Trong
thành phố này còn hai bóng hình thân yêu của quá khứ mà tôi luôn luôn
mong được gặp lại: bà giáo Hội dậy tôi năm lớp tư và thầy giáo Huy dậy
tôi năm lớp nhất.
Đó
là di tích cuối cùng của ngôi trường cũ. Những ngôi trường nhỏ của tuổi
lên năm lên mười thường là nơi ta tha thiết muốn tìm về. Từ hàng hiên,
mái ngói, bóng cây đều có thể làm xao xuyến giấc mộng kẻ tha hương.
Hành
trang của một chú bé khi rời đất Bắc tất nhiên chẳng còn gì. Sau bao
năm tháng những hình bóng cũ biến thành một nỗi tiếc thương không ray
rứt nhưng vẫn khắc khoải, đậm đà. Quá nhiều chuyện mới diễn ra trước
mắt, vô vàn kỷ niệm mới chồng chất lên ký ức tôi, nhưng ngôi trường nhỏ
vẫn còn đó góp mặt vào những cơn sầu nhớ mênh mang, tưởng như vô cớ.
Một
lần nào đó, trong căn nhà của một người bạn mới quen, tôi gặp lại hình
chụp Tháp Rùa chìm trong sương mai, tôi chợt nghĩ đến tất cả những bức
hình cũ, đã vàng ố trong hành trang của những kẻ rời bỏ quê hương. Mỗi
người mang theo một hình bóng thân yêu của mình. Con đường cũ, căn nhà
xưa gây xúc động đặc biệt cho những người liên hệ với nó. Tháp Rùa, Chùa
Một Cột có thể là một nỗi nhớ thương chung, nhưng chỉ là nỗi nhớ nhẹ
nhàng, phảng phất.
Thầy
Huy, bà Hội còn tiếp tục dạy học. Có hàng ngàn đứa trẻ đã ghi trong trí
nhớ hình ảnh hai người. Nhưng với riêng tôi, hai người đó là một thứ
hành trang tình cờ, tôi không hề mang theo, mà tôi còn lại.
Cho tới nay, tôi vẫn chưa có dịp nào thực sự được ngắm nghía thỏa thích hai bức hình kỷ niệm sống đó.
Một buổi trưa, dừng xe ở một ngã năm, chờ đèn xanh, tôi thoáng thấy bà giáo Hội đi bên kia đường rẽ vào một ngõ hẻm.
Lúc
đó tôi đang vội vã. Hai năm nay tôi luôn luôn vội vã, đến nỗi thành
thói quen. Thói quen này kéo theo một thói quen xấu khác, ưa suy tính cả
trong những trường hợp không cần thiết. Nắng trưa như cháy da, tâm trí
tôi đã bứt rứt, không yên. Tôi mang máng nhớ rằng tôi đang vội vã, tôi
tự hỏi sẽ phải bỏ ra bao nhiêu thời giờ, nói những câu gì để bà giáo Hội
có thể nhớ ra đứa học trò cũ. Một thanh niên ba mươi tuổi rất khó nhắc
bà nhớ nổi hình dáng của một đứa trẻ học lớp tư năm xưa.
Khi
nghĩ ngợi băn khoăn về tất cả những điều ấy xong, tôi đã phải vòng
quanh cái trụ đèn đặt giữa ngã năm. Rồi tới lúc mà tất cả sự xôn xao,
cảm động xô giạt mọi suy tính, tôi chỉ còn nghĩ một điều giản dị: phải
gặp bà, phải nói với bà lập tức rằng tôi là học trò cũ của bà, tôi chạy
tới con hẻm kia thì không thấy bà đâu.
Lúc
đó tôi mới tự phiền trách mình. Nếu không còn một dịp tình cờ nữa, tôi
làm sao gặp lại bóng hình của quá khứ ấy. Năm nay bà giáo Hội đã già. Cứ
trông đợi ở một dịp tình cờ khác tôi sợ sẽ có ngày tình cờ đọc thấy ít
dòng chia buồn, cáo phó trên báo. Khi đó tâm trí lại vang lên điệp khúc
bi thương: chẳng bao giờ nữa, chẳng bao giờ nữa!
Thêm
vào những nỗi ân hận lớn nhỏ chất chồng trong tôi lại có thêm cả vụ bắt
hụt một hình bóng thân yêu cũ, ngày hôm đó. Những nỗi ân hận kín đáo,
âm thầm như một gói hành lý vô hình nhưng thật cồng kềnh, nặng trĩu. Nó
khiến cho người lữ hành trong đôi ngày mệt mỏi, tuyệt vọng, có cớ để
thấy ra cái vẻ phơ phất của mình giữa kiếp phù sinh.
Ôi chao! Mình cũng chẳng ra gì!
Nếu không có duyên gặp gỡ, người ta có hàng trăm ngàn năm, có cả quả địa cầu để tránh né nhau.
Ra
đời bên nhau một thế kỷ hai người sẽ chỉ tìm nhau qua bức tường thời
gian dầy đặc, mịt mù. Đứa trẻ chào đời ở Á Châu cùng giây cùng phút với
đứa trẻ sanh ra ở Phi Châu có thể suốt đời không một lần gặp gỡ. Không
gian, thời gian cách biệt nghìn trùng, dịp may gặp gỡ chỉ như một cái
chấm nhỏ.
Kẻ
lạc bước trong sa mạc, phút hấp hối, hắn muốn làm quen với tất cả nhân
loại. Hắn sẽ cảm thấy thật thấm thía sự cần thiết những kẻ khác, những
con người đồng thời. Hắn mơ về những vùng đất có con người, có sự gặp
gỡ.
Một kẻ nào tình cờ đến bên hắn lúc đó sẽ trở thành hùng vĩ, phút gặp gỡ sẽ hóa thành phép mầu.
Giữa
sự mênh mông của thời gian, không gian mỗi cuộc gặp gỡ đều như một cái
chấm hiếm hoi và quí giá. Nhưng hai kẻ đồng thời được đặt trong cùng một
đường phố suốt đời vẫn là khách lạ. Tôi mến nó cùng những người vồn vã
thích làm quen, thích bạn bè. Cũng như ta họ xẹt qua cuộc đời một giấc
chưa dài trăm năm, nhưng trong cái vẻ vui tươi cất tiếng gọi người này,
vỗ vai người kia, ta tưởng như có hàm ý, thiết tha chú trọng đến duyên
gặp gỡ, đến sự may mắn của những người không bị trăm năm trước mặt, ngàn
năm sau lưng hay đường xa vạn dặm cách ngăn.
Trong niềm thao thức thương nhớ quê hương, tôi là kẻ lạc trong sa mạc, khao khát không nguôi những giọt nước hình bóng cũ.
Tôi
tưởng sẽ chẳng còn gặp một ai cùng nhắc nhở tới ngôi trường nhỏ bé năm
xưa. Chỉ có một mình tôi bơ vơ trong những tiếc thương mơ tưởng thầm
lặng.
Bởi thế, bà giáo Hội, thầy Huy xuất hiện như một ảo ảnh tươi mát dù hồi đó địa vị của hai người và tôi khác nhau.
Trong
giờ học cũng như trong giờ chơi, nhưng chúng tôi đã cùng thấy những tàn
cây ngoài cửa sổ, lớp sơn vàng trải đầy sân trường. Trong trí nhớ của
chúng tôi có cả sợi dây đu buộc vào một cành cây lớn ở sân sau.
Thầy
giáo tôi có thể quên mùi hương đặc biệt của cỏ cây vào đầu mùa hoa
phượng, nhưng chắc không quên những trái me khô rụng rải rác đầy sân
trường vào mùa thu.
Những
con đường nhỏ quanh trường, những con đường của tỉnh lỵ ấy tôi nhớ hết.
Nếu tôi nhắc chắc hai người sẽ nhớ. Chúng tôi sẽ dắt nhau về thăm những
hình bóng cũ trong cảm giác khắc khoải ngậm ngùi.
Trí
nhớ của người này nâng đỡ trí nhớ của người kia. Tiếng nói người kia
bắt cầu cho tiếng nói người này. Trên con đường tìm về quá khứ, chúng
tôi phải dò dẫm, hụt chân, bước sai, bước lệch, nhưng chúng tôi không
lạc đường. Chỉ có thầy giáo, bà giáo hiểu rõ nỗi xôn xao trong lòng tôi
khi tôi nhắc tới hai tiếng sân trường. Cũng như chỉ mình tôi thấy được
từng hốc cây, bụi cỏ, mùa hoa phượng rực rỡ ràng vào trong trí nhớ của
hai người.
Trên
mặt cát mênh mông cháy bỏng vừa xuất hiện những vết chân. Người lữ hành
tuyệt vọng, bắt được dấu tích thân yêu của nhân loại thân yêu tất phải
nhào tới...
Tìm gặp được thầy Huy lần đầu tiên tôi không hề vội vã, nhưng chính thầy lại là người không thể đứng nói chuyện lâu.
Thầy dậy ở một ngôi trường bên Khánh Hội. Tôi đến đúng giờ tan học, thầy vừa cho học trò ra khỏi lớp.
Mới
đầu thầy lầm tôi với một cậu học trò nào đó ở Hải Dương. Khi thầy được
nhắc nhở tới, nhớ ra tôi nhớ cả chỗ tôi ngồi trong lớp cùng một vài
người bạn hồi ấy của tôi thì thầy cũng tỏ ý không thể tiếp tục câu
chuyện được. Thầy phải đi đón cậu con út mặc dầu khi gặp tôi thầy sung
sướng và cảm động thật tình.
Hai
hôm sau, một buổi tối, tôi lần theo địa chỉ thầy ghi lại cho. Khi đến
trước cửa nhà thầy tôi chợt hiểu tại sao thầy cũng luôn vội vã, gấp gáp.
Căn
nhà lụp xụp, bề ngang được chừng ba thước, trước cửa nhà nước đọng sau
trận mưa buổi chiều còn ngập tới cổ chân. Trong nhà, trên chiếc phên gỗ,
ba đứa trẻ sàn sàn tuổi nhau đang đùa nghịch, đập lộn nhau bằng mấy cái
gối vải. Đây là căn nhà có thể tìm thấy ở bất cứ xóm lao động nghèo khổ
nào.
Tôi hiểu rằng ông chủ của một gia đình chui rúc trong một căn nhà như vậy luôn luôn phải vội vã gấp gáp.
Hai
năm nay, tôi đã có nhiều kinh nghiệm về sự vội vã không thể tránh được.
Đời sống ngày một khó khăn, muốn cho sinh hoạt gia đình bớt suy sút,
thê thảm, cách duy nhất là tăng năng suất làm việc, rồi tăng giờ làm
việc. Cứ thế mỗi ngày tôi phải đem thêm thời gian để bú đắp vào chỗ
thiếu thốn của ngân quỹ gia đình.
Tôi hỏi mấy đứa bé:
- Ba đâu?
Đứa nhỏ nhất trả lời bằng giọng còn hơi ngọng:
- Ba đi dạy học.
- Giờ này còn dạy học?
Đứa lớn nhất giải thích:
- Ba dạy tư, chín giờ về.
Còn một giờ rưỡi nữa, tôi lững thững trở ra đầu hẻm tìm một quán cóc. Đã chắc gì lát nữa gặp nhau thầy sẽ vui?
Nghe
một đứa học trò cũ nhắc lại nghĩa cũ tình xưa có thể thầy rất sung
sướng. Nhưng tôi sợ rằng thầy không còn thì giờ để hưởng sự sung sướng
ấy. Sau một ngày làm việc liên tiếp thầy rất mệt. Thì giờ ở nhà chắc
cũng được tính toán cả rồi. Giờ nào ăn cơm, giờ nào soạn bài, chấm bài.
Tất nhiên cái thời khóa biểu thường nhật của thầy không có thì giờ nào
dành để tiếp học trò cũ. Phút gặp gỡ vui vẻ có thể bắt thầy trả giá đắt.
Sau cuộc viễn du vào quá khứ thầy lại lo hoàn tất công việc để ngày mai
khỏi thiếu sót. Thầy phải thức khuya hơn, vất vả hơn.
Trong
sách giáo khoa dạy trẻ có kể chuyện ông đại tướng về thăm thầy cũ. Dưới
mái trường xưa, ông đại tướng cảm động vô cùng khi nói với đám trẻ rằng
trước đây ông đã từng ngồi chỗ chúng đang ngồi, học ông thầy mà chúng
đang học. Ông thầy cũ tất nhiên vừa kiêu hãnh vừa xúc động.
Làm
tới đại tướng người ta có thể về thăm thầy cũ một cách dễ dàng, vì ít
nhất cũng đem theo một niềm tin kiêu hãnh. Còn kẻ tầm thường đi tìm hình
bóng cũ thấy đường sá gập ghềnh gian nan quá.
Trong lòng những chú bé ngoan xưa, luôn luôn nặng một ước mơ đầy hiếu kính.
Chú
bé mơ ước rằng sau này, lớn lên chú sẽ giàu có. Chú sẽ kiếm ba, kiếm
má, kiếm thầy cũ, bạn hữu, biếu họ thật nhiều tiền để ai nấy đều sung
sướng. Chú thật lòng muốn đền ơn những nhân vật mến yêu thuở đầu đời.
Ước
mơ thuở nhỏ viển vông và dễ thương. Nhưng giả thử bây giờ tôi giầu có
thật, nỗi băn khoăn sẽ tan biến ngay. Tôi sẽ xóa bỏ bớt những thiếu thốn
của thầy, để thầy bớt vội vã. Tôi sẽ biến những giờ phút cực nhọc của
thầy thành những giây phút thanh nhàn để cùng ngồi ôn quá khứ.
Đến
với thầy trong tình xưa nghĩa cũ là quí rồi. Trước đây tôi hân hoan
nghĩ thế. Nhưng rõ ràng là cuộc đời không chịu dừng lại chờ đợi và nuôi
dưỡng một chút tình người.
Câu
chuyện về ngôi trường cũ, lớp học xưa sẽ diễn ra thế nào giữa hai người
cùng thắc thỏm nghĩ tới sự tiến đều của chiếc kim đồng hồ? Sự tàn phá
của miếng cơm manh áo thật lặng lẽ mà vô cùng khốc liệt.
Trên
cái chấm nhỏ, giao điểm của hai con đường thời gian, không gian dài vô
hạn, chúng tôi đang gặp nhau. Nhưng rồi trong cái chấm đó vẫn còn biết
bao nhiêu khoảng cách mênh mông.
Buổi tối hôm ấy, tôi ngồi ở quán cóc suy đi tính lại cho tới tám giờ rưỡi, rồi về.
Người
phiêu bạt bỏ xứ sở ra đi chỉ muốn được về làng với chiếc áo gấm. Kẻ rời
bỏ những ngày thơ ấu muốn gặp lại thầy, cô, chẳng cần phải có y phục
lòe loẹt, nhưng mảnh áo gấm cần thiết của hắn ta chính là sự nên người.
Tôi
thấy tôi đã chẳng ra gì. Gặp lại thầy để trình ra một cuộc đời mà chỉ
cần kể lại năm mười phút đã có dăm bảy lời than thở, đôi ba tiếng thở
dài! Đường tìm về chút kỷ niệm xưa sao mà xa thăm thẳm.
Thầy
đã không may, học trò thầy lại chẳng đạt. Phút hội ngộ dù đầy xúc cảm,
nhớ thương vẫn mênh mông ai oán. Bởi vì nơi ngôi trường nhỏ bé ấy, lời
dạy dỗ đầu tiên thầy gửi đến đám trẻ thơ đã hàm chứa một nguồn hy vọng.
LÊ TẤT ĐIỀU
(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 1, ra ngày 15-8-1971)