(phỏng dịch “Nachts schlafen die
Ratten doch” của W. Borchert)
… “Bầu trời thật quang đãng,
bỗng trên không tiếng ì ầm vang dội của động cơ rõ dần, và rồi… tất cả chỉ còn
lại những gì điêu tàn, đổ nát – Giờ đây đã ba hôm mà đống gạch vụn bao quanh
tôi vẫn còn ngút khói – … Tất cả chỉ còn là một đống gạch vụn! Một trái bom có
thể tàn phá cả một ngôi làng trù phú như vầy sao?!...”
Cậu bé mệt mỏi với những ý
nghĩ trong đầu. Cậu mơ màng, trước mắt cậu hiện ra cảnh sân trường với hàng
phượng vĩ, với những buổi đá banh cùng chúng bạn… cậu mỉm cười kiêu hãnh.
“Ồ, hôm đó mình có những cú
“sút” hay tuyệt!”
Cậu bé thích quá cười to và
mở hẳn mắt ra… mặt cậu bỗng nhiên buồn hẳn lại – Giờ đây còn đâu những buổi đá
bóng!... Cậu gục đầu bên thềm cửa mà cậu đoán chừng đó là nhà cậu khi xưa – Căn
nhà thân yêu của cậu bé!
- Này em… sao lại ở đây?
Cậu bé ngồi choàng dậy, tay
thủ ngay khúc cây đã đặt sẵn bên mình – … mắt cậu dịu lại khi trông rõ vẻ hiền
lành hiện trên gương mặt người bộ hành đứng tuổi.
- Em làm gì ở đây? Sao lại ở
đây?
Cậu bé nhìn người khách đầy
vẻ nghi ngại, đảo mắt nhìn quanh, tay nắm chặt thêm cây gậy, phác một cử chỉ
bâng quơ:
- À,… tôi canh chừng – … mà
ông đừng hỏi, không nói được đâu.
- Canh chừng gì mới được
chứ?
- Chuột!...
Ông thấy đó, nơi đây đầy chuột.
Ông khách ngạc nhiên:
- Chuột
hả? Kệ nó chứ, nơi đây có ai ở đâu, kệ nó chứ.
Cậu bé lại lắc đầu quầy
quậy:
- Không được đâu ông ơi, nơi
đây đầy chuột mà “nó” thì nhỏ xíu hà. Mà… không nói được đâu ông ơi!
Cậu cương quyết hơn, quyết
liệt hẳn, cặp mắt sáng quắc ánh trên gương mặt trẻ thơ của cậu.
- Tôi đã bảo là không nói
được mà. Tôi không nói đâu ông ơi – Không nói được đâu!...
Ông khách cười dễ dãi, xoa
đầu cậu bé:
- Thôi được… Tên em là gì?
Cái này nói được chứ?
- Jurgến, 9 tuổi – Tôi học
trường làng bên cạnh, ngôi trường có nóc đo đỏ ấy. Còn trường của chúng tôi bị
dội bom sập hết rồi ông ơi! Buồn ghê đi!
Ông khách quỳ xuống trước
mặt cậu bé, nét mặt hiền dịu.
- Tôi đố Jurgến nhé; vậy chứ
9 lần 3 là mấy?
- Ư… 9 lần 3 hả?... 9 lần 3
là mấy hả?... 9 lần 3 là… 27 chứ mấy! 9 lần 3 là 27, tôi biết ngay mà.
- Jurgến giỏi thật – ông
khách cả cười – mà Jurgến có biết tôi đi đâu không?
Cậu bé nhìn người khách đầy
vẻ thân thiện.
- Ông mua rau cải cho súc
vật ăn chứ gì, dễ ợt!
- Hay quá!... Nhưng sao em
biết?
Người khách ngạc nhiên thật
sự, nhưng lại phì cười khi chợt nhìn xuống chiếc giỏ đầy cải dưới tay.
- Em tinh lắm! Em biết đó,
tôi có rất nhiều thỏ, mà em có muốn xem không?
Mắt Jurgến sáng ngời:
- Muốn chứ, tôi thích lắm
chứ!
Nhưng cậu bé bỗng buồn hẳn
đi khi nhìn xuống chiếc gậy trong tay.
- “Nó” cũng thích thỏ lắm –
Cậu bé ngước nhìn người khách – … Tôi thích thỏ của ông lắm, nhưng không được,
tôi bận đuổi chuột. “Nó” thì nhỏ xíu mà ông thấy đó, chuột nhiều quá đi!
- Nhưng cái gì nhỏ xíu mới
được chứ?
Cậu bé nhăn mặt khổ sở.
- Không được đâu ông ơi.
“Nó” nhỏ xíu hà! Tôi cũng thích thỏ của ông lắm, thích ghê lắm… mà đi không
được đâu – Tôi đã bảo là nói không được đâu, ông đừng có hỏi nữa.
Ông khách dợm bước.
- Thôi được, em cứ ở lại với
các bí mật của em. Tôi về cho thỏ tôi ăn đây. Nếu thích thì em theo tôi.
Cậu bé hốt hoảng:
- Ý, ông ơi… khoan đã…
- Gì thế em?
Nhưng… cậu cúi đầu, ngập
ngừng:
- Tôi nói cái này… mà ông
phải hứa là không được thuật lại với ai cả nhé – Cậu nhìn ông khách với vẻ dò
xét – … Tôi muốn nói… Chuột nó ăn xác chết ấy
mà.
Ông khách nhăn mặt:
- Bậy nào! Đừng ăn nói vậy
chứ!
- Thật mà, thầy tôi bảo vậy
đó.
Cậu bé cãi với đầy vẻ suy
nghĩ.
- Ông biết không, hôm làng
mình bị dội bom ấy, em tôi chạy không kịp, nó bị đè bẹp dưới hầm. Đến bây giờ
người ta vẫn chưa đem nó lên được. Nó nhỏ xíu hà, ông ơi! Nó mới 2 tuổi hà… Nó
nhỏ hơn tôi nhiều lắm! – … Thật mà, thầy giáo tôi bảo : Chuột
ăn thịt người chết. Ở đây chuột nhiều ghê đi mà em tôi thì nhỏ xíu! – Ông biết
không, ngoài giờ cơm, giờ học, là tôi chạy ngay ra đây. Tôi canh chừng hai ngày
rồi, mệt quá, tôi vừa thiếp ngủ thì ông đến – … Em tôi nhỏ xíu hà ông ơi! Nhỏ
hơn tôi nhiều lắm…
Cậu bé nghẹn ngào, nước mắt
long lanh trên mắt cậu. Người khách quỳ xuống, dịu dàng ôm cậu bé vào lòng.
- Trời sắp tối, chuột ngủ
rồi, em về đi, em mệt lắm rồi đấy.
- Không có đâu ông ơi, thầy
tôi đâu bảo vậy.
Ông khách vẫn dịu dàng:
- Thật mà, ban đêm chuột nó
ngủ – Em không tin tôi sao? Tôi là người lớn mà, tôi lớn hơn thầy em mà. Vả
lại, ông thầy khùng ấy không nói với em là ban đêm chuột nó ngủ sao?
Cậu bé nghi ngờ:
- Ông không gạt tôi chớ?
- Em không tin tôi sao? Điểm
ấy thật quan trọng mà thầy em lại quên – Em về đi nhé – Trời sắp tối rồi, cứ độ
năm, sáu giờ chiều là chuột đã bắt đầu ngủ say. Còn em của em thì nó… đang an
giấc lắm, không sao đâu.
Cậu bé có vẻ xiêu lòng, yên
lặng nhìn ông khách.
- Hay em theo tôi về nhà vậy
nhé. Tôi cho thỏ ăn xong thì đưa em về – Em thích thỏ lắm hả? – Tôi sẽ tặng em
một con nhá.
Cậu bé tươi hẳn nét mặt:
- Ông cho tôi một con thật
hả? – Mà thỏ ông mắt đỏ hay đen? – Tôi không có chuồng làm sao nuôi… ba tôi
nghèo ghê lắm!
Ông khách xoa đầu cậu:
- Dễ mà, em nhặt những mảnh
ván nầy nhé, tôi sẽ chỉ cho ba em đóng chuồng. Dễ lắm mà.
Ông khách tươi cười:
- Mà thôi, em cứ ở đây nhặt
ván đợi tôi nhé. Đừng đi đâu đấy. Tôi về nhà và mang một chú thỏ đến cho em.
Chúng mình sẽ cùng về nhà em để đóng chuồng. Nhớ đừng đi đâu đó nghe.
Cậu bé tươi tắn gật đầu.
Người khách đứng lên và chiếc giỏ trong tay lắc đều theo nhịp bước vội vàng.
Ông khuất dần, khuất dần… và từ xa vẫn còn cố đưa tay ra dấu bảo cậu bé chờ đấy
– Em cậu đã ngủ rất bình yên – Hãy an tâm – Bên cậu giờ đây chỉ còn có Tình Thương
và Tình Người –
THĂNG LONG
(Trích từ bán nguyệt san
Tuổi Hoa số 127, ra ngày 15-4-1970)
Nguồn : https://tuoihoandmore.blogspot.comBìa của Vi Vi : Có bầu có bạn có túi cơm khô |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét