Thứ Tư, 24 tháng 4, 2019

MÙA XUÂN CỦA MẸ - Tỉ Tỉ


Mẹ đang ngồi cắm cúi nhổ mấy ngọn cỏ xanh vừa vươn lên trên ngôi mộ Ông tôi, một tiếng nổ lớn ngay chân Mẹ, cả tôi và thằng Hiền, cũng giật mình. Thằng Hiền đứng phắt dậy, quay nhìn phía sau. Thằng Cu Ni đang vỗ tay cười khoái chí. Trước ngôi mộ trước mặt, cây hương còn rung động. Thằng bé nghịch thật, dám đốt pháo, ném ngay xuống chân Mẹ. Hiền đưa đấm tay, hăm dọa:

 Cu Ni, mày hỗn nhá. Dám phá Mẹ há. Tao đấm cho ít cái bây giờ.

Thằng Ni đang cười hớn hở bỗng im bặt, mặt bí xị xuống, nước mắt bắt đầu tươm ướt đôi mi dài. Trông mà tội nghiệp. Mẹ đứng dậy, vẫy Cu Ni:

- Tới đây con, tới đây, giỏi, Mẹ thương.

Ni nghe Mẹ nói giọng ngọt ngào càng tủi thân, òa lên khóc nức nở. Mẹ vẫn vẫy gọi:

- Đừng khóc, xấu lắm. Con giai gì mà nhè thế, lại đây Mẹ, con.

Cu Ni vừa đến bên Mẹ vừa đưa tay chùi nước mắt. Đường đất mấp mô, ẩm nước suýt làm Ni té mấy lần. Mẹ chạy tới bên Ni, ẵm nó đến trước ngôi mộ Ông. Mẹ bảo:

- Xin lỗi ông đi con. Con đốt pháo làm ông giật mình đấy. Nhanh lên, xin lỗi không ông phạt bây giờ.

Ni vòng đôi tay mũm mĩm, cúi đầu thật thấp:

- Cháu xin lỗi ông ạ.

Trông Ni thương quá. Nước mắt còn đoanh tròng mà miệng đã mỉm cười. Chiếc áo len đỏ của nó nổi bật trên nền đất nâu ướt và đám cỏ xanh mùa xuân.

Mẹ dắt Ni lên thành mộ, ngồi kế bên. Không bảo nhau, tôi và thằng Hiền cùng chỗi dậy, giành nhau ngồi kế bên người. Tôi tuy lớn, nhưng con gái làm sao nhanh bằng thằng Hiền. Nó nhảy có ba bước, phóc qua thành mộ bên này, và ngồi chễm chệ bên Mẹ. Nó còn nheo mắt chọc tức. Tôi tức thật, vùng vằng:

- Con trai gì mà...

Nó cũng đưa mắt nhìn tôi:

- Con gái gì mà...

Tôi tức cười, không sao nín được. Thấy tôi loay hoay tìm chỗ ngồi được gần Mẹ, Mẹ bồng cu Ni bỏ lên chân, rồi vỗ vào thành mộ, chỗ cu Ni vừa ngồi, Mẹ gọi:

- Ngồi đây con.

Mẹ tôi thật dễ thương. Tôi chưa bao giờ nghe Mẹ gắt gỏng lần nào. Khi nào Mẹ giận kinh khủng, Mẹ vào phòng đóng cửa chặt suốt cả ngày. Đôi khi trong phòng vẳng ra tiếng lầm rầm khiến tôi sợ. Nhưng thực ra, Mẹ chỉ đọc kinh cho tâm hồn thanh thản trở lại. Đến bao giờ Mẹ cảm thấy có thể cười được với tất cả mọi người, Mẹ mới mở cửa phòng. Những lần như thế, không ai dám làm trái ý Mẹ nữa, nếu không nói là chiều chuộng và đón ý Mẹ để Mẹ được vừa lòng. Một điều rất hay là Mẹ không lấy thế để "làm nũng" với chúng tôi, Mẹ vẫn giữ bình thường như không có gì xảy ra, và nhờ thế, không khí dễ thở lại thân mật đầm ấm, và người nào gây cho Mẹ nổi giận như thế thường ít bị chạm tự ái, chỉ thấy thương Mẹ hơn bao giờ.

Thằng Hiền bẹo má cu Ni:

- Mày nghịch tao chưa đánh đấy nhớ.

Mẹ cốc đầu Hiền:

 Đừng chọc em. Nó khóc bây giờ.

Mẹ nhìn xa xôi:

 Mẹ hồi bé còn nghịch gấp mấy nữa kìa.

Tôi tròn mắt nhìn Mẹ:

- Mẹ mà nghịch ; Mẹ hiền một cây mà nghịch gì.

- Mẹ lớn mẹ mới hết chứ thuở bé, mẹ với cậu Hoài thôi khỏi chê.

Thằng Hiền tò mò. Cặp mắt dò hỏi trông hay lạ:

- Mẹ nghịch bằng tụi con không?

Mẹ hôn lên mái tóc cu Ni. Thằng bé đang mân mê mấy cây pháo còn lại, muốn đốt mà không dám. Mẹ nói, bâng khuâng:

- Mẹ nghịch hơn thằng chó này nữa kìa.

Mẹ bật cười nhỏ, cúi thả cu Ni xuống đất:

- Đi đâu thì đi đừng đốt pháo gần Mẹ, Mẹ giật mình.

Cu Ni chạy lúp xúp sang góc khác, lúi húi chọn một cây pháo căng cứng. Tiếng pháo nổ, vui thì cũng vui, nhưng nghe như tiếng đạn lẻ tẻ về đêm. Mẹ không nghĩ về tiếng đạn, mẹ đang mơ về thuở thơ ấu. Môi mẹ hé ra, nở nụ cười như thoáng nhớ một chuyện hay hay. Mẹ bảo:

- Hồi bé, Mẹ ngu lắm. Cậu Hoài thì con trai, nghịch đã đành, Mẹ con gái cũng không kém. Mẹ còn nhớ ngày hôm đó sắp đến Tết. À, mồng một chứ, Ông Bà đi thăm bà con vắng. Mình Mẹ với cậu Hoài ở nhà. Hai đứa đi đánh bạc chán lại đốt pháo. Bên cạnh nhà Mẹ có ông kia, ông ta nuôi một con chó bẹc giê to ghê lắm. Nó thường qua nhà Mẹ ăn và làm quen với Mẹ và cậu Hoài. Hôm mồng một, nó cũng sang. Mẹ với cậu Hoài đùa với nó một lúc, bỗng nảy ra một ý kiến nghịch kinh khủng. Mẹ với cậu Hoài lấy vải bố trùm đầu con chó, không cho nó thấy gì hết. Xong Mẹ vỗ đầu nó, trong khi chú Hoài tìm cái "loong" đặt cây pháo vào. Trời ơi, tiếng nổ nó to thế nào ấy. Các con biết không? - Mẹ ngừng lại để cười. Con chó đang nằm yên, bỗng giật thót mình chạy biến. Mà các con thấy, mắt không thấy đường, sợ tiếng nổ, nó chạy loăng quăng, sủa ầm ĩ. Lắc một hồi, cái bao tuột ra, nó phóng ra đường, chạy tuốt.

Thằng Hiền cười:

- Thế nó có cắn mẹ không?

- Đâu có, nó chạy, trốn chui ở đâu suốt mấy ngày trời không về. Mẹ với cậu Hoài sợ quá cũng không dám thú thật với Ông Bà.

- Thế ông hàng xóm có biết không?

- Biết đâu được. Ông tìm khắp xóm. Mà tội, phải cái đầu năm ông đâu dám chửi.

Thằng Hiền thích chí:

- Mẹ, mẹ sao con chó nó nghe tiếng nổ, nó lại sợ đến thế?

- Con gì nghe tiếng nổ bất thình lình như vậy mà không sợ? Mình nghe thằng cu Ni đốt pháo cũng còn giật mình huống gì con chó lúc ấy đang bị bịt mắt, đang được vỗ về.

Nhìn mắt thằng Hiền, tôi biết nó đang âm mưu gì. Tôi mách mẹ:

- Mẹ, thằng Hiền tính đốt pháo, chọc con Lucky nhà mình đó mẹ.

Thằng Hiền chối phắt:

- Đâu. Em nói vậy hồi nào.

Mẹ cười:

- Chúng mày làm sao đó thì làm, con Lucky mà trốn luôn thì chúng mày nhừ đòn với Ba đấy.

Mẹ nhìn khắp nghĩa địa, gọi lớn:

- Cu Ni, Ni đâu. Mẹ bảo này.

Thằng Ni, trời đất, đang ngồi bệt xuống đất ướt, nhìn chăm chú ngọn cỏ non.

Tôi chạy đến bên nó, cùng cúi nhìn. Một con nhện đang giăng tơ trên mấy đầu cỏ tranh. Những sợi tơ óng nước, xinh xắn. Thằng Ni chỉ lưới nhện cho tôi xem, giọng non nớt, đáng yêu:

- Ni muốn bịt mắt con nhện đốt pháo cho nó chạy!

Tôi buồn cười, hôn lên má nó, hôn lên cặp mắt nai tơ của nó:

 Bịt mắt rồi đó, đốt pháo đi.

Ni dãy dụa  trên tay tôi:

- Thả Ni xuống, Ni đốt pháo.

Một tràng tiếng nổ nghe gần làm tôi dừng phắt lại. Cu Ni lắng tai nghe:

- Nhà ai đốt pháo nghe to ghê chị há.

Tôi muốn bảo em không phải tiếng pháo đâu, tiếng súng đấy. Nhưng tôi chỉ ẵm nó, chạy nhanh về phía mẹ.

Mẹ tôi buồn rầu:

- Thôi về các con.

Trời mùa xuân dịu dàng, mưa bay, trời xám nhưng sạch. Tôi yêu nhất là những ngọn cỏ non, xanh mượt, nõn nà, và những chồi hoa e ấp, đáng yêu. Trời lạnh, mưa nên Violette nở đầy bồn, hương thoảng nhẹ. Vườn nhà tôi rực rỡ hoa tử vi, hoa hồng, hoa thược dược. Mẹ tôi chăm bón chúng tới hết tình trìu mến.

Tôi cũng yêu những sợi mưa bay, nhẹ như một loài bong bóng nhỏ, vương trên tóc, trên áo len, trên tơ nhện giăng đầy sân cỏ. Và tôi yêu nhất là những tia nắng đầu xuân, ngại ngần bước lên đám nhà chen chúc nhau sau lũy tre xanh. Những tia nắng kia đã lâu tôi không gặp. Ở đây chỉ có đường nhựa, nhà gạch, lan can bằng sắt. Nắng hình như cũng buồn hơn, chán hơn, và mất đi nét e ấp, nhỏ nhẹ như hồi chúng tôi còn ở quê làng. Tuy nhiên vào một ngày đầu xuân như hôm nay, đứng ở một nơi xa thành phố, giữa những hàng bia mộ nằm xen kẽ nhau, trên đám cỏ xanh và bao bọc bởi hàng rào dương liễu, tôi chợt nhiên thấy nắng hiện nguyên hình là một cô bé xinh tươi, vừa mới lớn. Nắng ngọt ngào, e thẹn,. Nắng ấm nhẹ và như có hương ở trong.

Tôi nói với Mẹ:

- Khoan về đã Mẹ. Ngồi với ông một chốc đã. Lâu lắm mình mới lên đây mà. Ngồi đây, mẹ kể chuyện tụi con nghe. Chuyện mẹ hồi bé ấy mà.

Mẹ hình như cũng có ít nhiều đổi thay trong lòng. Dường như tia nắng nhỏ, vương trên tóc Cu Ni làm mẹ nhớ thuở bé, và dường như mùi cỏ, mùi hương, mùi không khí sạch trong ở đây có cái gì quyến rũ Mẹ lại ngồi xuống thành mộ.

- Kể chuyện gì? Chuyện Mẹ hả. Thế thì nhiều lắm, nhưng Mẹ chả nhớ. À, mẹ nhớ cái nhà của Ông Bà hồi xưa ở làng T. có tiếng nhiều ma lắm. Bà cúng hoài, rằm mồng một nào cũng mua chuối, hoa. Đêm cuối năm ấy, Bà bày xôi, chè, chuối ra trước sân, trải chiếu, thắp đèn, hương khấn vái. Vừa cúi xuống lạy, ngẩng lên đã mất đi nải chuối. Bà tức lắm, chỉ chửi đổng và xuýt xoa xin lỗi ông Địa.

- Thế ai lấy hả Mẹ? Phải Mẹ và cậu Hoài không?

- Mẹ đâu có lấy. Bọn trẻ hàng xóm đấy chứ. Tụi nó lấy xong, gọi Mẹ với cậu Hoài ra, chia cho mỗi đứa hai quả.

- Sao tự nhiên tụi nó lại chia cho Mẹ và cậu Hoài hả Mẹ?

- Tại Mẹ giữ chó cho tụi nó vào mà.

Thằng Hiền và tôi bật lên cười. Cu Ni cụng nhe hàm răng "sún vì chua" của nó ra, cười toe toét. Thằng Hiền dí tay lên trán Cu Ni:

- Ni biết gì mà cũng cười. Xạo lắm.

- Ni biết chứ. Mẹ lấy chuối của Bà nè.

- Ẩu mày.

Cả mấy Mẹ con cùng vui. Pháo vẫn nổ lẻ tẻ đâu đó. Mẹ tôi chợt buồn:

- Phải chi có Ba các con thì hay biết mấy.

- Ba bảo Ba về sao Ba không về nhỉ.

Thằng Hiền láu táu:

- Chắc Ba bận đi hành quân.

Cu Ni thêm:

- Ba về, Ni khoe áo mới, Ni khoe mứt mẹ làm.

Tôi nhìn xuống chiếc áo dài xanh. Mẹ tôi may đó. Xinh thật xinh. Bộ đồ thằng Hiền thì mẹ mua, áo len Cu Ni Mẹ cũng đan. Mẹ tôi biết hết. Mẹ tôi là "Người biết quá nhiều". Biết nhiều nên Mẹ mới khổ, phải một tay làm mọi chuyện. Vì nếu để người khác làm, Mẹ không vừa ý.

Tôi thường nói với Mẹ:

- Con không tập làm gì hết đâu. Biết nhiều như mẹ thêm mệt.

Mẹ tôi chỉ cười, bảo tôi.

- Để Mẹ xem. Lớn lên thế nào rồi tự nhiên cũng phải biết con ơi. Đời đàn bà mà.

- Đàn bà thì phải làm việc hả Mẹ? Đâu được.

- Đó là thiên chức. Đó là một việc tự nhiên hết sức. Con không muốn cũng không được. Điều cần thiết là con hãy xem công việc con làm như một phần nhỏ trong hạnh phúc gia đình, và hãy vui thích mà làm, đừng xem đó là một việc bắt buộc phải làm.

- Chuyện đó sau hẵng hay. Mẹ à, vậy có ai dạy Mẹ làm không?

- Có chứ. Mẹ học Bà này, học các anh chị, bạn bè. Mỗi người một ít. Đời dạy cho mình chứ có phải tự nhiên mà biết đâu.

Mẹ tôi hay thật. Tôi cũng muốn được như Mẹ, nhưng tôi làm biếng lắm kia.

Tôi nhìn Mẹ. Mẹ tôi mặc chiếc áo lụa cũ từ năm ngoái. Tôi thương Mẹ quá.

- Sao năm nay Mẹ không mặc áo mới?

- Các con còn bé, các con mới cần ăn Tết, các con mới cần hưởng hết cả những ngày vui, chứ Mẹ, Mẹ lớn rồi.

- Bộ lớn không ăn Tết hả Mẹ?

- Không phải thế đâu nhưng Ba các con còn đi hành quân... Mà các con không hiểu đâu.

Tôi nháy mắt với Mẹ:

- Con hiểu chứ sao lại không? Mẹ muốn chia xẻ hết với Ba, vui cũng như buồn. Phải thế không Mẹ?

Mẹ tôi cười. Tôi thấy chiếc áo Mẹ tôi đang mặc đẹp hơn hết, mới hơn hết những chiếc áo mới trên thế gian này.

Chúng tôi cùng ngồi yên nhớ Ba vô vàn. Ba tôi đi hoài, mấy tháng mới về được chừng vài hôm, lại đi nữa. Những lần Ba tôi về phép, nhà tôi vui như hội. Mẹ tôi đi chợ, làm thức ăn thực ngon. Buổi tối, chúng tôi được Ba dẫn đi xem chiếu bóng. Tôi, thằng Hiền đều mong Ba tôi về thường hơn để có dịp ăn chơi thả cửa. Sau những ngày rộn ràng, căn nhà trở lại yên tĩnh và có khi như đưa đám sau khi Ba tôi vác Balô lên vai, đưa tay vẫy vẫy chúng tôi rồi leo lên xe "Jeep" trở lại đơn vị. Gần đến ngày Ba tôi về phép, bữa ăn nào chúng tôi cũng bàn tán xem nên mua gì cho Ba tôi ăn, nên đi xem ciné ở rạp nào, nên kể cho Ba tôi nghe những gì. Cu Ni nói nó sẽ kể cho Ba nghe chuyện cô giáo lấy thước đánh vào tay nó lúc nó đang hí hoáy vẽ bậy trên vở học. Thằng Hiền đặt một chương trình ăn chơi rất hấp dẫn: đi xem phim "Peter Pan", ăn mì gà... Mẹ bảo để Mẹ làm nem nướng, nấu chè hạt sen. Còn tôi, tôi hưởng hết mọi thứ, bắt Ba kể chuyện hành quân nghe chơi.

Thằng Hiền nói với Mẹ:

- Có lẽ mai mốt gì Ba về rồi đấy. Mẹ tính nấu cho Ba món gì?

Mẹ cốc đầu nó, cười:

- Mày chỉ biết ăn thôi. Tết thì ăn bánh Tét chứ ăn gì nữa. Cho Ba chúng mày trúng thực luôn. Sáng bánh Tét lạp xưởng, chiều bánh chưng trứng vịt. Vừa lòng chưa, cậu Trời con?

Mẹ thắp hương lên mộ ông lần nữa, khấn vái nho nhỏ, rồi bảo chúng tôi lại từ biệt.

Chúng tôi đi bộ ra khỏi nghĩa địa. Tôi nói với Mẹ:

- Nắng ở đây giống nắng làng mình ghê.

Mẹ tôi nhìn lại, dáng bâng khuâng, nhẹ gật đầu.

Suốt ngày hôm ấy, Mẹ có dáng nghĩ ngợi. Tôi biết Mẹ đang nhớ, và có thể đang tiếc những ngày tháng qua.

Tối, tôi bỏ giường sang nằm chung với Mẹ. Lâu lắm mẹ con tôi mới nằm chung với nhau. Còn nhớ độ nào không có Mẹ ở bên, không ôm được Mẹ là tôi không ngủ được. Lớn dần, tôi đâm ra muốn sống riêng tư, xa Mẹ, xa gia đình, dù tình thương  càng ngày càng tăng. Mẹ mỉm cười:

- Lạnh hả?

- Đâu có Mẹ, lạnh cũng có lạnh, nhưng muốn ôm Mẹ ngủ à.

Tôi chui vào mền, ôm lưng Mẹ như thuở bé, thấy mình nhỏ con và bé bỏng lạ. Thằng Cu Ni đẩy tôi ra:

- Chỗ của Ni mà, chị không được ôm Mẹ của Ni.

- Mẹ chị chứ Mẹ Ni hả. Ni đi ngủ với anh Hiền đi.

- Không, Ni ngủ với Mẹ cơ.

- Con trai gì lớn mà đòi ngủ Mẹ hở. Xấu!

- Chị cũng lớn mà. Chị có giường bên kia cà. Chỗ này của Ni mà.

Nhìn chúng tôi dằng co, Mẹ ôm cu Ni, bỏ nó sang phía bên kia. Thế là Mẹ nằm giữa, Cu Ni một bên, tôi một bên. Tôi thỉnh thoảng hất tay Ni, không cho ôm mẹ làm thằng bé hét tướng:

- Mẹ xem chị Thảo không cho con ôm Mẹ kìa. Mẹ mắng chị ấy đi Mẹ.

- Im đi nào. Tụi bây làm Mẹ mệt quá.

Mẹ mệt, nhưng Mẹ sung sướng. Tay Mẹ vuốt tóc tôi, tay kia vỗ vỗ lưng Cu Ni. Mẹ cười dễ thương ác.

Thằng Hiền ở nhà ngoài, nghe chúng tôi đùa ở trong, đang học bài, cũng xếp vở, chạy ùa vào phòng, nhảy lên giường, kéo chăn kín cổ. Cu Ni la oai oái:

- Lạnh em. Mẹ xem anh Hiền kéo mền của con kìa.

- Mền của Mẹ chứ của Ni hả.

Tôi cũng nhổm dậy:

- Con quỷ. Mày kéo mền vừa vừa chứ, để người ta đắp với. Lạnh chết đi ấy.

Hiền thấy bị tấn công quá, bèn xuống nước, trả bớt mền cho Cu Ni và tôi. Bốn mẹ con cùng nằm trong một giường. Tôi bảo Hiền:

- Ra tắt đèn ngoài đi cậu. Làm biếng hả.

Cu Hiền nhìn chỗ nằm ấm, nhìn ngoài nhà, le lưỡi:

- Thôi, lạnh lắm.

Mẹ cười:

- Ra tắt đèn đi Hiền. Con bật lên thì tắt đi chứ.

Hiền phóng mấy bước, tắt vội ngọn đèn, rồi chạy ùa vào giường như gió, miệng xuýt xoa như ăn ớt cay.

Mẹ tắt đèn lớn, bật ngọn đèn nhỏ. Căn phòng chìm trong ánh sáng mờ, ấm cúng hẳn lên. Mẹ không nói gì, nhìn lên đỉnh mùng. Cu Ni ôm cứng lấy Mẹ, nhất định hất tay tôi không cho đụng vào người Mẹ. Tôi lắng nghe tiếng mưa nhỏ trên nền nhà như bước chân ai đang dò dẫm ngoài vườn khuya. Tôi hỏi Mẹ:

- Ở làng ngoại, mùa này còn lạnh không Mẹ?

- Lạnh ghê lắm con. Nhưng không mưa. Nắng nhẹ thôi. Mấy cô mấy cậu tha hồ diện.

- Thế Mẹ có diện không?

- Mẹ ấy à. Cũng vậy thôi.

- Bà ngoại không mua áo mới cho Mẹ như Mẹ mua cho chúng con hả Mẹ?

- Có chứ. Tết, ngoại cũng mua vải đem ra tiệm may. Ngoại cho tiền Mẹ và cậu Hoài đi mua guốc mới. Đầu năm, Ngoại cũng cho tiền mừng tuổi. Thế nhưng các con cũng biết, làm sao thích bằng được Mẹ mình may lấy cho mình. Bà ngoại dữ lắm nghe. Còn ông Ngoại thì nghiêm. Mẹ với cậu Hoài mỗi lần nghe ông bà gọi là sợ điếng hồn.

- Thế sao Mẹ nghịch dữ vậy?

- Mẹ bắt chước tụi trẻ hàng xóm. Mà Mẹ với cậu Hoài chỉ nghịch khi không có ông bà Ngoại kia. Hễ có mặt ông bà thì ru rú, hiền như chó con. Với lại, suốt ngày Mẹ với cậu Hoài ở vườn sau, có bao giờ dám lên nhà trên đâu.

- Thế ông bà ngoại không thương Mẹ sao?

- Thương chứ. Nhưng ngày xưa nó nghiêm thế. Cha mẹ ít khi âu yếm với con. Tưởng cho con ăn uống đầy đủ là xong. Tới kỳ mẹ lớn, bà ngoại giữ Mẹ kỹ lắm. Đi đâu phải xin phép, Bà cho mới được đi. Ra ngoài mà ăn mặc diêm dúa quá, Bà bắt thay áo quần đã. Còn mà lôi thôi quá, Bà cũng mắng. Bà bắt Mẹ nấu ăn, dạy mẹ quay tơ, dệt vải. Hồi xưa Mẹ tự dệt vải lấy, may quần áo lấy.

- Thế hồi Mẹ gặp Ba, Bà có biết không?

- Gặp đâu mà gặp. Ngày gần cưới mới nhìn mặt Ba đấy chứ. Bà đặt đâu ngồi đấy mà.

- Mẹ, thế cậu Hoài đâu rồi?

- Cậu ấy mất rồi, mất hồi chạy loạn.

Mắt Mẹ rưng rưng nhớ em. Chúng tôi yên lặng.

Mẹ bảo:

- Dù tuổi thơ của Mẹ không sung sướng bằng các con hiện nay, Mẹ thiếu thốn nhiều, khổ cũng nhiều, và nhất là bị kiềm chế nhiều, nhưng tuổi thơ vẫn là tuổi thơ, có nhiều hình ảnh vô tư, xinh đẹp, dễ thương mà mình nhớ hoài.

Ngừng một chốc, Mẹ tiếp:

- Mẹ đã sống nên Mẹ hiểu các con cần những gì. Mẹ có bao nhiêu, Mẹ cho các con bấy nhiêu. Mai sau lớn lên, các con sung sướng Mẹ mừng, mà các con có khổ, các con cũng tự an ủi là mình đã có một thời hạnh phúc. Các con hiểu không?

 Hiểu ạ.

- Các con thêm một tuổi rồi, gần lớn hết rồi. Nhưng không hiểu sao Mẹ vẫn thấy các con bé bỏng lạ.

Tôi mỉm cười, nói cho có văn hoa một tí:

- Vì chúng con là mùa Xuân của Mẹ. Mùa xuân không bao giờ tàn. Mùa xuân yêu mẹ hoài hoài.

Mẹ vỗ lưng tôi:

- Thôi, bỏ đi cô.


Tỉ Tỉ     

(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa số 88, ra ngày 1-4-1968)


Nguồn : https://tuoihoandmore.blogspot.com