Tượng trưng cho tính hiếu hòa
và là biểu hiệu của Hòa Bình.
Nhưng Bồ Câu còn được loài người
lợi dụng để phục vụ cho... chiến tranh,
bởi một khả năng kỳ diệu hiếm có...
□ Bồ Câu, chim Hòa Bình.
Theo
Kinh Thánh (Cựu Ước) thì đời thái cổ, khi loài người đã sinh sản đông
đúc trên mặt đất và cuộc sống bắt đầu chìm trong tội lỗi, sa đọa, Thiên
Chúa liền trừng phạt bằng một trận đại hồng thủy (cơn lụt lớn) tiêu diệt
hết. Duy chỉ có ông Noé và gia quyến, nhờ sống đạo đức ngay thẳng và
hiền lành nên được Thiên Chúa báo trước cho biết. Noé liền đóng một
chiếc tàu lớn, đem gia quyến và súc vật, mỗi loài một con trống và một
con mái, lên ở. Khi nạn đại hồng thủy đã qua, trên mặt tàu của gia quyến
ông Noé tấp vào ngọn núi Ararat. Ở trong tàu, Noé nóng lòng không biết
trận đại hồng thủy đã thực sự qua khỏi chưa liền thả một con chim quạ và
một con chim bồ câu cho bay đi thăm dò. Đến chiều, chim quạ biệt tăm,
chỉ có con chim bồ câu hớn hở bay về, miệng ngậm một cành ô-liu xanh
tươi. Nhờ thế Noé biết đại nạn đã qua, cây cối đâm chồi nẩy lá xanh tươi
như trước.
Do điển tích trên mà chim bồ câu đã được dùng làm biểu tượng cho sự hòa giải và Hòa Bình, và được gọi là Chim Hòa Bình.
□ Sứ giả đưa tin.
Có
lẽ do điển tích trên: chim Bồ câu được ông Noé phái đi lượm tin ; nên
từ thời cổ người ta đã biết dùng chim câu vào việc thông tin, vì chim bồ
câu bay được xa và có tài nhớ đường lối, phương hướng, chỗ ở cũ của
mình.
Thời
Trung cổ, người ta buộc vào chân chim một sợi dây, màu gì đó để làm
hiệu với nhau. Có người gấp lá thư buộc dưới cánh chim hoặc cho thư vào
một cái ống thật nhỏ, nhẹ, đeo lòng thòng nơi cổ chim câu. Trong cuộc
chiến tranh Đức –
Pháp 1807-1871, người ta viết những thư tín vào các mảnh giấy rất mỏng,
đem cuộn lại, nhét vào trong một ống lông chim rồi buộc chặt chúng vào
lông đuôi chim. Cho đến ngày nay, chim câu vẫn còn được dùng vào việc
thông tin thư tín.
Vì thế ngoài hình vẽ chim bồ câu ngậm cành ô-liu còn có hình vẽ chim bồ câu ngậm phong thư.
Người
ta tự hỏi: tại sao bồ câu phân biệt được phương hướng và nhớ được nơi
xuất phát? Thuyết bảo nhờ tại bồ câu có những dây thần kinh đặc biệt mà
biết được phương hướng ; thuyết lại cho rằng nó nhờ có cặp mắt có những
tính chất đặc biệt nên phân định được phương hướng và những nơi bay qua.
Người
ta đã thí nghiệm bằng cách nhốt một con chim bồ câu trong toa xe lửa
đóng kín cửa, đem đi xa chỗ ở của chim khoảng sáu, bảy trăm cây số rồi
thả ra. Chim câu đó cũng tìm về được chỗ cũ. Như vậy chúng ta hẳn đã
thấy thuyết nào đúng hơn (?)
□ Chim Bồ Câu phục vụ chiến tranh.
Lạ
nhỉ! Là một giống chim hiền lành và được dùng làm biểu hiệu cho hòa
bình, sao lại phục vụ cho chiến tranh? Nhưng thật thế bạn ạ! Phục vụ
thật đắc lực nữa là khác!
Năm 1914 – thời Đệ nhất thế chiến –
được biết quân Đức dùng chó để thông tin và tại Bỉ có 6.000 con chó
dùng vào các công tác gián điệp, Bộ tham mưu Pháp nghĩ cách dùng chim bồ
câu để làm đội quân phản gián. Kết quả đội quân bồ câu của Pháp đã
thắng oanh liệt đội quân khuyển của Đức. Chim bồ câu Pháp mạo hiểm hơi
ngạt, tạc đạn, súng liên thanh đã lập nên nhiều công trạng. Có con trong
một tiếng đồng hồ đưa được thư bí mật từ thành Reims đến Béthencourt
cách nhau 80 cây số. Năm 1916, một đội quân Pháp bị thiếu nước đến nỗi
phải dùng cả nước tiểu. Sau nhờ một con bồ câu thông tin xin tiếp tế
nước, đội quân được giải ngay. Năm 1918, bộ tổng tư lệnh Pháp nhờ được
chim bồ câu báo cáo quân Đức đã núng thế, nên đã thu hết đảm lực phản
công lại và giải phóng được thành Bizonveaux.
Sau
ngày 11 tháng 11-1918, Thế chiến thứ I chấm dứt, số bồ câu đã bỏ mình
vì nghĩa vụ thật nhiều: trong 24.300 con thì mất hết 7.462 con.
Thấy
ích lợi vô cùng của chim bồ câu trong thế chiến thứ I, nên đến thời thế
chiến thứ II, Bộ tổng tham mưu Quân đội Pháp đã huy động tới 100.000
chim bồ câu để dùng vào việc quân.
Quân
Anh cũng tuyển hàng sư đoàn bồ câu, cắm tại giữa kinh thành Luân Đôn do
hai Thiếu tá W.H.OSMAN và J.B.VERNON chỉ huy. Trong số này có 35.000
con dùng vào việc thông tin, còn bao nhiều đều dùng vào công tác gián
điệp.
Không
những chỉ có phe Đồng Minh sử dụng chim bồ câu, mà lần này, quân Đức
cũng dùng chim câu để giúp việc quân và họ đã huấn luyện thật thuần thục
một đoàn quân chim phản gián. Và, một cuộc chiến tranh gián điệp giữa
chim bồ câu của hai phe đã diễn ra...
Mang
danh chim hòa bình nhưng bồ câu lại đã giúp ích thật đắc lực cho con
người trong chiến tranh. Khả năng của chim không chỉ là thông tin, làm
gián điệp, Bồ câu còn được quân Đức sử dụng vào việc chụp hình các căn
cứ quân sự trọng yếu của địch. Họ đeo ở trước ngực con chim một máy ảnh
rất nhẹ và nhỏ ; có máy bấm tự động và máy cuốn phim tự động. Trong máy
ảnh, được để sẵn tới ba mươi cuốn phim nhựa rất nhỏ.
Khi
muốn chụp một nơi ở cách chỗ thả chim độ 20 cây số, người ta canh máy
cho chậm lại 20 phút sau mới chụp (Tính mỗi phút chim bay được 1 cây số)
từ đó, máy ảnh tiếp tục tự động chụp cách đều tùy thời gian đã được
người ta canh sẵn.
Dùng
bồ câu làm những việc này rất tiện lợi, vì chim bay thấp, chụp được rõ
và cũng ít bị phát giác. Phần nhiều, quân Đức dùng chim bồ câu thay thế
phi cơ trinh sát để chụp các kết quả sau cuộc ném bom của các oanh tạc
cơ. Phi cơ trinh sát không bay thấp được và dễ bị bắn rớt.
□ Cách bay và tốc độ của chim Bồ Câu.
Khi
được thả ra, chim bồ câu bay vòng tròn theo hình trôn ốc, mỗi lúc một
cao hơn, cho đến một độ cao tiện lợi chim mới bay thẳng một mạch về
chuồng hoặc tới đích đã định. Nếu thả chim từ phi cơ ở trên cao thì chim
bay xuống theo hình tròn và cũng đến cái độ tiện lợi mới bay thẳng theo
hình thang. Cái độ cao tiện lợi ấy thay đổi tùy theo thời tiết. Trời
quang đãng thì chim bay cao cách mặt đất 200 hoặc 300 thước ; trời u ám
thì chừng 150 thước và nếu có gió lạnh thì chim bay cao chỉ chừng 100
thước.
Về
tốc độ, chim bồ câu bay được từ 100 đến 120 cây số một giờ nếu trời
tốt. Bay đường trường hoặc trời xấu, chim câu chỉ bay được từ 70 đến 90
cây số là nhiều.
Những
chim câu được nuôi dưỡng cho ăn theo phương pháp đặc biệt và được huấn
luyện thuần thục thì khi đem bay thi, có thể bay được trên những quãng
đường dài từ 1000 đến 1800 cây số.
□
Chim
bồ câu với đôi mắt đẹp, trong sáng, với dáng điệu hiền lành trong bộ áo
trắng tinh hoặc có điểm hoa màu, trông mỹ miều như một cô gái đương
xuân và nhàn hạ như một ẩn sĩ thanh bạch. Nhưng ở đó, lại ẩn chứa thật
nhiều tài năng với những đặc tính lạ lùng trời ban cho. Thế nên chim bồ
câu đã được con người tận dụng thật đắc lực, đem lại những kết quả thắng
lợi về mọi phương diện cho con người dù trong thời bình hay trong chiến
tranh.
QUY ĐÌNH
(Viết theo Văn Hạc
trong Trung Bắc Chủ Nhật)