Thứ Năm, 31 tháng 5, 2018

CHƯƠNG BẢY_GIÓ THOẢNG


bảy


Bây giờ là buổi chiều; buổi chiều ở đây có những sợi nắng chạy dài từ khoảng trời xa tắp, lọt qua màn sương mỏng trên cao đi xuống từng cánh đồng café xanh ngát. Một vài giọt nắng bay nhảy trên tóc tôi, lọt qua kẻ hở của tóc rơi xuống bờ vai đậu lại thật ấm. Trên băng ghế dựa đặt trong khu vườn trồng toàn hoa hồng này, tôi nghe mùi hương dịu dàng thoảng theo gió, và tầm mắt tôi có thể thả đi thật xa, cuối cánh đồng xanh mượt lượn là theo gió như cơn sóng. Tôi có cảm tưởng như tâm hồn mình nhẹ nhàng thả trôi theo những mộng mê tuyệt vời màu xanh đó. Sau ngày xảy ra tai nạn của Nghiệp, chúng tôi đến đồn điền này nghỉ dưỡng sức theo lời mời của ông Hùng. Nhờ ơn trên Nghiệp đã phục hồi sức khỏe một cách mau chóng. Giờ đây anh có thể tự do một mình lui tới như mấy hôm đầu ở nhà thương về. Chỉ còn cánh tay phải của anh là băng bột trắng xóa, buộc một sợi dây treo lên cổ, như để nhắc nhở cho anh một kỷ niệm toát mồ hôi lạnh vì biểu diễn xe. Cũng vì kỷ niệm toát mồ hôi lạnh đó mà lễ thành hôn của anh và Sa-Lyn đáng lý đã diễn ra sau cuộc biểu diễn xe nhưng phải hoãn lại cho đến ngày hôm nay.

Từ sáng đến giờ mọi người trong gia đình ông Hùng nô nức sửa soạn trang hoàng để mừng đám cưới. Tránh cái không khí sôi động đó, tôi đã trốn ra ngồi một mình ở khu vườn này, tìm một chút lắng đọng cho tâm hồn. Tôi sung sướng thấy cuộc hôn nhân của Sa-Lyn và Nghiệp sắp thành tựu. Ngày mai đám cưới tôi sẽ là cô dâu phụ bên cạnh Sa-Lyn trong những giây phút đẹp nhất đời con gái. Như thế tôi sẽ trút bỏ được những cắn rứt dày vò tôi trong những ngày trước tình yêu chợt đến với Nghiệp. Tôi sẽ giữ mãi được kỷ niệm đẹp về những ngày đặt chân đến xứ lạnh thơ mộng này. Và tin chắc rằng mình đã có được những người bạn chân tình, những người bạn thật đúng nghĩa. Chiều dịu dàng xuống dần trong mắt tôi thật bình thản không máy động lên nỗi buồn như những con ngựa đang nhai cỏ trước mặt thật thư thái, thật bình thản. Những con ngựa thân yêu đó buổi sáng thường đưa chúng tôi đi vòng quanh đồn điền. Thật thích thú khi ngựa đi chậm, người ngồi trên lưng ngựa có thể ngắm tất cả vẻ đẹp của vạn vật vươn lên buổi sáng. Hoài vốn không ưa đi ngựa nên thường hay chuồn về Đàlạt, hoặc ra những đồi thông, bờ hồ ghi lại những cảnh đẹp qua nghệ thuật chụp ảnh tuyệt vời của anh mà bây giờ mọi người dù khó tính như ba tôi, cũng đã công nhận. Từ vụ tai nạn xe của Nghiệp, mấy tấm hình Hoài chụp đã làm cho tên tuổi anh nổi lên như cồn. Tất cả những tờ báo lớn ở Saigon, cũng như một vài hãng nhập cảng xe ngoại quốc đã gọi điện thoại lên xin anh cung cấp hình.

Những ngày nhàn rỗi ở nơi xứ lạnh này Hoài đã chụp cho tôi rất nhiều hình, đủ kiểu. Chúng tôi dự định sẽ viết một cuốn truyện dài nhan đề
Gió thoảng”. 

Tôi sẽ cố gắng diễn tả câu chuyện hết sức sống động và nên thơ như đời sống chúng tôi. Nhân vật chính cho câu chuyện đương nhiên là tôi, rồi đến Nghiệp, Sa-Lyn và Hoài. Tất cả phải có mặt trong tác phẩm đầu tay này, coi như bước đầu tôi đặt chân vào làng văn, trận bút. Chưa chi mà tôi đã tưởng tượng cuốn sách đó tôi cầm trên tay. Bìa trình bày trang nhã, đẹp mắt, với cái tựa lớn ở giữa. Ở trên một chút tên của chúng tôi được kẻ thật rõ: Truyện của Kim-Anh. Hình ảnh của Lê-Hoài. Lần đầu tiên tên của chúng tôi đứng chung với nhau... Có lẽ đây là bước đầu của một sự hợp tác hứa hẹn cho tương lai. Biết đâu?

Đang vẽ vời những hình ảnh đẹp trong đầu, bỗng nghe tiếng gọi từ trong nhà vọng ra. Hoài trước cửa thềm đưa tay vẫy tôi. Bước đến chỗ Hoài tôi hỏi:

- Chuyện gì vậy anh?

Hoài ấm ớ:

- Không hiểu. Ông Hùng cần gặp mọi người ở phòng khách.

Tôi theo Hoài bước vào. Trong phòng khách ba tôi và ông Hùng đang vui vẻ nói chuyện với nhau. Sa-Lyn thật sáng sủa, hớn hở bên cạnh Nghiệp. Chỉ có bà Hùng ngồi trầm ngâm giữa phòng khách trên chiếc ghế bành, nhưng gương mặt của bà không thiếu niềm vui. Thấy chúng tôi mọi người cười niềm nở; Sa-Lyn nhoẻn miệng cười:

- Mời quý vị tìm ghế an tọa.

Chúng tôi ngồi xuống ghế cạnh Nghiệp và Sa-Lyn. Tôi cảm thấy như có chuyện gì quan trọng sắp được nói ra. Ba nhìn chúng tôi nở nụ cười tinh quái chứng tỏ có chuyện gì khác thường. Căn phòng bỗng dưng im lặng, thứ im lặng đồng lõa với một điều gì bí mật được giấu kín thật kỹ; tôi thấy mình như bị mê hoặc bởi bầu không khí chờ đợi này... Nhưng tôi không chờ lâu. Ông Hùng bước lại cái bàn nhỏ trong phòng khách nhìn đống giấy tờ phơi bày ra trên đó, rồi ông ngước lên nhìn mọi người, giọng trầm trầm chen lẫn niềm vui:

- Tôi muốn các bạn có mặt đông đủ ở đây, buổi chiều giáp ngày đám cưới của con chúng tôi, vì muốn nói với các bạn hai chuyện: thứ nhất là cuộc biểu diễn xe tưởng chừng đâu đã thất bại với tai nạn suýt nguy đến tánh mạng của Nghiệp, nhưng đã đem đến kết quả không ngờ. Các chuyên viên ngoại quốc đến quan sát xe của Nghiệp và vị trí xảy ra tai nạn. Họ đã xác nhận xe rất tốt, không có điều gì sơ suất cả. Tai nạn xảy ra hoàn toàn do yếu tố phụ thuộc, vì con đường vừa mở xuyên qua những đồi thông có nhiều chỗ đất lở. Và bánh xe Nghiệp đã vấp phải một trong những chỗ đất lở đó. Xe đã lăn đến mấy vòng trước khi đụng vào thân cây ở khúc quanh. Ngoài hai tấm kính chiếu hậu vỡ nát và một vài bộ phận nhẹ bên ngoài gãy, không có gì đáng chú ý. Kể như xe hoàn toàn tốt. Các nhà chế tạo ngoại quốc đã cấp cho chúng ta giấy ban khen để tiếp tục phát triển hãng.

Mọi người nhìn nhau trong niềm hân hoan. Ông Hùng đưa mắt nhìn Nghiệp tiếp:

- Nghiệp con, sau vụ biểu diễn xe vừa qua con đã quyết định không bao giờ tham dự đua xe nữa. Ba thông cảm và chấp nhận điều đó. Con có thể hãnh diện về những nỗ lực của con đã đóng góp vào hãng xe của gia đình sau mấy năm xây dựng cơ sở. Đây chỉ là bước đầu, trong tương lai chúng ta có thể phát triển hết mức, từ chỗ chế tạo xe gắn máy đến chỗ chế tạo xe hơi. Đây không những là điều vẻ vang cho gia đình chúng ta, mà còn cho nền kỹ nghệ nước nhà nữa.

Sa-Lyn say sưa nghe ông Hùng nói. Khuôn mặt nàng đã hồng lại càng hồng hơn khi nhìn Nghiệp bằng đôi mắt cảm phục âu yếm. Ông Hùng vừa ngưng nói thì Hoài đưa máy ảnh lên, ánh sáng từ chiếc đèn lóe ra. Hoài nói:

- Đây là tấm hình đầu tiên của nhà sáng chế nổi danh tại Việt Nam.

Ba tiếp lời Hoài:

- Nếu ông Hùng muốn thì chúng tôi là người đầu tiên cho báo chí và mọi người biết đến vụ xe cộ này.

Ông Hùng mỉm cười:

- Chúng ta cùng nhau sống những giây phút hồi hộp, lo âu qua cuộc biểu diễn xe, cho nên các bạn là người đầu tiên phổ biến công việc làm của chúng tôi là một điều rất phải. Tôi rất lấy làm sung sướng nếu được như vậy! Tuy nhiên tôi chưa hết lời, còn một chuyện thứ hai tôi muốn tiết lộ hôm nay liên quan đến Sa-Lyn, con dâu của chúng tôi.

Mọi cặp mắt đổ dồn về Sa-Lyn sau câu nói của ông Hùng. Sa-Lyn hơi cựa mình một chút trên ghế, mặt cúi xuống nhìn đôi bàn tay xoắn xuýt vào nhau; dù e thẹn nhưng Sa-Lyn vẫn chăm chú theo dõi câu chuyện của ông Hùng hơn ai hết.

- Sa-Lyn, như con thường nghe nói, con thuộc dòng dõi của hoàng tộc Chiêm-Thành... Nhưng có một điều con không bao giờ biết được, là khi con vừa lên được một tuổi, cận vệ thân tín của ba ruột con đã trao cho ba cái vinh dự lo lắng cho con, sau khi ba con bị giặc Tây giết. Hai vợ chồng ba nhận con với hai phong thư niêm cẩn thận. Lá thứ nhất đề: chỉ mở ra trước ngày đám cưới của Sa-Lyn, công chúa cuối cùng của vương tộc. Phong thư thứ hai kể lại cái chết oai hùng của ông nội Sa-Lyn về việc giữ lại gia bảo của vương tộc.

Nét mặt Sa-Lyn xanh xao vì cảm xúc, hai tay mềm mại bám chặt vào thành ghế, có lẽ nàng đang khóc vì sung sướng, cũng như đau xót cho sồ phận bạc bẽo của tổ tiên mình. Tôi là người ngoại cuộc mà không đè nén được nổi xúc động, huống hồ là Sa-Lyn. Cạnh tôi Hoài không bỏ sót mỗi một cử chỉ, hay nét mặt nào mà không ghi lại bằng hình ảnh.

Ông Hùng đưa mắt nhìn Sa-Lyn, giọng vui vẻ và tự nhiên hơn:

- Sa-Lyn, “công chúa” của ba. Con nên hãnh diện và vui lên. Theo di chúc thứ nhứt để lại thì con là người đàn bà giàu nhứt Việt-Nam hiện nay.

Nói xong ông Hùng bỏ đi lại một bức tường cạnh đó. Ông trịnh trọng gỡ bức tranh vẽ hình tháp Chàm xuống. Ở nơi đó hiện ra một lỗ hổng nhỏ. Chúng tôi theo dõi không bỏ sót một chi tiết nào, từ những cử động nhỏ nhặt của ông. Đưa tay vặn cái nút nhỏ bên trong lỗ hổng, tự nhiên cái kệ sách dựng đứng một bên vách tách rời ra làm hai. Bên trong hiện ra một valise bằng sắt vuông vức khoảng bốn gang tay, với hai chiếc chìa khóa bằng vàng lấp lánh cột ở hai quai xách. Ông Hùng gỡ hai chiếc chìa khóa ra trao cho Sa-Lyn. Tôi chú ý trên hai chìa khóa được khắc hình một vũ nữ đang xòe tay múa thật tinh vi. Sa-Lyn hồi hộp bước đến tra khóa vào ổ. Một tiếng cách nhẹ nhàng, valise được mở ra, ánh sáng lóng lánh từ bên trong valise chiếu ra. Chiếc valise đầy ấp những thứ vàng ngọc và nữ trang quý báu mà tôi chưa bao giờ được nhìn thấy. Cũng như tôi mọi người đều hốt hoảng trố mắt nhìn.

Tránh ra xa khỏi Sa-Lyn một khoảng, giọng ông Hùng nghiêm trang:

- Tất cả các bạn có mặt hôm nay, tôi xin các bạn giữ bí mật tuyệt đối giùm về gia tài vĩ đại này của Sa-Lyn. Những di vật này đã được bảo vệ bằng xương máu của vương tộc Chiêm-Thành. Gia tài không những có giá trị về mặt lịch sử, khảo cổ, văn hóa, mà còn về mặt tinh thần đáng cho chúng ta hãnh diện. Hôm nay tôi đã nói hết những gì tôi đã giữ kín trong lòng từ mười chín năm nay. Tôi tin tưởng các bạn đã hiểu và ý thức được những gì tôi tiết lộ.

Chúng tôi đưa mắt nhìn Sa-Lyn đang cầm từng báu vật ngắm nghía trên bàn tay run run không đè nén được nỗi sung sướng, trên bàn tay nhỏ bé trắng muốt của nàng ngời ra những hào quang óng ánh...

* 

Mọi người ngồi lại nói chuyện trong phòng. Tôi và Hoài nhẹ nhàng rút ra vườn. 

Chiều đã hết, bóng đêm phủ ập xuống cỏ cây; bóng đêm giăng đầy trên những chiếc lá cây ngái ngủ. Chỉ riêng những nụ hoa hồng như còn tỉnh thức để tỏa hương thơm dìu dịu theo gió. Bàn tay mỏng manh của tôi ấm áp nằm gọn trong lòng bàn tay rắn chắc của Hoài. Tôi nhớ một bản nhạc nào đó thật xa, nhưng thật hợp với tâm trạng chúng tôi giờ phút này: “Bàn tay năm ngón nhỏ đan tay rắn sông hồ.  Ta nhẹ dìu nhau trong tiếng thở cho hồn thương nhớ thuở đợi chờ”. 

Ngồi cạnh tôi Hoài không nói một lời nào, tôi cũng thế, nhưng tôi biết chắc một điều hương thơm của hoa hồng đang phủ ngập chúng tôi.

Bóng Hoài ngập ngừng quay lại nhìn tôi thật sâu, trong ánh mắt sáng ngời niềm vui:

- Anh muốn nói với Kim-Anh một chuyện.

Tôi mỉm cười nhìn ra xa:

- Chắc anh cũng muốn tiết lộ một điều bí mật chứ gì?

- Không! Không có gì bí mật hết, nhưng... cũng gần thế. Vì nó là tiếng nói lặng chìm trong anh từ bao lâu nay bây giờ mới có dịp thốt ra.

Tôi hiểu Hoài muốn nói gì, tôi giả vờ xoay qua câu chuyện khác:

- Phải anh muốn nói đến cô Ánh-Nga, cô làm mẫu hình cho anh trong chuyến đi Phan Rang, Phan Thiết sắp tới không?

- Anh đã hủy dự định đó rồi.

- Sao vậy?

- Vì Ánh-Nga là một người mẫu chỉ có nét diễn xuất, chứ không có tâm hồn đối với người sáng tạo.

- Anh nói như thế nghĩa là sao?

- Anh đã tìm được một người mẫu thật đắc ý đầy đủ hai phương diện – tinh thần lẫn nét diễn xuất.

Tôi vẫn đưa Hoài vào thế kẹt:

- Anh muốn nói đến Sa-Lyn phải không?

Hoài tỏ vẻ khó chịu:

- Sao lại Sa-Lyn? Đối với anh câu chuyện vừa rồi về Sa-Lyn, về những di vật quý báu không ăn nhập gì hết. Nó quá xa xôi, ngoài tầm tay của anh. Vả lại Sa-Lyn với anh cũng chỉ là một người bạn thân mà thôi.

Tôi hơi lúng túng khi buông ra câu nói:

- Vậy anh muốn nói đến người con gái nào được hân hạnh anh chấm đầy đủ hai phương diện?

- Kim-Anh....

Hoài chưa nói hết lời thì một bóng trắng từ thềm nhà thoăn thoắt bước ra. Cái bóng thật mảnh mai, thật dịu dàng của Sa-Lyn tiến đến gần chúng tôi. Sa-Lyn với nụ cười như nụ hoa hồng trên môi, đôi mắt ngời sáng. Trong tay nàng óng ánh một sợi dây chuyền mỏng manh có gắn hột màu xanh chói lòa. Sa-Lyn cầm tay Hoài lên và đặt sợi dây chuyền đó vào lòng bàn tay anh. Hoài chưa hết bỡ ngỡ Sa-Lyn đã nói:

- Sa-Lyn biếu anh sợi dây chuyền này để làm kỷ niệm. Anh Nghiệp cũng như Sa-Lyn sẽ không bao giờ quên ơn anh đã cứu anh ấy trong tai nạn vừa qua. Sợi dây chuyền này được sử dụng trong vương tộc, dành cho con trai đeo vào cổ người yêu mình làm vật đính ước. Anh có thể tặng cho người con gái nào mà anh yêu nhất đời.

Nói xong Sa-Lyn kín đáo nhìn tôi và quay gót nhanh vào bên trong. Tôi và Hoài nhìn nhau bỡ ngỡ; bỡ ngỡ của phút giây ban đầu. Tôi cúi xuống tránh đôi mắt anh thoát ra hơi ấm nồng nàn bao phủ lấy tôi. Hoài tháo sợi dây chuyền trong tay tròng vào cổ tôi. Tiếng anh nhỏ và ấm:

- Anh yêu em!...

Tôi không còn nghe gì nữa hết! Không gian thật yên lặng mở ra trước mắt chúng tôi vùng ánh sáng, dẫn đến một khu vườn hồng lên rực rỡ. Tôi nghe thoang thoảng tiếng chim hót vui bên kia ngọn đồi.

* 

Buổi chiều một mình trong vuông phòng bé nhỏ này, tôi đã viết xong chương cuối cuốn truyện dài: Gió thoảng. Tôi chờ Hoài đến để đọc lại một lần nữa, bổ khuyết những chi tiết mà tôi chưa nói hết. Những lúc mệt mỏi vì con dốc vật chất bủa vây cuộc sống, tôi thường lấy những tấm hình Hoài đã chụp Sa-Lyn và tôi những ngày ở Đà-Lạt được đặt trang trọng trong cuốn Album lớn, xem kỹ, từng hình ảnh một. Cuộc đời phải chăng là một chốn đọa đày?! Hình ảnh nàng “công chúa” Sa-Lyn người bạn chí thân của tôi, giọt máu của một dân tộc bị đọa đày đến cực điểm, ăn sâu trong tâm trí làm cho tôi luôn luôn vượt lên được những con dốc vật chất, những khổ đau tầm thường của cuộc sống. Qua cánh cửa sổ nhỏ trước mắt tôi, mây trắng đang phiêu lãng trên bầu trời xanh. Mãi mãi cho đến cuối đời; tôi tin rằng bầu trời vẫn còn xanh... Và cuộc đời chúng tôi, nói chung những người tuổi trẻ nhìn bầu trời đó đầy ấp những niềm tin vươn lên.




Ngõ hẻm Nguyễn Thông tháng 06-1971
PHƯƠNG SƠN