Nước
đi đi mãi không về cùng non
Nhớ
lời “nguyện nước thề non”
Nước
đi chưa lại non còn đứng không
Non
cao những ngóng cùng trông
Suối
khô giòng lệ chờ mong tháng ngày…
(TẢN ĐÀ)
ĐẤT
LÀNH QUÊ HƯƠNG
THƠM
NGỌT NHƯ GIÒNG SỮA MẸ
Kìa! Bạn hãy nhìn vào bản đồ thế giới
lộng lẫy đủ màu, bạn có thấy gì không, đất nước Việt Nam của chúng mình hình
cong như chữ S bé tí ti xinh đẹp tuyệt vời đang sáng ngời hơn bao giờ hết giữa
vòm trời da vàng Đông Nam Á, trung tâm điểm của thế giới ngày mai. Đất nước
Việt Nam chúng mình đẹp quá phải không bạn, bạn hãy nhìn kỹ xem, hình dáng cân
đối vô cùng, và nếu mơ mộng bay bướm một tí, bạn sẽ thấy Việt Nam như một cô
gái phương đông dịu hiền đẹp nhất thế giới với lưng eo miền Trung óng ả nõn nà.
Hiện giờ, bạn đang ngồi… bạn đang đi…
hay bạn đang nằm nghỉ ngơi…? Dù ngồi, dù đi, dù nằm nghỉ ngơi, dưới chân bạn
vẫn là ĐẤT, đất Việt mến yêu của tổ tiên
để lại. Thế thì tại sao bạn không nhìn kỹ đất đó xem có gì không, đất quê
hương của chúng ta mà, như bạn đã từng nhìn kỹ hình dáng Việt Nam trong địa
cầu, nơi cư ngụ của loài người, một sinh vật vừa vào kỷ nguyên không gian đang
muốn dùng khoa học khám phá vũ trụ vô cùng. Bạn hãy lấy tay hốt một nắm đất,
đừng sợ dơ tay, đất Việt sạch và thơm lắm. Bạn thấy gì? Đó là một hỗn hợp các
mảnh đá bị nghiền nát nhỏ li ti với nhiều chất đang rữa thành mảnh vụn. Tầm
thường quá, phải không bạn? Đất nào lại chả thế, có gì lạ đâu, cả địa cầu chớ
đâu riêng gì Việt Nam đều được đất đó bao phủ. Và dưới đáy các đại dương cũng
thế. Ai mà chả biết đất này là nguồn sinh lực của thế giới chúng ta bởi vì nếu
không có nó địa cầu chúng ta chỉ còn là một khối đá khổng lồ thiếu sự sống.
Không đất thì không cây cối, không thú vật, và lẽ dĩ nhiên không cả loài người.
Nhưng bạn ơi, đất mà bạn đang nắm trong long tay bạn còn có một tính chất đặc
biệt không đất nào có, đó là tính chất ĐẤT
VIỆT NAM, Việt Nam hơn bốn ngàn năm văn hiến hào hùng bất khuất.
Làm thế nào mà chất đất xám xịt này
lại có thể biểu lộ được một sức sống mãnh liệt như thế? Bạn nên nhớ rằng đất
không phải là vật chết đâu, mà là một vật sống với một sức sống tiềm tàng kinh
khủng. Nắm đất trong lòng tay bạn gồm ba thành phần rõ rệt: động vật, thực vật,
khoáng vật. Phần khoáng vật của đất gồm những mảnh đá vụn này tách rời từ những
tảng đá khác to hơn nhờ gió, nhờ nước và nhờ sự sói mòn của thời gian. Phần
khoáng vật lớn nhất gọi là cát, nhỏ hơn một tí gọi là bùn và nhỏ hơn nữa gọi là
đất sét. Nhưng phần khoáng vật không phải là phần sống của đất, phần sống của
đất chính là mùn, tổng hợp của hai phần thực vật và động vật. Mùn cũng gọi là
chất hữu cơ của đất được tạo thành bởi tất cả các loại động vật và cây cỏ tan
rữa. Chất này, chất tạo thành bởi sự chết, đã nuôi dưỡng các cây cỏ, nguồn sống
của con người. Nhưng riêng trong đất Việt còn có thêm một thành phần nữa, một
thành phần tinh thần thiêng liêng chỉ có người Việt Nam sống trên giải đất Việt
Nam biết mình là người Việt Nam mới cảm thấy nổi: đó là quá trình lịch sử oai
hùng bất khuất của cả một dân tộc thấm sâu vào từng phân tử đất quê hương.
Thành phần này mới là thành phần quan trọng nhất, phần sống linh thiêng nhất
của đất Việt mến yêu. Tổ tiên của chúng ta hàng hàng lớp lớp đã hy sinh thân
xác đánh đuổi quân thù để cho chúng ta sống, sống với niềm hãnh diện vô cùng,
hãnh diện vì đã được làm người Việt Nam. Sự sống Việt Nam phát sinh từ sự chết,
từ sự tan rữa của động vật và cây cỏ để biến thành chất hữu cơ nuôi dưỡng sự
sống mới, và nhất là từ những cái chết hào hùng của các anh hùng dân tộc Việt
Nam kể tên hoài không hết. Chết cho kẻ khác sống, còn gì cảm động và anh hùng
cho bằng!
Đất Việt có được tính chất như trên là
nhờ hai yếu tố đặc biệt. Yếu tố thứ nhất, đất nào cũng có, đó là sức hoạt động
của một đạo binh gồm những sinh vật bé tí ti: nếu không có sự hiện diện của các
sinh vật này, đất chỉ còn là một đống đá vụn nát thiếu sự sống. Các sinh vật
này thuộc đồng thời vào cả hai giới thực vật và động vật, một số đông được xếp
vào loại vi khuẩn và nấm. Có hàng tỉ, hàng tỉ sinh vật giống nhau sống trong lòng
đất, bên cạnh một số lớn rong tế vi, nếu không kể đến các loài sâu bọ và
nguyên sinh động vật. Tất cả các sinh
vật trên lệ thuộc lẫn nhau bởi một hệ thống hỗ tương vô cùng phúc tạp. Yếu tố
thứ hai, chỉ đất Việt mới có, đó là xương trắng, đó là máu đào của tiền nhân đã
đổ ra trên đường đi lịch sử của dân tộc ; xương máu Việt Nam đã trộn lẫn vào
các thành phần khoáng vật, động vật và thực vật của đất này để biến đất này
thành đất Việt Nam, đất Việt Nam của người Việt Nam yêu nước thương nòi.
Một nhúm đất khô có thể chứa hai tỉ vi
khuẩn, ba chục triệu nấm nhỏ và hàng trăm nguyên sinh động vật. Riêng nhúm đất
Việt Nam còn chứa thêm hàng ngàn mảnh xương khô và hàng trăm lít máu đỏ của các
anh hùng Việt Nam vô danh, của các thế hệ Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê
Lợi, Quang Trung dũng cường…
Vi khuẩn và nấm tác dụng lên phần chết
của đất và tạo thành sức sống cho đất. Nếu không có các sinh vật bé tí ti này,
cây cỏ không cao được, cũng như nếu không có xương trắng máu đào đổ ra chống
quân xâm lược, dân tộc Việt Nam không lớn được. Ngày hôm nay dân tộc Việt Nam
lớn hơn bao giờ hết, chỉ một người Việt Nam chết cũng có đủ khả năng làm rung
động toàn thể thế giới.
Đất Việt dư thừa sinh lực nuôi dưỡng
các người con Việt đầy đủ chất bổ như giòng sữa mẹ thiêng liêng vô tận. Theo
các nhà kinh tế học, đất nào giàu là đất có nguyên động lực và nguyên liệu
nhiều. Nguyên động lực là nguyên liệu dùng vào việc chạy máy như than đá, than
đá trắng…, còn nguyên liệu là chất dùng để chế tạo đồ vật, như sắt, cao su… Cả
hai thứ, đất Việt đều có nhiều, nhiều vô cùng nếu không muốn nói là vô tận. Bạn
hãy giở trang bất cứ một cuốn sách địa lý Việt Nam nào thì sẽ thấy rõ ngay.
*
CÓ
TÔN, CÓ TỔ, CÓ TỔ CÓ TÔN:
MÙNG
MƯỜI THÁNG BA ÂM LỊCH TRỞ VỀ NGUỒN
Ai là người đầu tiên đã khai sinh và
đặt nền móng cho giải đất màu mỡ phì nhiêu đẹp đẽ như thế? Hùng Vương, Văn Lang, tên vị tổ của dân Việt, tên đầu tiên của tổ
quốc mến yêu, đã khắng khít nhau cùng thấm sâu vào tận não tủy của mỗi người
dân Việt máu đỏ da vàng. Ôi! Thiêng liêng thay, cao quí thay, ngày mùng mười tháng ba âm lịch, ngày
giỗ tổ và cũng là ngày kỷ niệm tên nước xinh đẹp đầu tiên của giống nòi: VĂN
LANG!
Theo tục truyền, cách đây hơn bốn ngàn
năm, đức Lạc Long Quân thuộc dòng dõi RỒNG lấy con vua Đế Lai là bà Âu Cơ thuộc
dòng dõi TIÊN đẻ ra một trăm cái trứng nở ra được một trăm người con trai. Lúc
đó Vua Lạc Long Quân nói với bà Âu Cơ : ta thuộc về Rồng, bà thuộc về Tiên nên
ăn ở với nhau lâu không được, bà hãy đem 50 người con lên núi, còn ta đem 50
người con xuống bể Nam Hải. Và Lạc Long Quân phong người con trưởng làm vua
nước Văn Lang, xưng hiệu là Hùng Vương. Hùng Vương đóng đô ở Phong Châu (nay
thuộc tỉnh Vĩnh Yên), đặt tướng văn gọi là Lạc Hầu, tướng võ gọi là Lạc Tướng,
con gái vua gọi là Mỵ Nương, con trai vua gọi là Quan Lang. Và bắt đầu từ đây,
từ ngày người con trưởng, kết tinh của hai giòng máu Rồng Tiên, lên ngôi dựng
nước, dân tộc nhỏ bé đó đã lớn lên không ngừng, vượt qua tất cả mọi trở ngại
gian khổ nhất của loài người không dân tộc nào trên thế giới có thể so sánh nổi
để ngày hôm nay, các con cháu Tiên Rồng mới có được quyền hãnh diện ngước mắt
nhìn năm châu thế giới với giòng máu Việt Nam trong người.
Đừng dùng lý luận khoa học để thắc mắc tục truyền tổ tiên của giống nòi đúng
hay sai, đừng dùng lợi thế bằng cấp đại
học, giáo sư để bĩu môi châm biếm khinh bỉ giống nòi mỗi khi nói đến các
tiếng con cháu Rồng Tiên hay bốn ngàn năm văn hiến trước mặt học
trò, bởi vì tục truyền đó là ĐỨC TIN vô
cùng cảm động của dân tộc, là NIỀM TỰ
HÀO CỦA DÂN TỘC. Chính nhờ đức tin “con cháu Rồng Tiên”, chính nhờ niềm tự
hào “bốn ngàn năm văn hiến” ngày hôm nay chúng ta mới còn được sống trên giải
đất đẹp như thế này, ngày hôm nay chúng ta mới còn được nói đến hai chữ Việt
Nam thân yêu, ngày hôm nay chúng ta mới được quyền hãnh diện với quá trình lịch
sử oai hùng đấu tranh bất khuất của dân tộc, ngày hôm nay toàn thể nhân loại
đều hướng về tổ quốc và dân tộc chúng ta với lòng khâm phục vô biên.
SUỐI KHÔ GIÒNG LỆ CHỜ MONG THÁNG NGÀY
Truyện cổ Sơn Tinh Thủy Tinh với nàng
Mị Nương con gái vua Hùng thứ 18 tiêu biểu cho sự gian khổ của dân tộc trước
thiên tai (lụt lội) trước sự gây hấn xâm lược của quân thù (quân tôm cá của
Thủy Tinh). Nhưng dân tộc vẫn vượt qua được, chiến thắng quân thù đồng thời chế
ngự thiên tai nhờ một tinh thần lớn mạnh hơn bao giờ hết, đó là tinh thần Phủ
Đổng (đời Hùng Vương thứ 6): dân tộc này tuy nhỏ bé nhưng chỉ vươn vai một cái
là trở nên vĩ đại ngay không một quân xâm lược bạo tàn nào chống cự nổi. Qua
tinh thần Phù Đổng, người dân Việt bao giờ cũng nhớ mình đều là con cháu của
năm mươi người con trai của Cha Rồng Lạc Long Quân và Mẹ Tiên Âu Cơ cách đây
hơn bốn ngàn năm lịch sử.
Mùng
mười tháng ba âm lịch,
ngày giỗ tổ của dân tộc Rồng Tiên ngày mà khí thiêng sông núi dâng cao ngút
trời với lời thơ hào hùng của danh tướng dân tộc Lý Thường Kiệt:
Nam
Quốc Sơn hà nam đế cư
Tiệt
nhiên định phận tại thiên thư
Như
hà nghịch lộ lai xâm phạm
Nhữ
đẳng hành khan thủ bại hư (1)
Với tiếng hét dũng mãnh “Thà làm quỉ nước Nam không thèm làm
Vương đất Bắc” của Trần Bình Trọng, với câu nói bất khuất “Nếu bệ hạ muốn hàng xin hãy chém đầu tôi
trước đã” của đức Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn…
Dù suối có khô giòng lệ, ta vẫn hy
vọng chờ mong tháng ngày bình yên an cư lạc nghiệp, vì khí thiêng sông núi còn
đó, dân tộc Rồng Tiên còn đó, non sông cẩm tú còn đó…, tất cả những gì của dân
tộc còn đó…
Nước
non nặng một lời thề,
Nước
đi đi mãi không về cùng non.
Chúa nhật 17-3-68
Hoàng
Đăng Cấp
-----------------------
(1)
Nguyễn
Đổng Chi dịch:
Nước
Nam Việt có vua Nam Việt
Trên
sách trời chia biệt rành rành
Cớ
sao giặc dám dòm hành
Rồi
đây bây sẽ tan tành cho coi
(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 88, ra ngày 1-4-1968)
Nguồn : https://tuoihoandmore.blogspot.com
Nguồn : https://tuoihoandmore.blogspot.com