Thứ Sáu, 11 tháng 5, 2018

ĐIỀU BÍ MẬT CỦA MẸ TÔI - Nam Quân



Lòng mẹ bao la như biển Thái Bình, dạt dào…

(Nhạc và lời của Y Vân)    

Người ta thường nghe nói chỉ có các con là hay phỉnh gạt người mẹ sinh thành ra mình, chứ hiếm khi nghe ai nói mẹ lại đi lừa dối các con bao giờ. Ấy thế mà lại có đấy. Người đó chẳng phải ai xa lạ! Chính là mẹ ruột tôi vậy. Mẹ tôi “lừa dối” chúng tôi! Tức là bà có một điều bí mật cố giấu không muốn cho chúng tôi biết. Điều bí mật ấy, bằng bất cứ giá nào, chúng tôi cũng phải khám phá cho ra.

Thuở ấu thơ của anh chị em tôi trùng vào thời kỳ kinh tế khủng hoảng trong những năm từ 1925 đến 1930. Các bạn trẻ thời nay chắc khó có thể tưởng tượng được, hình dung được kinh tế khủng hoảng là thế nào… Suốt tuần lễ, chỉ được ăn thịt có mỗi một lần. À, dòng dã bẩy ngày trời mà chỉ được một lần ăn thịt, chắc hẳn các bạn đã la rầm rời đất lên rồi. Chưa! Chưa hết! Trời đông giá rét như vậy mà chân không mang giầy ; có khi suốt từ sáng tới xế trưa mà vẫn chưa có cái gì để cho hai hàm răng làm việc. Nhà ở lại còn là vấn đề gai góc hơn nữa. Gia đình thường xuyên bị đe dọa tống xuất ra nằm trên… vỉa hè. Đó, kinh tế khủng hoảng là như thế đó. Riêng với chúng tôi, tình trạng đời sống lại lại còn buồn thảm hơn nữa. Cha ruột chúng tôi đã bỏ mẹ con chúng tôi mà đi.

Ấy thế mà, trong suốt thời kỳ tai ương đó, mẹ tôi vẫn xoay sở ngược xuôi khiến bốn anh em chúng tôi vẫn được cơm ăn, chỗ ngủ ấm áp, áo quần lành lặn, giầy vớ tươm tất và đi học đều đều. Mới ba mươi sáu cái xuân, mái tóc mẹ tôi đã bạc trắng như cước. Miệng lúc nào cũng tươi lúc đối diện các con. Nhưng khi quay đi, tôi thường bắt gặp ánh mắt bà thoáng ẩn một vẻ gì trầm buồn u tối. Điều rõ rệt nhất mẹ tôi thản nhiên không cần giấu giếm là bà chẳng có một chiếc áo nào ra hồn, và ban ngày, hầu như không một phút nào mẹ tôi ngơi nghỉ.

Về sau, khi lớn khôn, bốn anh em chúng tôi như bốn con chim đã mọc đủ lông đủ cánh, ra đời bay nhẩy kiếm sống. Trai lấy vợ, gái lấy chồng, sống một đời đầy đủ sung túc., đồng thời cứ mỗi tuần lễ, lại gom góp nhau vào, mỗi người một số tiền, gởi về cho mẹ, để bà có thể an hưởng những năm còn lại sau cái tuổi năm mươi. Thỉnh thoảng, bất chợt về thăm, anh em chúng tôi lại thấy áy náy trong lòng khi nhận ra rằng đời sống thanh đạm của mẹ vẫn còn cứ tiếp diễn chẳng một mảy may thay đổi. Đủ phương tiện mua một căn nhà khác khang trang đủ tiện nghi hơn, mẹ tôi vẫn khăng khăng một mực : “mẹ ở căn nhà này quen rồi, đổi nhà khác lạ lùng khó chịu lắm!” Thuê một chị để giúp việc cho đỡ vất vả, bà cũng không thuê, lấy cớ rằng ai làm cũng không vừa ý bằng mình tự làm lấy cho mình. Còn áo quần thì ôi thôi, hết chỗ nói, mẹ tôi không chịu sắm sửa cho mình một manh quần hoặc tấm áo nào có thể gọi là sang sang một chút bao giờ. Mỗi khi nói đến chuyện đưa bà lên Đàlạt nghỉ mát hoặc ra Vũng Tàu hưởng chút gió biển là y như thế nào bà cũng khất lần, hoãn binh mãi cho tới khi nản quá, chúng tôi không còn dám đá động đến nữa mới thôi.

Tiền hàng tuần, anh chị em chúng tôi gởi về đều đặn. Thấy mẹ chỉ ăn tiêu dè sẻn, tiết kiệm như xưa, ai nấy đều yên trí, khi bà mất, hai chục năm sau, là mẹ đã để dành được một ngân khoản lớn lắm.

Khi lục lọi các giấy tờ của mẹ trong ngăn tủ riêng, chúng tôi chưng hửng nhìn nhau : không còn lại đồng xu teng nào hết. Thì ra, tiền gởi về đến đâu bà “xài” hết đến đó. Nhưng mẹ tôi tiêu xài vào việc gì chứ? Đây là câu trả lời : Khi anh chị em chúng tôi khôn lớn, đứa nào đứa nấy đều tự túc được rồi, bà đã âm thầm liên lạc với một cơ quan cứu trợ chiến nạn, yêu cầu gởi cho bà bốn em nhỏ mồ côi, bất kể trai hay gái. Đem về, bà thuê một căn nhà nhỏ kế cận nơi mình ở… Thế rồi, gần hai chục năm trời dòng dã, ngoài cơm ăn áo mặc, bà còn trông nom đến việc học hành của bốn đứa “con nuôi”, thuốc thang săn sóc khi chúng ốm đau, giúp đỡ dạy dỗ chúng để chúng khắc phục được mọi cái khó khăn của tuổi trẻ lúc dậy thì. Và lại còn dựng vợ gả chồng được cho hai trong bốn đứa nữa.

Với chúng tôi, suốt thời gian dài đăng đẳng ấy, bà không hé môi tiết lộ một chút gì về đàn con trong cái “ổ” mới đó cả. Bà ngại mấy đứa con ruột không tán thành khi thấy mẹ lại lao tâm tổn sức “cơm nhà vác ngà voi thiên hạ”! Tôi nghi như thế!

Phải thú thực : niềm lo ngại của mẹ tôi có lý do đứng vững! Những đứa con đã đích mắt trông thấy mẹ chúng suốt nửa đời người còng lưng mỏi gối làm lụng để nuôi dạy chúng nên người, thường là ít khi chúng hiểu được rằng : tình mẫu tử đôi khi là một “căn bệnh trời sanh”, dưới cõi thế gian này không có liều thuốc nào có thể diệt trừ được hết.


NAM QUÂN             
(Viết theo AL CAPP, Selection)


(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 201, ra ngày 15-5-1973)