Thứ Hai, 28 tháng 5, 2018

CHƯƠNG BỐN_GIÓ THOẢNG


bốn


Buổi chiều ở thành phố này thật đẹp và nên thơ. Tôi dựa lưng vào nệm xe, hai tay khoanh trước ngực nhìn về phía trước. Xe chạy chậm trên những những triền đồi, nên những hình ảnh tuyệt đẹp xung quanh được tôi thâu nhận rõ ràng và khá tỉ mỉ. Tôi có cảm tưởng như mình đang có mặt tại một vùng ngoại ô nào đó của nước Pháp . Từ lâu tôi đã nghe nhiều người cho rằng Đà-Lạt từ khí hậu đến những cảnh đẹp không thua gì Tây Phương, bây giờ tôi mới được thưởng thức và thấy điều họ nói thật không ngoa. 

Từ lúc bước lên xe đi thong dong như thế này để biết Đà-Lạt, Sa-Lyn ngồi bên tay trái, cạnh tôi không nói một điều gi hết. Chúng tôi mỗi người theo đuổi ý nghĩ riêng của mình. Dừng xe lại dưới một ngọn đồi chênh chếch, bên trên đồi là một rừng thông dầy đặc. Tôi nghe tiếng gió đi về trên những ngọn thông đó, gió rít qua từng kẽ lá thành những âm vang thật buồn. 

Khóa “công tắc” xe, Sa-Lyn quay sang tôi : 

 Mình lên trên đó chơi cho biết đi ! 

Với Sa-Lyn thì không một chút gì là xa lạ hết, nhưng với tôi mọi sự đều xa lạ và ngỡ ngàng. Tôi gật đầu theo Sa-Lyn bước ra khỏi xe. Thật gọn gàng, nhanh nhẹn, Sa-Lyn đi trước dẫn tôi. Đi sau Sa-Lyn một khoảng ngắn, bước chân tôi dẫm bừa lên những cành hoa dại tím ngắt, những dốc đá nằm trơn tru và buồn nản. Những gì xảy ra trong đêm ăn tiệc ở nhà Nghiệp làm cho tôi buồn chán vô cùng ! Ba lúc nào cũng coi tôi như một con bé chưa biết gì. Tôi chỉ nói chuyện với Nghiệp trong một thoáng chốc mà ba cũng không bằng lòng nữa. Sa-Lyn như chỉ tìm dịp để ngăn cản không cho tôi gần gũi với Nghiệp. Phải chi ở Saigon thì tôi đã đem nỗi buồn này trút vào mấy con nhỏ bạn, nhưng ở đây thì không thể được !


Sa-Lyn dừng lại trên một khoảng dốc rộng, có cỏ non trải đều xanh mướt. Dựa lưng vào một gốc thông, Sa-Lyn đưa mắt thả xa lên bầu trời nhiều sương. Tôi đứng một bên nàng nhìn những bông hoa mỏng manh lung lay theo gió lướt về. Thật lâu chúng tôi không nói gì với nhau. Tiếng Sa-Lyn bỗng cất lên trong trẻo, xé tan bầu không khí tịch mịch đang bao trùm chúng tôi.

- Ở đây đẹp hén Kim-Anh ?

Tôi buôn thõng :

- Nhưng buồn quá !

- Chắc Kim-Anh đang có chuyện gì buồn lắm ?

Không trả lời câu hỏi Sa-Lyn, tôi bước đến một gốc thông gần đó, nhìn xuống chiếc xe đen bóng nằm dưới chân đồi. Con lộ dài mướt lạnh vắng ngắt bộ hành. Một vài con chim thật bơ vơ từ một nhánh thông bay vút lên.

Sa-Lyn tiến lại sau lưng tôi, dịu dàng vuốt lại mái tóc tôi đang bay tung trước gió. Bằng một giọng thật nhẹ, nàng hỏi :

- Chuyện gì đã xảy ra ở đây làm em buồn ? Kim-Anh có thể nói cho chị nghe được không?

Tôi bặm môi, lạnh lùng, nhìn ra xa. Sa-Lyn đều đều tiếp :

- Chị không hiểu sao mấy hôm rồi Kim-Anh rất thân mật với chị… Mà sao hôm nay Kim-Anh có vẻ không ưa chị nữa ? Hay là chị có điều gì sơ xuất làm phiền Kim-Anh?

- Đó là ý nghĩ của chị !

- Thái độ của Kim-Anh làm chị phải nghĩ như thế. Chắc Kim-Anh không quen khí hậu trên này nên trong người mệt mỏi ? Biết vậy khi nãy chị không rủ Kim-Anh đi dạo, ở nhà nghỉ cho khỏe.

Tôi vẫn thường ít nói mỗi khi bực tức chuyện gì, dù người thân yêu cố dỗ dành mấy đi nữa. Nhớ ngày trước đi học, vào lớp gặp ông giáo sư khó tính. Mỗi lần bài vở không vừa ý ông là ông gọi đến tên và quát tháo ầm ĩ. Tôi không nói một tiếng. Yên lặng, khuôn mặt đóng kín và ánh mắt trống rỗng là thái độ chống đối hết sức tiêu cực, nhưng hữu hiệu nhất. Nhưng Sa-Lyn bên cạnh tôi không phải là một giáo sư khó tính. Nàng tỏ ra một người bạn, một người chị thật dịu dàng. Tôi không thể giữ mãi được yên lặng. Tôi trả lời khô khan :

- Không… Không mệt mỏi gì hết !

Sa-Lyn cười mỉm, cố vỗ về tôi :

- Cô bé khó tính lắm cô bé ạ ?!

- Lúc còn ở Saigon cứ tưởng đặt chân lên đây sẽ được tự do bay nhảy như chim rời khỏi tổ. Nhưng lên đây rồi mới thấy… không như mình nghĩ. Cái gì cũng bị đóng trong khung khổ. Thật là chán !

- Kim-Anh nói gì chị không hiểu ?

- Chị cũng như ba tôi có thèm hiểu con nhỏ này đâu, không lạ gì mà nó bị hất hủi là phải !

Sau câu nói của tôi, khuôn mặt Sa-Lyn lộ ra một chút bỡ ngỡ. Buông thõng cánh tay đang đặt trên vai tôi xuống, giọng Sa-Lyn nghe thật tha thiết, nhẹ như gió ru :

- Kim-Anh, em hãy bình tĩnh lại xem ! Ở đây nào có ai muốn hất hủi Kim-Anh đâu ? À hay lên đây Kim-Anh không có bạn để vui đùa, để tâm sự nên Kim-Anh thấy như thế chăng ?! Ba Kim-Anh mắc bận chuyện riêng của ổng. Còn chị cũng lu bù thật nhiều với vụ biểu diễn xe. Vì thế không rảnh thì giờ để săn sóc cho em trong khi ở lứa tuổi em rất cần thiết những điều đó.

Nói xong Sa-Lyn kéo tôi ngồi nhẹ xuống thảm cỏ, nàng có nét kiên nhẫn chịu đựng rất thuần hậu của một người mẹ. Tôi cảm thấy bớt bực tức.

Khuôn mặt Sa-Lyn cúi xuống một chút, bàn tay trắng nuốt nhẹ bứt những cọng cỏ non thả bay theo chiều gió. Nàng mỉm cười, đưa đôi mắt tròn đen láy nhìn tôi :

- Chị muốn kể cho em nghe một tin vui… Không biết em có muốn nghe không ?

Tôi ngồi co chân lại, tay vòng qua đầu gối, ngẩng mặt hỏi :

- Tin vui gì vậy chị ?

- Chuyện riêng tư của chị.

Chuyện riêng tư của Sa-Lyn là gì đây ? Phải chăng là chuyện của Nghiệp và Sa-Lyn buổi tối hôm nào ngoài vườn hoa ! Từ cái đêm hôm đó một thứ tình cảm thật lạ lùng chợt đến bên tôi, như tiếng sét chớp nhoáng giữa trời giông bão. Tôi có những ý nghĩ thật mâu thuẫn nhau, ý nghĩ mình đang được yêu thật nhiều, và cũng đang đau khổ ê chề vì bị hất hủi, bỏ rơi…

Với Hoài, gã con trai đang đeo đuổi sự nghiệp nhiếp ảnh chỉ mang đến cho tôi thật nhiều niềm tin, hơn là mang đến một thứ tình cảm nhẹ nhàng, một thứ niềm vui lạ hoắc như Nghiệp. Nhớ hôm sửa soạn lên đây, tôi đến thăm Hoài: Anh giới thiệu Ánh-Nga với tôi. Tôi thấy mình tức bực hơn là thất vọng.

Còn Nghiệp thì khác. Anh mang đến cho tôi niềm vui rộn rã, những cảm giác mông lung dịu vợi như mấy trôi chậm dưới khung trời mùa thu. Và niềm vui của tôi bắt nguồn ở đó, nỗi buồn cũng đi từ chỗ đó.

Sa-Lyn sẽ nói với tôi một tin vui, tin vui đó có liên quan gì đến Nghiệp không ?! Tôi cố giữ gương mặt bình thản nói :

- Chị nói cho Kim-Anh nghe đi !

Sa-Lyn nhìn ra xa, giọng trầm xuống đầy tin tưởng :

- Đó là lễ thành hôn của chị. Lễ thành hôn này đã được dự tính từ lâu, nhưng tới hôm nay mới quyết định.

- Ngày nào sẽ làm lễ thành hôn của chị ?

- Hôm bế mạc cuộc biểu diễn xe.

- Chỉ còn vài ngày nữa thôi ?!

- Kim-Anh thấy quyết định này có lý chứ ?

- Nhưng vị hôn phu của chị là ai ? Kim-Anh chưa được biết !

- Anh Nghiệp.

Tiếng anh Nghiệp thốt ra qua bờ môi Sa-Lyn mang một chút gì lạnh lùng và có vẻ thắng thế. Tôi phải chống chọi thật khốn khổ với bản thân để giữ nét mặt bình tĩnh. Vị hôn phu của Sa-Lyn là anh Nghiệp sao ? Tôi nghe như có tiếng động thật mạnh dồn dập kéo đến xoáy vào đầu óc tôi, người tôi như tê điếng lại. Niềm vui rộn rã chưa đến trọn vẹn đã ra đi. Tôi nhìn xuống thảm cỏ xanh, những cọng cỏ thật buồn ngả nghiêng theo gió. Người tôi lảo đảo như muốn theo gió bay đi. Những giọt mồ hôi thật nhẹ, lạnh buốt, lăn xuống hai bên thái dương. Dù cúi mặt bặm môi để khỏi bật khóc thành tiếng, tôi cũng không thể nào ngăn cản được giọt nước mắt đang âm thầm rơi xuống.

Sa-Lyn không nhận thấy những biến đổi như cơn bão kéo đến trong tôi, bằng giọng thật chậm, rõ ràng. Sa-Lyn tiếp :

- Kim-Anh biết không, chị mồ côi từ lúc hai ba tuổi và gia đình Nghiệp đã nuôi cho ăn học đến ngày hôm nay. Anh Nghiệp và chị ngoài sự thương yêu ra còn có những kỷ niệm của tuổi ấu thơ. Kỷ niệm tuổi ấu thơ thì bao giờ cũng đẹp phải không Kim-Anh ? Người ta khó có thể quên nó, cho nên tình yêu giữa anh Nghiệp và chị nhờ đó mà bền chặt thêm.

Tôi không muốn nghe một điều gì nữa hết ! Khuôn mặt Sa-Lyn không chút gì thay đổi, có chăng là trên khuôn mặt đó còn thêm vài nét hớn hở. Sa-Lyn vô tình lắm ! Nàng đâu biết rằng tôi đau khổ !

Đứng lên tôi nói giọng thật nhỏ :

- Thôi mình về đi chị !

Sa-Lyn ngạc nhiên :

- Sao khi chiều em đòi đi chơi loạn cả lên, bây giờ lại đòi về ?

Tôi thả lửng :

- Ở đây buồn quá !

- Chị sẽ đưa em đến những nơi khác ?

- Khi mình buồn thì chỗ nào cũng buồn.

Trở về chiếc xe nằm dưới con dốc, trước khi cho xe dọt Sa-Lyn hỏi tôi:

- Chắc cô nữ sinh Saigon nào cũng đa cảm, lãng mạn như em ?

Tôi trả lời thật vắn gọn :

- Tùy người.

Suốt con đường từ chân đồi về đến thành phố, tôi và Sa-Lyn không nói gì với nhau nữa. Tôi yên lặng nhìn bên ngoài. Cơn buồn trong tôi không biến đổi một mảy may nào, cảnh vật bên ngoài cũng như thế. Tất cả không còn quyến rũ được tôi nữa ! Buồn ơi buồn !

*

Xe dừng lại trước khách sạn, Sa-Lyn nhẹ nhàng mở cửa nhanh nhẹn bước ra đứng ngay cửa nhìn vào tôi. Lạnh lùng, lười biếng tôi bước xuống. Theo Sa-Lyn vào phòng khách, tôi nhoài người ngả mình trên chiếc nệm êm ấm… Ngồi cạnh tôi Sa-Lyn không nói gì, nhưng đôi mắt Sa-Lyn như cố tìm tòi trên khuôn mặt tôi những biến đổi. Tôi giả vờ nhìn lên những bức tranh thắng cảnh nước nhà được treo trong phòng khách. Tôi đặc biệt chú ý đến một bức tranh được đặt trang trọng giữa phòng khách: Bức tranh vẽ Tháp Chàm sừng sững giữa bầu trời xanh, dưới chân có những cô gái Chiêm-Thành đang múa một điệu vũ dân tộc. Nét họa cứng rắn linh động. 

Sa-Lyn nghiêng đầu xuống một chút bên tôi, mái tóc nàng đổ ào theo. Tiếng nói Sa-Lyn thật nhỏ:

- Kim-Anh thấy bức tranh đó thế nào ? Đẹp chứ ?

Cơn buồn bực trong người làm tôi dối lòng :

- Xấu ! Tháp chi mà đứng sững vuông vức, cục mịch. Người chi mà giống người tiền sử.

Sau câu nói của tôi Sa-Lyn ngồi thẳng người, nhíu mày một chút. Tôi không ngờ nỗi buồn bực trong tôi đã làm cho tự ái dân tộc của Sa-Lyn nổi dậy. Mặt Sa-Lyn lạnh lùng nhìn thẳng vào bức tranh. Như một quá khứ lịch sử anh hùng đang sống lại trong tâm hồn Sa-Lyn, nhưng không vì thế mà Sa-Lyn giận tôi, nàng vẫn nói bình thản:

- Tiền sử ! Nói thế mà Kim-Anh nghe được sao ? Cách đây mấy thế kỷ chứ có bao xa: thời kỳ đó người Chiêm-Thành đã đạt được một nền văn minh đáng nói.

Sa-Lyn thao thao nói về gốc tích văn minh, văn hóa Chiêm-Thành được dẫn chứng qua những di tích còn sót lại ở các tỉnh miền Nam Trung-Phần. Sau sự sát phạt khủng khiếp của người Nam dân Chiêm-Thành như bị bứng gốc và xóa hẳn tên trên bản đồ Châu-Á. Những số dân còn lại sống rải rác khắp các tỉnh miền Nam. Sa-Lyn thuộc dòng dõi hoàng tộc Chiêm-Thành, nàng cho rằng thời kỳ Pháp thuộc do sự mách bảo của những quan lại địa phương, người Pháp bắt buộc ông nội của Sa-Lyn phải đem nộp tất cả vàng bạc, những di tích kỷ vật của hoàng tộc cho họ để đem về các bảo tàng viện ở Pháp quốc. Nhưng ông nội Sa-Lyn can đảm hứng chịu tất cả mọi sự tra tấn dã man của người Pháp cho đến chết. Đến thời ba Sa-Lyn, ông hứa sẽ lưu truyền những kỷ vật đó cho con cháu hoặc những người thuộc dòng họ Chiêm-Thành.

Nói đến đây giọng Sa-Lyn trầm xuống :

- Nếu câu chuyện có tính cách gia truyền và hoang đường trên có thực, thì chị là giọt máu cuối cùng của Hoàng tộc Chiêm-Thành còn sót lại.

Tôi bàng hoàng như đang ở trong một giấc mơ, câu chuyện của Sa-Lyn nói có vẻ truyền thuyết nhưng qua bộ mặt và giọng nói của Sa-Lyn tôi có cảm tưởng như sự việc đang có thực trước mắt. Những giận dỗi bực tức từ chiều đến giờ bỗng lắng xuống: Sa-Lyn nàng “công chúa” Chiêm-Thành ? Một cô gái ở thế kỷ 20 với lối phục sức tân kỳ, vẻ đẹp thanh thoát như thế lại là một người thuộc về hoàng tộc của một nền văn minh đã mai một.

Sa-Lyn đứng lên đi đi lại lại trong phòng một chút, như chợt chớ điều gì nàng quay lại nhìn tôi cười thật duyên dáng :

- Thôi Kim-Anh mệt về phòng nghỉ đi, chị còn phải về nữa.

Bàn tay nắm thật gọn trong tay Sa Lyn, tôi nói :

- Kim-Anh là người đầu tiên biết về gia đình chị, chắc sẽ không có người thứ hai biết được?

- Cám ơn Kim-Anh !

Nói xong Sa-Lyn thoăn thoắt trở ra xe, chiếc xe lao vút đi và mất hẳn đi ở cuối một con đường dốc. Tôi uể oải bước lên thang lầu trở về phòng. Ngang qua phòng ba, tiếng ba từ bên trong vọng ra :

- A con đi chơi về rồi đó hả ! Sao có vui không ?!

Tôi cười gượng :

- Thích thú khi gặp những cảnh lạ nhiều hơn là vui đó ba ?

Bước vào phòng tôi ngồi xuống chiếc ghế cạnh bàn làm việc của ba. Tôi bỡ ngỡ nhìn bức điện tín ba nhận được từ hôm qua ở Saigon gửi lên, bức điện tín nằm ngang nhiên như chọc tức khiêu khích : “Vì bịnh không thể lên được như đã hẹn. Thành thật cáo lỗi. Chúc may mắn. Phạm-Thanh nhiếp ảnh”. Nếu ông này không lên được thì bài phóng sự sắp tới của ba sẽ ra sao?!

Ba nhìn ra cửa phòng càu nhàu :

- Thằng cha nhiếp ảnh này lạng quạng quá làm mình hỏng việc chứ chẳng chơi ! Bài viết phóng sự mà không có hình ảnh thì còn ra thể thống gi nữa. Nhất là loạt bài này độc giả ở xa cần xem hình ảnh ngoạn mục của cuộc biểu diễn. Bài phóng sự không có hình ảnh coi như có hồn mà không có xác

- Vậy ở dưới tòa báo người ta có gửi lên đây cho ba một ông nhiếp ảnh nào khác nữa không ?

- Có, nhưng một người ba chưa quen lề lối làm việc của họ, thì hợp tác chung khó làm việc lắm.

- Anh ta đã lên đây chưa ?

- Ông ấy hẹn ba bốn giờ chiều nay tại khách sạn này.

Tôi thở phào nhẹ nhõm bước tới cửa sổ nhìn xuống con đường trước khách sạn. Những ngày sống ở xứ lạnh này đã làm thay đổi tâm tư tình cảm tôi quá nhiều. Những biến đổi tình cảm trong tôi với Nghiệp. Câu chuyện của Sa-Lyn và những rắc rối của ba. Ý nghĩ của tôi bỗng chùng lại khi một chiếc taxi dừng lại trước khách sạn Có lẽ người nhiếp ảnh mới được tòa báo dưới Saigon phái lên ?

Một người thanh niên vừa rời khỏi xe, tay xách một chiếc valise nhỏ. Tôi nhoài người nhìn ra cửa sổ nhìn cho kỹ dáng người của anh ta: người mảnh khảnh, bước đi chững chạc và cương quyết. Mái tóc mịn lòa xòa trước trán của một nghệ sĩ, cái bóng dáng quen thuộc quá ! Hoài. Hoài lên Đà-Lạt thực sao ?

Tôi bỏ cánh cửa sổ đi lẹ thật xuống các bậc cầu thang, đến mực thang cuối cùng, Hoài đang đứng ngớ ngẩn nhìn tôi.

- Kim-Anh !

Nở nụ cười thật tươi tôi bước đến cạnh Hoài :

- Anh lên đây làm gì ?

- Sao Kim-Anh lại hỏi như thế ? Chứ bộ Kim-Anh quên anh là một nhà nhiếp ảnh rồi sao ?! Chính ba Kim-Anh cũng đòi hỏi ở tòa soạn một nhiếp-ảnh-viên riêng cho bài phóng sự của ông.

Tôi thắc mắc hơn :

- Nếu Kim-Anh không nhầm thì anh đâu có làm chung với một tòa báo với ba ?

Hoài đặt chiếc valise xuống, hai tay khuềnh khoàng trong túi quần, nụ cười nhếch mép tự tin:

- Kim-Anh còn nhớ cô Ánh-Nga làm mẫu của anh không ? Anh đã đem một số ảnh chụp cô ấy tới cho ông chủ nhiệm coi. Cũng vừa đúng lúc cái ông nhiếp ảnh của tòa báo bệnh nặng, ông chủ nhiệm điên đầu lên, không biết phải nhờ ai lên đây. Không những chấp nhận cho anh làm việc cho tòa báo của ông, còn nhờ anh lên đây để lo chụp hình ảnh cho bài phóng sự cuộc biểu diễn xe do ba Kim-Anh đảm trách. Ông đã đưa anh ra tận phi trường lúc hai giờ trưa nay.

- Vậy anh cộng tác với ba em ?

Hoài chưa trả lời câu hỏi của tôi, thì ba cũng vừa trên lầu bước xuống. Nhìn tôi một thoáng ba quay sang Hoài. Khuôn mặt của ba lộ hẳn nét khó chịu, ba cũng thắc mắc như tôi lúc đầu gặp Hoài :

- Cậu lên đây làm gì ?

- Tôi là người tòa báo đưa lên đây làm việc chung với ông.

Ba tức bực thấy rõ, vẫn xem thường Hoài như thuở nào. Tôi hiểu ba không tin tưởng khả năng Hoài cho lắm, dù Hoài đã nói cho ba nghe về việc tòa báo gởi anh lên đây. Ba thản nhiên:

- Dù sao thì cậu cũng đã lên đây rồi, tôi cũng khó chối từ. Về tài nghệ của cậu tôi còn chờ xem sao.

Hoài nhấn mạnh từng tiếng :

- Nhà báo đã gửi tôi lên đây thì ông cũng dư biết tài nghệ của tôi ra sao rồi.

Nhún vai ba nói :

- Nhưng ít hôm nữa mới cần đến cậu, còn bây giờ cậu cứ việc nghỉ.

Nói xong ba lại trở lên lầu. Hoài và tôi đưa mắt nhìn theo cho đến khi cái bóng của ba khuất.

Buông thõng xuống ghế Hoài nói với tôi giọng mỉa mai :

- Thực rất hân hạnh được cộng tác với một ký giả nổi danh như ba của Kim-Anh. Ông tiếp đãi anh nồng hậu ghê !

Ngồi xuống cạnh Hoài tôi nhỏ nhẹ :

- Anh bỏ qua chuyện đó đi ! Anh thử đứng địa vị của ba em, anh như trên trời rớt xuống cách đột ngột thế bảo sao ba em chẳng bỡ ngỡ… Hãy để cho ba em hết bỡ ngỡ chút đã. Tính của ba em vẫn vậy đó.

- Anh không cần gì hết. Rồi ba Kim-Anh sẽ biết tài nghệ anh, nếu ông muốn. Anh sẽ chụp những tấm hình mà suốt đời ông sẽ không quên được.

Giọng nói ấm và cứng rắn của Hoài tự tin hơn bao giờ hết: anh đưa mắt nhìn ra sân khách sạn, đôi mắt long lanh sáng. Hoài lúc nào cũng đặt nghệ thuật và sự nghiệp lên trên tất cả. Anh quên mình vừa đặt chân lên Đà-Lạt, khung trời sương lạnh đang có sự hiện diện của tôi. 

____________________________________________________ 
Xem tiếp  CHƯƠNG NĂM