1___
Em
về đây thế là được một tháng rồi đấy. Thực sự, em chả thích về đây tí
nào nhưng mẹ bắt về em làm sao được? Hôm cậu Ba ra đón em khóc hết nước
mắt níu tay bố:
- Bố, cho con ở lại với bố đi, con không về ngoại đâu.
Bố cúi xuống, em nhìn rõ từng nét nhăn trên trán bố:
- Con về trước với mẹ, bố cũng thu xếp để về sau chứ mình đâu có ở đây được, con.
- Bố cũng về, bố cho con lên ở với bà Nhất. Con không muốn về ngoại.
Bố chưa kịp nói gì thì mẹ đã hét:
- Con ranh con, bắt cậu đợi mãi à? Có lên xe đi không?
Bố bóp chặt tay em:
- Con phải về với mẹ không thôi bố buồn con đó.
Em
cúi đầu buồn bã từ đó. Cho đến lúc về đến Saigon. Vòng tay cúi chào
ngoại và các cậu, các mợ, các dì, các chú em thấy mỏi cả cổ (!). Em thấy
ghét những vẻ kênh kiệu của những người em cúi chào. Em như một cái máy
gật lia lịa trước mọi người. Em đã thực sự tách rời những người bên họ
ngoại mất rồi. Hình như mọi người đều muốn rằng: em phải vui vẻ, phải
coi như được một đặc ân khi phải dọn cả nhà về đây. Dì Út nhận xét về
em:
- Cái mặt nó cứ vênh vênh lên.
Em
không buồn vì câu nói và thái độ ấy, Em chỉ buồn, chỉ nhớ trường của
em, các bạn của em thôi. Bố em bảo tại lộn xộn hoài nên phải về nhà
ngoại. Em đâu có sợ những đêm chui hầm. Thế mà bố cứ bắt em về. Em buồn
ghê gớm. Về đây, em cũng tiếp tục đi học nữa. Cái lớp học em chả ưa tí
nào tuy trường lớn thật lớn. Lúc em vào lớp –
những khuôn mặt và ánh mắt soi mói, nhìn em. Tự nhiên em sùng sùng: Bộ
tui lạ lắm sao? Nghĩ vậy rồi em hất mặt lên nhìn thẳng vào từng khuôn
mặt. Ồ –
chả có ai em thấy mến được cả. Em lại nhớ con Thúy Hằng, con Quốc Ni.
Em gọi thầm: "Quốc Ni ơi, mi đang làm gì đó, tao đang buồn kinh khủng
đây!". Cô giáo cho em ngồi ngay bàn thứ ba, ở đầu bàn. Em quay sang nhìn
nhỏ bên cạnh:
- Tui là Trung, Lệ Trung, còn trò tên gì?
Nhỏ e dè nhìn em rồi đáp nhỏ:
- Hồng Vân – Lê Hồng Vân – Trò mới vô hả?
- Ừa.
Xì – hỏi lãng xẹt. Em mới vào lớp sáng nay đó thôi. Tự nhiên em thấy hơi mến mến nhỏ này – Nó có ánh mắt e dè như con Thúy Hằng, bạn em ở ngoài đó.
Đang chép thời khóa biểu, cô giáo hỏi em ở đâu về. Em đáp nhỏ "Thưa cô, ở Pleiku". Em lại thấy nhớ lũ bạn em ghê gớm – Eo ơi – vào đây em gặp toàn mấy soeur áo trắng mập ơi là mập – ở ngoài đó ấy à. Soeur Damiel gầy gầy trắng xanh đẹp thiệt đẹp nè. Cha già Thức mập ù hay bẹo má tụi em nè – Chớ đâu có giống ở trong nầy – khiếp –
chán thấy mồ. Em thấy ghét bố em ghê (!) Khi không bố em bắt em về cái
"sa mạc giữa chợ" này. Em không biết mình dùng chữ có đúng không vì em
chỉ nghe chị Vũ giảng "sa mạc" là vùng đất hoang vu và "chợ" là nơi có
nhiều người tụ họp lại để buôn bán. Về tới nhà, em rút lên sân thượng
một mình, ở nhà đâu có ai thèm nói chuyện với em. Em có hỏi cũng chỉ để
nhận những câu nói hằn học mà thôi – Hôm mới về, mẹ chỉ vào em, cái con ranh này nó không chịu về đâu, nó khóc lóc mãi đấy. Ngoại nhìn em nặng nề:
- Mày về đây tao ăn thịt mày à.
Từ
đó, mọi người dành cho em thái độ rất đặc biệt. Em muốn nói cho ngoại
biết rằng: không phải em không muốn về là sợ ngoại ăn thịt, (sức mấy mà
ngoại dám ăn thịt em, thịt người tanh lắm làm sao mà ăn) nhưng vì em
không muốn xa các bạn em – hội đoàn nè, Cha xứ nè và soeur Damiel đẹp thiệt đẹp – thế thôi –
Nhưng em không được phép nói với ngoại, vì như thế là hỗn, là láo,
là... đủ thứ hết, mẹ em nói mà em quên rồi. Em không biết diễn tả sao
cho văn vẻ dễ đọc vì em chỉ học mới lớp Bốn hà, các bạn có đọc cũng đừng
chê em viết lộn xộn nghe. Em nghĩ sao thì viết vậy thôi.
2______
Ở
nhà, em sống lạnh lùng (!) giữa mọi người, đến lớp em lại phải cô độc.
Các bạn ở đây khó thương ghê. Mà... làm sao ấy... Nhiều lúc em nhớ ngoài
đó, em kể chuyện pháo kích, chuyện người chết vì đạn lạc... tụi nó
không tin mà còn cho là em nói xạo! Tức mình em không thèm nói chuyện
với tụi nó. Vậy mà không yên đâu, hồi sáng, xách cặp vào lớp em gặp 2
nhỏ Ngọc Hà với Chu thị Lý đứng dưới gốc dừa, em cười xã giao:
- Chào hai bồ – Hai bồ thuộc bài chưa, trời ơi, Trung học mãi mà chả thuộc được, chắc hôm nay bị cô phạt quá.
Ngọc Hà cười rinh rích, giọng nhão nhẹt:
- Tui đâu có học bài được, tối hôm qua tui phải chui dưới "tăng xê" từ 6 giờ chiều lận mà!
Em
tím mặt. Nó nhạo em đây. Hôm trước em kể chuyện cho nó nghe đây mà. Em
nhìn thẳng mặt Hà, nhăn mũi xì một tiếng và vào lớp, em nghe tiếng con
Lý đuổi theo sau:
- Bày đặt – Xạo không à. Cứ làm như lính ấy mà kể chuyện pháo kích với chui hầm. Cái mặt nó mà nghe pháo kích cứ gọi là... ấy trong quần!
Rồi
hai đứa cười rúc rích, tiếng cười đuổi theo em vào đến tận chỗ ngồi. Em
gục mặt xuống bàn, buồn bã. Em xa lánh tất cả. Em lạnh lùng và hình như
cái mặt em có vênh lên, bất cần nữa. Em lại nhớ Thúy Hằng, nhớ Quốc Ni,
nhớ cả thằng bé Đức Quốc em nhỏ của Quốc Ni nữa – Ở đây, em không tìm thấy nụ cười có răng khểnh xinh xinh của Quốc Ni – Em không tìm thấy đôi mắt đen thật đen của Đức Quốc – Em cũng không tìm thấy nụ cười hiền thật hiền của Thúy Hằng – Em lạc lõng – Em cô độc giữa những người và người.
- Chị. Chị xích vào trong cho Thanh ngồi với!
Em giật mình ngẩng đầu, trước mặt em, một "ma mới" đang ôm cặp chờ đợi – thấy em ngẩng đầu, Thanh cười nhẹ:
- Cô bảo em ngồi đầu bàn này, em mới vào học sáng nay.
Nhỏ này hiền ghê! Em nghĩ như thế và xích vào trong. Cô nhìn em cười:
- Trung xích vào cho Thanh ngồi với.
Em quay sang nhỏ Thanh:
- Tên trò là Thanh hả?
- Ừa.
- Gì Thanh?
- Ngô thị Thanh Thanh.
Á – Ngộ – Nhỏ này có tên nghe nhẹ nhẹ làm sao ấy – Em hỏi tiếp:
- Trò mấy tuổi?
- Chín. Mà... Chị hỏi nhiều thế?
Em cười:
- Tánh tui vậy đó – tui là Trung – Vũ thị Lệ Trung – bằng tuổi với trò.
Thanh cười hồn nhiên:
- Ngồi bên chị vui ghê, Thanh cứ sợ không quen ai cả đó – Hồi ở ngoài đó, Thanh đi học chung với 5 nhỏ bạn vui kinh khủng.
Em nhìn Thanh Thanh, cô bạn mới vừa nói gì vậy?
"Hồi ở ngoài đó" nghĩa là sao? Hay là...
- Thanh à, trò nói ở ngoài đó là ở đâu? Chớ không phải trò ở Sàigòn à?
- Đâu có, em mới ở Kontum về mà.
Kontum, em gật gù – nhớ rồi – Kontum của Thanh (!) cách Pleiku của em (!) 47 km mà – Em thấy mến nhỏ này hơn chút nữa.
- Thanh Thanh nhớ Kontum không?
- Nhớ chớ, lẽ ra Thanh đâu phải về, tại trên đó lạnh nên vết thương của Thanh nó hành nhức dễ sợ mẹ mới cho Thanh về đấy chứ!
Em tròn mắt:
- Thanh bị thương à?
- Ừa – Nói xong cô bé vén áo cho em xem một miếng băng lớn úp trên bụng cô bé – Em lạnh người xít xoa:
- Thanh bị bao giờ? Còn đau hả?
- Miểng pháo kích đó – lâu rồi mà mãi chả khỏi, cứ phải băng hoài đó.
Em nắm tay Thanh Thanh –
em gặp được tri kỷ rồi đây - Em linh cảm em sẽ hết cô độc. Thanh Thanh
đã bị thương, Thanh Thanh còn biết cả pháo kích là gì nữa – Em cười thật vui, xiết chặt tay Thanh Thanh:
- Trung cũng dân di tản nè. Thanh chơi với Trung nhé.
Em im vội tiếng cười vì cô giáo đang nhìn em.
- Chép bài đi Thanh ơi, cô nhìn đó.
□
Mấy nhỏ trong lớp thấy em chơi với Thanh Thanh chúng ghét ra mặt – Em tự hỏi sao người ta ích kỷ thế không biết. Nhưng rồi em thản nhiên, tự nhủ chả thèm để ý đến làm gì. Những giờ ra chơi –
Thanh Thanh kể cho em nghe những chuyện Phương Nghĩa, chuyện Kontum của
Thanh với những lần chạy... cong đuôi khi có tin báo "họ" về.
Thanh
Thanh kể chuyện có duyên kinh khủng. Em cũng kể cho Thanh Thanh nghe
chuyện Pleiku của em. Chuyện em chui hầm bị cô em nhốt suốt một ngày. Đủ
thứ chuyện chúng em kể cho nhau nghe. Nhiều lúc em thấy Thanh giống
Quốc Ni ghê gớm. Hôm nay, lúc lớp em đang chép bài thì một tiếng nổ dễ
sợ làm mái tôn rung rinh và sách vở của chúng em nhảy nhổm (!) trên bàn – Các bạn em ôm mặt rú lên –
Có đứa khóc hu hu chui xuống gầm bàn. Đứa nào đứa ấy xanh lét mặt mũi.
Cô giáo thản nhiên viết bài. Em quay sang nhìn Thanh Thanh, em gặp nụ
cười cố hữu:
- Chắc pháo kích, Thanh há.
- Ừa. Lâu lắm Thanh chưa nghe tiếng pháo kích.
- Trung cũng vậy đó. Nhớ mấy tiếng nổ đó ghê chứ, Thanh nhỉ?
Chúng em cười với nhau – nhìn sang các bạn – Xì, có chút đó mà xanh mặt xanh mũi vào – Nhát hít à –
Đúng là một lũ... chuột nhắt (chả biết có đúng không vì em rất sợ chuột
nên chả dám nhìn bao giờ để mà biết chuột nhắt là thế nào)
Tiếng Thanh nhỏ nhẹ bên tai em:
- Tụi nó sống ở đây yên ổn quá rồi nên nhát như thỏ.
Em gật đầu - Tự nhiên thấy tội nghiệp mấy nhỏ đang chui gầm bàn ghê –
Cám ơn trời (!) em đã sống, đã biết thế nào là giặc giã, là chiến tranh
để bây giờ em bình thản trước một tiếng nổ tầm thường trong lúc lũ bạn
em co rúm người vì sợ. Em nhéo tay Thanh Thanh:
- Thấy tội nghiệp tụi nó chưa kìa Thanh!
Thanh Thanh cười rúc rích. Em nhìn Thanh Thanh trân trối – Em thốt gọi:
- Quốc Ni!
À! Không! Thanh Thanh chứ – Chúa ơi giống Quốc Ni ghê.
Mà... đúng rồi, Thanh Thanh có nụ cười răng khểnh của Quốc Ni – Dáng dấp hiền hiền của Thúy Hằng và đôi mắt đen thật đen của soeur Damiel – Em bóp tay Thanh Thanh ; gọi từng tên mà em thương mến đời đời:
- Thanh Thanh! Quốc Ni! Thúy Hằng!...
Mt. HOA