lên được?
 

- Còn mi, bỏ đi đâu?
 

Diễm Phúc nhăn nhó:
- Không được. Tao hát loại nhạc khác. Du ca, tình ca thì được, chứ tao hát dân ca dở òm.
 

Đông Hà nói thật nhỏ chỉ vừa cho bạn nghe:
 

- Ráng thay tao đi Diễm Phúc. Tao hứa với ba tao, chiều thứ bảy đến đó, tao nấu cho ba tao ăn những món ngon nhất của tao. Không thể thiếu.
 

Diễm Phúc hiểu, ngồi im. Đông Hà nói tiếp:
 

- Mi thấy không, gần cả tuần nay, phải lo thi, tao đâu có đến thăm ba tao được. Chắc ba tao mong lắm. Bao năm qua, mi thấy không, tao sống cho bạn bè nhiều rồi.
 

Cô Thoa lên tiếng:
 

- Đông Hà, em cố gắng thu xếp việc riêng để đến với bạn bè hai trường nhé! Thiếu em buổi văn nghệ sẽ mất vui.
 

Đông Hà nói:
 

- Thưa cô, em xin đề nghị Diễm Phúc hát thay em, và… Diễm Phúc đã chịu rồi ạ.
 

- Nhưng Diễm Phúc đã có phần tình ca và phần hướng dẫn nhạc sinh hoạt cộng đồng. Không thể thiếu em…
 

Diễm Phúc đứng dậy nói:
 

- Thưa cô, em xin thay thế Đông Hà một lần vậy, vì Đông Hà bận một việc… hết sức quan trọng…
 

Diễm Phúc dừng lại, nhìn bạn mỉm cười, và nói tiếp:
 

- Em sẽ cố gắng tập dợt thật kỹ điệu Cò lả, điệu Xàng xê và…
 

Cách đó vài ghế Mùi Hương nói to:
 

- Và “ố tang tình tang”.
 

Nhiều tiếng vỗ tay vang lên để ủng hộ Diễm Phúc. Đông Hà sung sướng siết chặt tay bạn, thì thầm:
 

- Cám ơn mi lắm. Ba tao chắc sẽ thưong mi như tao vậy.
 

Chuông reo báo hiệu giờ ra về. Buổi họp tạm ngưng. Các nữ sinh về lớp lấy cặp vở, còn đám nam sinh được một dịp ra đứng ngoài sân trường, ngắm “một tí” cảnh các cô lũ lượt ra về. Đông Hà thấy Đơn đứng ở cột cờ. Khi Đông Hà đi ngang, Đơn gọi:
 

- Đông Hà!
 

… và đi chầm chậm theo.Gương mặt Đơn băn khoăn lắm. Đơn hỏi:
 

- Tại sao Đông Hà không dự được buổi văn nghệ?
 

Đông Hà đáp thật nhỏ:
 

- Hà bận việc đúng vào ngay chiều thứ bảy này. Hà rất tiếc vì đã không giúp được Đơn.
 

- Chính Đơn muốn có Đông Hà góp mặt. Không có Hà, chắc Đơn tổ chức dở òm.
 

Đông Hà cười:
 

- Thiếu Hà, đã có Diễm Phúc.
 

- Nhưng có việc gì, Đông Hà giấu?
 

- Đâu có!
 

- Cậu mợ Đông Hà có chuyện gì chăng?
 

Đông Hà lắc đầu:
 

- Không. Một người khác.
 

Đơn như nghĩ ra một điều gì, toan nói nhưng bỗng lặng thinh. Đông Hà lén nhìn qua, thấy mắt Đơn vương buồn. Hai người bước lên thềm và dừng lại trước cửa lớp của Đông Hà. Đơn xoay người lại nhìn ra khoảng sân đang thưa người dần. Đông Hà muốn nói một lời, nhưng thôi. Muốn kể hết cho Đơn nghe, vì không việc gì phải giấu. Nhưng Đông Hà vẫn chưa xác định được mức độ tình cảm mà Đơn dành cho mình. Đã đến cái mức độ mà Đơn có thể lắng nghe tất cả về cuộc đời của Đông Hà hay không? Đơn quen Đông Hà trước tiên là nhờ một dịp tình cờ, sau đó là vì một vẻ bên ngoài và một giọng hát, có thể một tính tình. Nhưng chừng đó chưa đủ để làm một người bạn thân. Đông Hà chưa hiểu nhiều về Đơn. Chỉ cảm thấy là mình quý mến Đơn lắm, nhưng chưa biết Đơn nghĩ về mình ra sao. Đơn có là người sâu sắc, biết cảm thông, hay hời hợt như phần đông các cậu trai nhà giàu? Lâu nay Đơn vẫn tưởng rằng cậu mợ Phong là ba mẹ ruột của Đông Hà. Đơn sẽ nghĩ sao khi biết Đông Hà có một người cha bất hạnh? Ý nghĩ này bỗng đâm xoáy vào tim làm Đông Hà rắn nét mặt lại. Nếu có một ai nghĩ rằng ba đáng thương hại, con sẽ rất bất bình. Không, chính con phải hãnh diện về ba.. Phải tôn trọng ba và nỗi đau của ba. Con đã sống nhiều cho bạn bè, bây giờ phải dành hết cho ba. Chỉ để tâm trí nghĩ đến ba mà thôi. Còn với Đơn, phải tìm hiểu Đơn hơn nữa. Việc gì đến sẽ đến…

Đông Hà trở vào lớp lấy cặp. Khi trở ra vẫn thấy Đơn đứng ở đó. Tự nhiên Đông Hà nghe lòng xao xuyến, tay mân mê quai cặp và nói cho Đơn vui lòng:
 

- Buổi văn nghệ khác sẽ có Hà, nhưng Đơn phải báo trước… một tuần lễ.
 

Đơn thở dài, bước xuống sân, rồi quay lại nói:
 

- Đơn về trường nhé!
 

Đông Hà gật đầu. Đơn đi mãi, đi mãi và khuất sau cổng trường. Sân đã vắng. Chỉ còn lại những bóng cây xao xác. Đông Hà nghe có một nỗi buồn nhè nhẹ, vô cớ tràn đến đầy lòng. Rồi tưởng như đang có Đơn trước mặt, đang gỡ kính ra, nhìn mình bằng đôi mắt sâu thẳm và nói rất ấm áp:
 

- Đông Hà, nhớ ngủ sớm.

*

- Đêm qua con thức khuya phải không?
 

- Sao ba biết?
 

- Trông con có vẻ mệt mỏi.
 

Đông Hà đặt ly cà phê lên chiếc bàn con, nói:
 

- Đêm nào con cũng thức khuya ba ạ.
 

- Chi vậy?
 

- Có khi con học bài, có khi để suy nghĩ. Không khi nào con ngủ trước mười hai giờ.
 

Rồi vừa khuấy nhè nhẹ cho tan đường trong ly, Đông Hà vừa hỏi:
 

- Còn ba?
 

Ba cười nhẹ, đáp thản nhiên:
 

- Ba sống không cần thời gian. Với ba, ngày cũng như đêm, không có gì khác. Khi ba không muốn nghĩ ngợi gì nữa, ba ngủ. Khi muốn bắt đầu nhìn lại mình, ba thức dậy.
 

Ba đỡ lấy ly cà phê, nhấm một chút, gật gù:
 

- Cà phê ngon lắm. Uống hết ly này, chắc ba thức cả đêm. Nhưng ba khác, còn con còn trẻ, phải ngủ sớm. Con thức khuya như vậy, dễ bệnh lắm.
 

Đông Hà ngồi xuống chiếc ghế nhỏ bên cạnh giường, nói:
 

- Từ ngày nhận được ba, lúc nào con cũng tưởng tượng ba đang làm gì, nghĩ gì. Có đêm con không ngủ được, khi nghĩ đến cảnh ba sống một mình trong căn nhà vắng vẻ này.
 

Ba gật đầu:
 

- Buồn thì có buồn, nhưng ba đã quen. Ở đây, ba có thằng Len, thỉnh thoảng nói chuyện cũng vui. Nó tốt lắm con ạ. Nó lai Miên. Sống ở quê khổ quá nó bỏ nhà lên đây, đi giúp việc lung tung. Tính tình hơi cục mịch và bất thường, nhưng nó làm được tất cả công việc mà một đứa con gái như con không thể làm.
 

Đông Hà nói với giọng bùi ngùi:
 

- Con muốn làm những việc của thằng Len. Con muốn săn sóc, hầu hạ ba.
 

Ba cười thật ấm cúng:
 

- Làm sao được? Con còn phải lo học chứ! Con bỏ hết tương lai để hầu hạ ba sao? Nếu vậy, bao năm qua ba xa con để làm gì? Ba biết con học rất giỏi. Con phải cố gắng để tiếp tục….
 

Thấy Đông Hà cúi đầu ủ rũ, ba lặng thinh uống một hớp cà phê rồi châm thuốc. Khói thuốc tỏa ra, len vào mắt Đông Hà nghe cay. Ba nói:
 

- Đông Hà, con có nuôi một mộng ước nào không? Con muốn về sau học ngành nào?
 

Đông Hà ngước lên ấp úng:
 

- Con… con chưa học xong bậc trung học. Con chưa thấy thích hẳn một nghề nào. Con muốn săn sóc ba.
 

- Để làm gì?
 

- Để… , vì… con thương ba.
 

Đông Hà ứa nước mắt. Ba cười lớn:
 

- Như vậy không phải là thương ba. Thương ba, con phải học. Chính ba muốn thế. Con không thể giam đời con ở đây như ba. Ba muốn con thành người.
 

- Con học để phụng sự cho ai?
 

Ba nói trầm giọng xuống:
 

- Cho ba, cho ước nguyện của ba. Cho nhiều người. Cho lý tưởng mà con đang hướng tới. Nếu ba muốn con bần hàn, dốt nát, ba đã đem con về đây “hầu hạ” ba từ hồi con còn nhỏ rồi. Nói đi Đông Hà, con muốn về sau sẽ làm gì?
Đông Hà ngập ngừng:
 

- Con… theo nghề thuốc, được không ba?
 

- Đó là mong ước của ba.
 

Ba lại cười sung sướng. Đông Hà lau mắt, cười theo. Thấy ba như trẻ lại đến mấy tuổi. Hôm nay trong mắt ba đã có một chút ánh nắng. Da mặt như cũng hồng hào hơn, và giọng cười sang sảng làm gợi lại cả một thời gian hạnh phúc êm đềm xa lắc. Đông Hà lại nghe mắt cay xé khi thấy nửa thân dưới của ba bất động. Tấm chăn đắp trên chân ba vẫn nhắc nhở cho Đông Hà biết rằng ba đang chịu một mất mát, chịu một khổ đau. Khi thức giấc, khi ăn uống, khi nói chuyện, ba hơi nhô người lên để ngồi. Khi ngủ, ba nằm thấp xuống. Nghĩa là không có gì khác mấy. Ít khi ba dùng xe lăn. Ít khi ba ra đến cửa. Mặt trời lên ngoài kia, ba không thấy. Đêm xuống với mọi người, ba không cần biết. Ba sống hơn một người mù, hơn một người điếc. Ba sống với thời gian riêng của ba. Vì mất khả năng di chuyển, là mất hai phần ba sức sống.

Có tiếng khóc thét của đứa trẻ ở căn nhà đầu dãy. Đông Hà thấy ba lắng nghe, đôi lông mày hơi nhíu lại, rồi ba hỏi:
 

- Con nghe gì không?
 

- Dạ có. Chắc là con của một người…
 

- Một người thương phế binh. Anh đó bị thương sau ba vài năm. Trẻ hơn ba nhưng anh có tới bốn đứa con đấy. Đứa nhỏ sau này mới đầy tháng.
 

- Vợ của ông ấy có đi làm không ba?
 

- Không làm, lấy gì sống con? Ngoài số tiền mà anh ấy được cấp dưỡng, người vợ có một quán hàng nhỏ ở ngoài chợ, mỗi ngày chỉ bán một buổi rồi về nhà săn sóc chồng con. Anh này bị mất hết hai chân đó con, nhưng anh lại ra đường nhiều hơn ba. Chiều nào cũng đi dạo mát khắp trại với cả gia đình.
 

Đông Hà ngồi yên. Ba rít một hơi thuốc lá. Chừng như đang có một nỗi gì đè nặng tâm trí ba. Giây lâu, ba thở dài:
 

- Sống như ba, nghe nhiều, thấy nhiều, toàn những cảnh tang thương, tự nhiên ba có một cái nhìn về cuộc đời khác hẳn mọi người. Đông Hà, con có bao giờ nghĩ như ba, rằng … cái con người “bình thường” nhất, là con người thiếu chân, thiếu tay không?
 

Đông Hà còn đang ngơ ngác, ba nói tiếp:
 

- Con ngạc nhiên lắm phải không? Vì ba đã nhập tâm những bánh xe lăn, những cây nạng chống mất rồi! Đời sống của ba, của các bạn ba trong trại này là như vậy. Dù có được dành cho nhiều ưu đãi, ba cũng thấy đời sống chỉ có thế. Có lúc ba cũng thèm đi, thèm hoạt động như người khác, nhưng rồi chẳng thấy cần thiết. Số phận đã dán ba xuống chiếc giường này.
 

Đông Hà nghe như các thớ thịt mình tê buốt. Ba nói, như một bài văn, như một khúc nhạc trầm thống. Có gì chia xẻ được cho ba?
 

- Ba có một người bạn, không ở đây. Anh ấy bị trước ba. Ba không quên được ngày ba đến thăm anh ấy. Con có tưởng tượng nổi không? Anh ấy mất cả hai tay, hai chân. Người nhà kể lại rằng anh ấy nhiều lần muốn tự tử, nhưng kể cả khả năng hủy diệt chính mình cũng không có.
 

Đông Hà thấy nhức nhối tận óc, gục mặt xuống như không còn đủ sức để nghe. Ba vuốt tóc Đông Hà nhè nhẹ, an ủi:
 

- Ba thật vô lý khi kể cho con nghe những điều đáng lẽ ba phải quên. Anh bạn của ba không chết. Vì anh ấy có hạnh phúc. Vợ của anh ấy không bỏ đi. Con thấy không? Người ta sống được khi người ta hạnh phúc, thế thôi. Cái thể xác có khi không còn có nghĩa.
 

Ba lại cười khề khà như một ông lão:
 

- Còn ba, trái lại, có khi hạnh phúc sẽ làm ba chết. Hà hà!...
 

Đông Hà giật mình, nhìn lên, thấy mắt ba long lanh sáng.Có phải ba đang nói một câu than thở rất lạ đời? Có phải ba đang kiêu hãnh để che lấp nỗi khổ tâm của ba? Đông Hà nắm chặt tay ba. Không biết ba và con, ai là người can đảm?

Tiếng trẻ khóc bây giờ dịu lại, nhưng giống như là đang đòi sữa. Ba mỉm cười:
 

- Con biết không, cái giọng khóc đó y hệt như giọng của con hồi nhỏ.
 

- Thật không ba?
 

- Thật chứ! Hồi đó mẹ con chiều con lắm, cả ngày cho con bú hoài, nên con cứ đòi sữa mãi.
 

Ba thản nhiên khi nhắc đến mẹ, như nhắc đến một người không thương không ghét. Đông Hà đứng lên, nói:
 

- Chắc bánh sắp chín rồi, con đi coi chừng nghen ba!
 

- Ba đang nóng lòng lắm đây. Bánh của Đông Hà làm, chắc phải ngon tuyệt.
 

- Mợ Phong dạy cho con đó.
 

- Mợ Phong thì tuyệt. Ba nhớ ngày xưa, mợ Phong của con và dì Niệm nấu ăn…khỏi chê.
 

Ba chậc lưỡi ra vẻ thích thú. Đông Hà hỏi nhỏ:
 

- Ba! Ba thấy… dì Niệm thế nào?
 

- Thế nào là sao? Ba với dì Niệm ấy à? Hai người bạn già. Thế thôi. Ba và dì ấy xem nhau như tri kỷ
 

- Nhưng hồi xưa?
 

Ba cau mày nói:
 

- Hồi xưa thì khác. Nhưng con hỏi làm gì?
 

Đông Hà cười nhẹ:
 

- Dì Niệm lưu lại đây lâu là vì ba, nếu không thì dì đã theo đoàn ra Trung lại rồi.
 

- Ba biết.
 

- Con thấy… thương dì ấy thế nào!
 

- Nhưng con hãy biết rằng có nhiều hoàn cảnh khiến người ta chỉ có thể là bạn thiết, mà không thể thành vợ chồng. Con hiểu chứ?
 

Thấy Đông Hà định nói nữa, ba đẩy tay Đông Hà:
 

- Đi coi bánh đi! Bánh khét là hỏng hết công lao.
 

Rồi ba vặn radio nho nhỏ. Đông Hà đi ra đàng sau. “Nhà bếp” do Đông Hà vừa mới thành lập, gồm một cái lò than hồng, trên đó có một nồi bánh. Đông Hà cẩn thận giở cái vung trên đó cũng xếp đầy than hồng. Mùi thơm bay lên. Mặt bánh đã vàng đều. Đông Hà nghe có tiếng xuýt xoa đàng sau lưng. Cậu trai tên Len đã đứng đó. Hắn hỏi:
 

- Bánh “ga-tô” phải hông cô?
 

- Phải. Anh Len ngửi thấy mùi thơm chưa?
 

- Thơm lắm! Nè, tui có mua thêm rau sống cho cô đây. Phen này ăn chả giò bằng thích.
 

Đông Hà nhắc nồi bánh xuống. Len lặt rau thành thạo như một đầu bếp. Đông Hà vừa múc nước trong lu đổ vào ấm, vừa nói:
 

- Ngày thường anh Len nấu cơm cho ba tôi ăn, hôm nay anh phải ăn chả giò tôi làm thật nhiều nghen!
 

Len chớp mắt, có vẻ cảm động, nói:
 

- Ăn chứ! Nhưng… tui ăn nhiều lắm đó.
 

Đông Hà cười:
 

- Không sao. Tôi đã làm rất nhiều, anh Len ăn tha hồ. Ăn xong, tôi giành phần rửa chén.
 

Len lắc đầu nguầy nguậy:
 

- Í, đâu có được. Tui rửa chứ. Cô còn phải về. Đường về nhà cô xa lắm phải không?
 

- Xa thì xa, tôi đi xe ngoài mà! Hôm nay tôi không có đi xe đạp.
 

- Ừ phải phải, cô là con gái chứ bộ võ sĩ sao?
 

Đông Hà đứng yên nhìn Len rửa rau, nghĩ đến lúc hắn nói chuyện ấm ớ với ba chắc ba cũng phì cười. Đông Hà ngồi xuống, nói nhỏ:
 

- Anh Len, tôi muốn ở lại đây đến ngày mai tôi về. Không biết ba tôi chịu chăng?
 

Len giật mình, nói:
 

- Sao được? Cô phải đi học…
 

- Ngày mai chủ nhật.
 

- Cũng không được. Đâu có chỗ cho cô ngủ. Tui con trai, tui nằm ghế bố. Hết chỗ rồi. Cô phải về nhà của cô chứ!
 

Đông Hà thở dài. Đàng nhà trước, tiếng hát trong radio vọng ra những lời thổn thức. Ta không được hưởng ở đây một đêm dài trằn trọc, như ba đã bao năm sống như thế. Đêm xuống trong Khu Tê Liệt chắc còn buồn hơn cả ban ngày. Ở đây, Đông Hà đã thấy, trừ khu chợ nhỏ là hơi có vẻ nhộn nhịp, mọi nơi đều mang một vẻ trầm lặng. Có một rạp hát nhỏ nhưng chắc ba chưa hề nhìn thấy màn ảnh. Cuộc sống đã nằm yên sau cánh cửa xanh bạc màu kia rồi.

Đông Hà đứng dậy, bước ra nhà trước. Tiếng nhạc còn rỉ rả đều đều. Ly cà phê đặt bên chiếc bình hoa Cúc vàng Đông Hà mới cắm đã cạn hết. Nhưng hình như ba đang ngủ. Đúng như ba đã nói, ba sống với thời gian riêng, quy luật riêng của ba. Ba ngủ khi không muốn nghĩ ngợi. Cà phê đối với ba vô tác dụng. Trong thời gian này Đông Hà sẽ sắp món ăn ra bàn và nhờ Len đi mua nước ngọt.

Đông Hà tắt máy hát, và nhét lại tấm “drap” giường bị sút ra , thòng xuống đất. Khi đưa tay nhét mép vải xuống dưới nệm, Đông Hà chạm phải một quyển sách, bèn rút lên. Một quyển sổ dày. Đông Hà lật vài trang, chợt nghe tim đập mạnh. Nhật ký của ba. Nỗi lòng của ba gói ghém trong này. Đông Hà cảm thấy tội lỗi khi bàn tay lật quyển nhật ký. Nhưng những dòng chữ ở một trang giữa đã đập vào mắt. Đông Hà len lén ngồi xuống nệm, giở ra:
 

…………
 

“ Ngày… tháng… năm…

Sáng nay tôi nhìn chân tôi thật kỹ, không hiểu vì sao thấy rất xa lạ. Da khô lại như da rắn, còn bàn chân thì teo nhỏ như chân một đứa bé. Bên chỗ mất nguyên cả chân mặt, tôi không cảm thấy gì. Kể ra tôi đã mất đi những cảm giác và khả năng di chuyển của chân tôi đã bao nhiêu năm rồi, thời gian thật triền miên. Nhưng cái ý nghĩ mỗi khi bắt đầu một ngày là một ý nghĩ mới mẻ. Phải chăng đến khi ý thức về mình dừng lại một chỗ, không còn thay đổi nữa, là lúc hai tay buông xuôi, mắt nhắm lại và hồn bay đi?
 

......
 
Nghĩ đến cái chết, tôi lại liên tưởng đến hạnh phúc. Với tôi, có một điều kỳ quặc là hạnh phúc có thể làm tôi chết. Cho đến hôm nay, tôi cũng vẫn chưa thấy hạnh phúc. Cũng không nghĩ rằng tôi đang đau buồn. Vì thế tôi mong chờ đến cái ngày tôi được nhìn thấy Đông Hà, để tôi biết tôi hạnh phúc hay đau khổ. Tôi muốn nhìn thấy con gái tôi, vững vàng, can đảm và giàu nghị lực. Tôi muốn con gái tôi đủ sức quật ngã những khó nguy. Tôi mong nó sẽ theo nghề thuốc. Nó sẽ làm một người giống như mẫu người mà tôi không bao giờ quên, khi tôi thức giấc lần đầu tiên sau cuộc giải phẫu. Một ánh mắt hiền dịu, một nụ cười nhân hậu và đôi bàn tay êm ái khiến tôi cảm thấy đời sống nhờ đó mà lên tới tột đỉnh của bằng an.

Tôi muốn Đông Hà có thật nhiều tình cảm. Phải, một con người vừa có nghị lực vừa giàu tình cảm chắc sẽ sống đời đáng sống. Tôi rất lo ngại vì không được trực tiếp giáo dục con mình. Tôi sợ con gái tôi bước ra đời giữa một xã hội không vững vàng về tình cảm. Tôi muốn nó có đầy đủ những xúc động, những thủy chung của một trái tim người. Chính sự thiếu thủy chung của mẹ nó làm tôi mất cả niềm tin. Ôi, nếu Đông Hà biết rằng tôi đang hướng về nó bằng tất cả mơ ước và tình thương của một người tuyệt vọng!!! Tôi đang chờ đến cái ngày mà cha con tôi nhìn thấy nhau.

Và đến đó, nếu tôi thấy con gái tôi, Đông Hà, có đủ những đức tính và hoài bão giống như tôi mong mỏi, tôi sẽ yên lòng kết thúc những năm tháng trĩu nặng chờ đợi, khắc khoải, buồn bã, ray rứt. Vâng, tôi sẽ tự diệt…..

………

Ngày… tháng… năm…
 

……
 

Đông Hà kinh ngạc mở to đôi mắt. Ba đang cựa mình. Đông Hà vội nhét quyển nhật ký xuống dưới nệm lại như cũ. Ba mở hé mắt. Đông Hà đứng lên. Nhưng có một sức mạnh vô hình làm Đông Hà ngồi phục dưới chân giường, và gục đầu lên nệm, Đông Hà khóc nức nở. Nghe như vọng từ một cõi lạnh lẽo nào, tiếng ba hỏi:
 

- Có việc gì con khóc? Đông Hà?

*

Bóng trắng vờn vã một lát, rồi rõ dần thành một bà tiên, cúi xuống, nâng Đông Hà dậy, êm đềm hỏi:
 

- Sao con khóc, Đông Hà?
 

Qua sương khói, Đông Hà thấy gương mặt của bà tiên mờ ảo, thanh thoát. Gương mặt của mẹ, của mợ Phong, hay của dì Niệm? Đông Hà đáp trong tiếng nghẹn ngào:
 

- Con sợ ba con chết. Có cách nào để ba con khỏi chết không, bà tiên?
 

- Ngăn một người khỏi chết ư? Ta chỉ làm cho hiện ra một con cá trong chiếc giỏ của cô Tấm, hay làm cho những xương xóc biến thành bạc vàng, quần áo. Ta chưa bao giờ ngăn cản ý định của một người muốn chết. Muốn khỏi chết, chỉ có lòng người ấy quyết định.
 

Đông Hà khóc thổn thức. Phép tiên cũng đành bó tay rồi. Bóng trắng chập chờn như muốn đi. Đông Hà níu bà tiên lại:
 

- Giúp con với, bà tiên ơi!
 

- Ta chịu thua. Chỉ còn một cách…
 

- Thưa bà tiên, cách nào?
 

- Khi nào ba con chết, ta sẽ làm cho ông sống lại, thế thôi.
 

Rối bà tiên bay đi. Sương khói lại mịt mù trước mắt Đông Hà…

Mơ hồ, Đông Hà thấy mình đứng trước cánh cửa xanh bạc màu. Không dám gõ cửa, cũng không lên tiếng gọi. Run run, Đông Hà đẩy cửa bước vào. Đông Hà nhắm mắt lại… Nếu ta chứng kiến ba đang nằm trên giường, mắt nhắm kín, và trên bàn, chai thuốc độc đã cạn? Nếu ta thấy ba gục ở đó với một lưỡi dao đâm vào tim? Nếu ta thấy ba lơ lửng giữa phòng??? Đông Hà cắn chặt môi bật máu và mở mắt… Ba đang đứng trước mặt, oai vệ như một viên đại tướng. Ba mặc đồ trận và đang tiến tới bằng những bước vững vàng. Ba dang hai cánh tay. Đông Hà chạy đến, khóc òa sung sướng. Ba to lớn, mạnh mẽ! Ba can đảm, oai hùng! Con đã biết phút giây cảm động là như thế nào rồi! Ba không bao giờ chết. Ba không bao giờ tự diệt. Chắc lòng ba đã muốn thế. Ba phải sống vì ba đang là đại tướng. Nhưng dù ba là tướng hay là quân, đời đời ba vẫn là chiến sĩ. Con phải khâm phục ba và hãnh diện về ba. Mọi người đều nể trọng ba. Phải không ba? Đông Hà nói gì ba cũng ừ. Và ba đưa Đông Hà đi chơi khắp mọi nơi. Hai cha con đi trên một chuyến tàu hỏa chạy suốt dọc từ Nam ra Bắc. Đông Hà không phải học Địa dư. Đã thuộc hết các tỉnh trên đường đi. Đã quen mặt hết các thành phố. Đã nói được những tiếng địa phương. Ở nơi đâu cũng có người ra mừng đón ba. Người ta nhớ ơn ba, dựng đài kỷ niệm ghi công ba. Con của ba được ngẩng mặt lên, hãnh diện vì máu của ba đã có lần đổ xuống thấm vào đất. Hai cha con được mời vào trú ngụ ở từng nhà. Không phải trả tiền vì những ngôi nhà đó nhờ ba đã được dựng lên. Hai cha con ăn cơm cũng khỏi trả tiền, bởi những bông lúa, ngọn rau nhờ ba đã được vun trồng.

Ở một con suối, hai cha con dừng lại. Mặc cho tàu hỏa chạy đi, sẽ có chuyến khác đến đón. Ba dẫn Đông Hà đi dọc theo bờ suối. Đông Hà lắng nghe tiếng chim hót trên ngọn cây, tiếng nước róc rách qua những ghềnh đá. Ba ngồi xuống trên một rễ cây đại thụ, ngước nhìn trời xanh. Ba kể lại cuộc đời ba bằng giọng êm đềm. Không phải là lời nói, mà như một khúc ca. Trong khúc ca có cả tiếng chim hót ngày ba còn là thư sinh, có cả tiếng cầu kinh của dì Niệm, có cả tiếng cười của mẹ và âm vang tiếng đạn bom nửa đời. Đông Hà nói ba đừng kể nữa. Hai cha con muốn băng qua bên kia suối, ở đó có một giáo đường. Đông Hà muốn vào cầu nguyện cho những người đã chết vì chiến cuộc và cầu nguyện cho những ngày hòa bình kéo dài mãi mãi. Ba dẫn Đông Hà bước lên từng mỏm đá. Nước trôi phăng phăng như muốn đẩy xô những chướng ngại vật. Nhưng ba to lớn, mạnh mẽ, vững vàng, ba chống lại dòng nước. Đông Hà đã leo lên đến bờ. Ba còn đứng lại trên một tảng đá đầy rong rêu. Ba ngước mặt nhìn trời. Đôi mắt ba chứa chan nguồn hạnh phúc. Nhưng ba đã nói hạnh phúc có thể làm ba chết. Bên này suối Đông Hà vẫy tay. Ba thả lơi hai chân. Ba buông lỏng sức sống. Nước đẩy ba ngã trợt trên rong rêu. Ba bị nước cuốn trôi như một chiếc lá. Đông Hà gào khóc và kêu gọi bà tiên. “Khi nào ba con chết, ta sẽ làm cho ông sống lại”. Đông Hà gọi khan cả tiếng, vẫn không thấy bà tiên hiện ra hỏi sao con khóc. Đông Hà xấu số hơn cô Tấm, hơn cả Lọ Lem. Ba đã trôi xa và từ ngôi giáo đường kia vọng ra tiếng kinh cầu, tiếng chuông đổ liên hồi và cả tiếng khóc ngất…

Mười hai tiếng, chuông đồng hồ gõ vang vọng trong đầu và Đông Hà mở choàng mắt ra, thấy mình đang ngồi ở bàn học. Đèn vẫn thắp sáng. Hình như nước mắt tự lúc nào đã làm lấm lem những dòng mực xanh trên giấy. Đông Hà bàng hoàng gấp vở lại. Bài toán cho ngày mai chưa soạn xong. Nhưng tâm trí bây giờ mông lung như còn trong giấc mộng. Vẫn còn nghe tiếng chuông nhà thờ lẩn quất đâu đây. Đúng nửa đêm rồi. Chắc không còn ai thức. Dì Niệm chiều nay đến thăm cậu mợ Phong, và ở lại một đêm để tâm sự với mợ. Giờ này có lẽ dì cũng đã ngủ say. Không ai biết Đông Hà vừa trải qua một giấc mơ hãi hùng. Mà không phải chỉ đêm nay, đêm nào Đông Hà cũng thức khuya và ngủ quên ở bàn học, chập chờn thấy đủ những mộng mị lạ thường. Rồi khi vào giường, cũng lại thấy chiêm bao. Giấc mơ nào cũng kết thúc bằng cái chết của ba. Đông Hà thấy đủ mọi cách chết, thấy ba trong đủ khuôn mặt, đủ hình thái. Có khi ba chết đau đớn, cùng cực. Có khi ba chết thoải mái, tuyệt vời. Sự khủng hoảng này đến bao giờ mới dứt? Từ hôm đọc được mấy dòng nhật ký của ba, Đông Hà đau khổ chưa từng thấy. Biết cầu cứu với ai? Biết nói gì với ba? Đông Hà chỉ biết khóc, và luôn lo sợ một lời nói, một hành động của mình hay của một người nào đó sẽ làm ba nhớ đến cái ý định ghê gớm ấy. Đông Hà muốn ba quên đi hai chữ “tự diệt” mà ba đã nghĩ đến không biết trong một phút giây buồn khổ hay hy vọng nào. Có thể ba đã quên. Ba vẫn vui vẻ và chờ đợi những buổi Đông Hà đến thăm. Ba cười nhiều hơn. Ba ăn uống nhiều hơn. Ba chịu để cho Đông Hà treo thêm tranh ảnh trên tường và cắm một bình hoa để trên bàn. Ba sẵn sàng đọc cả những tạp chí dành cho tuổi thơ mà Đông Hà mua đem vào. Ba chiều ý Đông Hà, bảo Len đi mua sơn về sơn lại những cánh cửa, quét bụi bặm mạng nhện trên trần nhà. Ba chịu uống thuốc bổ, giảm bớt hút thuốc lá. Ba có vẻ đang sống vui tươi. Vì có Đông Hà. Nhưng có lẽ ba chưa quên đâu. Ba hay nhắc đến hạnh phúc. Hạnh phúc có thể làm ba chết. Mỗi khi nói như thế ba cười khề khà giống như nói đùa cho vui. Nhưng ánh mắt ba lạ lùng. Giọng cười của ba kết thúc như một tiếng thở dài. Giống như ba đang sống để kết thúc những tháng năm trĩu nặng chờ đợi, khắc khoải, buồn bã, ray rứt… Vì đã có cái ngày mà Đông Hà nhìn thấy ba, ba nhìn thấy Đông Hà. Ba thấy con có đủ sức đi một mình vững vàng trong đời sống rồi. Nhưng Đông Hà có đứng vững không, nếu một ngày kia ba thực hiện ý định “tự diệt”? Ba có biết Đông Hà đang tự chiến đấu với chính tư tưởng mình, với từng ly từng tí hành động và lời nói mỗi khi đến thăm ba, rồi phải chìm mình vào những giấc mơ khủng khiếp mỗi khi về nhà? Không còn nuốt trôi một bài học nào vào trí óc. Sức khỏe giảm sút mỗi ngày. Đông Hà thấy bải hoải khắp người sau mỗi giấc ngủ.

Thốt nhiên, Đông Hà muốn cầu nguyện. Không phải để van xin có một bà tiên hiện ra hỏi “Tại sao con khóc?”. Mà để cho tâm hồn được một chút bình an. Chỉ có cách đó để chống chọi với hoàn cảnh mà thôi. Đông Hà rời bàn học, đến thắp một nén nhang trên bàn thờ Phật. Khói hương tỏa ra trong không gian lặng như tờ. Đông Hà không biết phải cầu nguyện những gì, đứng sững ở đó và chưa bao giờ thấy cô đơn như lúc này.

- Đông Hà! Cháu học khuya vậy sao?
 

Tiếng của dì Niệm. Giọng nói êm ả như giọng của bà tiên trong giấc mộng hứa giúp đỡ Đông Hà. Đông Hà quay lại và gặp đôi mắt của dì Niệm long lanh sáng. Một gương mặt nhỏ nhắn, hiền từ, không che giấu được rằng ngày xưa đã có một thời dì làm mê mệt các cậu trai trường tỉnh. Vẻ nhân ái thuần khiết của dì có thể khiến kẻ đối diện dù đang đau khổ tuyệt vọng cũng tìm được một chút an tâm. Tại sao dì không phải là mẹ ruột của ta? Tại sao dưới mái nhà cô quạnh của ba, dì không hiện diện như một bà tiên hạnh phúc?
 

- Cháu vẫn thức khuya như vậy. Dì chưa ngủ sao ạ?
 

- Chưa.
 

- Cháu tưởng dì và mợ cháu đã ngủ say.
 

Dì Niệm ngồi xuống ghế, thở ra:
 

- Mợ Phong đã ngủ rồi. Dì thao thức mãi, thấy có đèn sáng, biết cháu còn thức nên dì ra nói chuyện với cháu.
 

Đông Hà ngồi xuống chiếc ghế đối diện với dì Niệm, buồn bã nói:
 

- Cháu vừa mới ngủ quên ở ngoài này.
 

- Như vậy cháu nên đi ngủ sớm, sáng cháu dậy sớm học bài, trí óc sẽ minh mẫn hơn.
 

Đông Hà cúi đầu:
 

- Cháu khổ sở quá dì ơi!
 

Dì Niệm trố mắt, hỏi:
 

- Có chuyện gì? Sao vậy Đông Hà?
 

- Ba cháu…
 

- Thế nào?
 

Đông Hà nghẹn lời:
 

- Ba cháu muốn bỏ cháu mà đi.
 

Dì Niệm chưa hết ngạc nhiên:
 

- Ông đi đâu?
 

- Đi… rất xa, không ở gần với cháu.
 

Dì Niệm cười:
 

- Ông nói dọa cháu đấy! Ông không đi đâu cả. Có một lần dì đến thăm, ba cháu nói ông đã nhận căn nhà đó, chiếc giường đó vào cuộc đời ông luôn rồi.
 

- Đúng rồi dì ơi!
 

Đông Hà khóc ngon lành. Dì Niệm như chợt nghĩ ra điều ghê rợn mà Đông Hà không dám nói. Dì bước tới ôm lấy vai Đông Hà, nói như vỗ về:
 

- Đừng khóc, Đông Hà! Nói cho dì nghe hết đi! Khóc lóc làm cho ta mất cả ý chí. Dì thấy cháu đang mềm yếu đó.
 

- Nhưng cháu không thể nào an tâm được, vì cháu mới khám phá rằng ba cháu có ý nghĩ tự diệt…
 

Dì Niệm giật mình:
 

- Từ bao giờ?
 

- Ba cháu viết trong nhật ký từ lâu rồi, tình cờ cháu đọc được. Cháu lo sợ quá!
 

Dì Niệm thở dài:
 

- Vô lý! Không lẽ…
 

- Ba cháu có những ý nghĩ kỳ lạ lắm dì ơi! Bây giờ cháu muốn bỏ hết tất cả để đến ở với ba cháu. Cháu muốn có mặt bên cạnh ba cháu cả ngày, cả đời…
 

- Đừng, Đông Hà. Nếu cháu làm thế ba cháu sẽ có ý nghĩ rằng ông là gánh nặng của cháu, và ý nghĩ kia sẽ dễ dàng thực hiện hơn nữa.
 

- Nhưng tại sao ba cháu muốn chết?
 

- Bình tĩnh đi, Đông Hà! Để dì nghĩ với cháu.
 

Dì Niệm buông mình xuống ghế, đưa tay bóp trán. Đông Hà nhìn dì không chớp. Nếu như dì sẽ thản nhiên mà nói như bà tiên trong giấc chiêm bao ban nãy: “Muốn khỏi chết, chỉ có lòng người ấy quyết định”, thì sao nhỉ?

Đông Hà bỗng nghĩ đến một điều, vội hỏi dì Niệm:
 

- Thưa dì, cháu có ý nghĩ này…
 

- Chi đó cháu?
 

- Cháu nghe bạn cháu nói, những người Công giáo không bao giờ có ý định tự tử, phải không dì?
 

Dì Niệm gật đầu:
 

- Phải rồi cháu. Đó là một hành động bị cấm.
 

- Dì, dì khuyên giùm ba cháu. Dì thuyết phục ba cháu, dì nhé!
 

- Chuyện ấy dì đã nghĩ đến, nhưng…
 

Trên gương mặt điềm đạm của dì Niệm, tự nhiên có những nét khổ sở hiện ra. Chừng như dì đang nhớ lại một đoạn đời nhiều kỷ niệm sâu đậm vô cùng.
 

- Nhưng… cháu có biết rằng ngày xưa chỉ vì vấn đề tôn giáo mà … mà hai người bạn phải xa nhau không?
 

Đông Hà nói thật nhỏ:
 

- Cháu biết… dì và ba cháu…còn hơn cả hai người bạn nữa.
 

- Dì không giấu điều đó.
 

- Cháu đã tìm hiểu dì qua mợ Phong. Dì hiểu cho cháu rằng vì cháu quý mến dì lắm. Cháu vẫn có cảm tưởng là nếu có dì…
 

Đông Hà bỏ lửng câu nói, tự kềm chế mình lại. Dì Niệm nói:
 

- Dì cũng không ngại khi tâm sự với cháu. Cháu có biết rằng khi xưa, ở tỉnh nhà, ba cháu và dì đã yêu thương nhau vô cùng. Nhưng vì tôn giáo, chỉ một sự khác biệt rất nhỏ bé mà sâu xa ấy, hai người không thể tiến tới. Từ sự xung khắc ấy, nảy ra nhiều vấn đề nữa, ở tuổi cháu… chưa hiểu được đâu.
 


- Cháu thấy nhiều người yêu nhau, sẵn sàng san bằng những trở ngại.
 

Dì Niệm cười, nụ cười vừa bao dung, vừa xót xa:
 

- Ba cháu nặng lòng với truyền thống gia đình. Dì thì không thể bỏ đạo. Mỗi người đều cảm thấy người kia có lý. Dì lại trót sinh ra làm một con người không đơn giản như những người phụ nữ khác. Càng ngày dì càng cảm thấy dì không mơ ước một hạnh phúc thông thường. Dì có một cái nhìn khác về cuộc đời. Dì thích làm việc. Dì thích sống cho nhiều người, thích sống trong những môi trường rộng rãi. Thế nên, dù rất yêu quý ba cháu, dì đành phải xa ông. Đến nay dì cũng đang thực hiện ước nguyện của dì. Gặp lại ba cháu trong một cảnh ngộ thật đau lòng. Dì ở lại đây lâu… là vì vậy.
 

Dì Niệm thở dài:
 

- Nhưng hiện nay, ba cháu và dì chỉ còn là hai người bạn, biết dì có khuyên nhủ được ông không?
 

Đông Hà nghe trên hai mắt mình như đã khô lệ. Thấy thương mến người đàn bà kia như đang thương mình. Dì Niệm nắm tay Đông Hà, nói:
 

- Đôi lúc dì cũng băn khoăn lắm. Dì tự hỏi tại sao mình không đơn giản như bao nhiêu người? Tình yêu, tôn giáo, lý tưởng, cái nào hơn? Chắc đến chết dì vẫn chưa trả lời được. Có lẽ cái hạnh phúc của mình, chỉ có kẻ khác mới nhìn thấy phải không Đông Hà?
 

Rồi cúi xuống thấy đôi mắt Đông Hà ngây thơ như hai vì sao nhỏ, dì Niệm cười:
 

- Dì nói lung tung, nghe nặng đầu lắm hở? Dì hứa sẽ đến thăm ba cháu một lần nữa trước khi dì ra Trung. Dì sẽ khuyên ông bằng tất cả tình bạn của dì.
 

Đông Hà hoảng hốt:
 

- Dì sắp đi? Bao giờ hở dì?
 

- Chắc nội trong tuần này. Xin được máy bay là dì đi.
 

Đông Hà thừ người ra. Không ai còn lời gì để nói. Chỉ nghe tiếng gõ đều nhịp của chiếc đồng hồ treo trên tường. Giống như tiếng mõ khua trong một ngôi chùa đã không còn ai đến van xin sự phò hộ. Và Đông Hà mơ màng thấy làn khói cuối cùng từ cây nhang đã cháy hết bay vút lên rồi biến mất dần như bóng áo trắng của bà tiên.

_________________________________________________________________________ 
Xem tiếp CHƯƠNG BỐN