Thứ Tư, 23 tháng 5, 2018

TÁT GIẾNG - Ngô thị Bạch Tuyết


Khi gánh đôi thùng xuống đến giếng, con Bê bỗng ngạc nhiên vì có tấm bảng treo ở cây chuối gần bờ giếng. Tò mò, nó chạy lại xem: "Kính thưa bà con xóm N.T. Vì lý do vệ sinh chung, chúng tôi xin bà con vui lòng bỏ chút ít thì giờ quý báu để đến tát giếng ngày... vào lúc 8 giờ. Xin chân thành cảm tạ bà con trước. Trưởng phường N.T. ký tên". Đọc xong, con Bê mỉm cười đắc chí:

- Ừ, có thế chứ.

Cả tháng nay, con Bê lười gánh nước, lười giặt đồ chỉ vì cái giếng quá dơ. Hễ mỗi lần phải đi ngang qua cái giếng chỉ đi ngang qua thôi là cả một cực hình đối với Bê. Chỉ tại cái giếng quá dơ: nào là rêu, rong đầy cả giếng, gàu rớt, lại còn có cá nữa chứ tụi thằng Tý, thằng Thanh nuôi cá... dưới giếng! Nhiều lúc Bê muốn mắng cho chúng một mẻ nhưng sợ chúng đánh, lại thôi. Bê chỉ ghét cay ghét đắng, thấy bộ mặt thằng Tý ở đâu là lườm, thấy thằng Thanh đâu là háy.

Xóm Bê đang ở là một xóm nghèo phần đông là nhà tranh vách đất. Đối với họ, vấn đề vệ sinh không... quan trọng lắm, dù giếng nước có dơ đến mấy họ vẫn xài như thường. Trong xóm chỉ có hai cái giếng: một giếng chung và một cái của nhà bác Ba ở tận cuối xóm. Bác Ba cũng không khó gì nên ai vào nhà bác gánh nước, bác đều vui vẻ cho. Từ ngày "giếng chung" dơ đến giờ, Bê vẫn thường xuống gánh nước nhờ nhà bác Ba. Nhưng tận đầu xóm đến cuối xóm quá xa, gánh một đôi nước cả nửa tiếng đồng hồ và rã rời đôi chân nên Bê chán quá. Nó thầm lo nếu "tình trạng" này cứ kéo dài mãi thì có lẽ gia đình nó phải ghẻ hết vì thiếu nước quá!

May thay! Chủ nhật này tát giếng! Thế là Bê khỏi phải xuống tận cuối xóm gánh nước nhờ, thế là nhà Bê khỏi phải lo ghẻ lở. Thế là... Bê sung sướng khi nghĩ đến "ngày vui" sắp đến - mặc dầu trong "ngày vui" ấy nó phải làm thật nhiều. Bê hình dung cảnh một ngày chủ nhật, bầu trời thật trong ; bên bờ giếng một hoạt cảnh thật linh động: một đám dân cần cù nhẫn nại đang hăng hái cuốc mương, dẫy cỏ, múc nước, tát giếng... và lẽ dĩ nhiên, Bê cũng có trong số người ấy...

*

Mới tờ mờ sáng, con Bê đã thức dậy lục đục dưới bếp. U nó bà Tám ngạc nhiên:

- Mày làm gì sớm thế Bê? Còi chưa hụ mà.

- Hôm nay tát giếng mà, U quên rồi sao?

- Thì thủng thẳng đã chứ. Tám giờ mới bắt đầu cơ mà.

Nói xong, U nó nằm xuống, ngủ tiếp. Tiếng con Bê từ bếp vọng lên:

- U cứ ngủ đi mà, để con "làm" cũng được.

- Gớm, làm lụng gì, thổi miếng cơm mà cũng...

U bỏ dở lưng chừng. Tuy bị "mắng" nhưng Bê cũng thích vì... vì U mắng yêu cơ. U nói "gay" đấy thôi chứ U thương Bê lắm. Bê là con gái lớn trong nhà. Bố Bê đi làm xa, một tuần mới về thăm nhà một lần. Dưới Bê còn 3 đứa em nữa: thằng Tâm, thằng Thảo và con Tú. Bê mới 12 tuổi nhưng con bé làm việc nhiều ghê lắm cơ: gánh nước, nấu cơm, quét nhà, giặt đồ... Chả bù với thằng Tâm, to đầu lớn xác (nói của đáng tội, nó mới 11 tuổi thôi) mà chả làm được tích sự chi hết. Trăm sự cũng dồn vào Bê, nhưng Bê thương em nên nó sẵn sàng làm tất cả mọi việc cho em.

Bê không được cắp sách đến trường. Xóm Bê toàn là dân lao động nên việc học đối với họ không cần thiết. Thấy con ai được ăn học đàng hoàng thì họ ganh ghét, nói cạnh nói khóe nào là: ăn xong chỉ biết cắp sách đến trường, nào là: học trò chân yếu tay mềm mà làm nên tích sự gì... v.v... Mặc dầu không đến trường được nhưng nhờ có anh Bình (một người có học thức trong xóm Bê) dạy kèm và vốn sáng trí, Bê cũng biết đọc sách báo, đôi khi còn bày đặt... viết truyện nữa cơ...

- Ơ, cái con Bê này hay nhỉ? Mày ngồi làm gì mà nồi cơm sôi từ nãy giờ không chịu mở vung ra thế?

Tiếng U đánh thức Bê trở về thực tại. Con bé giật mình như vừa thoát khỏi cơn mơ và giở vung ra... nồi cơm đã gần cạn...

*

Khi Bê xuống giếng thì mọi người đã có mặt tại đó từ bao giờ. Bác Bốn hôm nay trông oai ra phết: mặc bộ đồ bà ba trắng tinh, đứng chắp tay sau lưng, ra dáng trịnh trong lắm Trưởng Phường mờ lỵ. Bác từ từ tiến lên chỗ đất phía trên nơi có mâm bánh, kẹo, nước để mọi người giải khát trong lúc làm việc Bác cố nói thật to, dùng những tiếng thật văn hoa cho mọi người nghe:

- Kính thưa bà con! Hôm nay chúng ta tụ tập ở đây để tát giếng. Vì hơn tháng nay, giếng này đã quá dơ. Và sau lần tát giếng này, tôi yêu cầu các cháu, các bác đừng làm rớt gầu, rớt xà bông dưới giếng nữa. Vì như bà con đã biết, chúng ta rất bận vì sinh kế, làm sao có thì giờ tát giếng hoài được. Như hôm nay chẳng hạn, các bác mất một ngày công mấy trăm bạc rồi đấy. Nhưng xin các bác thông cảm cho vì...

Ông Xu, ông Tịnh cướp lời:

- Xin ông Phường Trưởng đừng nói nhiều. Chúng tôi cũng phải nghĩ đến vệ sinh chung chứ. Nếu hôm nay không tát giếng thì chúng tôi cũng nằm nhà vậy thôi. Vì hôm nay chủ nhật mà.

Bác Bốn ngớ ngẩn:

- Ừ nhỉ, ừ nhỉ, hôm nay chủ nhật mà tôi quên mất. Ấy, tại... (bác cố tìm lời nói cho... hợp lẽ) tại... tôi bận quá nên quên mất, xin các bác thông cảm (lại dùng hai tiếng "thông cảm", sao "ông già này" ưa dùng hai tiếng đó thế nhỉ?) cho tôi. Và... và... tôi... tôi xin lỗi ạ...

Mọi người cười ồ trước câu nói vụng về và khôi hài ấy. Bác Bốn như được khỏa lấp ngượng ngùng, bèn lớn tiếng:

- Thôi, chúng ta bắt đầu... khởi công!

Chỉ chờ có thế! Bê lao nhanh đến, lấy chiếc gàu vắt trên giàn su, múc nước. Tiếng gàu va chạm nhau đến điếc tai. Bê đứng cạnh Ly con bạn gần nhà Bê tíu tít:

- Múc nước lên mày ơi! Sao tao khoái thế không biết.

Ly cũng vui không kém:

- Mày biết không? Thấy tấm bảng này (Ly đưa tay chỉ trên cây chuối) tao vui kinh khủng luôn này mày (Ly nói nhỏ) bọn thằng Tý, thằng Thanh nuôi cá dưới này tanh ơi là tanh, tao oán tụi nó ghê vậy đó.

- Ừ... ừ (Bê biểu đồng tình) hai thằng quỷ đấy mà, tao con gái sức yếu chứ không tát mỗi thằng một bạt tai cho biết! Người gì đâu mà dơ như mọi! Mày biết không? Gặp hắn đâu là tao lườm, ấy thế mà hắn đâu có biết. Mày nghĩ chúng nó "ngơ" không kia chứ!

- Thôi, tát giếng đi hai cô ơi! Nói chuyện hoài rớt gầu mất bây giờ!

Bê và Ly cùng quay lại: anh Năm dừng cuốc và đang nhìn chúng. Bê nguýt:

- Mặc em chứ bộ. Còn anh nhìn trộm người ta, xấu hổ chưa?

Anh Năm cười hì hì:

- Tại tao thấy tụi mày có vẻ "tương đắc" quá nên tao muốn "chia rẽ" chơi.

Bê hứ:

- Còn lâu anh mới chia rẽ được tụi này. Tụi em "đoàn kết chặt chẽ" lắm chứ bộ. Phải thế không Ly?

Ly gật đầu biểu đồng tình:

- Ừ.

Ba người đang "đấu miệng" bỗng ngưng lại vì bác Bốn đến gần. Không phải để mắng mà để khen:

- Ối chào, hai cháu đấy à? Con Bê, con Ly, giỏi quá nhỉ? Thế thầy u các cháu đâu?

Con Bê nhanh nhẩu:

- Dạ, dạ... thầy cháu đi làm chưa về còn u cháu bận giữ cái Tú nên không xuống được ạ. Một mình cháu làm cũng được rồi phải không bác?

Bác Bốn gật gù:

- Thế à? Còn cháu Ly?

Ly lí nhí:

- Dạ... thầy cháu và u cháu ở nhà ạ. Còn cháu xuống đây.

Chờ cho bác Bốn đi, Bê rỉ khẽ vào tai Ly:

- Bác Bốn hôm nay "diện" đẹp ác.

- Ừ, đẹp thật.

Chờ tát cạn giếng, Bê và Ly xuống cuốc cỏ bên bờ giếng. Tiếng gàu thưa dần, bây giờ chỉ còn tiếng cuốc đất. Bê và Ly đã "thấm mệt" nên ít nói chuyện với nhau. Bác Bốn chẳng phải làm gì cả, chỉ đứng làm nước ngọt và đem bánh đến mời mọi người thôi. Nhưng nhờ có sự hiện diện của bác mà công việc được chu đáo hơn.

*

Trời gần về trưa thì công việc cũng gần xong, chỉ còn dẫy đám cỏ chắn đường mương thôi. Bê mệt rã rời nhưng đôi môi vẫn giữ nụ cười tươi thắm. Tay nó vẫn thoăn thoắt giơ cuốc lên, đập xuống, như một cái máy. Mồ hôi lấm tấm khắp thái dương. Bê nhìn quanh quẩn. Con Ly đâu rồi, chắc con bé về rồi chứ gì. Bê mỉm cười chắc cô nàng mệt lắm rồi đây nên mới bỏ về dở chừng chứ lỵ.

Cuốc một hồi, Bê ngẩng lên. Nó ngạc nhiên khi thấy một cô bé cầm gầu, đang chăm chú nhìn nó. Bê cố moi trí nhớ. Con bé này nó chưa gặp lần nào chắc là "ma mới" chứ gì. Bê nghĩ thế và khẽ mỉm cười. Cô bé đang nhìn Bê chăm chú và khi bị Bê nhìn lại, bối rối, ngượng ngùng nhìn xuống đất. Làm tóc xõa ngang vai, dáng cô bé thật nhỏ nhoi, tội nghiệp. Cô bé mặc chiếc quần vàng, áo len đen. Bê muốn làm quen quá đi thôi. Nó từ từ tiến đến:

- Đằng ấy đến lâu chưa? Từ nãy giờ tớ mải làm việc nên không thấy.

Cô bé từ từ ngẩng lên. Hàng mi chớp chớp bối rối:

- Dạ... em mới đến.

Bê liến láu:

- Đằng ấy đâu phải ở xóm này phải không? Tớ thấy là lạ...

- Vâng. Em ở xóm trên.

- Thế đằng ấy xuống đây làm gì?

Cô bé có dáng ngượng ngùng:

- Em định xuống để tát giếng nhưng... khi em xuống thì gần xong rồi...

- Đằng ấy đâu có xài giếng này mà tát? Tớ đâu bao giờ thấy đằng ấy gánh nước ở đây mà...

Cô bé nhìn Bê có vẻ trách móc:

- Tại chị không để ý đấy chứ. Em xuống đây hoài à.

- Đằng ấy mấy tuổi?

- Em mười hai.

Đến đây, Bê đổi giọng thân mật hơn:

- Ấy bằng tuổi tớ. Vậy ấy đừng kêu "chị chị em em" nữa nhé. Nghe có vẻ khách sáo lắm. Bây giờ xưng tên đi nhé. Tớ là Bê còn đằng ấy tên chi?

- Em...

- Lại em nữa, không chịu đâu.

Cô bé cười:

- Vâng. Mình tên Khuyên.

- Gì Khuyên?

- Diệu Khuyên!

Bê xuýt xoa:

- Tên Khuyên đẹp thật. Còn mình tên Bê, xấu quá phải không Khuyên?

Khuyên thẳng thắn đáp:

- Đẹp hay xấu là tùy lòng mình chứ cái tên đâu có nghĩa lý chi. Có nhiều người tên đẹp mà lòng họ xấu thì cũng đâu ra gì. Đối với Khuyên, không việc gì phải mặc cảm vì tên xấu hay đẹp cả.

À! Con bé này thế mà ăn nói có vẻ "người lớn" ghê ta. Xem nó có vẻ "học thức" lắm chứ. Bê hỏi:

- Đằng ấy ý quên, Khuyên học lớp mấy?

- Dở lắm bê ơi!

- Mà lớp mấy?

- Khuyên học đến Đệ lục phải bỏ dở vì mẹ Khuyên đau nặng, không tiền nên Khuyên phải ở nhà một thời gian.

- Khuyên nói thế chứ Bê còn học dở hơn Khuyên nữa cơ. Bê học ở nhà chứ không được cắp sách đến trường như Khuyên đâu. Khuyên như thế là may lắm đấy.

- May gì mà may...

Con Ly từ đâu chạy a đến. Nó ngạc nhiên khi thấy bạn mình đang đứng nói chuyện với một cô bé lạ. Nó véo và nói khẽ vào tai Bê:

- Rồi, bỏ rơi tao rồi hả?

Con Bê cười:

- Bỏ rơi mày luôn. Ai biểu tự nhiên bỏ tao đứng một mình thì tao phải tìm bạn chứ.

Ly cười giả lả:

- Tao đau bụng quá mày ạ. Đang làm mà tao phải bỏ dở chạy về là mày biết.

Khuyên như người sực tỉnh:

- Chết! Khuyên phải về kẻo mẹ mong. Thôi, chào Bê và Ly nhé.

Bê cũng nhìn trời:

- Ừ, gần trưa rồi đấy. Bê cũng phải về.

Rồi nó nhìn quanh: mọi người làm việc đã xong và đến ngồi uống trà, khoan khoái. Một lần nữa, Khuyên cáo từ:

- Thôi, Khuyên về nhé.

Bê lưu luyến:

- Rồi chừng nào Khuyên xuống lại?

Khuyên nói không cần suy nghĩ:

- Một chiều gần đây thôi Khuyên về nghe Bê, nghe Ly.

- Nhớ lại nhé Khuyên?

Khuyên "ừ" rồi chạy vụt đi. Bê lưu luyến nhìn cho đến khi bóng Khuyên mất hút sau lùm cây.

Mọi người lần lượt ra về...

*

Một giờ chiều. Trời trong và mát, con Bê chạy xuống giếng xem nước đã lên đầy chưa. Khi đến gần giếng, con bé thấy bóng tụi thằng Thanh, thằng Tý đứng đó tự bao giờ. Nhưng Bê không còn ghét chúng nữa. Con bé nhoẻn miệng cười thật tươi. Thằng Tý, thằng Thanh ngạc nhiên - con bé này hôm nay mới lạ, mọi bữa hắn thấy mình đâu thì lườm đó cơ mà - Nhưng cũng cười... đáp lễ - hắn cười với mình mà mình không cười trả, hắn bảo mình khinh người thì sao - Bê thủng thỉnh tiến đến gần. Nó nhìn xuống đáy giếng: nước thật trong và xanh, bỏ một cây kim xuống cũng thấy. Bê thở một hơi dài khoan khoái, nó nói bâng quơ:

- Nước đẹp thật.

Quay sang thằng Thanh, tiếp:

- Mày nhỉ?

- Ừ. Nhưng Bê này, mày... sao hồi trước thấy chúng tao đâu mày lườm đấy thế. Mày ghét tao lắm à?

- Ừ.

- Sao thế?

- Tại chúng mày nuôi cá dưới giếng, chúng mày làm rớt gầu dưới giếng, chúng mày làm dơ giếng chi...

- ...

Thấy tụi thằng Tý có vẻ hối hận nên Bê nói:

- Lần sau bọn Tý đừng làm thế nữa nghe.

Thằng Tý:

- Ừ, Tý không làm nữa đâu.

- Thanh cũng thế.

Con Bê sung sướng:

- Thật không?

- Thật mà!

- Mình sẽ kết bạn nhé!

- Ừ... mà... thấy tụi này Bê đừng háy nữa nghe.

Cả bọn cùng cười. Bê nhìn cảnh xung quanh giếng. Nó tưởng tượng đến một chiều gần đây, bên bờ này có đôi bạn nhỏ đứng sát vào nhau để tâm sự cho nhau nghe...


NGÔ THỊ BẠCH TUYẾT    


(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 198, ra ngày 1-4-1973)

Bìa của Vi Vi : Trụi lá
Nguồn : https://tuoihoandmore.blogspot.com