Chủ Nhật, 29 tháng 4, 2018

TÌM VỀ NGÀY XƯA - Trần Hữu Nghiêm

Ảnh : Ar Tuan

Trở lại con đường ngày xưa, em bây giờ với nỗi xôn xao trong hồn. Vui mừng nhẹ như khói cũng đủ lan rộng khắp cùng trái tim để em thấy mình vui như sắp khóc. Nhưng trong nỗi vui mừng đó em cũng thấy tận cùng một nỗi xót xa. Y như một vật gì quí báu của ngày xưa đã không còn nguyên vẹn trong ý nghĩ. Vâng, đã không như ngày xưa, ngày của mấy năm về trước.

Con đường em đi có rất nhiều lá khô dưới chân. Một thoáng lạnh chông chênh làm em rùng mình. Như ngày xưa co ro đi học mùa đông. Em đá tung những chiếc lá bay lên, môi chợt mỉm cười vô nghĩa. Không gian và thời gian không thay đổi, một chút lạnh vương vương trên mặt. Con đường, em không hiểu sao lại đầy những chiếc lá nằm đợi mùa xuân. Bởi chưng hàng cao su dễ thương không còn nữa, không còn những chiếc lá rơi hoài. Ngạc nhiên vì không hiểu lá ở đâu tìm về, quen thuộc như ngày xưa. Những bóng mát không còn tỏa dìu dịu xuống mặt đất, em tự dưng nghe như thiếu thốn những gì lạ kỳ ghê lắm. Mặc dầu là mùa đông, không có nắng và lá xanh; nhưng em biết chỉ cần những nhánh khô, lòng em cũng thấy ấm áp lạ thường. Vâng, em chỉ cần nguyên vẹn rừng cao su để lang thang trong đó. Sẽ bỏ đôi guốc ở một góc nào, em nhảy bay vô rừng. Len lỏi trong từng gốc cây ngày xưa, em sẽ tìm ra một cành mai. Gốc mai ngày đó vẫn những vị trí quen thuộc hằn sâu trong óc. Mang cành mai về cho ngoại, để được một cái bánh chưng bé xíu.

Tiếng sỏi reo dưới từng bước chân, thật quen thuộc. Em bỏ guốc ra cầm tay, đi chân không trên sỏi. Để nghe rát rát, cấn ở chân băng qua đường. Ngày đó mỗi chiều mẹ giao cho em bó cải xanh. Băng qua lớp sỏi mang đến căn nhà đối diện vườn rau của mẹ. Và khi về thế nào cũng ngắt một đóa hoa cúc. Bây giờ em cũng muốn như thế, tầm thường nhưng thiết tha. Sẽ giả vờ cầm nắm cỏ chạy băng qua đường sỏi đau chân. Sẽ đến căn nhà be bé đó. Nhưng em biết em sẽ ngẩn ngơ nhìn buồn bã. Cỏ mọc chen lên thềm nhà, không, đâu còn thềm nhà, chỉ có đất ngồn ngang. Sẽ chẳng nghe hương lúa thoang thoảng, những thiếu thốn nghĩ đến làm em buồn lắm.

Cánh đồng lúa đã gặt lâu rồi, gốc rạ vàng úa trên đất khô cứng làm em nghĩ chắc đã im lặng như thế từ lâu, từ mùa xuân năm nào. Em nghĩ bước xuống chắc sẽ đau chân lắm, chứ không ve vuốt như ngày nào em đem chú gà xuống nhặt lúa. Vâng, tất cả đã thay đổi. Thay đổi làm em buồn lắm, vì chẳng còn dịu dàng ngày nào.

Kỷ niệm ngày xưa chợt vấn vương trong hồn, hình ảnh chợt bừng sống dậy, mãnh liệt. Bằng ngôi trường hai lớp thân yêu với tường vôi loang lở. Bước chân tự nhiên đầy những nuối tiếc xa lạ, vì đâu còn hồn nhiên nhảy chân sáo đến trường. Mực tím tường vôi, cát mịn chợt hiện về, thân yêu tuổi nhỏ. Chỉ còn có con đường bé xíu này không bao giờ thay đổi, vẫn hoài hoài những cọng cỏ may vướng chân, vẫn cây bàng khô trụi, vẫn những chú chim én nhanh nhẹn, vẫn những thoáng lạnh làm chùn bước. Không phai nhạt. Không ham đổi thay như em bây giờ quá đỗi xa lạ. Áo không còn vương mực học trò, bước chân không còn e dè lo sợ. Mang tâm trạng của một người đi thật xa về, chợt ngỡ ngàng với những thân ái xa vời.

Sân trường cỏ mọc nhiều lắm, nhưng mùa đông đã làm khô héo cả rồi. Bước chân chậm chạp di động, đếm từng ô cửa thân ái. Ô cửa ngày xưa ở đó có những cành anh đào hồng, tươi tắn. Ngàn đời mùa xuân hoài hoài những hoa anh đào tí xíu, rực rỡ trong hồn. Bây giờ vẫn thế. Ngọt ngào màu hồng như viên kẹo tuổi nhỏ.

Lớp học ưu ái ngày xưa rõ ràng trước mắt. Dãy ghế bàn im lìm như từ ngày em đi. Qua mùa xuân chắc sẽ thay đổi. Không một sự thay đổi nào chẳng để lại buồn phiền, hy vọng thay đổi như ngày xưa. Vết mực chìm dưới bụi bặm. Hình ảnh tuổi nhỏ chợt sống dậy rõ ràng. Cô bé ngồi bàn đầu chăm chú to mắt nghe cô giảng, vỗ tay hát vui vẻ. Chập chờn trong trí nhớ những bánh kẹo, mứt trong bữa tất niên. Chợt muốn khóc cho vơi những muộn phiền. Tuổi nhỏ ơi, xin hoài đời hiện diện trong tim.

Căn nhà em biết thật là hoang vắng. Chắc thế, hay là nó đã sụp đổ từ lâu. Vì ngoại đâu còn nữa. Quay quắt hình ảnh, kỷ niệm bàng hoàng làm em nghẹn thở. Hai cây cau già có buộc bụi lan nhỏ, giàn mướp của bà ngoại rủ rê ong bướm khắp cùng. Gian nhà có vườn cây sai quả, bà ngoại mỗi chiều tưới trầu. Ông ngoại trồng cây, râu bạc phơ ngày xưa hay ve vuốt. Nghe như rõ ràng hình ảnh con bé xíu xòe tay xin tiền lì xì nặng cả túi. Những nắng mai rực rỡ trên vườn rau trong trí tưởng. Vườn cải có hoa vàng, nước đọng trên bẹ lá, bướm chập chờn.

Ngơ ngác nhìn từng hình ảnh quen thuộc. Cây khô đứng trơ vơ nhìn mây xám, cô độc. Rừng cao su trống trải, chuyên chở những tiếng hát ngày xưa chiến tranh mang đến một nơi nào xa xôi ru ngủ cho những người đã rời xa thăm thẳm. Hoài đời còn tưởng nhớ. Nghe như một sống dậy, ồn ào, cái tổ chim thân yêu đón rước những chú chim từ lâu đi xa. Lại rộn lên tiếng hát âm vang, tuổi thơ kéo về ngự trị. Em nghe như mi mắt mình cay cay, bậm môi cho khỏi bật lên tiếng khóc. Và trong một góc tâm hồn, vui mừng nghĩ đến ngày mai hòa bình. Nghe tâm hồn thật trống trải, kỳ lạ. Nước mắt bỗng chảy lan, và nghe như mình muốn khóc thật nhiều… chẳng hiểu tại sao???


Trần Hữu Nghiêm     
(bút nhóm Hoa Nắng)   


(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 175, ra ngày 15-4-1972)