Thứ Sáu, 25 tháng 5, 2018

CHƯƠNG MỘT_GIÓ THOẢNG


một


Trời mưa… 

Bây giờ là mùa thu, mùa thu ở thành phố này thường có những trận mưa đổ về vội vã, có những trận mưa kéo dài lê thê nhiều khi từ trưa đến chiều mới dứt hột. Mưa thường làm cho màu trời đang hồng sáng bỗng dưng chìm xuống buồn bã, những tiếng động thường ngày cũng lắng xuống theo tiếng mưa rơi. Con đường dưới mắt tôi một màu đen bóng nối dài như thân con rắn đang trườn mình. Lâu lâu một vài chiếc xe thoáng qua mất hút cuối đường, một vài người bộ hành trong chiếc áo đi mưa vội vã bước mau. 

Từ lúc đổ mưa đến giờ không biết tôi đã đứng bao lâu trong khung cửa sổ này nhìn xuống đường. Trong tôi những nôn nóng đợi chờ Hoài hứa sẽ đến, nhưng hôm nay có lẽ vì mưa anh đến trễ? Thực là chán nản khi chung quanh tôi cái gì cũng đi qua thật chậm. Phải chăng những nôn nóng đợi chờ làm thời gian chậm thêm! 

Trong tình yêu không gì thích thú bằng sự hẹn hò và chờ đợi, tôi nghĩ như thế. Chút nữa đây Hoài sẽ đến với tôi, nhiều điều sẽ được nói ra trong căn phòng ấm cúng này. 

Ngôi nhà này ba tôi và tôi đến ngụ đã được hai năm. Những lúc vui miệng ba tôi thường nói: - Đây là cái tổ chui rúc của người nghệ sĩ. Thật không ngoa khi đứng trên lầu này thả mắt xung quanh. Xa xa một tháp chuông cao, từng chiều vang tiếng rộn rã. Những mái nhà thấp bên cạnh như những ổ chuột. Một nhà ga nằm phía bên trái, trên khoảng đất rộng, có những đường sắt ngoằn ngoèo trống không và những con tàu bất động buồn bã ! 

Nếu như ba ở nhà chiều nay, trước cơn mưa đang thổi những ngọn gió làm rung rinh cửa kính, bay tung những vật nhẹ trong phòng, ba sẽ ví khoảng đứng này như một con tàu đang quay cuồng trong cơn bão táp. Thực là ngộ nghĩnh cho ý nghĩ của một người nghệ sĩ như ba: ngôi nhà trở thành chiếc tàu và thành phố biến thành biển cả mênh mông. 

Ý nghĩ này làm cho tôi ưa thích được đặt chân đến một nơi nào đó thật là xa, hoặc một chuyến đi rời hẳn thành phố này. 

Cuộc đời của ba rày đây mai đó, ít khi nào thấy ba ở một chổ cố định để làm việc. - Ở đâu có chuyện lạ xảy ra thời ở đó có mặt ba. Ba thường nói với tôi như thế để xác định việc làm của ba, do tòa báo đòi hỏi. 

“ Hôm nay ba tham dự một trận cầu quốc tế ở Saigon, ngày mai ba có thể đặt chân ra đến Huế để viết về những thành quách đổ nát, như vụ Mậu Thân vừa rồi. Kế đến sự có mặt của ba ở những nơi có đánh nhau như Campuchia, Hạ Lào v.v…” 

Những điều trên ba thường đề cập đến với tôi như ăn cơm bữa, chẳng khác gì người thợ mộc không bao giờ quên cái cưa cái đục, hay những người thi sĩ nói về cái nhìn của họ đối với sự thật, và công việc sáng tạo. 

Mỗi lần đi xa, ba đều gởi về những tấm hình mầu thật đẹp. Không bao giờ quên viết những giòng chữ sau lưng tấm hình: 

“ Cảnh ở đây đẹp lắm! Cố ngoan…trở về ba sẽ kể thật tỉ mỉ cho con nghe… Con gái thương nhứt của ba ”. 

Nhưng những tấm hình này, cũng như những bức thư đầy chi tiết tỉ mỉ ba viết cho tôi không bằng những bài phóng sự của ba đăng trang trọng trên mặt báo, chung quanh được viền màu đỏ. Bài viết của ba sống động hấp dẫn, dễ lôi cuốn người đọc. 

Tôi nói những ý nghĩ của mình về những bài phóng sự ba viết. Không nói gì ba chỉ mỉm cười, như muốn nói tôi còn con nít… biết gì! Thật không gì chán nản hơn khi ba không hiểu một chút ý nghĩ của tôi. Một người như ba dư sức để cho một ông tổng thống, hay một tướng lãnh nào đó bộc lộ những uẩn khúc. Như thế mà ba lại không thể hiểu nổi đứa con gái của mình. 

Tuy nhiên, lúc nào đi làm phóng sự về đến nhà ba cũng mở rộng hai tay, với nụ cười dòn dã đón tôi sà vào lòng. Trong đôi mắt ba đầy ấp niềm vui cho tôi, cũng như tôi đang áp đầu vào ngực ba đón nhận niềm vui đó. Nhưng chỉ giây lát thôi! Và giây lát đó sẽ làm tôi nhớ ba quay quắt. Những ngày sắp tới ba lại lên đường đi làm phóng sự, và tôi, Kim-Anh của ba lại tiếp tục đến trường cặm cụi với ba mớ sách vở! 

Không biết nói làm sao cho ba hiểu được, ở tuổi 16 không phải tối ngày chỉ chúi đầu vào ba mớ sách vở, bàn ghế trường học lặng lờ. Hay thuộc lòng con đường ngày ngày đến trường, một thoáng mơ mộng nhìn lá me bay lao chao xoáy lốc trên mặt đường. Ít ra phải có một người bạn trai để đưa đón, để tâm sự chứ ?! Nhưng ba đâu thèm hiểu cho tôi, có lẽ ba chỉ muốn tôi cắm cúi hoài với sách vở, về đến nhà là ở yên trong bốn bức tường vôi trắng chán ngắt này! Đôi khi ba cũng nổi giận những bọn con trai theo đuổi tôi, nhứt là Hoài, thấy mặt là ba đã cay cú và nổi giận. 

*


Tôi có thật nhiều cảm tình với Hoài, không hiểu có phải tình yêu đang nẩy mầm trong tôi chăng? Vào những ngày hè năm rồi, tôi gặp Hoài một buổi chiều đến tìm ba ở tòa báo.

Vừa bước vào phòng khách tôi thấy người gác gian đang quát tháo với một thanh niên:

- Tôi đã nói nhiều lần với cậu, ông ấy không muốn ai quấy rộn trong giờ ổng làm việc

Sau câu nói của người gác gian chàng thanh niên lộ hẳn nét chán nản. Trong khi thấy tôi ông lại đổi nét mặt niềm nở :

- Chào cô Kim Anh, sao lâu nay không thấy cô đến chơi ?

Tôi mỉm cười nhìn xuôi lên phòng làm việc của ba :

- Cháu bận học.

Người con trai nãy giờ nhìn tôi không nói, như biết tôi là con gái của người mà anh ta muốn tìm, bước đến gần tôi :

- Cô Kim Anh, cô là con của ông Lê Viết Nghiêm? Cô…

Anh ta không tự nhiên lắm trong câu nói, cử chỉ ngượng ngập làm tôi không dấu được nụ cười… Như để nối tiếp, lần này anh ta tự nhiên hơn:

- Gặp cô đây cũng là điều may cho tôi, nếu được có thể mời cô đi uống nước với tôi?

- Có lẽ ba tôi đang đợi.

Gã con trai cười dòn :

- Ông có thể đợi Kim Anh một chút không sao! Như tôi đây đã ba tuần nay muốn gặp ổng mà chưa được, lần nào cũng nghe ông gác gian bảo bận rộn.

Tôi vui vui:

- Được tôi có thể đi với anh, để bù lại những lần anh đợi ba tôi mà không gặp.

Hoài dẫn tôi vào một quán cà phê có nhạc nằm cạnh tòa báo, quán cà phê thật đông người, y như những người làm ở tòa báo đều đổ xô vào quán này. Đi bên tôi Hoài xây qua xây lại chào mọi người hết sức tự nhiên, xem chừng Hoài quen họ rất thân.

Ngồi xuống một chiếc bàn trống, Hoài cười cười nhìn tôi:

- Suốt từ ba tuần nay tôi cố gặp cho kỳ được ba của Kim Anh, để ông xem mấy tấm ảnh tôi mới chụp, rất độc đáo. Ba cô lúc nào cũng bận rộn, không dễ gì lại gần ông được.

Vừa nói, thỉnh thoảng Hoài hất đầu ra phía sau cho những cọng tóc phủ lòa xòa trước trán khỏi xõa xuống che mắt. Mỗi lần lúc lắc cái đầu như thế Hoài lại cười to hơn, cái cười không làm người khác khó chịu, mà lại được nhiều cảm tình. Bộ điệu, giọng nói và lối suy diễn của anh thực sống động, nhứt là những cái bĩu môi có vẻ khinh khi cuộc đời thật hấp dẫn. Ở anh chỉ còn thiếu cái nhìn xa xôi, và nét trầm lặng nữa là có vẻ phong sương dày dạn.

Hoài nhìn thật sâu trong mắt tôi:

- Tên của Kim Anh đẹp lắm, cũng như khuôn mặt, nếu chụp hình chắc ăn ảnh lắm. Nếu muốn tôi sẽ chụp cho Kim Anh ít kiểu làm kỷ niệm.

Tôi mỉm cười nhìn ra cửa quán. Ba tôi cũng từ ngoài bước vào, tiến lại chỗ tôi, ngồi xuống chiếc ghế trống bên cạnh. Được dịp Hoài đưa những tấm hình anh chụp được gọi là “ độc đáo ” mà anh đã nói với tôi.

Không nói gì ba tôi cầm từng tấm hình lên xem. Ba xem thật kỹ. Hoài cũng chồm tới dán mắt vào những tấm hình đó. Anh dồn dập hỏi ba:

- “ Thưa ông được không ạ? Ông nhận thấy nó có giá trị không? Ông có thể dùng nó không?...”

Cuối cùng ba tôi ngẩng lên :

- “ Được lắm ! Nhưng cậu chờ xem tôi có thể dùng nó được không ?!”

Sau đó chúng tôi tạm biệt nhau. Ba bỏ đi trước. Hoài đứng lên giọng ấm và tha thiết :

- Tạm biệt Kim Anh ! Ngày mai tôi có thể gặp Kim Anh ?

Trước khi theo cho kịp ba, tôi nở nụ cười thật nhiều hứa hẹn với Hoài :

- Tùy anh.

Hôm đó gặp tôi ba có vẻ không bằng lòng, ông nghiêm nghị :

- Kim Anh… từ nay con nên tránh cho ba khỏi mất thì giờ với những thằng con trai như Hoài.

- Sao vậy ba ?...

- … ! ! !

- Ba không ưa hình anh ấy chụp ?

- Không ! Hình của nó chụp được lắm, có nghệ thuật. Nhưng ba có thật nhiều chuyện phải làm, không riêng gì mối bận tâm đó.

Một thoáng sau ba hỏi về Hoài :

- Cậu ấy là bạn thân của con ? Con quen lâu chưa?

Những câu hỏi dồn dập của ba, tôi không biết trả lời làm sao. Đành phịa ra:

- Hoài là anh ruột của một con nhỏ bạn cùng lớp với con. Năm nay anh ấy 20 tuổi, anh ấy rất tốt.

- Con hơi dễ dãi trong việc chọn bạn bè. Ba thấy hắn… có vẻ háo danh.

Tôi không đồng ý với ba về điểm nhận xét về Hoài, nhưng tôi không nói ý nghĩ này ra cho ba biết.

Từ hôm đó tôi thường gặp lại chàng
 “háo danh”, tôi bắt gặp được thật nhiều niềm vui ở Hoài. Nhưng Hoài hình như coi thường những niềm vui đang có trong tôi. Đôi khi tôi tự hỏi không hiểu  có phải anh chàng “háo danh” này coi tôi như bao đứa con gái khác, không có điểm gì đặc biệt. Cùng lắm là tôi được cái may mắn hơn những đứa con gái khác, là con của ông Lê Viết Nghiêm, một ký giả nổi danh. Còn ngoài ra không có gì đáng nói nữa ! 

Những lần có dịp đi chơi chung, bát phố chiều thứ bảy, hoặc chui vào một quán kem đông người, nói chuyện với Hoài là y như tôi được nghe cái nghề chụp hình của anh. Con đường ngày mai thực là vinh quang rạng rỡ, nếu như anh chụp được một tấm hình nào nổi tiếng có giá trị nghệ thuật. Lúc nào anh cũng chú ý  tới nghề nghiệp và tương lai. Còn bằng không thời bàn đến những tấm ảnh đã chụp, hoặc chiếc máy ảnh mới tinh mà Hoài sẽ mua, nếu đủ tiền. Thực ra Hoài chả có một đồng xu dính túi. Sống với mấy người bạn trong một căn gác ở một ngõ hẹp xóm lao động. 

Hoài không hiểu tôi một chút nào hết ! Tôi có đòi hỏi những gì quá sức anh ấy đâu, hay một tương lai rực rỡ như Hoài nghĩ ! Con đường tương lai thời xa quá. Trong khi tôi chỉ muốn những gì ở tầm tay. Con gái không có ước vọng cao xa như ý nghĩ của con trai. Tôi muốn được Hoài chú ý đến tôi một chút: anh sẽ không quên chiếc áo đẹp tôi mặc hôm nay, mái tóc thả dài bay bay trong gió, thỉnh thoảng phải tỏ ra một chút gì khắng khít như tay trong tay. 

Tôi thật hoàn toàn lẻ loi ! Ba tôi chỉ biết có nghề nghiệp, đi đây đi đó làm phóng sự hoài. Còn Hoài tối ngày chỉ nghĩ đến con đường ngày mai, và những tấm hình vừa chụp. 

Không biết những đứa con gái tuổi 16 có trong hoàn cảnh như tôi không ? Riêng những con nhỏ bạn ở trường thì khó mà hiểu nổi ý của chúng. Lo sợ và e dè khi phải nói đến một gã con trai nào. Toàn là những chuyện không đâu, kéo nhau ba bốn đứa tà tà bát phố, hoặc chui vào rạp xi-nê có máy lạnh cho hết những giờ rỗi rảnh thật chán phèo ! Chúng thường dấu nhau về những đối tượng của mình. Đối với tôi thương yêu không phải là chuyện tội lỗi cần phải giấu diếm. Tôi có thể nói cho lũ bạn và mọi người cùng biết. Hoài là người con trai tôi nghĩ đến nhiều nhất. Nghĩ đến nhiều nhất là đã nhớ nhung thương yêu – Anh Hoài nếu anh hiểu được những ý nghĩ của tôi giờ phút nầy.

*

Sau những trận mưa bầu trời chập choạng tối. Tôi trở vào phòng bật đèn sáng và mở chiếc máy “ma-nhê”. Cuộn băng xoay chậm, tiếng nhạc vang ấm áp căn phòng, miên man êm thấm như tình tôi trao cho Hoài. 

Nhìn ổ bánh bông lan, bên trên được tô màu mè những kem kết tụ lại thành chữ H.A. Tên của tôi và Hoài được chưng thật đẹp trên bàn. Lát nữa đây Hoài sẽ khen tôi khéo tay, chàng sẽ nói những điều mà tôi mong muốn từ bao lâu nay. 

Đang suy nghĩ, tôi nghe tiếng chuông reo dưới nhà. Có lẽ Hoài đã đến ! Tôi vặn nhạc cho lớn thêm chút nữa, vui hơn ! Nhìn vào tấm kính lớn trước mặt một lần chót trước khi bước xuống nhà. 

Nhưng không ! 

Ba tôi đang đứng bên ngoài đang chờ tôi bước ra mở cửa. Tôi chậm rãi mở cửa, có một cái gì làm tôi chán nản, thật trái ngược với điều tôi nghĩ trước đây vài phút. 

Ba bước vào nhà như thường ngày, vẫn chồng báo trên tay, và nụ cười trên môi như muốn nói – “Con ở nhà một mình chắc buồn lắm!” Tôi nhìn lên ba thắc mắc :

- Sao hôm nay ba về sớm vậy ?

- Hôm nay công việc mau lẹ hơn !

- Con cứ tưởng ít ra cũng chín mười giờ đêm ba mới về !

Bỏ chồng báo trên cái bàn nhỏ ở phòng khách, ba quay lại:

- Bộ con không mong ba về sớm sao ?

Sau câu nói ba nhìn tôi từ đầu đến chân, có lẽ ba ngạc nhiên vì chiếc jupe trắng mới toanh tôi khoác trên người và một bông hoa trắng voile mỏng nhiều cánh cài một bên mái tóc. Ba cười cười tiếp :

- Cha, con gái của ba hôm nay đẹp ghê ! Hình như con sửa soạn để đón một người bạn?

Tôi lặng yên theo ba bước qua phòng khách. Thấy chiếc bánh được tôi bày biện trên bàn ba quay nhìn tôi bằng cặp mắt dò xét :

- Hôm nay con gái ba lại trổ tài làm bánh nữa ?!

Ba ngồi xuống chiếc ghế bên cạnh, ngẫm nghĩ giây lát rồi hỏi tôi với một giọng thật nghiêm :

- Con đợi người nào ?

Nhìn khuôn mặt ba lộ hẳn nét băn khoăn, tôi cúi mặt nhìn xuống nền gạch lắp bắp :

- Con đợi một người bạn !

- Chắc hẳn là bạn trai !

- … ! ! !

Ba thong thả đứng lên bước lại gần tôi. Đôi mắt của ba nhìn thẳng vào tôi, chưa bao giờ ba nghiêm nghị và khó chịu với tôi như hôm nay. Ba nói rõ từng tiếng một :

- Con không trả lời ba sao ? Thôi con không cần phải trả lời, ba cũng biết con đợi ai. Phải thằng Hoài không ?!

- Anh ấy rất đứng đắn mà ba !

- Hứ ! Thằng ấy chỉ có được cái mã điển trai thôi, ngoài ra cái gì cũng gàn gàn dở dở không đi đến đâu hết ! Chỉ bày vẽ tương lai bằng cái miệng. Đi đâu cũng kè kè bên mình chiếc máy ảnh, làm như một nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp không bằng.

- Có lần ba đã khen ảnh chụp hình có nghệ thuật ? !

- Có phải vì thế mà con thương nó phải không ? Hừ nghệ thuật ! Nghệ thuật chỉ đói dài người ra. Ba sẽ nói hắn nghe tương lai của con không nằm trong từng cái khung hình nghệ thuật để đói dài dài đó. Tương lai của con phải rực rỡ hơn!

- Nhưng thưa ba…

- Không thưa gởi gì hết ! Con đi lên lầu mau, chút nữa đây để ba tiếp hắn.

Chưa bao giờ ba nổi giận như hôm nay ! Sao ba không ưa Hoài đến độ hầu như ghét cay ghét đắng ? Chút nữa đây ba sẽ nói gì với anh Hoài?

Tiếng chuông reo ngoài cửa, lần này Hoài đến thật ! Tôi định bước ra, nhưng ba đã trừng mắt :

- Con lên lầu, để cho ba tiếp nó.

Tôi vùng vằng nện gót trên những bậc thang lầu. Không ai hiểu tôi hết ! Đáng lý ba phải hiểu tôi cũng cần có bạn trai như những con nhỏ bạn. Mười sáu tuổi đâu còn nhỏ nhoi gì?

Tiếng nói trầm trầm của ba từ dưới nhà vang lên, xem chừng như đang cố gắng đè nén sự bực tức trong khi nói chuyện với Hoài.

Giọng nói của Hoài cũng đôi lần gằn mạnh, tôi nghe được tiếng còn tiếng mất. Cuộc cãi vã này thật bất lợi cho tôi gặp Hoài về sau !

Một lúc lâu tiếng cửa phòng khách đóng sầm lại. Thế là xong ! Chắc chắn ba đã dùng lời lẽ nóng nảy tống cổ anh ra khỏi nhà. Vì tự ái chắc chắn không bao giờ anh ấy có thể gặp tôi nữa ! Yêu thương nhen nhúm chợt đến, chợt đi ! Tôi yêu anh, một ngày nào đó anh cũng nghĩ đến sự tha thiết chân thành của cô bé học trò này cho anh.

Tôi nghe nước mắt lăn ấm trên má xuống môi mằn mặn, tôi cố gắng để khỏi bật thành tiếng khóc khi đứng trên thành cửa sổ này nhìn bóng Hoài khuất hẳn cuối con đường đêm.

Tiếng chân bước đều trên thang lầu, tôi vội vàng lau nhanh những giọt nước mắt trên má.

Cửa phòng được mở ra, ba bước vào. Nhìn tôi ba không được tự nhiên về vụ lớn tiếng với Hoài vừa rồi. Giọng ba thật ấm và nhẹ :

- Kim-Anh con, gã con trai như Hoài không đáng để cho con chú ý tới !

Tôi nhìn ba, mờ mờ sau màn nước mắt.

- Lúc nào con cũng nghe ba nói như thế, con thuộc lòng như một bài học ở nhà trường. Ba không hiểu con !

- Nếu như con còn mẹ như bao đứa con gái khác, con sẽ được nghe mẹ con nói về gã con trai đó không khác gì ba.

- Con bất hạnh không còn mẹ, chỉ mỗi mình ba, ba lại không hiểu con một chút xíu nào hết. Thôi ba đừng nói gì về chuyện anh Hoài, chỉ làm con buồn thêm thôi !

Bước lại bên tôi, bàn tay của ba thật nhẹ vuốt lên tóc tôi :

- Ba biết hành động của ba vừa rồi không phải, nhưng ba không muốn con gái cưng của ba phải khổ vì anh chàng lông bông đó.

Nhìn xuống lòng đường đen thẳm, ba tiếp :

- Trong vài ngày nữa ba có dịp lên Đà-Lạt làm một bài phóng sự đặc biệt. Con muốn đi không ? Ba không có ý bắt buộc con phải rời xa thành phố này vì thằng Hoài đâu. Con sẽ được dịp ngắm tận mắt những thắng cảnh mà con thường ưa thích.

Đi xa, một cái gì thật thích thú với số tuổi của tôi, tôi nhỏ giọng :

- Con bận đi học !

- Nếu con muốn ba sẽ xin phép bà hiệu trưởng cho con nghỉ học một thời gian. Với lại trên ấy ba cần một cộng-tác-viên thông minh và duyên dáng như con.

Tôi gật đầu, khuôn mặt của ba thoáng nét hài lòng.

Đà-Lạt, nay mai tôi sẽ đặt chân lên đó ! Thành phố của sương mù, và nhạc thông reo từ những thung lũng đưa về. Thành phố của hoa anh đào hồng như má con gái, và mưa bụi êm đềm bay mù trời.

Trong khung cửa sổ này nhìn ra xa, màu trời đen thăm thẳm, nổi bật chi chít những vì sao, như giọt sương óng ánh của thành phố Đà-Lạt nay mai tôi sẽ đặt chân tới. 

___________________________________________________ 
Xem tiếp CHƯƠNG HAI