Thứ Năm, 19 tháng 4, 2018

CHƯƠNG HAI_ĐÔNG HÀ


CHƯƠNG HAI


Trường nam và trường nữ cách nhau không xa, chỉ một đường cây Còng. Bên này, trường nam quét vôi màu vàng, bên kia trường nữ toàn màu trắng. Con đường ở giữa trồng hai hàng cây Còng xanh um. Hoa Còng nở bốn mùa. Lá Còng xanh suốt năm. Hoa màu hồng. Lá thì to hơn lá me, lá Phượng. Trời nắng, lá vui vẻ mở ra. Về chiều, lá xếp lại buồn thiu. Sau cơn mưa, lá trĩu nặng giọt nước, ủ rũ chi lạ. Con đường quả nên thơ, cả học sinh trường nữ lẫn học sinh trường nam đều nhận thấy như thế. Mỗi buổi ra chơi, hay lúc tan học về, nhiều cậu đứng lóng ngóng bên này đường, nhìn các cô ríu rít bên kia đường. Nhiều vần thơ đã dệt. Nhiều ánh mắt đã trao. Một hôm kia, ban du ca của trường nam được dịp sang “lưu diễn” bên trường nữ nhân dịp ra mắt ban chấp hành học sinh hội ngộ cùng ban dân ca của bên này. Và anh trưởng ban du ca có giọng hát thật hùng và ngón đàn ghi-ta như gió làm quen với cô bé giọng chính của ban dân ca trường nữ, hò Huế rất buồn, ngâm thơ Bắc rất trong và ca Nam-ai rất cảm động.

Chuyện thật tự nhiên phải không? Anh trưởng ban du ca có thật nhiều dịp để tặng cô bé trường nữ những bài hát mới, vào những giờ tan học khi cô bé dắt xe đạp ra đứng chờ đợi bạn dưới cây Còng bé nhất. “Cây Còng bé nhất” vẫn cao đến bằng tầng lầu một của trường nữ, và đủ che cho hai người một tàn bóng mát. Cả hai vẫn còn thừa một chút e dè của tuổi nhỏ để chẳng bao giờ nói chuyện với nhau đến quá năm phút. Mỗi ngày anh chàng hỏi được vài câu và cô bé trả lời vài câu. Dần dần trở nên đôi bạn. Anh nam sinh biết được nhà cô nhỏ nhưng chưa bao giờ đến nhà vì cô nói “Cậu mợ Hà khó lắm!”, biết được cả ngày sinh nhật của bạn và mua quà trước… để dành. Chuyện của đôi bạn cứ thế dễ thương như màu phơn phớt hồng của hoa Còng, khép nép như lá Còng mỗi chiều khép lại, và cũng hân hoan như những bản du ca.

Đông Hà hơi chùn bước khi thấy Đơn đứng ở chỗ cũ, dưới “cây Còng bé nhất”. Đơn không giận mình sao? Nội chuyện nói dối làm Đơn buồn cũng đủ làm vỡ tan bao nhiêu tình cảm đẹp. Đông Hà đã lo sợ như vậy. Nhưng Đơn đang mỉm cười kìa! Đơn nghĩ gì về mình nhỉ? Một con bé khó hiểu, thích làm cao cũng như những đứa con gái khác, để được năn nỉ, chiều chuộng? Không, Đông Hà không có như vậy. Đông Hà muốn làm bạn với Đơn, muốn có Đơn để chia xẻ, an ủi nhau những lúc vui buồn. Nhưng còn chuyện của gia đình mình, của ba mình, có nên kể cho Đơn nghe không? Đông Hà ngơ ngác. Biết Đơn dành cho mình một mức độ tình cảm như thế nào mà kể lể? Đông Hà cúi đầu dắt xe đi nhanh ra khỏi cổng trường. Ngang qua mặt Đơn, Đông Hà cảm thấy nao nao lòng. Đơn gọi nhỏ:
 

- Đông Hà!
 

Đông Hà ngó lên. Đơn vẫn giữ nụ cười. Nụ cười đó làm Đông Hà áy náy. Đơn hỏi:
 

- Hôm nay lớp Đông Hà thi môn Toán phải không?
 

- Sao Đơn biết?
 

Đơn dắt xe gắn máy đi chầm chậm theo Đông Hà.
 

- Đông Hà nói với Đơn hôm thứ bảy, quên rồi sao? Mới có hai ngày…
 

Chắc Đơn muốn nói mới có hai ngày mà đã thấy Đông Hà thay đổi. Phải, chính Đông Hà đã thay đổi, nhưng là từ lúc đọc được bức thư của ba lận cơ! Và tối hôm qua, nghe về cuộc đời ba, thương ba biết mấy! Đông Hà muốn gác lại hết, những niềm vui nỗi buồn của mình, để chỉ nghĩ đến ba, để chỉ biết một mình ba trên đời.

Sau một phút yên lặng, Đơn hỏi:
 

- Đông Hà làm bài được không?
 

- Có. Vừa đủ điểm trung bình thôi Đơn.
 

- Trên trung bình chứ! Đông Hà giỏi Toán mà!
 

Đông Hà thở dài:
 

- Nhưng sáng hôm nay Hà quên công thức hết.
 

Đơn lo lắng:
 

- Sao vậy?
 

- Không biết nữa. Chắc tại vì…
 

Đơn cười ấm áp:
 

- Đơn biết rồi! Tại hôm qua vui quá, quên học bài phải không?
 

Đông Hà nghe như có một sợi khói vương ngang mắt. Đơn muốn trách khéo mình chăng? Đông Hà len lén nhìn qua, thấy Đơn vẫn giữ nụ cười. Trời ơi, nụ cười có ý nghĩa gì, chế nhạo hay tha thứ?
 

- Đơn … có giận Hà không?
 

- Về chuyện gì?
 

- Chuyện … hôm qua.
 

- Hôm qua làm sao?
 

Đúng là Đơn chế nhạo mình rồi. Đông Hà muốn khóc quá. Đã đi hết đường cây Còng. Đông Hà leo lên xe đạp. Nhiều đứa bạn chạy xe ngang qua, ngoái lại dòm. Hôm nay tự nhiên Đông Hà xấu hổ quá. Lòng cũng không yên nên không muốn nói chuyện với Đơn nhiều. Thấy Đông Hà sắp sửa đạp xe, Đơn nói vội:
 

- Đông Hà về sao? Đơn chưa nghe Hà nói gì cả.
 

- Nói gì? Nãy giờ Hà nói nhiều rồi.
 

Đơn hết cười. Đơn có vẻ lo lắng:
 

- Nói chuyện gì làm cho Hà lo nghĩ.
 

- Không, không có gì. Hà có lo nghĩ gì đâu.
 

- Đơn không được nghe chuyện của Hà sao? Hà hứa là bạn của Đơn mà! Từ hôm qua tới giờ Đơn cảm thấy Hà khác khác.
 

- Tại… Hà mệt, chắc muốn bệnh.
 

Đơn lại cười:
 

- Thật không?
 

- Thật mà! Hà về nhé!
 

- Thật Hà mệt không? Nhớ nghỉ ngơi kẻo bệnh.
 

- Vâng, cám ơn Đơn lắm.
 

Rồi Đông Hà đạp xe đi. Không quay lại, nhưng Đông Hà biết Đơn đang nhìn theo mình. Mãi lâu sau, Đông Hà mới nghe Đơn rồ máy xe.

Diễm Phúc đi xe đạp đàng xa, réo:
 

- Đông Hà ơi! Đông Hà! Chờ với!
 

Đông Hà đạp xe chậm lại. Diễm Phúc tiến lên nói:
 

- Nãy giờ mi ở đàng này, mà tao cứ tìm ở đàng kia. Hỏi Mùi Hương nó cũng bảo là không thấy mi. Mi làm bài được không?
 

- Thường thôi. Mi sao?
 

- Cũng vậy. Tụi lớp tao nói là cô giáo bên lớp mi cho đề dễ hơn
 

- Tầm bậy. Dễ mà làm tao muốn điên đầu. Ngày mai còn môn Sử -Địa nữa, không biết có ôn bài kịp không nữa đây?
 

- Mi mà than. Chiều nay “gạo” cho kỹ đi!
 

- Chiều nay? Chiều nay hở?
 

Nghe bạn lẩm bẩm, Diễm Phúc đạp xe lại gần, hỏi:
 

- Mi nói gì?
 

- Không.
 

Diễm Phúc nói như thì thầm:
 

- Hồi nãy tao thấy “tên” Đơn nói chuyện với mi. Vui vẻ cả chứ?
 

- Thì… vẫn như mọi ngày.
 

- Nè, Đông Hà, tụi tao thắc mắc tại sao hôm qua anh chàng không có quà cho mi?
 

Đông Hà chậc lưỡi:
 

- Hơi đâu mi để ý chuyện đó.
 

- Không để ý sao được. Đơn thân với mi lắm mà!
 

Đông Hà cười:
 

- “Thân” nghĩa là sao? Thân bằng tụi mi không?
 

Diễm Phúc chớp mắt ra vẻ cảm động lắm:
 

- Dĩ nhiên là không thân kiểu tao hay Lý, Hương rồi. Nhưng anh ta là bạn trai.
 

- Bạn trai thì có sao?
 

- Mi giả vờ ngây thơ thấy ghét lạ. Bạn trai thì phải khác bạn gái chứ!
 

Đông Hà cười:
 

- Thôi Diễm Phúc, đừng nói chuyện đó nữa. Nè, nghe đây, tao nhờ mi một việc.
 

Hai đứa đạp xe chậm lại. Đông Hà nói:
 

- Bây giờ mi ghé về nhà tao, nói giùm với cậu mợ tao là tao xin phép đến nhà Mùi Hương để ôn bài Sử-Địa mai thi.
 

- Thật à? Mùi Hương có hẹn với mi sao? Mà sao mi không về nhà ăn cơm trưa rồi qua nó?
 

Đông Hà nói trầm giọng xuống:
 

- Không. Mi cứ nói giùm là tao đã ăn bánh mì ở trường, tao đến ngay để ôn bài với nó cho mau.
Diễm Phúc cảm thấy có một điều gì không ổn. Hình như bạn mình đang nói dối với mình. Diễm Phúc băn khoăn:
 

- Sao mi không lại nhà tao mà mi ôn bài với Mùi Hương?
 

- Vô lý, mi ghé xin phép cho tao mà bảo là tao đến nhà mi, thì cậu mợ biết ngay là…
 

Biết mình đã nói hớ, Đông Hà im bặt. Diễm Phúc “à” lên, hỏi dò:
 

- Mi đang có một việc phải đi ngay, phải không Đông Hà? Mi giấu luôn cả tao…
 

Không có tiếng đáp lại. Đông Hà đang tránh một chiếc xe. Khi quay lại Diễm Phúc thấy mắt bạn đỏ hoe như gần khóc.
 

- Đông Hà, sao vậy? Từ hôm qua tới giờ mi kỳ quá!
 

- Không có gì đâu. Mi giúp tao nghen, nói với cậu mợ tao như vậy. Chắc không lâu đâu, tao sẽ kể hết cho mi nghe.
 

- Thật nhé! Chuyện vui hay buồn?
 

- Vui chứ!
 

- Vui mà mi cứ rơm rớm hoài.
 

Đông Hà bật cười:
 

- Mi nên nhớ là “Khi vui muốn khóc”…
 

- “Buồn tênh lại cười” hở?
 

Đông Hà đưa một tay ra vuốt bàn tay bạn, nói:
 

- Tới ngã tư rồi, mi đi đi nhé! Nhớ ghé nhà tao.
 

Diễm Phúc gật đầu rồi đi thẳng. Đông Hà rẽ sang trái.

*

Nắng chói chang trước mặt, gay gắt trên đỉnh đầu. Nhưng Đông Hà không cảm thấy mệt mỏi. Phải đến đó, nơi mà ba đang ở. Đêm hôm qua hứa với cậu mợ là để xong tuần thi đệ nhị bán niên rồi sẽ đến gặp ba, nhưng không có đứa con gái nào có thể kiên tâm chờ đợi một tuần như vậy. Nhất là khi ngồi trong lớp học, trước trang sách, hình dung thấy ba đang nằm một mình trong căn nhà cô quạnh của ba, căn nhà bình thản và buồn tênh từ mười mấy năm vô tình đã qua, có ai không thấy hồi hộp, xao xuyến? Đông Hà quyết định trưa nay sẽ đến đó. Theo con đường này, đi khoảng hai cây số sẽ qua một chiếc cầu. Đó là ranh giới để ra ngoại ô. Đông Hà thừa sức để đi xe đạp một mình. Lại đi khoảng hai cây số nữa, mới thấy con đường dẫn vào bệnh viện. Đông Hà gặp một con đường rợp mát bởi hai hàng cây Còng thơ mộng, giống như con đường trước trường của Đông Hà vậy. Không thấy nhà cửa. Chỉ có vài chiếc đồn nhỏ bỏ trống. Ngày xưa đã có một lần ba đi vào con đường này, có lẽ bằng chiếc xe đóng kín cửa và mang dấu hồng thập tự. Đàng cuối đường hun hút kia chắc sẽ đến bệnh viện. Nhưng Đông Hà thấy một trường tiểu học. Giữa trưa, không thấy bóng học trò. Chỉ có một người gác-dan già đang thơ thẩn quét lá trên sân. Đông Hà lại đi tiếp. Đường cây Còng càng lúc càng thu ngắn. Có một con đường rẽ sang bên trái dẫn Đông Hà vào đến một dãy nhà cao. Đúng là bệnh viện. Chỉ cần vào đây, hỏi thăm là sẽ đến nhà của ba.

Đông Hà đứng ngần ngại trước những bậc tam cấp. Không thấy ai để mà hỏi thăm. Bệnh viện đây sao? Thật không giống với cảnh mà mình tưởng tượng. Không có những người y tá áo trắng đi qua đi lại. Không có những chiếc băng-ca đưa người bệnh từ phòng này qua phòng nọ. Không có những người thân nhân ngồi nơi phòng đợi. Khung cảnh im vắng như ngôi trường học ngoài kia.

Mãi một lát sau mới có một người đàn ông đi ra. Không đợi Đông Hà lên tiếng, người ấy đến hỏi:
 

- Cô tìm ai?
 

Đông Hà ngả nón chào, nói:
 

- Cháu tìm bệnh viện. Dạ thưa ông, ở đây có phải là bệnh viện không ạ?
 

- Bệnh viện đã dẹp từ nửa năm nay rồi, cô không biết sao?
 

Đông Hà ngạc nhiên:
 

- Thưa ông, sao lại dẹp bệnh viện?
 

Người đàn ông cười:
 

- Thì tại vì không còn người để chữa bệnh. Nơi đây đã sửa lại thành cơ sở hành chánh cho khu gia binh rồi. À mà cô tìm ai?
 

Đông Hà có vẻ hơi thất vọng:
 

- Cháu hỏi thăm một người nằm ở Khu Tê Liệt. Nhưng bệnh viện đã dẹp thì người ấy đi đâu?
 

- À! Khỏi lo. Vì những người nằm ở Khu Tê Liệt không phải dời đi đâu cả. Cô thăm ai?
 

- Cháu thăm ông Lê Văn Thư
 

- Ông Thư à? Ông ấy vẫn còn ở đây
 

Đông Hà mừng rỡ:
 

- Thật sao bác? Bác làm ơn chỉ giùm cháu.
 

- Tôi sẽ dẫn cô đi. Khu Tê Liệt ở cuối đường kia chứ không ở trong bệnh viện này. Coi như là nhà riêng của họ rồi.
 

- Cám ơn bác. Cháu đi một mình được.
 

- Vậy thì cô cứ đi thẳng nhé! Đến khi thấy dãy nhà trệt thì quẹo vào. Nhà ông Thư ở căn thứ ba. Cô vào đó là sẽ gặp.
 

- Bác… biết rõ như thế?
 

Người đàn ông cười:
 

- Tôi với ông Thư có xa lạ gì nhau. Xưa đi lính cùng một đơn vị. Tôi may mắn được về làm việc ở đây. Khi bệnh viện dẹp đi, tôi được giao cho công việc lo điều hành sinh hoạt dưới Khu Tê Liệt.
 

- Cám ơn bác. Cháu đi ngay.
 

Đông Hà leo lên xe. Người đàn ông bước tới, nói:
 

- Khoan đã. Cô… là gì của ông Thư?
 

- Cháu là… người nhà…
 

Người đàn ông gật đầu, cười. Đông Hà đạp xe đi. A, biết đâu ông ta mà nghe mình khai là con gái của ông Thư, lại chẳng vào quay điện thoại để “báo tin” trước nhỉ! Phải dành cho ba một sự bất ngờ. Ba sẽ chưa ngờ được rằng hôm nay Đông Hà đến gặp ba, giữa buổi trưa nắng gắt. Ba sẽ làm sao nhỉ? Giờ này chắc ba đã ăn cơm xong. Ba đang ngồi nghe nhạc, hay ba đang ngủ, hay ba đang nằm gác tay trên trán và nghĩ đến ngày con mười tám tuổi? Trong tâm trí như có lời chế nhạo: “Nhiều tưởng tượng quá, Đông Hà! Sắp đến nhà của ba rồi. Đạp xe nhanh lên! Nhanh lên!” Và Đông Hà đã thấy dãy nhà trệt.

Tự nhiên tim đập thật mạnh trong ngực. Đông Hà xuống xe. Không muốn tiếng sên quay làm vỡ tan sự yên lặng. Qua chiếc cầu nhỏ bắc ngang mương nước, Đông Hà vào đến mái hiên chung cho cả dãy nhà. Những căn nhà ở đây đã trở thành nhà riêng của “họ” rồi. Bước chân Đông Hà chợt dừng lại, và Đông Hà lắng tai nghe. Có tiếng trẻ khóc trong căn nhà đầu tiên, và tiếng ru con bắt đầu. Đông Hà mỉm cười. Đời sống là như thế. Có những thời điểm khắc nghiệt trong đời người. Rồi cũng qua. Và tiếp tục bằng những đoạn bình thản. Là tiếng khóc trẻ thơ. Là tiếng ru của vợ hiền. Là hạnh phúc nhỏ nhoi nhưng quý giá. Nhưng hạnh phúc đó không gõ cửa căn nhà thứ ba. Đông Hà đã thấy rồi. Cánh cửa sơn xanh, bạc màu vì nước mưa, đóng kín lại như khước từ mọi chuyện. Không nghe tiếng người nói. Không có tiếng nhạc. Ba đang ngủ? Ba đang quên như mọi ngày tìm quên?

Đông Hà dựng xe ở trước cửa rồi đứng đó thật lâu. Muốn gõ cửa, nhưng con không phải là khách. Muốn lên tiếng gọi “ba ơi”, nhưng chắc ba sẽ tưởng ba nghe lầm. Hình như cửa không khóa. Đúng rồi, ở đây ba không sợ trộm đạo. Đông Hà đẩy cửa bước vào- như đứa con thân tình ngày ngày đi học rồi trở về căn nhà quen thuộc, và đứng sững giữa căn phòng trống lạnh, tranh tối tranh sáng vì tất cả cửa sổ đều đóng kín.

Trên chiếc giường kê ngay giữa phòng, có dấu lõm trên nệm nhưng không có ba nằm. Không gian vắng vẻ đến rợn người. Một chiếc bàn con kê ngay đầu giường, trên đó để đủ thứ lặt vặt. Một chiếc gạt tàn thuốc, mấy quyển sách cũ, một máy hát nhỏ, một chai nước và một cái ly. Trên tường treo độc nhất một tấm lịch còn để ngày hôm qua chưa kịp lột. Ở đây có sự sống. Nhưng ba đi đâu? Trưa nắng gắt ngoài kia, nào thấy có ai? Đông Hà bước ra phía sau. Có một chiếc cửa hẹp trông qua một dãy nhà có lẽ là nhà bếp chung. Đông Hà thất vọng, ngồi xuống chiếc giường to lớn. Tự nhiên một ý nghĩ thoáng qua làm Đông Hà hoảng hốt. Việc gì đã xảy ra cho ba? Hay là ba đã… Đông Hà ôm mặt, nghe cổ họng khô khan và hai mắt nặng trĩu.

Một tiếng động làm Đông Hà ngẩng lên. Sừng sững trước mắt là một cậu trai vạm vỡ. Da hắn đen bóng, tóc hơi quăn, hắn có vẻ như một người lai Miên. Cậu trai nhìn Đông Hà với ánh mắt lạ lùng, hỏi:
- Cô là ai?
 

Đông Hà đứng dậy, ấp úng:
 

- Tôi … tôi hỏi thăm ông Lê Văn Thư. Có phải ông Thư ở đây không… ông?
 

Cậu con trai hơi mỉm cười khi nghe một đứa con gái có vẻ lớn hơn mình một chút gọi mình bằng “ông”, trả lời:
 

- Đúng rồi. Cô hỏi có chuyện chi?
 

- Ba tôi… ông Thư… đi đâu rồi?
 

- Ba của cô?
 

Cậu trai ngạc nhiên nhìn Đông Hà một đỗi. Rồi chừng như không muốn người đối diện nghĩ là mình tò mò, hắn nói:
 

- Ông Thư đi từ sáng.
 

- Đi đâu?
 

- Ông nói là đi vòng vòng chơi, tôi không biết ông đi đâu. Lần đầu tiên ông ấy ra khỏi trại đó.
 

Đông Hà thở phào, rồi nhìn cậu trai, thắc mắc hỏi:
 

- Xin lỗi, ông… không, anh… ở đây với…?
 

- Tôi ở phía sau, vừa làm việc vặt vừa giúp đỡ ông Thư những lúc cần. Ngoài ra không có ai. Cô có chuyện gì nhắn lại không?
 

- Không. Tôi ngồi đây chờ ba tôi về, được không?
 

- Vậy cô ngồi chơi.
 

Cậu trai mở cánh cửa sổ rồi quay lưng đi ra sau. Đông Hà thấy tấm lưng của hắn bóng loáng dưới ánh sáng vừa mới tràn vào. Sự yên vắng trở lại đầy căn phòng. Đông Hà bắc chiếc ghế nhỏ lại gần giường, rồi ngồi ở đó. Ba ơi, con vẫn chưa biết phút giây cảm động nó là như thế nào. Con chưa được nắm tay ba, quỳ xuống ở chân giường này, gục đầu nghe ba vuốt tay trên tóc. Con chưa lắng tai nghe lại tiếng nói của ba. Con từ đứa trẻ thơ đã trở thành người lớn, nhưng trí nhớ từ đó cũng mịt mờ như sương. Không nhớ được tiếng nói, không vẽ được nét mặt. Chỉ biết hiện giờ ở đây là căn nhà của ba. Chiếc giường này, ba dán cuộc đời của ba lên đó. Chỉ biết rằng mấy năm qua ba đã sống hết sức tẻ nhạt, một mình ba với đứa con trai có thân hình đen bóng lúc nãy. Chắc cũng không có nhiều chuyện để nói. Chắc cũng không thường có tiếng cười. Chừng đó là một sự hy sinh. Chừng đó là sự đánh đổi cho “lòng thương con của một kẻ tuyệt vọng”, phải không ba?


Một người đàn bà đẩy cửa bước vào phòng sau khi gõ cửa và không nghe trả lời. Đông Hà đứng dậy. Hai người nhìn nhau và đều ngạc nhiên như nhau. Người đàn bà hỏi trước:
 

- Xin lỗi cô, ông Thư có ở nhà không?
 

Đông Hà lập lại lời của cậu trai ban nãy:
 

- Dạ, ông Thư đi vòng vòng chơi từ hồi sáng, cháu không rõ ông đi đâu.
 

Người đàn bà ngồi xuống một chiếc ghế, lấy khăn tay ra lau những giọt mồ hôi lấm tấm hai bên thái dương. Nắng vẫn chói lọi ngoài đường. Chừng như bà đã đi bộ từ ngoài vào nên mệt lắm.
 

Đông Hà rót một ly nước lọc, mời người đàn bà, tự nhiên cảm thấy như mình là chủ nhân của căn nhà nhỏ. Người đàn bà nhận ly nước, tỏ vẻ ngạc nhiên lắm.
 

- Xin lỗi nhé, tôi chưa được biết cô là gì của ông Thư.
 

- Cháu là Đông Hà, con gái của ông Thư.
 

- Đông Hà?
 

Người đàn bà nhắc lại, và nhìn Đông Hà chăm chăm. Đông Hà hơi xao xuyến. Tia mắt của người này có một vẻ gì cảm động. Người có liên hệ gì với ba? Sự đến thăm căn nhà này hình như cũng khá quen thuộc đối với người.
 

- Cháu là Đông Hà? Cháu ở với ông bà Phong?
 

Đông Hà mở to mắt, gật đầu. Người đàn bà tự giới thiệu:
 

- Tôi là Niệm, bạn cũ rất thân của ba cháu và ông bà Phong.
 

- Dì Niệm? – Đông Hà reo lên – A, cháu biết rồi. Dì Niệm là bạn học cùng lớp với ba cháu và cậu mợ Phong, phải không dì?
 

Người đàn bà tên Niệm lộ vẻ cảm động :
 

- Phải. Cháu cũng biết chuyện ấy nữa?
 

- Cháu không biết tên dì, chỉ nghe cậu mợ nhắc đến dì là một người bạn rất thân khi ba cháu học ở tỉnh nhà, mà mới đầu, cháu cứ tưởng dì là…
 

Đông Hà không nói tiếp. Cứ tưởng dì là mẹ của cháu. Ba cháu và dì xa nhau từ hồi xưa, cậu mợ cũng không hiểu vì sao. Còn mẹ cháu hầu như hiện diện trong đời ba rất ngắn ngủi, rồi bỏ ba mà đi. Mẹ không có liên hệ gì với cậu mợ Phong, với dì Niệm.
 

- Còn dì, dì biết rất nhiều về cháu. À không, dì được nghe ba cháu nói rất nhiều về Đông Hà.
 

- Ba cháu nói sao hở dì?
 

- Một đứa con ông rất mong thấy mặt. Một đứa con gái mà ông tin rằng sẽ có nhiều đức tính cao đẹp để ông đặt vào đó những kỳ vọng lớn lao.
 

Đông Hà rưng rưng, hỏi:
 

- Vì sao xui đẩy dì gặp lại ba cháu?
 

Dì Niệm mỉm cười:
 

- Thật giản dị, Đông Hà ạ. Dì đi công tác với đoàn thể của dì từ ngoài miền Trung vào đây. Đương nhiên là không thể bỏ sót Khu Tê Liệt này. Gặp lại ba cháu, dì thật không ngờ…
 

- Dì làm việc từ thiện?
 

Lại một nụ cười thật nhân từ nở ra trên môi dì Niệm:
 

- Dì chưa dám nhận danh từ cao cả ấy. Dì chỉ làm theo ý thích của dì.
 

- Cháu tò mò thật không phải… Thưa dì, dì… có gia đình chứ ạ?
 

- Nếu có, chắc dì đã có con gái lớn bằng cháu.
 

Đông Hà nhìn kỹ dì Niệm. Gương mặt dì hiền hậu quá. Sao ngày xưa ba không lấy người này? Hay dì Niệm là mẫu người khước từ những hạnh phúc nhỏ nhoi? Đông Hà liên tưởng đến những dì phước sống âm thầm trong trại cùi, những ni cô nhẫn nại khép đời trong cô nhi viện. Và Đông Hà giật mình khi vừa thấy trên cổ dì Niệm chiếc dây chuyền có tượng Thập Tự Giá sáng ngời. Một nguyên nhân to lớn hiện ra trong đầu: tôn giáo. Chính tôn giáo là trở lực mạnh mẽ đối với ba và dì Niệm chăng? Đông Hà cúi đầu thở dài.

- Cháu nghĩ gì vậy, Đông Hà?
 

- Dạ… không...
 

Dì Niệm nhìn Đông Hà thật trìu mến:
 

- Cháu thật dịu hiền, thật đúng với lòng mong ước của ba cháu.
 

- Ba cháu muốn cháu phải như thế nào hở dì?
 

- Muốn cháu trở thành một người giàu tình cảm, giàu luôn cả nghị lực, vững vàng trong đời sống và nhất là… chung thủy.
 

Đông Hà nghe se thắt trong lòng. Chắc ba khổ tâm suốt đời vì mẹ. Con cũng đang chua xót về mẹ.
 

Dì Niệm hỏi:
 

- Hình như cháu chưa gặp ba cháu?
 

- Dạ chưa. Cháu mới tìm đến nơi này… lần đầu tiên.
 

- Như vậy là ba cháu chưa biết có cháu ở đây?
 

- Vâng. Dì biết nhiều việc về gia đình của cháu quá.
 

- Đông Hà có phiền dì không?
 

- Cháu rất quý mến dì. Mới gặp dì mà cháu tưởng như đã thân thuộc với dì từ lâu.
 

- Cám ơn cháu. Nếu cháu không ngại, cứ xem dì như một người dì, một người cô. Chắc sẽ có nhiều dịp dì tâm sự với cháu.
 

Đông Hà nắm tay dì Niệm, nói:
 

- Cháu muốn học hỏi ở dì thật nhiều, nhất là cuộc đời làm việc cho xã hội của dì.
 

Dì Niệm cười:
 

- Muốn quên xã hội thì khó, chứ muốn sống cho xã hội dễ lắm cháu à.
 

Cả hai người đều yên lặng sau đó. Đông Hà cảm thấy hình như dì Niệm vừa phát biểu một ý nghĩ hơi khác thường khiến mình nghe bâng khuâng. Giây lát sau, dì Niệm nói:
 

- Dì mới gặp lại ba cháu hồi tuần trước và vào thăm lần này là lần thứ ba. Sẵn có cháu đây, cho dì xin địa chỉ của anh chị Phong để hôm nào dì đến thăm. Lâu quá rồi, chẳng biết hai người bây giờ ra sao.
Đông Hà lấy giấy viết ghi địa chỉ cho dì Niệm.
 

- Dì sẽ đến đó, và nói chuyện với cháu nhiều. Ở đây nói không tiện. Bây giờ đã bốn giờ chiều rồi, dì phải về cho kịp buổi họp tối nay.
 

Đông Hà giật mình:
 

- Bốn giờ chiều rồi hở dì? Cháu cũng phải về. Không hiểu ba cháu đi đâu.
 

- Cháu đi bằng gì?
 

- Thưa bằng xe đạp.
 

Dì Niệm ôm vai Đông Hà, gật gù:
 

- Thêm một đức tính nữa của cháu mà dì vừa thấy: can đảm. Cháu đáng mến lắm.
 

Đông Hà lo lắng:
 

- Cháu phải về kẻo cậu mợ Phong đợi. Nhưng cháu lo cho ba cháu quá.
 

- Ba cháu là người lớn chứ có là con nít đâu! Cháu về đi, hôm khác đến chắc là sẽ gặp. Đừng để đến tối, đường ngoại ô nguy hiểm lắm. Nghe lời dì, nhé!
 

Đông Hà siết chặt tay dì Niệm, chợt có cảm tưởng như đang bắt được một tình thân.


Ai đạp xe đi đàng trước giống như là Diễm Phúc. Đúng nó rồi! Đông Hà chạy lẹ lên gọi. Diễm Phúc quay lại, mừng rỡ:
 

- Đông Hà!
 

- Mi đi đâu vậy?
 

- Tới nhà mi chứ đi đâu. Tao ngồi ở nhà không được.
 

- Sao vậy?
 

Diễm Phúc chưa tan nét lo lắng trên gương mặt, trách bạn:
 

- Con khỉ! Tao lo cho mi chứ sao! Khi trưa đến xin phép cậu mợ mi về, tao gặp Mùi Hương. Nó nói là mi không có hẹn tới nhà nó gì cả. Hai đứa đâm lo. Mi đi đâu mà bí mật vậy? Tao định đến hỏi cậu mợ xem mi đã về chưa?
 

Đông Hà cười:
 

- Nếu tao chưa về?
 

- Thì… đi cớ bót. Mi mà mất tích chắc tao với Mùi Hương lãnh đủ.
 

Đông Hà le lưỡi, cười thích thú. Diễm Phúc bực mình hỏi gắt gỏng:
 

- Nè, hỏi thật nghen Đông Hà, phải mi hẹn đi chơi với “tên” Đơn không?
 

Đông Hà kêu lên:
 

- Trời ơi! Nghĩ gì ác vậy mi? Làm gì có chuyện kỳ khôi đó?
 

- Kỳ khôi mà có thật thì thôi. Mi không nói cho tao biết, thì tao về.
 

Diễm Phúc toan quay đầu xe, Đông Hà dịu ngọt:
 

- Khoan, mi nóng thế? Tới nhà tao đi! Tối nay cam đoan tao sẽ kể hết cho mi nghe.
 

- Chuyện gì?
 

- Kể hết, kể hết. Tao có thân ai hơn mi mà mi giận
 

Câu nói đó làm Diễm Phúc mát lòng. Hai đứa đạp xe chầm chậm vào ngõ nhà.

Đông Hà vừa dựng xe trong sân vừa nói:
 

- Có khách mi ạ! Tụi mình rút lên gác nhé!
 

Diễm Phúc ra điều kiện:
 

- Phải kể à nghen! Không là tao về đó!
 

- Hứa danh dự.
 

Đông Hà tháo sợi dây thun ràng cặp đàng sau yên xe, đưa cặp cho Diễm Phúc, nói:
 

- Mi đem cặp tao vô trước, thưa cậu mợ rồi chạy “một lèo” lên gác nhé! Tao đóng cổng rồi vô rửa mặt một tí.
 

Diễm Phúc ôm cặp của Đông Hà đi vào trước. Đông Hà ra gài cổng, rồi đứng ở đó một lát. Đã gần sáu giờ chiều. Trong khoảng thời gian sáu tiếng đồng hồ, từ lúc tan học, mình đã vượt một khúc đường không ngờ. Hai chân bây giờ mỏi rục, bụng thì đói, cổ họng khô đắng, tưởng như không còn sức để tối nay ngồi học.

Nắng sắp khuất ở sau chòm cây trứng cá nhà bên kia. Giờ này chắc ba đã trở lại căn nhà của ba rồi. Ba không biết trưa nay có Đông Hà đến tìm ba như một đứa con đi xa trở về. Ba không biết con đã gặp dì Niệm, người đàn bà thùy mị, đáng mến. A, ba phải biết đó chứ. Cái cậu trai có thân hình bóng loáng đó sẽ nói lại cho ba nghe. Ba sẽ reo lên hay ba sẽ yên lặng nằm suy nghĩ? Ba sẽ nở nụ cười hay ba sẽ ứa hai dòng lệ? Khó tưởng tượng quá. Ba của ta như thế nào? Ba là sóng biển dữ dội hay là mặt hồ đã đóng thành băng?

Đông Hà thở dài, quay vào. Bước lên thềm, thấy Diễm Phúc đứng trong nhà như pho tượng. Một giọng nói của ai đó cất lên:
 

- Cháu không phải là Đông Hà?
 

Rồi thấy Diễm Phúc gật đầu như cái máy. Giọng nói kia lại vang lên:
 

- Trí nhớ của tôi vẫn còn tốt chứ, anh Phong? Thấy cháu đây ôm cặp đi vào, tôi cứ mong đó là con tôi đi học về. Nhưng mới nhìn, thấy ngay là không phải.
 

Như có một luồng điện chạy dọc suốt thân, Đông Hà nghe tê buốt. Ai đã đến đây? Đông Hà hướng tia mắt nhìn sang sa-lông. Có cậu ngồi ở đó. Bên cạnh ghế của cậu, Đông Hà thấy rồi, một chiếc xe lăn. Và trên chiếc xe lăn đó, một hình hài, một gương mặt. Trong tích tắc, ký ức trở thành một cuộn phim chạy vùn vụt. Trí nhớ như khói sương bỗng chói lọi rõ ràng. Gương mặt đó, ta không quên. Ngày xưa mỗi lần ba đi hành quân về, gương mặt rắn và đen thêm một chút. Ta không quên được đôi mắt sáng, chiếc cằm vuông ngạo nghễ. Gương mặt đó bây giờ già nua hơn. Nhưng đúng rồi, là ba! Con nhận ra ba vì đâu? Không hoàn toàn bằng trí nhớ, mà vì chiếc xe lăn kia. Ngày xưa ba bước về nhà bằng những bước vững chãi và mạnh mẽ. Bây giờ ba đến tìm con bằng chiếc xe này, bằng những vòng bánh xe lăn mệt mỏi. Có phải cùng trong một ngày, cả cha và con cùng nôn nao, hồi hộp như nhau? Con đã nhìn thấy rồi, những sợi dây tình cảm thiêng liêng không bao giờ đứt.

Diễm Phúc còn đứng như pho tượng. Đông Hà bước lại gần. Chừng như tia mắt của người khách đã đổi hướng, nhìn đăm đăm vào đứa con gái mới xuất hiện. Cậu Phong toan đứng dậy khi thấy Đông Hà, nhưng chiếc xe đang lăn tới. Được nửa vòng, rồi ngừng lại. Vì hai bàn tay của người khách đang run rẩy. 

Ánh mắt người sáng lên và môi không thoát ra lời.

Đông Hà đến bên cạnh chiếc xe lăn, nắm lấy hai bàn tay chừng như rất giá lạnh. Đông Hà hỏi, như hỏi chính mình:
 

- Ba của tôi đây… phải không?
 

Chỉ nói được như thế, rồi Đông Hà quỳ xuống, gục đầu trên chân người. Không kể lể được như tuồng tích. Không khóc lóc. Nhưng ba ơi, con đang biết phút giây cảm động là như thế nào rồi!...

Không biết qua mấy phút, mấy giây, rồi sự im lặng bị phá tan bởi tiếng nói ấm áp của người:
 

- Con đi học ở đâu về, Đông Hà?
 

- Dạ không, con đến căn nhà của ba, ở Khu Tê Liệt.
 

Ba kêu lên sửng sốt:
 

- Con đã đến đó? Con đi bằng gì?
 

- Dạ bằng xe đạp.
 

- Trời Phật ơi! Con không biết đường xa như thế nào?
 

- Con nóng lòng muốn gặp ba.
 

- Con đi mà không nói với cậu mợ phải không?
 

Ba vỗ nhè nhẹ vào mái tóc rối của Đông Hà, mỉm cười:
 

- Chính ba cũng không hiểu tại sao hôm nay ba lại đến đây. Ba nghĩ rằng chưa tới lúc con phải biết ba. Nhưng cả đêm hôm qua sao lạ, ba trằn trọc mãi, linh cảm có một điều gì xảy ra cho con. Rồi buổi sáng hôm nay tự nhiên thấy mình phải đi. Lần đầu tiên ba ra khỏi trại. Ba định sẽ đến thăm anh chị Phong như một người bạn, thế thôi, rồi nhìn hình dáng con, nhìn sinh hoạt của con như thế nào. Nhưng đến đây, cậu Phong cho ba biết những gì đã xảy ra trong ngày hôm qua. Con đã nhìn thấy hoàn cảnh của ba. Ba hiểu con lắm.

Đông Hà đưa mắt nhìn cậu Phong, muốn đến nói với cậu một lời tạ lỗi. Nhưng cậu gật đầu nhẹ và nở một nụ cười tỏ vẻ khoan dung. Ở đây, ba lại nói:
 

- Mới biết ở đời có những việc mà ta sắp đặt trước thường không xảy ra đúng như ý. Chưa đến cái ngày con đúng mười tám tuổi. Nhưng ba thấy con đã là người lớn lắm. Gặp con, ba rất mừng… Ba không biết nói sao để tỏ hết sự sung sướng của ba…
 

- Con cũng vậy.
 

Rồi cả hai cha con yên lặng. Trong khoảng thời gian đó Đông Hà nghe cả tiếng quẹt diêm của cậu Phong và tiếng sịt mũi của Diễm Phúc. Đông Hà vuốt tay trên thanh sắt sáng bóng của chiếc xe lăn, nghe mát lạnh, chợt nghĩ đến đoạn đường mà mình đã đi từ trưa nay, rồi hỏi:
 

- Ba, ba đến đây … bằng cách nào?
 

- Một mình ba, từ sáng sớm.
 

- Nghĩa là..?
 

Ba đáp thản nhiên:
 

- Ba, và chiếc xe này, quá giang xe Hồng thập tự của Chẩn y viện để ra khỏi trại. Đến giáp ranh thành phố, ba… đi một mình.
 

- Trời ơi! Ba…
 

Ba cười thật dung dị:
 

- Con ngạc nhiên lắm phải không? Hãy tưởng tượng như ba đã đi dạo mát vậy. Lâu lắm rồi, ba nào biết mặt mũi của đường phố. Vả lại, ngoài những người quen, có ai nhận bồng bế mình như một đứa con nít đâu con!
 

Đông Hà cảm thấy nước mắt dâng lên đầy tròng. Tưởng tượng ra cảnh người lăn xe đi dưới nắng gắt, tưởng tượng thấy người nhễ nhại mồ hôi… Bao năm qua người giam đời trên chiếc giường lạnh lẽo, chưa đủ hay sao? Đông Hà khóc sụt sùi, vì đã nhìn thấy phần dưới của thân người được đắp bằng một tấm chăn mỏng màu đen. Ngày xưa ba dùng đôi chân để dọc ngang nửa đời, cũng như để về nhà với những bước mạnh mẽ. Từ một chiến trận nào ba đã ngã xuống, và trở về bằng một tấm thân mất hết hai phần ba sức sống. Đông Hà không được biết tin ấy. Hôm nay đã nhìn thấy cuộc đời của ba. Đàng sau màn đen kia, có một đọa đày nào hơn? Đông Hà run rẩy giở tấm chăn đen - Một ống quần nằm sát trên nệm xe và buông thõng xuống phía dưới. Người chỉ còn một chân vô dụng, nhỏ bé. Dưới sàn xe, bà n chân còn lại bất động, khô héo. Màu da xám ngắt như da của người chết.

Đông Hà nghe như ai bóp vỡ nát trái tim. Không còn ngăn cản được, nước mắt tuôn chảy như suối, Đông Hà khóc trên chân người. Đàng sau lưng, dường như Diễm Phúc cũng khóc. Và dường như cậu Phong cũng khóc.

_____________________________________________________________________ 
Xem tiếp CHƯƠNG BA