Thứ Sáu, 27 tháng 4, 2018

TƯỞNG NHỚ TRẦN MIÊN TRƯỜNG NGƯỜI THƠ ĐÃ NGỦ GIẤC THIÊN THU - Nguyễn thị Mỹ Thanh


Tôi không có ý định ngông cuồng là đề nghị cả tòa soạn dành riêng một kỳ báo để tưởng niệm một người thơ, giống như những tạp chí khác. Tôi cũng không nghĩ đến Trần Miên Trường như nghĩ đến một thi hào. Và nhất là tôi cũng không nhắc đến Trần Miên Trường như người ta nhắc đến tên của một người đã chết, trong một phút giây chợt nhớ. Không phải là vì một hôm nào đó lục trong chồng báo Tuổi Hoa cũ, một bài thơ của Trần Miên Trường đập vào mắt khiến tôi nhớ đến người. Mà chính tôi, đã cố tình lục trong chồng báo cũ để tìm những bài thơ của Trần Miên Trường, đợi đến gần cái ngày mà thời gian ba năm về trước, Trần Miên Trường đã vất bút và vĩnh viễn ra đi, để viết một bài… vâng, cứ cho là một bài văn đi! Tôi đang làm công việc “sơn xanh màu lá chết” chăng? Dầu sao tôi cũng có ý mong rằng những người thân của Tuổi Hoa – ít ra là những người đã viết cho Tuổi Hoa và có đến Tuổi Hoa đôi lần – nhớ đến Trần Miên Trường như nhớ đến một người bạn. Riêng đối với tôi, mỗi khi nghĩ đến sự việc một người nào đó trở thành “nhân vật của quá khứ” trong tâm trí mọi người, tôi thường thấy xót xa trong lòng. Cho nên tôi mong cầu rằng đừng bao giờ mình quên ai, cho dù người đó đã ngủ giấc thiên thu – như Trần Miên Trường vậy.

Tôi đã từng làm nghề “cô cò” ở tòa soạn Tuổi Hoa trong gần nửa năm. Đó là công việc sửa những lỗi chánh tả khi người ta sắp chữ; ngoài ra tôi còn có công việc xếp đặt thư từ, bài vở để giao cho từng người phụ trách, cộng thêm nhiệm vụ tiếp xúc, nói chuyện và giải đáp những thắc mắc be bé của các độc giả ái mộ Tuổi Hoa đến tòa soạn chơi mỗi chiều. Trong thời gian đó tôi được quen biết với những cây bút cộng tác thường xuyên với Tuổi Hoa lúc ấy, như Tỉ Tỉ, Trần Ngọc Hưởng, Hoa Cỏ May, Thục Hạnh, Nguyễn Thái Hải, Ngọc Thùy Giang v.v… Có điều, sau khi Trần Miên Trường mất, tôi mới thấy rõ một điều là tôi đã hân hạnh được biết một tâm hồn rất “thơ”, rất bình dị nhưng không kém hoa bướm, được biết một con người không mâu thuẫn với thơ của mình. Và có lẽ những người bạn thân của Tuổi Hoa cũng đồng một ý nghĩ như tôi.

Trần Miên Trường đến Tuổi Hoa trong một lần về phép. Một người đến Tuổi Hoa rất thường xuyên nhưng đối với tôi thì rất lạ, bởi tôi mới tập tễnh làm “cô cò”. Theo thông lệ tôi hỏi danh tánh người, và được biết đó là Trần Miên Trường. Trước khi ra về người nhờ tôi nhắn lại với Thầy H.Đ.C. là “nhắn có Long tới thăm”. Tôi hồ như bỏ quên mất tên Long. Cái tật bỏ quên đó đưa đến một việc buồn cười như sau: một chị chưa biết mặt anh, chỉ làm bạn qua thư từ, đến hỏi tôi tên Đỗ Tư Long. Tôi trả lời ngay là chưa hề biết người ấy. Cho đến lúc Trần Miên Trường đến, và ngồi một hồi ở bàn, vẫn chưa ai biết ai. Mãi sau chị ấy bắt gặp nét chữ của Trần Miên Trường viết chơi trên giấy, nên nhận ra là… Đỗ Tư Long. Bấy chừ tôi mới ngơ ngác: “Anh Trần Miên Trường… tên là Đỗ Tư Long hở?” Anh Đỗ Tư Long được một chầu cười. Sau này anh trách: “Chị vô tình chi lạ! Tôi mới gặp chị, nghe giới thiệu tên, tôi biết ngay chị là người viết cho Tuổi Hoa, biết ngay chị là học trò của anh Cấp, và cũng đoán ra ngay chị là Cam Li. Đàng này hai tên Đỗ Tư Long và Trần Miên Trường đã được xác nhận trên báo là một, vậy mà…” và tiếp đó là một nụ cười thật dễ dãi. Tôi cũng nhận khuyết điểm đó của mình, bởi tính tôi ít khi tìm hiểu lai lịch của một ai, dù là một thi sĩ đi nữa. Trần Miên Trường – chừ là Đỗ Tư Long – đến chơi ở Tuổi Hoa thường xuyên suốt kỳ nghỉ phép. Tôi làm “cô cò” ở đó mỗi buổi chiều, nên nói chuyện được nhiều lần với anh. Lớn hơn tôi hai tuổi, nhưng anh đối xử với tôi bằng cung cách của một người bạn. Thường kể chuyện về gia đình – người mẹ già và những đứa em gái. Thường kể chuyện về một người yêu. Và nhất là anh Đỗ Tư Long thường kể chuyện học tập trong quân trường. Anh còn quá trẻ, và đi Nhảy Dù, một thứ lính cũng rất trẻ. Bộ quân phục trên người vẫn không khoác cho anh vẻ người lớn, vẫn không che lấp được những nét hồn nhiên và dung dị trên gương mặt. Tôi có thể đoan chắc rằng trong suốt cuộc đời tôi, sẽ chẳng bao giờ tôi gặp một người thứ hai có tính tình vui vẻ và bộc trực như thế, nhất là có giọng cười quá vô tư và dòn dã không ngờ ngoài anh Đỗ Tư Long. Mọi người ở tòa soạn đều thương mến anh. Thời gian đó phòng họp Tuổi Hoa chỉ là một căn phòng rất bé, chỉ vừa kê ba cái bàn và một cái tủ cùng năm sáu cái ghế quá bé để chứa gần hai mươi người họp mặt với nhau mỗi chiều thứ bảy. Thường thì mọi người chia ra làm nhiều tốp, mỗi tốp bàn một chuyện riêng. Thế nhưng căn phòng nhỏ phải rộn ràng mỗi khi anh Đỗ Tư Long đến. Có thể nói khi đi ngoài hành lang hay ở dưới nhà in, tôi vẫn nghe giọng anh cười như pháo nổ. Chưa có giọng cười nào dòn như thế. Giống như một hoạt náo viên, anh Long làm cho không khí sôi động lên và đánh tan những e dè của mấy cô bé nhút nhát. Mọi người cảm thấy thân mến nhau, trong khoảng không gian chật chội ấy. Ai cũng mong muốn sẽ có một căn phòng rộng rãi hơn, mát mẻ hơn, để mỗi lần họp mặt sẽ được thoải mái. Và tôi tin là dù cho ở trong một phòng họp rộng lớn đến đâu, giọng cười của anh Đỗ Tư Long vẫn là một gạch nối cho tất cả bạn bè.

Vì bận việc học tôi phải tạm gác nghề “cô cò”. Và sau đó, đúng như ý mọi người mong muốn, tòa soạn Tuổi Hoa được sửa sang lại. Phòng họp Tuổi Hoa ngày trước được đập tường ra để thông với phòng phát hành bên cạnh. Và tôi được biết phòng mới để các bạn Tuổi Hoa gặp gỡ sẽ được dời lên lầu, rộng rãi hơn, thoáng khí hơn.

Nhưng giữa lúc tòa soạn còn ngổn ngang gạch cát, phòng cũ đã bỏ đi và phòng mới chưa hoàn thành, các khuôn mặt Tuổi Hoa vẫn chưa có dịp gặp nhau tin anh Đỗ Tư Long tử trận được đăng lên báo. Tôi lạnh người trước trang báo “Tin tức Tuổi Hoa” đăng ở sau chót. Đón nhận tin anh Đỗ Tư Long Trần Miên Trường chết, đau đớn như một người bạn rất thân. Đón nhận tin người bỏ thân nhân bạn bè ra đi như đón một sự việc phi lý nhất phi lý mà vẫn xảy ra đều đặn trên mảnh đất này. Ôi tiếng nói giọng cười quá đỗi hồn nhiên vui vẻ, sao không mãi còn sống để vang đầy trong không khí của căn phòng họp mặt? Bây chừ dù cho có cô đọng không gian lại cho bằng một hạt cát, cũng sẽ chỉ là một không gian rỗng tuếch, nói gì là một căn phòng rộng rãi khang trang! Sẽ không bao giờ có được một “giọng cười gạch nối” như giọng cười của anh Đỗ Tư Long, ngây thơ và thân mến vô cùng.

Anh Đỗ Tư Long bỏ mình ở Cam-Bốt, ngày 6 tháng 5 năm 1970. Đã bỏ thân mình và bỏ lại mẹ già, bỏ lại các em và bỏ lại người yêu. Đã bỏ lại những bạn bè anh em thân hữu ở Tuổi Hoa, và những người mến thơ, mến tính anh, trong đó có tôi. Nhưng tôi nghĩ có lẽ điều đau đớn nhất là anh đã vứt bỏ cây bút của anh, vứt bỏ giữa lúc anh còn quá trẻ 19 tuổi giữa lúc anh còn đang viết rất hăng, viết rất hay và viết rất chân thành.

Anh đã nằm xuống trước khi thực hiện giấc mộng nhỏ là in chung với anh Trinh Chí tập thơ “Tim Non”. Và sau khi anh mất, số báo 131 dành cho anh 3 trang tôi nói lầm, không phải dành cho anh, vì anh có còn đâu mà yêu cầu? dành cho những độc giả mến thơ anh 3 trang để đăng bốn bài thơ của anh. Quá ít? Quá nhiều? Tùy người đọc và tùy sự thân mến đối với Đỗ Tư Long-Trần Miên Trường. Thuở ấy tôi - sau khi đọc thấy tin anh mất có ý định đề nghị với tòa soạn dành một số để những người quen biết với người viết về người. Nhưng đã không kịp và ba trang báo đã được dành để đăng bốn bài thơ trong số rất nhiều bài thơ của Đỗ Tư Long-Trần Miên Trường.

Thơ của Trần Miên Trường rất nhiều nhiều nhất trong số những người thơ của Tuổi Hoa. Thuở tôi còn làm “cô cò”, mỗi kỳ báo tôi đều đọc thấy bài anh được đăng. Xem mãi tôi đến quen cả nét chữ nghiêng thật nghiêng, viết bằng bút nguyên tử mực xanh cố hữu. Có nhiều câu thơ đã khiến tôi thuộc. Có những câu thơ mà anh viết dành cho Đồng Cỏ Non, thật hồn nhiên, dí dỏm:

... “Và bé giả vờ con bị bệnh
Âu lo mẹ hỏi “Có sao không?”
Chị Hoa, anh Dũng thì toan tính
Cho bé uống Optalidon”...

(Chuyện của bé)

Đọc trong thơ Trần Miên Trường, ai cũng đoán biết ngay rằng anh có những đứa em, tên Hoa, Dũng, Hồng, Hương và bé Thu Phương mà anh đặt trọn cả yêu mến:

… “Thức dậy cùng anh đi hỡi em
Gió đem từng hạt nắng qua rèm
Hoa, Dũng, Hồng, Hương, Phương các bé
Môi ngọt lời chim ca hát lên”…
(Trong vườn mùa xuân)

Và thường xưng “anh Long” trong những bài thơ, giọng dỗ dành, giọng trìu mến. Tôi chưa thấy một người nào làm thơ cho những đứa em của mình thành thật và chứa chan tình thương như thế.

“Phương, cho đến bây giờ anh vẫn nhớ
Ngày chim về mừng tuổi bé lên ba
Nắng bình minh mang hơi gió hiền hòa
Len lén đến bên hoa phơi phới nở
Ngày đó em đeo chuỗi vòng bé nhỏ
Xanh như da trời tháng tám không mây
Tuổi thơ hiền chưa lấm bụi đầu tay
Đời tươi đẹp như mây trời buổi sớm
Anh còn nhớ có lần đi bắt bướm
Xanh tím vàng để mừng tuổi em thơ
Lúc trở về trời bỗng đổ cơn mưa
Áo ướt hết bướm bay và em khóc
Anh phải dỗ kìa trên cành chim hót
Nín đi em không thì chúng cười chê
Để khi mô nắng ráo rớt đầy hè
Anh sẽ bắt, thôi em đừng khóc nữa"...
(Chim về vào ngày tuổi em)

.… “Em còn nhớ những lần về quê nội
Nắng thu vàng e ấp mấy hàng cau
Gió ngoan hiền thơm trái chín vườn sau
Anh Long hái cho em nhiều chi lạ
…….
 Thôi giã biệt giọng oanh vàng buổi sớm
Và người thân nay cũng bỏ đi rồi
Anh Long hải hồ sương gió xa xôi
Mấy năm qua chưa lần về thăm Huế
Nội đã mất và vườn cây cũng thế
(Không người coi nên đem bán mất rồi)
Nỗi buồn phiền từ đó mặn trên môi
Em khóc mãi cho vơi niềm thương nhớ”.
(Nhớ thu xưa)

Và những lời “Lục bát cuối năm” của Trần Miên Trường:

... “Mai vàng đượm nét thơ ngây
Hoa đầu mùa nở tháng ngày xôn xao
Và nghe xuân dậy trên cao
Trăm con chim ruộng đón chào mùa thương”…

Khác với “Vào hạ”:

“Nắng rơi phiến nhỏ u hoài
Áo em buồn động tóc tai bơ phờ
Chừ đây thôi hết mộng mơ
Còn đâu rộn rã bên bờ uyên nguyên”.

Chừ đây thôi hết mộng mơ, có lẽ là từ lúc anh Đỗ Tư Long bước chân vào đời lính. Ai cũng có thể nhận thấy nỗi tiếc nhớ của anh:

… “Cuộc đời tay trắng trống trơn
Bôn ba cũng chỉ miếng cơm áo này
Đêm nay tỉnh giấc cuồng say
Ngoan lời kinh thánh nghe cay biểu về
Ngược xuôi đà lụy ngựa xe
Mắt tin yêu đậm câu thề gió mây"...
(Lễ cuối năm)

Và niềm mong mỏi được trở về với đời học trò:

"Hẹn xưa một lần chưa nhạt,
- Long, mày đi trước bình yên
Chờ bọn tao về họp mặt
Một ngày từ giã bút nghiên
…….
Ngày mai nắng mới reo ngoài nội
Thanh bình trăm hoa nở đua duyên
Bọn mình thôi, giã từ quân đội
Trả súng gươm về với bút nghiên”
(Hẹn xưa trong mặt trời buồn)

Về với bút nghiên, về với mẹ, với các em… nhưng chưa được, bởi vì:

“Anh Long bôn ba kiếp sống hải hồ
Em ngơ ngác bên thềm khi thu tới”

Tôi tưởng tượng cô bé Thu Phương, bây chừ chắc đã lên tám, lên chín. Chắc sẽ xa lạ với hình ảnh một người anh trai thân mến, đã hướng trọn tình thương về bé trong những ngày tháng xuôi ngược.

“Thu Phương ơi! Chiều nay anh nhớ quá
Dáng em hiền trong màu áo bao dung
Mấy năm rồi em có nhớ anh không
Hay đã quên vô tình trong hơi thở
Anh không trách vì em còn quá nhỏ
Ngày anh đi tuổi bé mới lên năm”...

Cô bé Thu Phương đâu biết những ưu tư của anh…

“Bạn bè anh những người đồng trang lứa
Vẫn yên vui trong bóng mát học đường
Thắp ước mơ biển mộng thắm bay hương
Trên trang vở còn thơm mùi giấy mới
Chỉ riêng mình anh đầu tăm mặt tối
Phải bon chen từng miếng áo miếng cơm
Phải điêu ngoa miệng lưỡi để nuôi thân
Và phải khóc phải cười trong giả dối
Từ cơm áo dạy điêu ngoa miệng lưỡi
Là thơ ngây không còn nữa trong hồn”…
(Trên thiên đường ký ức)

Tôi không dám làm công việc của một người điểm thơ, nhất là điểm thơ của độc nhất một người. Tôi chỉ muốn làm cái công việc tìm lại những số báo cũ. Để tìm lại những bài thơ, trong đó có những đoạn, những câu mà riêng đối với tôi, tôi cho rằng rất chân thật, rất dễ thương. Tại sao Đỗ Tư Long-Trần Miên Trường không còn sống để tiếp tục viết cho chúng ta đọc những bài thơ chứa chan tình cảm như thế? Tại sao tiếng súng không im trước đây ba năm để chúng ta không mất một người bạn thơ? Dầu sao, sự ra đi của anh cũng là một sự ra đi có ý nghĩa vô cùng có ý nghĩa giống như bao nhiêu người đã nằm xuống. Tôi khâm phục anh, trước hết là khâm phục một sự hy sinh; kế đến là khâm phục một tâm hồn đầy tình thương; và sau nữa khâm phục một con người đầy những lo âu buồn phiền nhưng lại đồng thời có một giọng cười quá vui, quá vô tư tôi xin đặt là “giọng cười gạch nối”. Bây giờ, tòa soạn Tuổi Hoa đã có phòng họp mặt mới, ở trên lầu, rộng hơn, mát hơn căn phòng cũ. Không kể những đổi mới xảy ra lẽ dĩ nhiên phải có, mỗi khi những người cũ trở về, ngồi đối diện nhau, tôi vẫn không cảm thấy được cái không khí ngày xưa. Sẽ không bao giờ có một người thứ hai cười được giọng cười như thế.

Anh Đỗ Tư Long-Trần Miên Trường đương nhiên đã trở thành một “nhân vật của quá khứ” sự thật là như thế dù chỉ nói ra thôi cũng đủ làm tôi thấy se lòng. Có lẽ chính anh đã vô tình chọn cho anh cái bút hiệu “Trần Miên Trường” nên giờ đây đã ngủ giấc thiên thu. Nhưng tôi mong rằng tư tưởng của anh sẽ sống mãi trong lòng những người thân của anh, của bạn bè anh, của thân hữu Tuổi Hoa, của tôi.

Những dòng chữ cuối của bài này, tôi muốn viết về cô bé Thu Phương, ở ngoài Huế, tuy tôi chưa được biết mặt, nhưng tôi mến, qua những bài thơ của Trần Miên Trường. Tôi muốn nhắn với bé Thu Phương rằng trong ngày giỗ ba năm của anh Đỗ Tư Long, bé hãy khóc thật nhiều, vì bé biết bé có một người anh thương bé vô cùng, vì:

“Nếu bao giờ trong giấc ngủ thiên thần.
Em chợt hỏi anh Long mô rồi mẹ,
Thì lúc đó dẫu chân trời góc bể
Anh cũng nghe nắng lụa rớt đầy hồn.
Anh cũng trông mường tượng dáng Thu Phương
Mắt đẫm lệ mơ ngày anh trở lại”

Những câu thơ làm người đọc xúc động vô vàn. Thu Phương nhé, tôi xin lặp lại:

“Thì lúc đó dẫu chân trời góc bể
Anh cũng nghe nắng lụa rớt đầy hồn”!

NGUYỄN THỊ MỸ THANH 

(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 200, ra ngày 1-5-1973)



 Nguồn : https://tuoihoandmore.blogspot.com