Thứ Hai, 9 tháng 9, 2019

CHINH PHỤC CHỊ HẰNG - T. Th.


Kế hoạch Apollo bắt đầu từ tháng 5-1961 khi Tổng Thống Hoa Kỳ John F. Kennedy cam kết với dân chúng Mỹ sẽ đưa con người đổ bộ lên Nguyệt cầu "trước khi thập niên này chấm dứt".

Hơn 350.000 người gồm khoa học gia, kỹ sư, chuyên viên nam nữ được huy động để thực hiện lời cam kết lịch sử đó.

Bảy năm đầu 1961-1968 là giai đoạn chuẩn bị, gồm hai chương trình Mercury và Gemini, tổn phí lối 1 tỷ 800 triệu mỹ kim. Các chuyến bay trong hai chương trình này nhắm chứng minh sức chịu đựng của con người, rằng con người có thể sống, hoạt động và thực hiện những cuộc ráp nối (hội ngộ) trong không gian giữa hai phi thuyền.

Các dữ kiện và kinh nghiệm thâu thập được qua các chuyến bay trên sẽ bảo đảm cho sự thành công của các phi vụ Apollo sau này:

APOLLO 7, mở đầu cho các phi vụ Apollo 3 người, bay 163 vòng quỹ đạo trái đất trong 11 ngày từ 11 21.10.1968.

APOLLO 8, với 3 phi hành gia Borman, Lowell và Anders. Đây là 3 con người đầu tiên tiến vào vùng tiếp cận của một thiên thể ngoài địa cầu - chỉ cách mặt trăng 112 cây số. Trong 10 vòng bay quanh quỹ đạo Nguyệt cầu, phi hành đoàn Apollo 8 đã thực hiện một loạt những bức hình quan trọng, đặc biệt là hình mặt trái Nguyệt cầu lần đầu tiên được ghi vào ống kính thật chính xác và rõ ràng. Các bức hình này còn giúp các khoa học gia chọn những địa điểm đổ bộ trong tương lai.

Kéo dài 6 ngày và 3 giờ, từ 21 đến 27.12.68 với 1 vòng rưỡi quỹ đạo trái đất và 10 vòng quỹ đạo Nguyệt cầu.

APOLLO 9. Từ 3 đến 10.3.1969 với 151 vòng quỹ đạo trái đất. Chuyến bay trắc nghiệm thành công cuộc hội ngộ giữa phi thuyền mẹ do David Scott điều khiển và phi thuyền con do hai phi hành gia Mc Divitt và Schneickart lái.

APOLLO 10. Trở lại với Nguyệt cầu trong một phi vụ 8 ngày, từ 18 26.5.69. Trong lúc PHG. Young điều khiển phi thuyền chỉ huy bay quanh quỹ đạo Nguyệt cầu, Stafford và Cerman đáp phi thuyền con sà xuống chỉ cách mặt chị Hằng 15 cây số. Đây là hai người được đến gần chị Hằng nhất từ trước.

APOLLO 11. Lúc 20g 17 (giờ quốc tế) ngày 20.7.1969, Nguyệt xa Phượng Hoàng của Apollo 11 nhẹ nhàng đáp xuống vùng Biển Yên Lặng trên Nguyệt cầu. Từ một thiên thể cách 384.294 cây số trong không gian, phi hành gia Armstrong gọi về địa cầu: "Nhắn Houston, đây là Căn cứ Yên lặng. Phượng Hoàng đã đổ bộ".

Hơn 6 giờ sau, lúc 2 giờ 56 ngày 21.7.1969, phi hành gia Hoa Kỳ Neil Armstrong, 38 tuổi, chỉ huy phi vụ Apollo 11, đặt bước chân đầu tiên của nhân loại lên mặt nguyệt cầu. Ông tường trình: "Đây là bước chân nhỏ bé của con người nhưng là một bước tiến nhảy vọt vĩ đại của nhân loại... Mặt đất rắn tối và đầy cát bụi. Nguyệt cầu có một vẻ đẹp riêng của nó... Rất đẹp".

15 phút sau đến lượt Edwin Aldrin bước xuống mặt trăng. Và cả hai khởi sự tản bộ quanh vùng đổ bộ, đặt những máy móc và dụng cụ trắc nghiệm khoa học.

Trong thời gian này phi hành gia Michael Collins lái phi thuyền chỉ huy bay trên quỹ đạo nguyệt cầu.

17g ngày 21.7.69, nguyệt xa Phượng Hoàng rời khỏi nguyệt cầu sau 21 giờ 37 phút viếng thăm, mang theo Armstrong và Aldrin cùng 22, 5 Kgs mẫu đá mặt trăng. Kỷ vật loài người để lại gồm 1 tấm bảng khắc những lời chào mừng thân thiện của loài người (xem đầu bài) mang chữ ký của phi hành đoàn Apollo 11 và của Richard Nixon, Tổng Thống Hoa Kỳ, cùng với các bức thông điệp thiện chí của 73 nhà lãnh đạo khắp thế giới, và một lá quốc kỳ Mỹ.

Các kỷ vật này, cũng như những dấu giầy của các phi hành gia để lại trên mặt đất đầy bụi của Cung Trăng, sẽ còn tồn tại hàng thế kỷ vì mặt nguyệt cầu không bị các hiện tượng xoi mòn như ở mặt đất.

21g 35, nguyệt xa Phượng Hoàng được phi thuyền mẹ đón ở độ cao 110 cây số cách mặt trăng.

16g 50 ngày 24.7.69, Apollo 11 an toàn hạ xuống Thái Bình Dương, kết thúc "Chuyến mạo hiểm vĩ đại nhất của loài người"

APOLLO 12. Phi vụ thứ hai đưa người lên nguyệt cầu. Hai PHG. Conrad và Bean đổ bộ xuống vùng Biển Bão ngày 19.11.69 trong khi Gordon lái phi thuyền chỉ huy bay quanh nguyệt cầu. Phi vụ kéo dài 10 ngày từ 14 24.11.69 gồm 1 vòng rưỡi Trái đất và 45 vòng quỹ đạo mặt trăng, thâu thập 33, 5 Kgs đá nguyệt cầu.

APOLLO 13. Từ 11 17.4.70, phi vụ "nửa đường đứt gánh" vì trục trặc hệ thống dưỡng khí. Các phi hành gia được lệnh trở lại ngay địa cầu trong khi đang tiến đến gần chị Hằng. Tuy nhiên cuộc trở về an toàn. Con số 13... định mệnh?

APOLLO 14. Từ 31.1 đến 9.2.71 gởi hai PHG. Shepard và Mitchel lưu lại 34 giờ trên nguyệt cầu, thu nhặt 41, 5 Kgs đá. PHG. Roosa điều khiển phi thuyền mẹ.

APOLLO 15. Lần đầu tiên một nguyệt xa tên Rover được dùng để di chuyển trên mặt trăng. Hai PHG Scott và Irwin lưu lại 67 giờ, mang về 76, 5 Kgs đá và đất. PHG Worden chỉ huy phi thuyền mẹ bay trên quỹ đạo nguyệt cầu và thực hiện những cuộc quan sát khoa học trong phi thuyền. Phi vụ gồm 74 vòng quỹ đạo mặt trăng kéo dài từ 26.7 đến 7.8.71.

APOLLO 16. Gồm ba khi hành gia Young, Mattingly và Duke, từ 16 27.4.72. Trong khi Mattingly bay quanh quỹ đạo nguyệt cầu chụp hình chị Hằng, Young và Duke thám hiểm một vùng cao nguyên trên mặt trăng, thực hiện ba cuộc thám du bằng chân và bằng nguyệt xa Rover tổng cộng 20 giờ 15 phút, thời gian ở ngoài phi thuyền đổ bộ lâu nhất từ trước đến nay.

Họ cũng thiết lập các dụng cụ quan sát vũ trụ lần đầu tiên trên mặt trăng, và máy thâu hình, cho thấy quang cảnh lúc phi thuyền đổ bộ mang họ rời khỏi mặt trăng trở về địa cầu.

APOLLO 17. Phi vụ chót của chương trình Apollo gồm các phi hành gia Cernan, Schmitt và Evans từ 7 19.12.1972. Lần đầu tiên một nhà địa chất học Schmitt được gởi lên mặt trăng. Ông cùng với Cernan lưu lại 75 giờ, thiết lập các dụng cụ máy móc nghiên cứu địa chất và mang về một lượng đá và đất nhiều nhất trong 6 phi vụ đổ bộ nguyệt cầu.

TỔNG KẾT: Kế hoạch Apollo gồm 11 chuyến bay 3 người, hai quanh quỹ đạo trái đất và 9 quanh quỹ đạo mặt trăng. Sáu trong số 9 phi vụ này mỗi lần có hai phi hành gia đổ bộ nguyệt cầu, tổng cộng là 12 phi hành gia. 12 phi hành gia khác chỉ bay quanh quỹ đạo mà không đổ bộ. Có 3 phi hành gia đi về 4 lần giữa địa cầu và mặt trăng: James A. Lovell Jr trên Apollo 8 và 13, John W. Young trên Apollo 10 và 16, và Eugene A. Cernan trên Apollo 10 và 17.

Với chuyến bay Apollo 17 kết thúc trong tốt đẹp, Hoa Kỳ tuyên bố sẽ không trở lại Nguyệt cầu trong vòng thế kỷ này.

Giã từ chị Hằng, và trả lại chị thế giới im lặng từ ngàn năm nay của chị bị loài người quấy động suốt thập niên vừa qua.


T. Th.   

-----------------------
HÌNH TRÊN : Một trong hai người đầu tiên của nhân loại đặt chân lên Nguyệt Cầu : Phi hành gia Edwin Aldrin đang dò dẫm ở bậc thang cuối cùng trước khi nhảy xuống mặt Nguyệt Cầu.


(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 208, ra ngày 1-9-1973)


Nguồn : https://tuoihoandmore.blogspot.com